Xây dựng luật – Tránh đi nhanh, đến chậm

Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đang tập trung thời gian, sức lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó là sự cẩn trọng cần thiết để tránh tình trạng “đi nhanh – đến chậm”, tức luật “yểu”, vừa được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.

Khắc phục “luật ống”, “luật yểu”

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2020 của Quốc hội khóa XIV từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực tư pháp cho thấy rằng việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn còn có những hạn chế.

Một số văn bản có chất lượng chưa bảo đảm, vừa được ban hành trong thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn.

Nghị định số 65/2022 được ban hành ngày 16/9/2022 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Chưa đầy 6 tháng sau, Chính phủ lại phải ban hành Nghị định số 08/2023 ngày 5/3/2023 để tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định số 65/2022.

Còn Nghị định số 27/2022 được ban hành ngày 19/4/2022 với quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Chỉ hơn một năm sau, Chính phủ đã phải ban hành Nghị định số 38/2023 ngày 24/6/2023 để sửa đổi Nghị định số 27/2022.

Về tổng thể, có tới 446 văn bản chứa đựng những quy định còn nhiều sơ hở, bất cập cần được xử lý.

Tại mỗi kỳ họp Quốc hội hàng loạt văn bản luật lại được đưa ra bàn bạc, cho ý kiến để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.  

Bên cạnh tuổi thọ của các luật rất ngắn thì còn xảy ra tình trạng luật chậm được thực thi do thiếu nghị định hướng dẫn. Trong số 116 văn bản quy định chi tiết được ban hành thì có tới 72 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành chậm hơn so với hiệu lực thi hành của luật (chiếm hơn 62%). Văn bản ban hành chậm nhất lên tới 3 năm 9 tháng.  

Luật được ban hành nhưng chưa thể đi vào cuộc sống, đó là do tình trạng “luật ống” (hay còn gọi là “luật khung”).

“Luật ống” có nhiều điều khoản chỉ là những quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa đạt đến sự điều chỉnh cụ thể, rõ ràng và đầy đủ đến mức cần thiết nên chưa thể áp dụng. Luật này cần có các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hoặc bổ sung những quy định mới.

Tình trạng “luật ống” gây khó khăn cho quá trình thực thi, tạo ra một hệ thống pháp luật gồm nhiều tầng nấc có giá trị pháp lý khác nhau, tạo ra một hệ thống pháp luật thiếu minh bạch, làm giảm niềm tin của người dân vào pháp luật, tạo ra một hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo, làm giảm giá trị pháp lý và giá trị hiệu lực thực thi của luật.

Đánh giá về tình trạng “luật ống, luật khung” ở Việt Nam, Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ: Điều bất cập và tồn tại lâu dài trong hệ thống pháp luật của nước ta là luật được ban hành có hiệu lực rồi nhưng thường chưa thể thi hành được ngay mà vẫn phải chờ thông tư, nghị định hướng dẫn. Có khi những văn bản hướng dẫn thi hành luật quan trọng hơn cả luật. Chính từ những bất cập này đã dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh. Điển hình là Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 nhưng do chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành liên quan về xử lý người nghiện khiến nhiều tỉnh, thành không thể xử lý, dẫn đến nhiều hệ lụy khác như gia tăng các vụ phạm pháp hình sự.

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị), việc các dự án luật “chết yểu” - một số bộ luật mới được ban hành 2 – 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc “luật ống, luật khung” còn khá phổ biến là do tình trạng làm luật cập rập, vội vàng, thiếu chắc chắn. Bên cạnh đó là căn bệnh thành tích, cố làm cho xong việc, vì cục bộ ngành, lợi ích nhóm...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ, cho biết: Năng lực của các cơ quan soạn thảo còn yếu, đôi khi chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn xây dựng pháp luật. Không ít trường hợp các Ban soạn thảo luật không có khả năng đưa đầy đủ, trọn vẹn các quy định điều chỉnh một vấn đề vào luật nên khi trình ra Quốc hội đành phải “xin nợ” Quốc hội để quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành ở các văn bản dưới luật. Điều này xuất phát một phần vì chính năng lực của một số Ban soạn thảo chưa thể theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn, nhưng cũng một phần vì sự chưa ổn định của các quan hệ kinh tế - xã hội nên nhận thức của các chủ thể soạn thảo luật cũng chưa thể đạt đến mức hoàn thiện.

Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với chức năng chính là nghiên cứu khoa học lập pháp, nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Viện có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu ngay những dự án luật đang trình Quốc hội - nhất là những dự án luật đang còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Việc nghiên cứu lập pháp phải phục vụ cho sự kiến tạo, phát triển và khắc phục cho được những bất cập, khuyết điểm đã được chỉ ra trong hệ thống pháp luật, như đâu đó còn thiếu tính đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, tính khả thi chưa cao, "tuổi thọ" của luật ngắn…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng kết luận của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 48 yêu cầu hệ thống pháp luật cần thống nhất, đồng bộ, minh bạch, ổn định, khả thi cao. Đây là nội dung mà Viện nghiên cứu lập pháp cần tập trung nghiên cứu, khắc phục cho được cả hai khuynh hướng làm cho “tuổi thọ” của luật quá ngắn là luật ống, luật khung và quy định chi tiết cả những vấn đề chưa đủ rõ, chưa đủ “độ chín” đã chốt chặt trong luật nên khi thực tiễn thay đổi thì không theo kịp.

Không nóng vội, “hái quả xanh”

Tại Kỳ họp thứ 6 (bế mạc ngày 29/11/2023), các Đại biểu Quốc hội khóa XV đã quyết định tiếp tục điều chỉnh, nghiên cứu thêm đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để xem xét thông qua ở kỳ họp gần nhất mặc dù hai dự án luật này được dự kiến thông qua trong năm nay.

Theo ý kiến của các đại biểu, Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là những dự án luật rất phức tạp, có tính chất nhạy cảm cao, có vai trò hết sức quan trọng đến đời sống xã hội, phải đặt chất lượng luật lên hàng đầu, tránh   tác động xấu tới các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân sau khi được ban hành.

Cả hai dự án luật có những nội dung cần phải được nghiên cứu thêm để ra chính sách điều chỉnh tối ưu, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 vấn đề có hai phương án phải xin ý kiến Quốc hội, trong đó có việc Nhà nước thu hồi đất với dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng; thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có một số vấn đề cần được nghiên cứu thêm như vai trò của Ngân hàng chính sách; việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng; bảo mật thông tin; về tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý, người điều hành; kiểm soát nội bộ; kiểm toán nội bộ; tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng (đáng chú ý là các quy định nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng).

Trong bối cảnh các vụ Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, Đại Nam, FLC, Alibaba… đang rất nóng thì quyết định của Quốc hội chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được dư luận cũng như các chuyên gia pháp luật, chuyên gia tài chính đồng tình.

Một năm trước đây, không chạy theo thành tích, tiến độ mà đặt chất lượng luật lên hàng đầu nên tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, vào phút chót các đại biểu đã quyết định không thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để có thời gian chỉnh lý, hoàn thiện.

Ngày 5/11/2022, trên cơ sở kết quả biểu quyết của đại biểu, Quốc hội đã nhất trí rút nội dung thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi chương trình kỳ họp thứ tư. Đây là dự luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế.

Trong dự thảo Luật có một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như giải thích thuật ngữ; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh; quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giá khám bệnh, chữa bệnh…

Dự thảo Luật chưa xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cũng như cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ.

Việc Quốc hội rút nội dung thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) khỏi chương trình kỳ họp thứ tư được dư luận đánh giá là biểu hiện của sự linh hoạt, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đối với người dân, với công việc của mình./.

... Theo TTXVN
  • Tags: