Kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh đối với nhãn hiệu bằng biện pháp hành chính ở Việt Nam hiện nay

PLQL - Bài viết nêu lên những tồn tại, bất cập trong quy định của pháp luật Việt Nam về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu bằng biện pháp hành chính và một số kiến nghị.

PLQL - Bài viết nêu lên những tồn tại, bất cập trong quy định của pháp luật Việt Nam về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu bằng biện pháp hành chính và một số kiến nghị. 

Ảnh minh họa - Internet 

1. Thực trạng kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu bằng biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật ở Việt Nam
Kiểm soát cạnh tranh nói chung và kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói riêng là nhu cầu tất yếu và cần thiết của xã hội mà bất cứ quốc gia nào cũng phải thực hiện. Nhà nước thực hiện kiểm soát bằng việc ban hành các quy định pháp luật xác định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu với các điều cấm, ngăn các các doanh nghiệp không được thực hiện. Đồng thời, Nhà nước ban hành các quy định về chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu và tổ chức các cơ quan thực thi pháp luật.
Thứ nhất, quy định về cơ quan kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Sau một thời gian thi hành, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh nói chung và kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói riêng, tuy nhiên, cũng đã tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trên cơ sở thống nhất trong vai trò điều tra và xét xử, thống nhất tổ chức dựa trên sát nhập Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội đồng Cạnh tranh và Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các thành viên. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có tối đa 15 thành viên là công chức của Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương, hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Với tổ chức như vậy sẽ đảm bảo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và từng thành viên của cơ quan này hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không bị can thiệp về chính trị kể cả Bộ trưởng Bộ Công thương.
Khác với cơ quan quản lý hành chính nhà nước khác, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quan hành chính bán tư pháp, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh; vừa tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong hoạt động xét xử vụ việc cạnh tranh nói chung và cạnh tranh không lành mạnh nói riêng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cần đảm bảo đúng vai trò tiên quyết giải quyết vụ việc trên cơ sở xác định hành vi vi phạm, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính (nếu có).
Việc tổ chức cơ quan cạnh tranh thống nhất với chức năng hành chính bán tư pháp của Luật Cạnh tranh năm 2018 đã cho thấy sự tương đồng với cơ quan quản lý cạnh tranh của hầu hết các nước trên thế giới, bảo đảm cho doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh; bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh; bảo đảm hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng.
Thứ hai, quy định về trình tự thủ tục giải quyết vụ việc khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018, giải quyết vụ việc khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy trình tố tụng cạnh tranh được thực hiện theo các bước: (i) Gửi hồ sơ khiếu nại vụ việc; (ii) Tiếp nhận và giải quyết vụ việc; (iii) Ban hành quyết định điều tra vụ việc; (iv) Điều tra vụ việc; (v) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và thi hành quyết định.
Luật Cạnh tranh năm 2018 đã quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh không lành mạnh nói chung theo hướng đơn giản hơn, rút ngắn thời gian giải quyết, tăng thời hạn doanh nghiệp có quyền khiếu nại vụ việc cạnh tranh từ 02 năm thành 03 năm và có sự phân định rõ các bước trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, từ phát hiện, điều tra cho đến xử lý và giải quyết khiếu nại. Trong mỗi bước thực hiện giải quyết vụ việc sẽ gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Đồng thời, Luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Đặc biệt, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã phân biệt rõ quy trình xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh với quy trình xử lý vụ việc tập trung kinh tế và hạn chế cạnh tranh. Điều này xuất phát từ đặc thù về tính chất, đặc điểm của các vụ việc cạnh tranh là không giống nhau nên không thể áp dụng quy trình xử lý giống nhau.
Thứ ba, quy định về chế tài hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Đối với mỗi hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu, tùy vào mức độ thiệt hại, tính chất vụ việc mà cá nhân, pháp nhân bị áp dụng các hình phạt như: (i) Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh; (ii) Phạt tiền; (iii) Các hình phạt bổ sung (iv) Các hình phạt khắc phục hậu quả.
2. Một số tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, chưa đảm bảo được sự độc lập trong hoạt động kiểm soát cạnh tranh của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia: Về nguyên tắc, vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là xâm phạm về quyền lợi tư được xác định là có tranh chấp và phải được giải quyết trên cơ sở pháp luật dân sự. Tuy nhiên, do đặc thù của lĩnh vực nên khi xét xử vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu có những yêu cầu đặc biệt đối với cơ quan có thẩm quyền xét xử vừa có chức năng như một cơ quan tư pháp, vừa có chức năng như một cơ quan hành chính, đồng thời đối với các thành viên trong hội đồng xét xử cần có chuyên môn về tố tụng, chuyên môn về kinh tế vĩ mô, chuyên môn về nhãn hiệu… Có thể thấy, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương vừa có nhiệm vụ quản lý về cạnh tranh, tiến hành tố tụng cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Mặc dù đã có sự thống nhất trong cơ quan cạnh tranh, nhưng về bản chất, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia bị phụ thuộc vào Bộ Công thương về cơ cấu vận hành, về tổ chức và đặc biệt là về tài chính. Theo Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương, trong đó quy định Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại trong đó có chức năng quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại. Trong khi hoạt động cạnh tranh nói chung và cạnh tranh không lành mạnh diễn ra ở tất cả các lĩnh vực khác nhau không chỉ riêng trong lĩnh vực công thương, nên để một cơ quan trực thuộc Bộ Công thương thực hiện quản lý cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh là không hợp lý.
Ngoài việc quản lý các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực công thương, Bộ Công thương còn là cổ đông của nhiều tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước đồng thời có vai trò “tăng cường hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thị trường trong nước và tăng cường năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu trên thị trường quốc tế”[1]. Như vậy, trong hoạt động kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu của Ủy ban Cạnh tranh sẽ có xu hướng “thiên vị” hoặc “nương tay” với các doanh nghiệp do Bộ Công thương quản lý hoặc doanh nghiệp nhà nước so với các doanh nghiệp tư nhân khác.
Thứ hai, trình tự, thủ tục xử lý khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu của cơ quan cạnh tranh còn mất thời gian và phức tạp: Quá trình tiến hành điều tra và phải dựa trên nội dung điều tra chính thức, tức là vừa phải tuân theo thủ tục tố tụng cạnh tranh vừa tuân theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Thứ ba, quy định về mức phạt tiền còn nhiều hạn chế: Luật Cạnh tranh năm 2018 không quy định mức phạt tối thiểu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng quy định mức phạt tối đa là 02 tỷ đồng (Điều 4). Mức phạt tối đa của hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu có sự chênh lệch rất lớn giữa quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ. Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Nghị định số 99/2013/NĐ-CP) đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu mức phạt tối đa là 250.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị trên 500.000.000 đồng là chưa phù hợp với thực tế và không mang tính chất răn đe, trừng trị nghiêm khắc đối với doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời, Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định rõ về phạm vi áp dụng là ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trong trường hợp có quy định việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật đó. Nhưng theo quy định của khoản 3 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019), tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về nhãn hiệu thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Thứ tư, chồng chéo về thẩm quyền áp dụng chế tài xử phạt vi phạm: Theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt hành hành chính thuộc Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, theo Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm thuộc về Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu xảy ra tại địa phương theo nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38 và Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Thứ năm, thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu còn nhiều bất cập: Theo Luật Thi hành án dân sự năm 2014, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành án đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án (khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 35). Tuy nhiên, theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018, thì sau 15 ngày kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành thì bên được thi hành, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định. Trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì Ủy ban Cạnh tranh quốc gia yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định (Điều 114).
Như vậy, có sự mâu thuẫn trong việc xác định thẩm quyền thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia với cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. Quy định về điều kiện thi hành án dân sự đối với quyết định của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 thiếu điều kiện liên quan đến tài sản. Đồng thời, Luật Thi hành án dân sự năm 2014 chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành các chế tài hành chính trong quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nói chung và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói riêng, do đó, thiếu một cơ chế pháp lý đầy đủ để các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thể thực hiện.
Từ một số tồn tại, hạn chế nên trên dẫn đến thực tế hiện nay số vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu được phát hiện, điều tra, xử lý còn hạn chế trong khi thực tế môi trường cạnh tranh tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều hành vi có tác động tiêu cực tới thị trường, đặc biệt trong những ngành, lĩnh vực có quy mô lớn hoặc đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế như lĩnh vực năng lượng, dược phẩm, phân phối, bán lẻ, vận tải, du lịch, các ngành ứng dụng công nghệ.
3. Kiến nghị
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cụ thể cần:
- Xây dựng cơ chế đảm bảo trong hoạt động Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chỉ tuân theo pháp luật và hạn chế sự tác động của các cơ quan nhà nước vào quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Do vậy, để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động điều tra các vụ việc cạnh tranh trong đó có vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu, cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cần được quy định có tư cách pháp nhân và được sử dụng con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ (tương đương cấp Cục).
Trong hoạt động xét xử vụ việc cạnh tranh nói chung và cạnh tranh không lành mạnh nói riêng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cần đảm bảo đúng vai trò tiên quyết giải quyết vụ việc trên cơ sở xác định hành vi vi phạm, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính (nếu có). Trong trường hợp có thiệt hại xảy ra, doanh nghiệp có thể khởi kiện vụ việc ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra. Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu sẽ là cơ sở để Tòa án xác định hành vi của chủ thể và giải quyết tranh chấp về việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
- Đảm bảo tính minh bạch: Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có quy chế về việc công khai quy trình xử lý và quá trình xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh nói chung và cạnh tranh không lành mạnh nói riêng theo đúng quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
- Đảm bảo về nguồn lực tài chính: Quy định cụ thể về ngân sách hoạt động phù hợp với chức năng “hành chính - bán tư pháp” vừa là cơ quan quản lý nhà nước vừa là cơ quan thực hiện hoạt động tố tụng cạnh tranh; quy định về mức hỗ trợ kinh phí đối với hoạt động điều tra vụ việc cạnh tranh nói chung và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu; bổ sung kinh phí cho hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật đối với các văn bản liên quan đến pháp luật cạnh tranh.
- Đảm bảo nguồn lực về nhân sự: Theo kế hoạch của Bộ Công thương giai đoạn 2020 - 2025, tổng biên chế, nhân sự dự kiến của các đơn vị của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có trung bình 130 biên chế công chức và 25 biên chế viên chức (tăng trung bình khoảng 70 - 80 biên chế công chức, 15 biên chế viên chức)[2]. Số lượng biên chế, nhân sự còn thiếu, thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chuyển từ các đơn vị của Bộ Công thương hoặc các bộ ngành khác nhằm bảo đảm các nguyên tắc: không tăng biên chế trong tổng số biên chế của Bộ và biên chế hành chính nhà nước nói chung. Tuy nhiên, việc sắp xếp, điều chuyển biên chế cho Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cần đảm bảo về năng lực chuyên môn (có kiến thức chuyên sâu về pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn về các hoạt động kinh tế thương mại, có am hiểu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ…). Có thể xem xét bổ sung số lượng nhân sự nhất định cho Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đặc biệt cho các cơ quan liên quan đến hoạt động xét xử các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh nguồn nhân sự đã có am hiểu nhất định về kiến thức thực tiễn trong hoạt động kinh doanh, thương mại cũng như kỹ năng, chuyên môn trong hoạt động tố tụng cạnh tranh. Đồng thời, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cần có kế hoạch đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu về sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng để đảm bảo được trình độ chuyên môn trong xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu.
Thứ hai, quy định thống nhất thẩm quyền xử phạt vi phạm đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Bởi vì, khoản 3 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019) đã quy định rõ hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về pháp luật cạnh tranh. Đồng thời, loại bỏ thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh của cơ quan quản lý nhà nước đối với sở hữu trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ...). Theo Quyết định số 2525/QĐ-BKHCN ngày 04/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ, thì Cục Sở hữu trí tuệ là tổ chức trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; trực tiếp quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Do đó, Cục Sở hữu trí tuệ chỉ có thẩm quyền đối với việc công nhận quyền sở hữu trí tuệ trong đó có nhãn hiệu và xử lý các hành vi xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ. Trong khi hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu được xác định dựa trên việc sử dụng các phương thức, cách thức sử dụng nhãn hiệu với mục đích cạnh tranh không lành mạnh trong phạm vi nhãn hiệu đó không phụ thuộc vào việc nhãn hiệu được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ hay không. Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu là tranh chấp giữa các quyền lợi tư và về nguyên tắc phải thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tố tụng cạnh tranh hoặc Tòa án.
Thứ ba, hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với mức phạt tiền áp dụng cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Có thể học hỏi kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc và Canada trong việc xác định mức phạt tiền căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Cụ thể như: Luật Kiểm soát độc quyền và thương mại lành mạnh của Hàn Quốc quy định mức phạt không vượt quá 2% mức doanh thu của doanh nghiệp được đặt ra trong nghị định của Tổng thống; tuy nhiên, trong trường hợp doanh thu không tồn tại, Ủy ban Thương mại lành mạnh có thể áp đặt một khoản tiền phạt không quá 500 triệu won (Điều 24-2)[3]. 
Thứ tư, cần ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về quy trình tự, thủ tục tổ chức thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong đó có vụ việc cạnh tranh không lành mạnh của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia của Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Kiểm soát cạnh tranh nói chung và kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói riêng là nhu cầu tất yếu và cần thiết của xã hội mà bất cứ quốc gia nào cũng phải thực hiện. Tuy nhiên, việc kiểm soát của Nhà nước bằng biện pháp hành chính không làm kìm hãm sự phát triển của thương nhân, kìm hãm sự sáng tạo của cá nhân, mà hướng tới việc bảo vệ quyền tự do kinh doanh (tự do lựa chọn hình thức kinh doanh, tự do cạnh tranh nhằm thu hút khách hàng, tự do sáng tạo...) và quyền tự do lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng trong hoạt động kinh doanh, thương mại bằng việc ngăn cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh tác động đến quá trình phân biệt sản phẩm của người tiêu dùng (ngăn cản chủ thể thực hiện các hành vi gây nhầm lẫn, lừa dối liên quan đến nhãn hiệu); đồng thời, bảo vệ lợi ích chung của xã hội, bảo toàn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc hoàn thiện pháp luật cũng phải đáp ứng các yêu cầu của xu thế hội nhập quốc tế, đáp ứng cam kết trong các hiệp ước thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, đồng thời, bảo đảm tính khả thi và ổn định của pháp luật về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu.

Nguyễn Thùy Dung
NCS. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội


[1]. Phan Công Thanh (2015), “Tình hình thực thi Luật Cạnh tranh của Việt Nam và Sự cần thiết của Cạnh tranh minh bạch trong khu vực” - Loạt bài Tham luận Chính sách - tháng 12/2015.
[2]. Bộ Công Thương (2019), Dự thảo Đề án thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương.
[3]. Bộ Thương mại và Cơ quan phát triển quốc tế Canada (2004), Các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại lành mạnh của Hàn Quốc, Dự án hỗ trợ thực thi chính sách, tr. 37.

  • Tags: