Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và toàn xã hội, trong những năm qua, thiết chế văn hóa, thể thao đã từng bước được hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu luyện tập, biểu diễn và tổ chức hoạt động; chính sách đối với nguồn nhân lực được quan tâm, kinh phí hoạt động từng bước được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Các thiết chế văn hóa, thể thao nơi tổ chức các hoạt động, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng và của đất nước, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nói chung, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp[1] nói riêng có vai trò, vị trí quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng và nhà nước với nhân dân, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, thể dục-thể thao, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp nói riêng đã từng bước được hoàn thiện. Số lượng thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được đầu tư xây dựng đạt và vượt mục tiêu đề ra tại nhiều địa phương; cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực được quan tâm; kinh phí hoạt động từng bước được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao có nhiều thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Những kết quả đạt được:
- Về công tác chỉ đạo, ban hành văn bản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn công tác quy hoạch, đồng thời đã chỉ đạo ngành văn hóa ở các địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của địa phương phù hợp với quy hoạch chung của cả nước trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể, nội dung quy hoạch (địa điểm, quỹ đất, cơ sở vật chất, kỹ thuật, bộ máy cán bộ) và các giải pháp thực hiện. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch các địa phương đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các Nghị quyết, Quyết định, văn bản chỉ đạo, xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn tạo hành lang pháp lý trong việc chuẩn hóa thiết chế văn hóa, thể thao các cấp cả về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động; đồng thời sử dụng, khai thác và phát huy công năng sử dụng; đảm bảo quản lý đúng hướng và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chất lượng, hiệu quả.
- Về quy hoạch đất: Tính đến nay, toàn quốc hiện có 42 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa thể thao[2]. Thông qua việc thực hiện quy hoạch, thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được quan tâm và triển khai. Đa số các địa phương đã dành quỹ đất cho việc xây dựng, đồng thời, đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các thiết chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Các thiết chế văn hóa, thể thao sau một thời gian chuyển đổi cơ chế, nay đã từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình quy mô lớn, khang trang, kiến trúc đẹp được xây dựng thêm; xu hướng chung hệ thống công trình thể dục, thể thao là gần trường học, gần chung cư, phục vụ đáp ứng nhu cầu của nhân dân ở cơ sở.
- Về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật: Tính đến hết tháng 3/2024, cả nước có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh (Trung tâm văn hoá, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh,...); 689/705 quận, huyện có Trung, tâm Văn hoá - Thể thao hoặc Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá - Thể thao, đạt tỷ lệ 77,4% trong đó có 5.625 đạt chuẩn (tỷ lệ 53%); 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 76,3% trong đó có 44.836 đạt chuẩn (tỷ lệ 49,5%). Có gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; 371 sân vận động có khán đài; 222 nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia; 69 bể bơi có khán đài đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia, 11.923 cụm sân thể thao khác, như trường bắn, sân quần vợt, công trình tổ chức thi đấu theo từng môn thể thao. Về các công trình thể dục thể thao cấp tỉnh, huyện quản lý, như sân tập luyện gồm có: 627 sân điền kinh; 10.101 nhà tập; 4.110 sân bóng đá 11 người; 3.270 sân vận động không có khán đài, 2.850 sân bóng rổ, 29.012 sân cầu lông và đá cầu, 4.843 sân quần vợt; 306 bể bơi có kích thước dưới 25x 50 mét, 766 bể bơi 25m 3; 997 bể bơi dưới 25m, 1510 bể bơi lắp ghép, 176 bể bơi trong nhà...
- Về tổ chức bộ máy, nhân sự và nguồn nhân lực:
Đến nay, Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thanh; hầu hết Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp huyện là đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý trực tiếp từ Ủy ban nhân dân cấp huyện; một số Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp xã là đơn vị sự nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập và giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý trực tiếp; Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn là đơn vị tự quản. Tổ chức bộ máy của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp cơ bản theo quy định.
Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa nói chung và cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở nói riêng; ưu tiên tuyển dụng cán bộ có năng lực chuyên môn, yêu nghề, trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị, năng động, biết khai thác khả năng sáng tạo văn hóa quần chúng trong nhân dân. Vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các thiết chế văn hóa cấp tỉnh có trình độ đại học, cao đẳng trở lên đạt khoảng 60%; cán bộ có trình độ trung cấp chiếm khoảng 32%; ở cấp huyện cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng đạt khoảng 49%, trình độ trung cấp đạt khoảng 37%, số cán bộ có kinh nghiệm công tác trong ngành trên 5 năm chiếm khoảng 72%; ở cấp xã cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng chiếm khoảng 16%, trình độ trung cấp khoảng 71%; một số tỉnh, thành phố đã phổ cập trình độ trung cấp quản lý văn hoá theo hình thức đào tạo tại chức cho Trưởng Ban Văn hoá, hoặc Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, điều hành hệ thống thiết văn hóa thể thao cơ sở về cơ bản đã phát huy tốt năng lực, sử dụng kiến thức được đào tạo, kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác để tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Về tổ chức hoạt động: Thiết chế văn hóa, thể thao các cấp đã thực hiện tốt chức năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và hướng dẫn nghiệp vụ, các câu lạc bộ sở thích; xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nội dung, chương trình ngày càng tinh, gọn, đổi mới phương thức, đa dạng, phong phú và linh hoạt phù hợp hơn với từng đối tượng tham gia, đã bắt kịp nhanh với những thay đổi, nhu cầu, thị hiếu của xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn, sự kiện chính trị của đất nước, của địa phương, tạo không khí phấn khởi, nâng cao sự hiểu biết về thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, thiết chế văn hóa, thể thao các cấp phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành, các tổ chức chính trị xã hội để xã hội hóa cùng xây dựng phong trào và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh, trọng tâm và chất lượng.
Nhìn chung, những kết quả đạt được là do có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hướng dẫn, phối kết hợp chặt chẽ có hiệu quả của các Bộ, ngành, đoàn thể và cấp ủy chính quyền địa phương. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất ngày một khang trang, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao từ Trung ương đến địa phương ngày một đi vào nề nếp có hiệu quả. Thông qua việc thực hiện quy hoạch, đa số các địa phương đã dành quỹ đất cho việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đồng thời đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các thiết chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và học tập của nhân dân. Bên cạnh đó, từ tác động của việc quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành đối với việc đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Mặc dù chưa được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh, nhưng đã góp phần tích cực trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, người dân ngày càng có điều kiện tham gia vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nên có nhiều kinh nghiệm và kiến thức quản lý, sử dụng và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao. Việc huy động được các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng tiêu chí văn hóa nông thôn mới, tạo sự phát triển hài hòa về đời sống văn hóa với đời sống kinh tế, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động, tập huấn đào tạo cán bộ được quan tâm, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên liên tục, công tác xã hội hóa thu hút nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhờ vậy đã huy động được các nguồn lực trong xã hội nâng cao đời sống tinh thần của người dân, qua đó đã nhận được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hoạt động; công tác phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành được triển khai đồng bộ, đời sống văn hóa nông thôn ổn định và từng bước phát triển, các dịch vụ văn hóa, thể thao phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp vẫn còn những hạn chế, khó khăn:
- Về quy hoạch đất và quy mô xây dựng: Một số địa phương chưa thực hiện quy hoạch đất; hoặc đã có quy hoạch nhưng chưa vị trí chưa thuận lợi, chưa được đầu tư xây dựng, bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Ở cấp huyện, xã, thôn nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới... việc quy hoạch đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao gặp khó khăn do địa hình đồi núi dốc, không có mặt bằng nên diện tích nhỏ hẹp, quy mô nhỏ hẹp, vị trí không thuận lợi vì vậy không đạt theo quy định. Bên cạnh đó, việc quy hoạch quỹ đất đối với một số đơn vị hành chính cấp xã và thôn, tổ dân phố mới (sau sáp nhập) để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao không thể mở rộng do không còn quỹ đất hoặc quỹ đất không tập trung.
- Về cơ sở vật chất, kỹ thuật: Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh ở nhiều địa phương được đầu tư xây dựng từ giai đoạn trước, quy mô xây dựng nhỏ, lỗi thời; cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp, trang thiết bị không đồng bộ hoặc hư hỏng, hết khấu hao; không có thiết bị chuyên dung; không có các phòng chức năng để tập luyện, biểu diễn và tổ chức các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp huyện, xã cơ sở được đầu tư xây dựng chưa hoàn chỉnh hoặc đã quá lâu, không đúng quy định về quy mô và kiến trúc hoặc xuống cấp trầm trọng. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, trang thiết bị và phương tiện chuyên dùng (âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ, xe ô tô tuyên truyền lưu động) để tổ chức hoạt động văn hóa còn thiếu và không đồng bộ, đều trong tình trạng hỏng hóc hoặc hết khấu hao. Một số thiết chế văn hóa, thể thao mới được đầu tư xây dựng nhưng đã bộc lộ những bất cập (thiếu các hạng mục theo quy định, trang thiết bị chưa đồng bộ, quy mô, kiểu dáng, địa điểm xây dựng chưa phù hợp...). Đối với Nhà Văn hóa-Khu Thể thao thôn (ấp), nhất là khu vực phía Nam chủ yếu tận dụng Văn phòng ấp làm Điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các điểm sinh hoạt thể thao tại nhà dân, cơ sở vật chất, diện tích sân bãi thể thao còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện TDTT rộng rãi của nhân dân, chưa có một mô hình chung, chưa gắn liền với quá trình hiện đại hóa nông thôn, nhiều nhà văn hóa hiện có chưa phát huy hết công năng, còn lãng phí thời gian hoạt động. Có nhiều nơi xây dựng ở xa khu dân cư, không thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động để thu hút đông đảo người dân tham gia. Các công trình thể dục thể thao thuộc nhiều cơ sở thể dục thể thao bị xuống cấp và thiếu trang thiết bị cho hoạt động sự nghiệp. Nhiều nơi xây dựng được công trình nhưng thiếu trang thiết bị, không đủ điều kiện hoạt động, nhất là khu vực thuộc các tỉnh miền núi.
- Về kinh phí hoạt động: Kinh phí cho xây dựng, đầu tư trang thiết bị của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở eo hẹp (do phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và tùy vào điều kiện, khả năng thu ngân sách của địa phương), những năm gần đây chủ yếu từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia. Việc huy động xã hội hóa để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và tổ chức hoạt động đã được triển khai thực hiện nhưng chưa đáng kể do các quy định thực hiện xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đầy đủ, không sát thực tế, thiếu tính khả thi. Nguồn kinh phí cho tổ chức các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế đang đặt ra; kinh phí cấp không đủ chi cho các hoạt động thường xuyên, chế độ thù lao cho hoạt động quần chúng còn thấp so với mặt bằng chung nên không thu hút được diễn viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tham gia hoạt động. Một số thiết chế ở cấp xã và cấp thôn được đầu tư xây dựng mới nhưng do thiếu kinh phí hoạt động nên hoạt động cầm chừng, gây lãng phí, có nơi không có kinh phí để tổ chức các hoạt động nên không ít nhà văn hóa thường xuyên đóng cửa, chỉ mở cửa khi họp dân hoặc tổ chức hoạt động vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn có tính chất mùa vụ, gây lãng phí. Bên cạnh đó, chính sách huy động xã hội hóa chưa khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư và tổ chức hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tình hình kinh tế của đất nước những năm gần đây gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguồn lực bảo đảm thực hiện cơ sở vật chất văn hóa, kể cả từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cũng khó huy động.
- Về nguồn nhân lực: Một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao cấp cơ sở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động nhà văn hóa, thể thao còn hạn chế, đội ngũ cán bộ vẫn còn bất cập về năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu công việc. Nhiều nơi vẫn sử dụng cán bộ trái ngành, trái nghề hoặc chỉ có năng khiếu mà chưa được đào tạo. Nhất là cấp xã, trình độ, năng lực không đồng đều, liên tục biến động (do luân chuyển); một số xã, phường, thị trấn bố trí công chức không đúng chuyên ngành đào tạo nên việc tham mưu tổ chức các hoạt động của cơ sở và hướng dẫn cho cấp thôn còn hạn chế. Việc xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn chậm, thiếu. Đến nay, chưa tổ chức thi nâng ngạch nâng bậc cho cán bộ viên chức trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; chưa giải quyết được phụ cấp chức vụ cho Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh ngang bằng với chức vụ tương đương với lĩnh vực khác thuộc ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch; nhiều địa phương chưa xây dựng được phụ cấp kiêm nhiệm cho người phụ trách thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và thôn, bản.
- Về tổ chức hoạt động: Công tác hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở nhiều địa phương còn chưa được coi trọng; chưa đề ra các biện pháp tích cực, có hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở dẫn đến việc khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn có mặt hạn chế. Nội dung, phương thức hoạt động còn đơn giản, nghèo nàn chưa đa dạng, phong phú, chưa có hiệu quả thiết thực nên chưa đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Nhiều địa phương chưa có quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã; Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm và có biện pháp để hỗ trợ hoạt động của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố. Hệ thống điểm vui chơi dành cho trẻ em còn thiếu. Mặt khác, Việc xã hội hóa các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em là bước đi phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, song chi phí để được vào các khu vui chơi giải trí lại khá cao không phù hợp với thu nhập của các gia đình nghèo, gia đình thu nhập thấp và rất nhiều trẻ em không có cơ hội tiếp cận các hoạt động vui chơi giải trí quy mô lớn. Ngoài ra, những năm gần đây sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện nghe nhìn hiện đại như điện thoại di động, máy tính bảng, tivi kết nối internet… và các hình thức giải trí sôi động khác đã hạn chế việc phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nói chung, đặc biệt là ở các đô thị phát triển, gây ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất đã đầu tư lâu dài.
Để tiếp tục hoàn thiện và sử dụng hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, cần thực hiện một số giải pháp, kiến nghị sau:
Về giải pháp:
Một là, về tuyên truyền, nâng cao nhận thức:
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, các tổ chức về vai trò, vị trí của thiết chế văn hóa, thể dục thể thao trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như việc phát triển văn hóa, thể thao là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
- Đảm bảo ngân sách nhà nước cho công tác tuyên truyền trong chương trình mục tiêu quốc gia, huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác tuyên truyền. Tiếp tục trang bị và đầu tư các phương tiện tuyên truyền cần thiết cho việc triển khai các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan ở cơ sở, nắm bắt chủ trương kịp thời và đúng những quy định.
Hai là, về quản lý nhà nước:
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với thiết chế văn hóa, thể thao. Xây dựng và ban hành các chế độ chính sách về tiền lương, chế độ thù lao, đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí hoạt động, chính sách về xã hội hóa,... Ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế vận hành của các cấp, các ngành. Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đối với các loại hình hoạt động văn hóa, lễ hội, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, giữ vững ổn định tình hình tư tưởng, giữ vững môi trường văn hóa và thể thao ổn định, lành mạnh.
Ba là, về quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật:
- Quy hoạch và dành quỹ đất tại các địa điểm thuận lợi, ưu tiên các nguồn lực để xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện chuyên dùng; thay thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ; cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao hiện có.
- Xây dựng kế hoạch, giải pháp cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng công trình văn hóa, thể thao hiện đại ở các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa.
Bốn là, rà soát quy hoạch, nguồn lực:
Xây dựng kế hoạch tuyển chọn và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện các tiêu chuẩn, chức danh cho đội ngũ cán bộ văn hoá, thể thao. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn từ Trung ương đến cơ sở và tổ chức hoạt động thiết thực, sát với nhu cầu của người dân nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng của hệ thống thiết chế văn hóa, mục tiêu để người dân coi thiết chế văn hóa là địa chỉ thân thuộc và gắn bó.
Năm là, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động:
- Tập trung đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống tinh thần và nhu cầu người dân. Xây dựng các chương trình, tiết mục hoạt động phong phú phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi như người cao tuổi, trẻ em; đặc biệt là thu hút những người có tài năng nghệ thuật và có nghề làm cộng tác viên trong các hoạt động của thiết chế văn hoá, thể thao.
- Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động phong phú, chú trọng loại hình hoạt động thể dục, thể thao có liên kết với các tổ chức ngoài công lập, trường học, câu lạc bộ thể thao cơ sở để phục vụ đa dạng các tổ chức, cá nhân đến tập luyện, thi đấu tại các công trình thể dục, thể thao. Đa dạng hóa loại hình tổ chức tập luyện, thi đấu các môn thể thao, mở rộng chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân, phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc truyền thống, thể thao cho người khuyết tật, thể thao cho người cao tuổi, thể thao cho thanh, thiếu niên và trẻ em. Tổ chức nhiều loại hình hoạt động cộng đồng, phát triển các câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở để thu hút người dân tham gia hoạt động tại hệ thống công trình thể thao, trong đó chú trọng tổ chức các hoạt động liên hoan, hội thi các môn thể thao, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, các vùng, miền tạo điều kiện để người người dân tham gia hoạt động.
Về kiến nghị:
Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
- Tiếp tục quan tâm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế, chính sách về đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, thể thao và bối cảnh mới.
- Đảm bảo mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, thể thao theo mục tiêu được đề ra tại Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 và các chương trình, đề án, quy hoạch; mức chi ngân sách nhà nước cho đầu tư trang thiết bị cho thiết chế văn hóa, thể thao Trung ương và cơ sở; tăng cường nguồn vốn ngân sách đầu tư của nhà nước cho hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương:
- Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
- Hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
- Bố trí các nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu được xác định cụ thể thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các dự án, đề án... về phát triển văn hóa, thể thao. Tăng chi ngân sách nhà nước (cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) cho phát triển văn hóa, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.
- Tiếp tục chỉ đạo đổi mới cơ chế, triển khai các giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao. Thực hiện bình đẳng trong đầu tư của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động văn hóa trên cơ sở năng lực và hiệu quả xã hội của mỗi tổ chức. Tạo môi trường pháp lý để các doanh nghiệp bảo trợ, tài trợ cho thiết chế văn hóa, thể thao.
Đối với các địa phương:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, lợi ích của việc phát triển thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.
- Chỉ đạo rà soát, đánh giá việc đổi mới tổ chức, quản lý, thành lập, tổ chức lại, giải thể và thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, trên cơ sở đó có các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, có cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Tăng cường công tác quy hoạch, bố trí đất, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích, quy mô, thiết bị và phù hợp với văn hóa, điều kiện thực tế, bảo đảm quyền tiếp cận và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
- Chỉ đạo công tác quản lý, kiện toàn củng cố tổ chức, biên chế; thực hiện quy hoạch, tuyển dụng công chức, viên chức văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu và quy định về tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và trách nhiệm đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao, cộng tác viên.
- Khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập, có cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng vào phát triển và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn, nhất là ở cấp xã, thôn.
- Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh đối với các thiết chế văn hóa, thể thao. Tăng cường giám sát và có cơ chế khuyến khích cộng đồng giám sát, tham gia đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.
- Đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, đặc điểm dân tộc, vùng miền, các nhóm đối tượng, lứa tuổi. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao kết nối thiết chế văn hóa, thể thao cấp.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát huy hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo tính kịp thời, công bằng và có sự động viên, khích lệ./.
TS Trịnh Thị Thủy
Thứ trưởng Bộ VHTTDL
[1] Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh; Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp huyện, cấp xã; Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn, làng, bản, tổ dân phố, khu dân cư... (gọi chung là Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn).
[2] An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, TP Cần Thơ, TP. Đà Nẵng, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Tiền Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Yên Bái.