Vận dụng phương pháp học tập hợp tác (Cooperative Learning) trong giảng dạy kỹ năng nói tiếng Anh ở bậc Đại học

Dựa trên các khung lý thuyết, bài viết này xem xét những ý nghĩa thực tiễn của phương pháp này đối với việc giảng dạy kỹ năng nói tiếng Anh, đặc biệt là tại các trường đại học.

Tóm tắt: Bài viết này nghiên cứu việc áp dụng phương pháp học tập hợp tác (Cooperative Learning) để giảng dạy kỹ năng nói tiếng Anh cho sinh viên đại học. Học tập hợp tác, dựa trên nỗ lực hợp tác giữa các sinh viên để cùng hoàn thành nhiệm vụ, là phương pháp dạy học tiên tiến đang được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ. Dựa trên các khung lý thuyết, bài viết này xem xét những ý nghĩa thực tiễn của phương pháp này đối với việc giảng dạy kỹ năng nói tiếng Anh, đặc biệt là tại các trường đại học. Ngoài ra, bài viết còn cung cấp một số hướng dẫn cho giảng viên mong muốn tích hợp phương pháp học tập hợp tác một cách hiệu quả vào chương trình giảng dạy kỹ năng nói tiếng Anh ở bậc đại học.

Từ khóa: Học tập hợp tác, giảng dạy, kỹ năng nói tiếng Anh, đại học

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, kỹ năng nói được coi là kỹ năng quan trọng trong bốn kỹ năng (nói, nghe, đọc và viết) của việc học tiếng Anh. Khi nắm vững được kỹ năng này, sinh viên có thể chủ động giao tiếp với nhau, bày tỏ ý tưởng của mình và cũng có thể tìm hiểu ý tưởng của người khác thông qua giao tiếp. Tuy nhiên, có thể thấy nhiều sinh viên chưa có khả năng nói và diễn đạt ý tưởng của mình bằng tiếng Anh. Có một số lý do dẫn đến vấn đề này. Sinh viên có thể cảm thấy nhàm chán với các phương pháp dạy học truyền thống. Với các phương pháp này, các lớp học tiếng Anh tại trường học thường lấy giảng viên làm trung tâm. Sinh viên có ít cơ hội trong lớp để giao tiếp bằng tiếng Anh và không hào hứng tham gia các hoạt động học kỹ năng nói. Một lý do khác là sinh viên không cảm thấy tự tin khi nói tiếng Anh do lo lắng về việc mắc lỗi hoặc bị bạn cùng lớp chê cười. Vì vậy, thay đổi phương pháp giảng dạy kỹ năng nói tiếng Anh nhằm tạo nhiều cơ hội hơn cho sinh viên sử dụng tiếng Anh và tạo ra môi trường học tập thoải mái trong đó sinh viên có thể tham gia vào các hoạt động, diễn đạt ý tưởng và giao tiếp trôi chảy cũng như giúp các em xây dựng thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh. Học tập hợp tác (Cooperative Learning) là một phương pháp học tập tiên tiến, dựa trên các hoạt động làm việc nhóm của sinh viên để thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo ra sự tương tác giữa các sinh viên và cải thiện khả năng nói tiếng Anh đồng thời làm cho lớp học trở nên thoải mái hơn để sinh viên cảm thấy tự do nói và bày tỏ suy nghĩ của mình mà không ngại ngùng hay miễn cưỡng (Albore & Lanka, 2018), Đây là một phương pháp giảng dạy được sử dụng phổ biến trên thế giới để nâng cao khả năng nói và hiểu tiếng Anh của sinh viên. Ngoài ra, học tập hợp tác giúp nâng cao thái độ tích cực của sinh viên đối với các hoạt động học kỹ năng nói trong lớp học, tạo cơ hội cho các sinh viên trong lớp tham gia tích cực vào các hoạt động. Đồng thời, giảng viên có thể sử dụng phương pháp giảng dạy này để nâng cao tương tác giữa sinh viên và giảng viên với vai trò là người hướng dẫn, quản lý các hoạt động học tập trong lớp.

2. Một số khó khăn trong việc giảng dạy kỹ năng nói tiếng Anh cho sinh viên

Trong những năm gần đây, việc dạy tiếng Anh đã chuyển từ mô hình lấy người dạy làm trung tâm sang mô hình lấy người học làm trung tâm. Sự thay đổi này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng nói tiếng Anh để người học có thể thể hiện bản thân khi nói tiếng Anh trong ngữ cảnh thực tế (Sharma, 2018). Dạy kỹ năng nói là một trong những nội dung cơ bản của dạy học ngoại ngữ bên cạnh học các kỹ năng nghe, đọc và viết. Theo Rochmahwati (2016), quá trình dạy và học ngoại ngữ khác nhau ở mỗi sinh viên, từ tình huống này sang tình huống khác. Vì vậy, trước khi bắt đầu dạy giảng viên cần biết thông tin cơ bản của sinh viên, dựa trên nhu cầu của họ. Các thông tin này bao gồm dữ liệu về độ tuổi, sở thích, thói quen, trình độ hiện tại của sinh viên, đặc biệt là nhu cầu học và kết quả mong đợi của họ. Trong quá trình dạy kỹ năng nói tiếng Anh, sự lưu loát, chính xác và phát âm là ba yếu tố thiết yếu trong việc phát triển kỹ năng nói của sinh viên (Al-Tamimi & Attamimi, 2014). Xem xét các yếu tố này, các tác giả này nhấn mạnh kỹ năng cần thiết trong việc nói tiếng Anh bao gồm việc sử dụng các từ, cụm từ, phát âm thích hợp, ngữ pháp để nói trôi chảy.

Theo Afriz al (2015), việc dạy kỹ năng nói trên lớp có thể gặp rất nhiều khó khăn. Lý do đầu tiên liên quan đến khả năng của sinh viên như phát âm, từ vựng hoặc ngữ pháp. Lý do này dẫn đến vấn đề ngại ngùng và sợ mắc lỗi. Lý do thứ hai là sinh viên thiếu động lực khi nói tiếng Anh. Thứ ba là việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong lớp học. Sinh viên có xu hướng sử dụng ngôn ngữ thứ nhất trong các giờ học kỹ năng nói vì chưa đủ khả năng diễn đạt ý bằng tiếng Anh.

Bên cạnh những trở ngại từ phía sinh viên, việc dạy nói còn gặp phải những vấn đề từ phía nhà trường và giảng viên. Các phương pháp dạy tiếng Anh truyền thống coi trọng  việc học ngữ pháp, từ vựng, viết mà ít chú trọng đến kỹ năng nói, thực hành kỹ năng nói. Điều này xuất phát từ việc chương trình học và thi cử quá nặng về ngữ pháp, trong khi việc luyện phản xạ và giao tiếp lại không được chú trọng. Sinh viên có thể nắm chắc ngữ pháp tiếng Anh, thi qua môn nhưng lại không thể biến chúng thành công cụ để giao tiếp được. Một số giảng viên tiếng Anh vẫn áp dụng phương pháp dạy cũ như phương pháp dịch ngữ pháp, lấy người dạy làm trung tâm, yêu cầu sinh viên ngồi học im lặng mà không cùng nhau luyện tập và tham gia vào các hoạt động giúp phát triển kỹ năng nói (Afriz al, 2015). Trong lớp học, giảng viên đóng vai trò là người giảng bài và là người đặt câu hỏi, đưa ra các câu hỏi, sinh viên thụ động trả lời các câu hỏi. Ngoài ra, việc giảng viên chọn những chủ đề nói không phù hợp với sinh viên và không cung cấp hướng dẫn đủ cũng khiến môi trường học tập nhàm chán hoặc căng thẳng. Một lý do khác là trình độ của sinh viên không đồng đều và có sự khác biệt khá lớn về năng lực. Trong quá trình học, việc ngại giao tiếp bằng tiếng Anh và kiến thức cơ bản hạn chế, không theo kịp lượng kiến thức của chương trình học sẽ gây nhiều khó khăn cho giảng viên, sinh viên ở trình độ sơ cấp theo không kịp, còn ở trình độ cao hơn thì lại cảm thấy nhàm chán, không muốn học và chính giảng viên cũng gặp những khó khăn trong việc giảng dạy, theo sát, khó có thể quán xuyến hết tất cả sinh viên, từ đó gây trở ngại cho cả việc dạy và học.

3. Vận dụng phương pháp Học tập hợp tác trong giảng dạy kỹ năng nói tiếng Anh ở bậc đại học

3.1. Khái niệm Học tập hợp tác

Nhận thức được những khó khăn trong việc dạy kỹ năng nói, giảng viên tiếng Anh cần lưu ý việc giới thiệu các hoạt động dạy kỹ năng nói trong quá trình dạy tiếng Anh. Những hoạt động như vậy phải cung cấp cho sinh viên cơ hội thực hành tiếng Anh trong lớp hoặc ngoài lớp học (Sharma, 2018). Theo Ur (2000), các hoạt động  dạy kỹ năng nói thành công cần có 4 nguyên tắc sau. Thứ nhất, sinh viên dành nhiều thời gian nhất trong lớp để nói chuyện. Thứ hai, tất cả sinh viên đều có cơ hội phát biểu như nhau. Thứ ba, sinh viên háo hức phát biểu vì hứng thú với các hoạt động được giới thiệu. Cuối cùng, trình độ ngôn ngữ phù hợp và dễ hiểu với khả năng giao tiếp từ ngữ của sinh viên với nhau khi giao nhiệm vụ luyện nói.

Tương tự như vậy, theo Rochmahwati (2016),  các hoạt động dạy kỹ năng nói cần đảm bảo 3 tính chất sau. Đầu tiên là Diễn tập (Rehearsal) – sinh viên có cơ hội thực hành nói trong các tình huống thực tế trong và ngoài lớp học. Thứ hai là Phản hồi (Feedback) trong đó giảng viên phản hồi với các vấn đề và kết quả học tập của sinh viên như thế nào để đề ra hướng giải quyết. Cuối cùng là Hào hứng tương tác (Engagement) – sinh viên được khuyến khích tham gia vào các hoạt động. Trong thực tế dạy kỹ năng nói ở trường đại học, mục đích là giúp cho sinh viên có thể nói được Tiếng Anh, có năng lực giao tiếp (Afriz al, 2015). Do đó, Afriz al (2015) cho rằng các hoạt động dạy kỹ năng nói tiếng Anh ở trường đại học nên được thiết kế để giúp sinh viên: để nói chuyện trong một lĩnh vực rộng lớn cho các mục tiêu khác nhau trong các bối cảnh khác nhau, để hiểu các loại tài liệu và chủ đề khác nhau, tiếp tục tương tác thông qua việc sử dụng các loại phương pháp giao tiếp khác nhau.

Với mục đích nâng cao kỹ năng nói và thái độ của sinh viên đối với các hoạt động giảng dạy kỹ năng nói tiếng Anh, một số phương pháp giảng dạy mới đã được áp dụng. Học tập hợp tác là một phương pháp đã được đánh giá là hiệu quả trong dạy học ngoại ngữ.

Các nhà nghiên cứu khác nhau định nghĩa Học tập hợp tác một cách khác nhau. Theo Er và Atac (2014), Học tập hợp tác là một quá trình trong đó sinh viên làm việc và học tập cùng nhau trong nhóm để đạt được mục tiêu chung. Trong Học tập hợp tác, mỗi thành viên trong nhóm có thể thúc đẩy không chỉ việc học của chính họ mà còn của người khác (Maman & Rajab, 2016). Họ cùng nhau tham gia hoạt động và cùng nhau hưởng lợi từ việc hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ (John, 2017). Do đó, kết quả đạt được khi làm việc nhóm mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên trong nhóm (Chiriac, 2014). Không chỉ vậy, bài báo của Cornelius-Ukpepi, Aglaz or và Odey (2016) đã ủng hộ rằng phương pháp này làm tăng mối quan hệ trong lớp và thúc đẩy kết quả học tập của sinh viên nhờ sự hợp tác nhóm.

3.2. Nguyên tắc của phương pháp học tập hợp tác

Theo Al-Tamimi và Attamimi (2014), hoạt động học tập hợp tác nên đáp ứng các yêu cầu sau:

Sự hỗ trợ lẫn nhau một cách tích cực: Tất cả các thành viên trong nhóm cần hợp tác để đạt được mục tiêu học tập.

Trách nhiệm cá nhân: Mỗi thành viên trong nhóm có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ, hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả học tập của cá nhân và nhóm.

Tăng cường tương tác: Sinh viên trong nhóm cần giao tiếp với nhau và với giảng viên nhằm đạt được mục tiêu của nhóm.

Kỹ năng giao tiếp và xã hội: Những kỹ năng này giúp sinh viên làm việc và phát triển mối quan hệ với các thành viên khác trong nhóm.

Quá trình vận hành nhóm: Là yếu tố định nghĩa chất lượng của các hoạt động và tương tác giữa các thành viên trong nhóm với nhau. Bên cạnh giảng viên, sinh viên cũng cần tự mình đánh giá chất lượng làm việc nhóm của mình. Điều này rất quan trọng để củng cố phương pháp dạy học hợp tác. Chẳng hạn như, mỗi thành viên trong nhóm có đảm nhiệm những chức năng khác nhau rõ ràng hay không? Từng cá nhân có đang thể hiện điểm mạnh của bản thân hay không? Quá trình giao tiếp và trao đổi giữa các thành viên trong nhóm như thế nào?

3.3. Hiệu quả của phương pháp học tập hợp tác

Nhiều nghiên cứu khác nhau ủng hộ rằng lợi ích của học tập hợp tác là rất nhiều. Một trong những lợi ích của Học tập hợp tác là nâng cao kỹ năng nói của sinh viên. Nghiên cứu của Ngadiso (2016) đã đưa ra kết luận rằng Học tập hợp tác mang lại sự phát triển vượt bậc về kỹ năng nói của người học bằng cách khuyến khích sự hợp tác giữa họ. Sinh làm việc theo nhóm nhỏ và đóng góp cá nhân cho sự thành công của cả nhóm, điều này tạo ra cảm giác được sự đoàn kết và hỗ trợ. Học tập hợp tác khuyến khích sinh viên nói lên ý kiến, ý tưởng, suy nghĩ, cảm xúc, từ đó cải thiện kỹ năng nói của họ.

Một tác dụng tích cực khác của Học tập hợp tác là làm giảm sự lo lắng về việc mắc lỗi của sinh viên trong lớp. Học tập hợp tác mang lại cơ hội cho sinh viên suy nghĩ và trao đổi những đóng góp của mình trong các nhóm nhỏ. Trong bài báo của Ngadiso (2016), cách tiếp cận này sử dụng hoạt động nhóm để kiểm tra những sai sót trước khi nhóm trình bày. Vì vậy, học sinh không xấu hổ khi mắc lỗi. Kết quả là, Học tập hợp tác có thể làm giảm sự lo lắng trong lớp học ngôn ngữ.

Một lợi ích quan trọng nữa của Học tập hợp tác là nó giúp cải thiện thái độ của sinh viên đối với các hoạt động nói. Theo Taqi và Al-Nouh (2014), Học tập hợp tác mang lại một môi trường thú vị cho sinh viên tham gia và thảo luận trong các nhóm. Tương tự, kết quả nghiên cứu của Al-Tamimi và Attamimi (2014) cho thấy sinh viên xây dựng thái độ tích cực hơn khi học hỏi từ bạn bè thông qua các hoạt động nói áp dụng phương pháp học tập hợp tác.

3.4. Các bước áp dụng phương pháp học tập hợp tác để dạy kỹ năng nói tiếng Anh

Phân Nhóm: Chia sinhviên thành các nhóm nhỏ từ 3-5 thành viên. Đảm bảo sự đa dạng trong mỗi nhóm, cân nhắc các yếu tố như trình độ tiếng Anh, tính cách và phong cách học tập.

Xác Định Mục Tiêu Rõ Ràng: Trình bày mục tiêu học tập và kỳ vọng cho hoạt động nói. Đảm bảo sinh viên hiểu rõ mục đích của nhiệm vụ và những gì họ cần mong đợi đạt được.

Cung Cấp Hướng Dẫn: Giải thích nhiệm vụ một cách rõ ràng, cung cấp hướng dẫn từng bước. Mô hình hóa hoạt động nếu cần, thể hiện cách sinh viên nên tham gia vào nhiệm vụ nói.

Phân Công Vai Trò: Giao cho mỗi thành viên trong nhóm các vai trò hoặc trách nhiệm cụ thể. Ví dụ, một sinh viên có thể là người điều hành cuộc trò chuyện để giữ cho buổi thảo luận trên đúng hướng, một người khác có thể là người canh thời gian, và một người khác có thể là người ghi chú.

Cung Cấp Tài Liệu Hỗ Trợ: Cung cấp tài liệu hoặc nguồn tài nguyên liên quan để hỗ trợ sinh viên trong quá trình tham gia hoạt động nói. Điều này có thể bao gồm danh sách từ vựng, các câu bắt đầu hoặc ví dụ về cuộc đối thoại.

Giám Sát và Hỗ Trợ: Quan sát các nhóm khi họ làm việc, cung cấp hướng dẫn, trả lời câu hỏi và đảm bảo tất cả sinh viên đều tham gia tích cực. Khuyến khích và phản hồi khi cần thiết.

Khuyến Khích Hợp Tác: Nhấn mạnh sự quan trọng của hợp tác và làm việc nhóm. Khuyến khích sinh viên lắng nghe tích cực các thành viên trong nhóm, đặt câu hỏi và cung cấp phản hồi xây dựng.

Tạo Cơ Hội Nói: Tạo cơ hội cho mỗi sinh viên nói trong nhóm của họ. Khuyến khích các sinh viên ít nói tham gia bằng cách cung cấp hỗ trợ hoặc đặt câu hỏi.

Tạo Điều Kiện Nói Trước Lớp: Sau hoạt động, tổ chức một buổi thảo luận để sinh viên có thể thảo luận về kinh nghiệm, những thách thức và những gì họ đã học được. Khuyến khích sinh viên xác định các lĩnh vực cần cải thiện.

Phản Hồi: Cung cấp phản hồi về cả nội dung và các khía cạnh ngôn ngữ của nhiệm vụ nói. Tôn trọng những điểm mạnh và những điểm cần cải thiện và đưa ra các gợi ý cụ thể.

Lặp Lại và Củng Cố: Tích hợp các kỹ thuật học tập hợp tác thường xuyên vào các bài dạy kỹ năng nói để cung cấp cơ hội luyện tập và củng cố kỹ năng nói cho sinh viên.

Đánh Giá Hiệu Suất: Đánh giá hiệu suất của sinh viên dựa trên các tiêu chí đã xác định trước, chẳng hạn như sự trôi chảy, độ chính xác, phát âm và kỹ năng tương tác. Sử dụng một loạt các phương pháp đánh giá, như rubric, đánh giá lẫn nhau của các sinh viên và quan sát của giáo viên.

3.5. Các hoạt động dạy kỹ năng nói áp dụng phương pháp học tập hợp tác

Các hoạt động áp dụng phương pháp học tập hợp tác được thiết kế để thúc đẩy sự tham gia tích cực, hợp tác và học tập lẫn nhau trong lớp học. Dưới đây là một số hoạt động học tập hợp tác phổ biến và cách áp dụng chúng:

Suy nghĩ-Cặp-Chia sẻ (Think-Pair-Share): Bắt đầu bằng cách trình bày một câu hỏi hoặc một chủ đề trước lớp. Cho sinh viên một vài phút để mỗi cá nhân suy nghĩ về câu trả lời của mình. Sau đó, ghép cặp sinh viên với một sinh viên khác để thảo luận về suy nghĩ của họ. Cuối cùng, mời các cặp chia sẻ ý kiến ​​của mình với cả lớp.

Ghép hình (Jigsaw): Chia lớp thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm chịu trách nhiệm về một chủ đề hoặc chủ đề phụ cụ thể. Chỉ định mỗi thành viên trong nhóm một khía cạnh riêng của chủ đề để nghiên cứu hoặc tìm hiểu. Yêu cầu sinh viên gặp nhau trong các nhóm chuyên gia để thảo luận và hiểu biết về khía cạnh được giao của họ. Sau đó, sắp xếp lại học sinh thành các nhóm mới, trong đó mỗi thành viên là một "chuyên gia" về một khía cạnh khác nhau và để họ dạy lẫn nhau.

Điều tra nhóm (Group Investigation): Đặt một câu hỏi hoặc vấn đề phức tạp cho cả lớp. Chia học sinh thành các nhóm nhỏ và giao cho mỗi nhóm một phần câu hỏi hoặc vấn đề để điều tra. Cung cấp các nguồn lực và hướng dẫn cần thiết cho nghiên cứu. Yêu cầu các nhóm cộng tác để phân tích thông tin, rút ​​ra kết luận và trình bày những phát hiện của họ trước lớp.

Động não theo vòng tròn (Round Robin): Mỗi sinh viên trong một nhóm lần lượt chia sẻ một ý kiến, câu trả lời, hoặc giải pháp về một vấn đề được đề xuất trước khi chuyển lượt cho người tiếp theo trong nhóm. Quá trình này tiếp tục cho đến khi mỗi thành viên trong nhóm đã có cơ hội để nói. Hoạt động này giúp đảm bảo sự tham gia của tất cả các sinh viên trong nhóm và tạo điều kiện cho mỗi người có cơ hội để chia sẻ ý kiến của mình một cách công bằng. Nó cũng giúp khuyến khích sự chia sẻ thông tin và ý kiến giữa các thành viên trong nhóm, tạo ra một môi trường hợp tác và tích cực cho học tập.

Dạy kèm (Peer Teaching): Ghép nhóm những sinh viên có trình độ khác nhau. Phân công vai trò của gia sư và người dạy kèm trong mỗi nhóm. Cung cấp hướng dẫn cho buổi dạy kèm, chẳng hạn như giải thích các khái niệm, kỹ năng thực hành hoặc xem lại tài liệu. Sinh viên trở thành giáo viên và dạy một phần của bài giảng cho bạn của mình, từ đó học được và truyền đạt kiến thức cho nhau.

Kể chuyện (Storytelling): Hoạt động này có thể giúp sinh viên sử dụng từ mới, lựa chọn từ ngữ, cách phát ngôn tình thái trong ngữ cảnh thực tế.

Khoảng cách thông tin (Information Gap): Mỗi sinh viên có phần thông tin mà người khác không có. Tất cả sinh viên phải sử dụng tiếng Anh để chia sẻ và tìm hiểu thông tin còn thiếu.

Con số may mắn (Numbered Head Together): Chia sinh viên thành các nhóm có số thành viên bằng nhau, và đánh số thứ tự mỗi sinh viên trong các nhóm, đưa ra một câu hỏi để các nhóm thảo luận. Khi đã hết thời gian, giảng viên sẽ gọi tất cả các thành viên trong các nhóm có cùng số thứ tự đứng lên để đưa ra câu trả lời và trình bày quan điểm của nhóm. Hoạt động này không chỉ khuyến khích sinh viên làm việc theo nhóm nhỏ mà còn với cả lớp. Bên cạnh đó, tất cả sinh viên sẽ đều phải tham gia thảo luận vì bất cứ ai cũng có thể bị gọi với số thứ tự của mình.

Đóng vai (Role Play):  Sinh viên đóng vai người khác trong một tình huống giả định, và phải làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề hoặc diễn tả ý kiến thông qua vai diễn của mình

Thẻ học tập (Cooperative Learning Cards): Mỗi sinh viên có một thẻ có một mảnh thông tin hoặc một phần của bài giảng. Họ phải hợp tác với nhau để sắp xếp thẻ theo thứ tự hoặc phát triển một ý kiến hoàn chỉnh từ các mảnh thông tin đó.

Những hoạt động này thúc đẩy sự tham gia, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và hỗ trợ lẫn nhau giữa các sinh viên. Bằng cách áp dụng các hoạt động này trong lớp học, giảng viên có thể tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc học tập hợp tác và thành công trong học tập.

4. Kết luận

Áp dụng phương pháp học tập hợp tác trong việc dạy kỹ năng nói tiếng Anh mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Môi trường học tập hợp tác không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên tự do khám phá ngôn ngữ mà còn thúc đẩy sự tương tác xã hội và tăng cường động lực học tập, từ đó tạo ra môi trường học tập đa dạng và kích thích sự tương tác giữa các cá nhân có khả năng khác nhau. Với những ưu điểm của Học tập hợp tác trong việc dạy kỹ năng nói, phương pháp này nên được khuyến khích thực hành trong các giờ học kỹ năng nói tiếng Anh một cách thường xuyên và hiệu quả, hướng tới cách tiếp cận lấy sinh viên làm trung tâm. Mặc dù không có phương pháp nào là lý tưởng hoàn hảo, học tập hợp tác là một phương pháp giảng dạy hiệu quả trong việc cải thiện việc học kỹ năng nói tiếng Anh và tăng cường động lực học tập của sinh viên.

ThS. Phạm Thị Thu Trang

Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh

Reference

1. Afrizal, M. (2015). A classroom action research: Improving speaking skills through information gap activities. English Education Journal, 6(3), 342-355.

2. Ahmed, S. A. E., & Bedri, A. M. (2017). The role of cooperative learning in enhancing EFL learners students’ oral communication skills. International Journal Of English Language, Literature And Translation Studies (IJELR), 4(1), 33-40.

3. Albore, A. K., & Lanka, M. G. (2018). Exploring Teachers’ and Students’ Attitude Towards Group Work Assignment in English Language Classroom: The Case of Grade 11 at Wolayta Sodo Preparatory Schools in Ethiopia. Journal of Literature, Languages and Linguistics, 44, 10-18.

4. Alharbi, H. A. (2015). Improving Students' English Speaking Proficiency in Saudi Public Schools. International Journal of Instruction, 8(1), 105-116.

5. Al-Tamimi, N. O. M., & Attamimi, R. A. (2014). Effectiveness of cooperative learning in enhancing speaking skills and attitudes towards learning English. International Journal of Linguistics, 6(4), 27-45.

6. Cornelius-Ukpepi, B. U., Aglazor, G. N., & Odey, C. O. (2016). Cooperative learning strategy as tool for classroom. Advances In Multidisciplinary & Scientific Research, 2(2), 67-76.

7. Chiriac, H. E. (2014). Group work as an incentive for learning–students’ experiences of group work. Frontiers in psychology, 5, 1-10.

8. Er, S., & Ataç, B. A. (2014). The attitudes of students towards cooperative learning in ELT classes. International Online Journal of Education and Teaching, 2(1), 109-122.

9. Hengki, H., Jabu, B., & Salija, K. (2017). The effectiveness of cooperative learning strategy through english village for teaching speaking skill. Journal of Language Teaching and Research, 8(2), 306-312. 

10. Herrmann, K. J. (2013). The impact of cooperative learning on student engagement: Results from an intervention. Active learning in higher education, 14(3), 175-187.

11. John, D. (2017). Employing group work to foster speaking skills: A Study of success and failure in the classroom. MEXTESOL Journal, 41(3), 1-9.

12. Lucena, J.R., & San Jose, E.A. (2016). Co-Operative learning in enhancing the speaking skills of students: A phenomenological approach. International Journal of Advanced Multidisciplinary Research, 3(2), 67-71.

13. Maman, M., & Rajab, A. A. (2016). The implementation of cooperative learning model "Number Heads Together" ("NHT") in improving the students' ability in reading comprehension. International Journal of Evaluation and Research in Education, 5(2), 174-180.

14. Ngadiso (2016). Developing a model for teaching speaking using cooperative learning. Prosiding ICTTE FKIP UNS 2015, 1(1), 890-896.

15. Rochmahwati, P. (2016). Project-based learning to raise students’ speaking ability: its’ effect and implementation (a mix method research in speaking II subject at STAIN Ponorogo). Kodifikasia, 9(1), 199-222.

16. Sharma, D. R. (2018). Action research on improving students' speaking proficiency in using cooperative storytelling strategy. Journal of NELTA Surkhet, 6, 97-105.

17. Taqi, H. A., & Al-Nouh, N. A. (2014). Effect of group work on EFL students' attitudes and learning in higher education. Journal of Education and Learning, 3(2), 52-65.

18. Ur, P. (2000). A Course in Language Teaching: Practice and Theory. Cambridge: Cambridge University Press.

...
  • Tags: