43 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Dấu mốc hào hùng mãi khắc ghi

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Sự thật lịch sử là không thể bóp méo hoặc đảo ngược, và là một dấu mốc khắc ghi trong lịch sử 4.000

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Sự thật lịch sử là không thể bóp méo hoặc đảo ngược, và là một dấu mốc khắc ghi trong lịch sử 4.000 năm dựng nước giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Trải qua hơn 80 năm sống dưới chế độ thực dân và 2 cuộc chiến tranh giải phóng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc Việt Nam thấu hiểu sâu sắc và mong mỏi hơn ai hết về một đất nước hòa bình, thống nhất để hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây và phát triển đất nước bị tàn phá tới kiệt quệ. Thế nhưng thời điểm đầu năm 1979, Tổ quốc ta đứng trước cảnh lâm nguy lần nữa vì nguy cơ chiến tranh.

Ảnh tư liệu

Các bước đi và toan tính từ trước của Trung Quốc

Thời điểm đó, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày càng trở lên căng thẳng. Quan hệ Xô - Trung lúc đó chuyển từ bình thường, thậm chí tốt đẹp, sang đối đầu. Quan hệ Liên Xô - Trung Quốc rạn nứt nghiêm trọng trong lúc quan hệ Liên Xô - Việt Nam ngày càng gắn bó.

Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo càng giành chiến thắng, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam cũng càng thêm căng thẳng, thậm chí xảy ra tranh chấp, xâm lấn biên giới. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc dần xấu đi nghiêm trọng khi Trung Quốc không đạt được mục đích gây áp lực với Việt Nam trong vấn đề Campuchia.

Trung Quốc cũng tiến hành xúi giục người Hoa ở Việt Nam từ bỏ quốc tịch Việt Nam để trở về Trung Quốc, đồng thời lập trạm đón tiếp ở biên giới, đưa tàu sang đón Hoa kiều về nước. Trung Quốc đã chuẩn bị trước cho cuộc chiến xâm chiếm Việt Nam, leo thang từng bước, từ gây áp lực trong vấn đề Campuchia, dựng lên “sự cố Hoa kiều” và chuẩn bị về binh lực đi đôi với việc tuyên truyền.

Ngay từ cuối năm 1978, Trung Quốc đã âm thầm lựa chọn, điều động lực lượng binh lực cùng số lượng lớn trang thiết bị vũ khí áp sát trên toàn tuyến biên giới với Việt Nam. Đến trung tuần tháng 2-1979, Trung Quốc đã điều động tổng cộng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập với tổng số 32 sư đoàn, 6 trung đoàn xe tăng với hơn 500 xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với khoảng 2.000 khẩu pháo... Bên cạnh đó, hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và hơn 900 máy bay được đặt trong tình trạng báo động cao độ.

Cũng từ tháng 1-1979, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động trinh sát vũ trang để chuẩn bị cho chiến dịch xâm chiếm dọc biên giới với Việt Nam. Trong tháng 1 và tuần đầu tiên của tháng 2-1979, Trung Quốc đã gây ra hàng trăm vụ xâm phạm vũ trang vào lãnh thổ Việt Nam, từ gây hấn cho tới tập kích, bắn phá các đồn biên phòng và trạm gác của Công an; phục kích, bắt cóc người đưa về Trung Quốc...

Đồng thời với việc chuẩn bị về binh lực, Trung Quốc đẩy mạnh việc chuẩn bị trên mặt trận ngoại giao, tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao con thoi ở khu vực và thế giới, trong đó đặc biệt là chuyến công du Mỹ vào tháng 1-1979 của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Trong nước, Trung Quốc cũng tiến hành chuẩn bị kỹ lưỡng về tuyên truyền với đỉnh điểm tuyên bố của Đặng Tiểu Bình “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Cuộc chiến xâm chiếm trên toàn tuyến biên giới Việt Nam bùng nổ sáng sớm ngày 17-2-1979 là kết quả một quá trình chuẩn bị, tính toán từ trước của Trung Quốc!

Cuộc chiến đấu khẳng định chủ quyền và chính nghĩa

Vào 3 giờ 30 phút rạng sáng 17-2-1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của nước ta, sau đó huy động 600.000 quân, trên 500 xe tăng, xe bọc thép, hàng nghìn khẩu pháo các loại tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam dài hơn 1.400km.

Số quân Trung Quốc tham chiến lúc đó được cho nhiều hơn các đạo quân xâm lược Việt Nam trong lịch sử. Thời điểm cao nhất, quân Mỹ huy động trên chiến trường Việt Nam gần 550.000 quân, Pháp 250.000 quân... Hướng tấn công chủ yếu của quân Trung Quốc là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng ta là Quảng Ninh và Hà Tuyên.

Không ai có thể tin rằng một dân tộc vừa phải trải qua 30 năm chiến tranh với thương tích đầy mình lại đi khiêu khích, rồi xâm lược một nước khác, lại là nước lớn hơn, thậm chí là nước đã từng ủng hộ và giúp đỡ to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đó, như một số người Trung Quốc nói rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một “cuộc phản công tự vệ”.

Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, thêm một lần nữa, quân và dân Việt Nam không còn con đường nào khác là buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Đây là thử thách đầy khắc nghiệt với dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta, nhất là ở các tỉnh Việt Bắc và Tây Bắc, một lần nữa đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Đối mặt với đội quân xâm lăng từ bên kia biên giới phía Bắc đông tới 60 vạn người cùng hàng nghìn xe tăng và pháo hạng nặng, Việt Nam vào ngày 17-2-1979 chỉ có lực lượng công an vũ trang, dân quân địa phương và 7 sư đoàn với tổng số quân khoảng 7 vạn người. Sự chênh lệch về lực lượng, về vũ khí trang bị là rất lớn.

Thế nhưng, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta là anh dũng vô song. Lực lượng ít hơn đội quân Trung Quốc hàng chục lần nhưng quân và dân biên giới đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng chặn đứng bước tiến của đội quân đông hơn gấp bội. Những trận chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng khắc sâu vào tâm khảm chúng ta những chiến đấu anh dũng ở Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn); Bát Xát, Mường Khương (Lào Cai); Trà Lĩnh, Trùng Khánh (Cao Bằng); Pò Hèn (Quảng Ninh)…

Sự đánh trả dũng mãnh bảo vệ biên giới của quân và dân ta đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Trung Quốc. Khoảng 6 vạn quân Trung Quốc đã bị thương vong cùng hàng trăm tù binh bị bắt sống. Thiệt hại nặng nề trên chiến trường, bị dư luận thế giới lên án, Trung Quốc buộc phải rút quân vào ngày 6-3-1979.

Nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979, chúng ta một lần nữa thấy rõ sự thật lịch sử: Nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu quỳ gối trước bất kỳ thế lực xâm lược ngoại bang nào. Nó khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc,

Thế nhưng, để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh khắc nghiệt này, nhân dân Việt Nam đã phải chịu những tổn thất nặng nề: hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục nghìn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400 nghìn gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.

Nhà báo Nayan Chanda - người sáng lập và là Tổng Biên tập của Tạp chí trực tuyến chuyên viết về toàn cầu hóa YaleGlobal online thuộc trường Đại học Yale của Mỹ - người từng có mặt tại Việt Nam cả trước và sau khi đất nước ta thống nhất - đã mô tả những gì mà ông tận mắt chứng kiến: “Sau chiến cuộc, trong một chuyến đi Cao Bằng, tôi thật sự giật mình vì quân Trung Quốc đã san bằng gần như tất cả những gì có trên mặt đất, từ những tòa nhà công cộng cho đến bưu điện, trường học. Những ngọn đồi xanh tươi trở nên hoang tàn vì bom đạn”.

Bài học xương máu luôn khắc ghi

Quá khứ bi hùng đó nhắc nhở chúng ta, tất cả các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn tăng cường đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh để đủ sức đối phó với mọi tình huống trong một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất trắc. Trên cơ sở đó, có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột; phát huy truyền thống “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, phải quán triệt quan điểm “Kiên quyết, kiên trì”. Quan điểm này vừa thể hiện quyết tâm cao độ, ý chí sắt đá, bản lĩnh trước sau như một của nhân dân ta, vừa thể hiện tính chất lâu dài, phức tạp của cuộc đấu tranh. Đây cũng là đối sách mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo, không chủ quan, manh động trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh lịch sử mới.

43 năm đã trôi qua, đất nước đã hòa bình và đang trên đà hội nhập, phát triển mạnh mẽ. Nhắc lại sự thật lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bên cạnh việc khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đây còn là dịp để chúng ta tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

“Với tôi và những người đồng chí đã có mặt trong cuộc chiến, đây là cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc mà quân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược. Chúng ta có quyền tự hào về điều này, đồng thời phải có hành động tri ân xứng đáng đối với những người đã ngã xuống” - luật sư Bùi Sinh Quyền - Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ - Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ.

Cuộc chiến đấu này cần được lịch sử ghi lại để thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về tính chính nghĩa, sự quả cảm của thế hệ đi trước bảo vệ chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá. Nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và diễn biến những gì xảy ra ở biên giới phía Bắc năm 1979, để các thế hệ mai sau trân trọng giá trị của hòa bình. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đều mong muốn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển!

“Nỗi đau mà nhân dân hai nước phải gánh chịu trong chiến tranh là bài học xương máu phải được nhận thức đầy đủ. Tôn trọng lịch sử, trung thực với lịch sử không có nghĩa là kích động hận thù. Lịch sử không thể bị lãng quên. Tôi luôn mong muốn thế hệ đi sau tự hào về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không quên quá khứ, không quên lịch sử”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – tác giả cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” phát hành vào tháng 3-2020 nói.

Với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, 43 năm là khoảng thời gian đủ dài để hai nước có điều kiện nhìn lại cuộc chiến này một cách khách quan, khoa học để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại. Lịch sử cho thấy, việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước là hoàn toàn phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới./.

  • Tags: