Hà Nội đảm bảo điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ của người dân. Để chống dịch COVID-19 thành công, sự đồng thuận và vào cuộc của người dân mang tính quyết định. Đó là tinh thần xuyên suốt tại buổi họp báo thông tin

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ của người dân. Và, để chống dịch COVID-19 thành công thì sự đồng thuận và vào cuộc của người dân mang tính quyết định. Đó là tinh thần xuyên suốt tại buổi họp báo sáng 24/7 thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quang cảnh buổi họp báo 

Sáng 24/7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì họp báo thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng; lãnh đạo một số sở, ngành thành phố.

Chuẩn bị và kích hoạt 4 tầng điều trị

Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng đã thông tin nhanh về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, từ 18h ngày 23/7 đến 7h ngày 24/7, trên địa bàn Hà Nội đã có thêm 9 ca mắc mới, đều là trường hợp F1 lên F0. Toàn thành phố đang có 379 bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại 4 bệnh viện. Trong những ngày qua, trung bình một ngày, thành phố phát hiện từ 50-60 ca mắc mới, dự kiến sắp tới có thể tăng hơn, vì trong số đó có nhiều trường hợp phát hiện ngoài cộng đồng, việc truy vết tiếp theo khá phức tạp. Ông Hưng cũng cho biết, Sở Y tế đã xây dựng xong kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn; hiện tại kịch bản chi tiết cho 1.000 giường bệnh đã được UBND thành phố chấp thuận. Sở đang tiếp tục xây dựng kịch bản 5.000, 10.000 và 20.000 giường bệnh.

Thành phố cũng đã triển khai hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình 4 tầng. Cụ thể: Tầng 1 gồm các bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ và sẽ kích hoạt bệnh viện dã chiến thu dung điều trị. Tầng 2, bệnh nhân có triệu chứng trung bình, bệnh nền thì sẽ kích hoạt bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để điều trị. Tầng 3 bao gồm cả tầng 3 và 4, theo đó, bao gồm 5% bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt bệnh viên Đa khoa Đức Giang làm bệnh viện tuyến cuối để đáp ứng việc điều trị.

Hiện năng lực y tế Thủ đô có 412 giường hồi sức, đào tạo hơn 200 bác sỹ thực hiện máy thở, 400 điều dưỡng sử dụng máy thở... Xét nghiệm 48.000 mẫu/ngày với 20 máy PCR và 111 xe cứu thương. Việc phân luồng bệnh nhân vô cùng quan trọng để có cách điều trị các bệnh nhân. Hà Nội quyết tâm hạ tình hình tử vong xuống thấp nhất.

Về tình hình tiêm vắc xin, toàn thành phố mới tiêm vắc xin được cho hơn 211.000 người. Sau khi phương án tiêm vắc xin được UBND thành phố phê duyệt, Sở Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng triển khai từ 1.000-1.200 dây chuyền tiêm trên toàn thành phố với năng lực tiêm từ 100.000-200.000 mũi tiêm/ngày. Nếu đáp ứng đủ nguồn cung vắc xin như dự kiến thì đến tháng 3/2022, Hà Nội có thể tiêm được khoảng 70% số dân.

Đảm bảo vận tải hàng hóa “luồng xanh” được lưu thông thông suốt Về tình hình giao thông khi thực hiện giãn cách xã hội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho biết, đã tổ chức phân luồng để bảo đảm việc lưu thông thông suốt của 3 đối tượng ưu tiên, gồm: Các xe chở hàng hóa thuộc “luồng xanh” quốc gia; xe chở hàng hóa thiết yếu cho thành phố Hà Nội được phép hoạt động theo Chỉ thị 17/CT-UBND; xe chở người, các phương tiện công vụ, các công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17/CT-UBND và các phương tiện khác theo quy định.

Sở cũng đang phối hợp với Công an Thành phố duy trì 22 chốt trực và sắp tới sẽ bố trí thêm 30 chốt trực trong Thành phố, 26 chốt tại quận, huyện để kiểm soát các hoạt động phòng chống dịch. Đối với việc các chốt có lưu lượng giao thông lớn có hiện tượng ùn tắc, Sở đã thống nhất với Công an Thành phố bố trí chốt trực nhiều tầng lớp để đảm bảo giãn cách giao thông và để kiểm soát 100% phương tiện ra vào và không gây ùn tắc.

Đối với việc vận chuyển hàng hoá theo luồng xanh quốc gia, Sở đang thực hiện cấp online với các doanh nghiệp đăng ký và tổng thời gian từ lúc đăng ký tới lúc thông qua không quá 4 phút. Sau khi được, các doanh nghiệp, đơn vị có thể dán trên xe để lưu thông. Tổng cục Đường bộ đã có trang web cấp mã QR Code trực tuyến cho phương tiện đủ điều kiện lưu thông trên “luồng xanh” với thời gian cấp chỉ trong khoảng 4 phút… Việc vận chuyển hàng hoá thông qua các app công nghệ, shiper, với tinh thần chống dịch như chống giặc, Sở GTVT thống nhất sẽ dừng các hoạt động vận chuyển này.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi họp báo.

Về tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn, quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan thông tin, thành phố đang thực hiện theo phương án 5, đã tăng gấp 3 lần lượng hàng hóa hằng ngày tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và duy trì trong vòng 3 tháng. Theo đó, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn thành phố đã được các doanh nghiệp triển khai đúng yêu cầu của thành phố; lượng hàng hóa chuẩn bị đã tăng từ 30-50%, được bố trí tại kho hàng sẵn sàng cung ứng trên địa bàn thành phố.

Hiện thành phố vẫn bảo đảm đầy đủ nhu cầu hàng hóa cho người dân. Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng. Để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, Thành phố đã bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.

Sự đồng thuận và vào cuộc của nhân dân có ý nghĩa quyết định

Trao đổi tại họp báo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Chử Xuân Dũng khẳng định, Thành phố sẽ thực hiện các nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt nhất; đồng thời sẽ sẽ tiếp tục bổ sung các giải pháp sát với thực tiễn, diễn biến tình hình dịch. thành phố giao cho các sở, ngành tiếp thu nhanh nhất các vấn đề được người dân phản ánh và sẽ có phản hồi nhanh nhất để cùng nhau thực hiện tốt Chỉ thị 17/CT-UBND.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai khẳng định, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tạo mọi điều kiện cung cấp nhanh, chính xác và kịp thời nhất các thông tin phòng, chống dịch cho thành phố; đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí một cách kịp thời, chính thống, đầy đủ nhất.

Phát biểu tại họp báo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, quyết định ban hành Chỉ thị 17/CT-UBND đã được thành phố xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở tham khảo ý kiến của các cơ quan Trung ương và đánh giá tình hình thực tế tại Hà Nội. Việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại thời điểm này là hết sức cần thiết. Bởi căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố trong thời gian vừa qua, chỉ từ 27/4 đến nay có 675 ca, nhưng có tới 257 ca trong cộng đồng, nhiều ca F0 không có dấu, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao, nếu không áp dụng biện pháp mạnh hơn thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận cuộc họp.

Hơn nữa, quyết định này còn nhằm bảo vệ Thủ đô với vị trí trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia, qua đó hạn chế tác động đến cả nước. Trong cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Thành phố Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm thành trì của Thủ đô - trái tim của cả nước và bảo vệ được thành quả chống dịch trong thời gian qua. Vì thế cần thiết phải áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn Thành phố, phải đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết…

Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội luôn xác định xuyên suốt tư tưởng “Chống dịch như chống giặc”, lấy an toàn sức khỏe người dân là mục tiêu số 1. Nêu rõ thực tế, để chống dịch COVID-19 thành công thì sự đồng thuận và vào cuộc của người dân mang tính quyết định, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố Hà Nội tiếp tục đồng hành, ủng hộ chủ trương của thành phố, tích cực tuyên truyền tạo đồng thuận trong nhân nghiêm túc chấp hành Chỉ thị 17/CT-UBND. Vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ của người dân, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát diễn biến tình hình, trên tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

  • Tags: