Vai trò, trách nhiệm của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là vô cùng quan trọng

PLQL - Từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước vào năm 1986, Đảng ta đã xác định báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần làm lành mạnh hóa đời sống xã hội.

Từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước vào năm 1986, Đảng ta đã xác định báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần làm lành mạnh hóa đời sống xã hội.  Với phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Đảng ta đã chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ về việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Và, báo chí là một trong những lực lượng tham gia tích cực nhất vào cuộc đấu tranh không kém phần gay go, phức tạp này.

Vai trò, tầm quan trọng của báo chí hiện nay trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta khẳng định và nhất quán. Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã đề ra 10 nhiệm vụ trong tâm, trong đó có nhiệm vụ: “Thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng, chống tham nhũng. Đề cao vai trò, trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng; khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu”. Như vậy, chủ trương và sự cổ vũ báo chí trong đấu tranh PCTN là điều đã được xác định rất rõ ràng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao các giải A báo chí toàn quốc trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí lần 2 năm 2018-2019. Ảnh: TL

Vai trò, trách nhiệm của Báo chí, của Nhà báo đã rõ

Những năm qua, đặc biệt là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN)của Đảng, Nhà nước ta đã được triển khai quyết liệt, bài bản và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thành công bước đầu trong công cuộc đấu tranh này là Đảng, Nhà nước ta đã khơi nguồn và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí từ Trung ương tới địa phương.

Một thực tế không thể phủ nhận là trong hầu hết các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn ở một số cơ quan Trung ương và địa phương được phát hiện, đã được cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn, đều có công đầu của báo chí.  Đã có rất nhiều thông tin mà báo chí nêu về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, hành vi tham ô được báo chí đề cập và sau đó được Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương phải vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý nghiêm. Từ đó, tạo niềm tin cho người dân vào công lý, vào sự lãnh đạo của Đảng, vào quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước.  Báo chí cũng đồng thời làm tốt chức năng góp ý, phản biện trong việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp về phòng, chống tham nhũng. Nhờ đó mà Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng có thêm một kênh thông tin quan trọng, hữu ích để triển khai, thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong các cuộc gặp và làm việc với cơ quan báo chí, với các nhà báo, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đề nghị các cơ quan báo chí, các Nhà báo phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của báo chí, đặc biệt coi trọng tính khách quan, chân thực, tính chuyên nghiệp, đẩy cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội.  Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới, nhất là phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng… Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; có nhiều tin, bài về công tác phòng, chống tham nhũng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta”.  Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng (07/2020), Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu:  “…Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”, như lời Bác Hồ đã căn dặn”.  Đó không chỉ là sự động viên mà còn là yêu cầu của người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đối với báo chí và đội ngũ các nhà báo trong đấu tranh PCTN.

Về Chính sách, Pháp luật, vai trò của nhà báo trong công cuộc đấu tranh PCTN cũng đã được xác định rõ ràng. Luật Báo chí năm 2016 (Điều 25) quy định các quyền và nghĩa vụ của nhà báo trong hoạt động tác nghiệp; Luật PCTN quy định trách nhiệm của báo chí tại Điều 9 đã xác định rất rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí trong PCTN: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc PCTN; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong PCTN; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa”; Luật PCTN tại khoản 1 Điều 86 quy định: “Nhà nước khuyến khích cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng”; Cũng Điều 86 tại khoản 2 quy định: “cơ quan báo chí có trách nhiệm biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong công tác PCTN; lên án, đấu tranh đối với những người có hành vi tham nhũng; tham gia truyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN”; Tại Khoản 3 , Điều 86 Luật PCTN quy định: “cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Có thể nói, Luật PCTN đã trao quyền lớn hơn về chống tham nhũng cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn thiếu một cơ chế pháp lý cụ thể để bảo vệ nhà báo trong các trường hợp nhà báo khi tác nghiệp bị cản trở, thậm chí bị đe dọa, hành hung hoặc bị trả thù sau khi công bố kết quả phát hiện, xác minh, thu thập thông tin. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để sớm có cơ chế phối hợp giữa Hội Nhà báo Việt Nam với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bảo vệ quyền hành nghề của nhà báo đấu tranh PCTN, tiêu cực.   

Có điều còn trăn trở  

Để báo chí phát huy cao hơn nữa vai trò tiên phong trong việc phát hiện, phản ánh những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, báo chí rất cần nhận được “phản hồi” từ các cơ quan chức năng. Dù bài báo viết đúng hay chưa đúng cũng đều cần được như vậy. Nếu báo chí phản ánh đúng, các cơ quan cần ra tay để xử lý triệt để; nếu phản ánh sai sự thật, báo chí đó phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật. Có như thế các nhà báo mới có niềm tin và thêm dũng khí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Mỗi một nhà báo nói riêng và một cơ quan báo chí nói chung, đều có vai trò và trách nhiệm tham gia đấu tranh PCTN, tiêu cực thông qua ngòi bút  sau mỗi quá trình thâm nhập thực tế của mình. Điều đó cũng có nghĩa là dù công tác ở cơ quan báo chí nào thì Nhà báo đều có quyền và có trách nhiệm như nhau trong việc tham gia đấu tranh PCTN, tiêu cực. Khi thấy một việc làm tốt, một tấm gương tốt thì nhà báo viết bài tôn vinh, động viên để điều tốt ngày một lan tỏa nhiều hơn. Khi gặp, hay phát hiện một việc làm có dấu hiệu vi phạm pháp luật, một hành vi có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, thì nhà báo viết bài phản ánh, thậm chí phải đấu tranh để  “phanh phui” vụ việc giúp các cơ  quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ để xử lý nghiêm minh. Nhà báo có vai trò và trách nhiệm đó.  Tất nhiên nếu viết bài phản ánh sai sự thật, hoặc cung cấp thông tin mang động cơ không đúng thì phóng viên, nhà báo đó phải chịu hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhưng có một bất cập hiện nay là những nhà báo công tác ở các cơ quan Tạp chí, khi phản ánh tham nhũng, tiêu cực lại không được “vượt” ra ngoài khuôn khổ của tôn chỉ, mục đích được quy định cho Tạp chí mà bản thân nhà báo đó đang công tác. Như vậy, sẽ có những trường hợp, Nhà báo phát hiện ở đâu đó có hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, mà lại không được phản ánh, không được đấu tranh thông qua ngòi bút của mình (vì cá nhân, đơn vị vi phạm ấy không thuộc các đối tượng trong “khu vực” mà tôn chỉ mục đích của tạp chí quy định). Thực tế đó cũng phần nào làm giảm sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh PCTN. Và, điều này làm hạn chế nhiều đến vai trò và trách nhiệm đấu tranh PCTN, tiêu cực của các Tạp chí (với vai trò là một cơ quan báo chí) và của các nhà báo tâm huyết đang công tác tại các Tạp chí. Nên chăng, các Cơ quan quản lý xem xét và có sự điều chỉnh vấn đề này nhằm huy động tốt hơn nguồn lực và sức mạnh trong đấu tranh PCTN, tiêu cực…

  • Tags: