PLQL - Năm 2020, đất nước, nhân dân ta kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh của Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới (19/5/1890 – 19/5/2020).
Từ một thầy giáo nghèo đến khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, của đất nước, lúc nào Bác Hồ cũng gắn bó mật thiết với nhân dân. Suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài (1911-1941), Bác đi khắp các châu lục, từ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á, từ nước Pháp, nước Anh, nước Mỹ đến Thái Lan, Trung Quốc... Bác vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Hiếm có một nhà chính trị, trí thức lớn nào vừa lao động trí óc, vừa lao động chân tay, thành thạo nhiều công việc và gắn bó với các tầng lớp cần lao như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đốt lò, phụ bếp trên con tàu Latusơ Tơrevin của Pháp, làm thợ bánh mỳ tại khách sạn Omni Parker, Boston (Hoa Kỳ), rồi quét tuyết, đến tăng gia sản xuất, tát nước chống hạn cùng bà con nông dân…, Bác đều từng trải như một người công nhân, nông dân thực thụ. Gắn bó với nhân dân, thấu hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nên suốt đời Bác quan tâm, chăm lo đến đời sống nhân dân.
Trong Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến để thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân, mở ra thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Nhân dân ta từ kiếp sống nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với muôn vàn khó khăn. Nhân dân còn đói rét và thất học trong lúc bọn thực dân chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.
Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra ba nhiệm vụ lớn lao cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm. Bác nói rõ: Chống giặc đói để đem lại đời sống ấm no cho nhân dân và như thế phải tăng gia sản xuất. Chống giặc dốt là nhanh chóng nâng cao trình độ hiểu biết cho nhân dân và như thế phải mở mang giáo dục. Chống giặc ngoại xâm bởi nhân dân ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 17/10/1945, Bác Hồ nêu rõ: "Nếu nước nhà độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì". Sau thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong dịp tiếp các nhà báo nước ngoài, Bác đã nói rõ với họ: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"[1]. Ý kiến của Bác được công bố trên Báo Cứu quốc ngày 21/1/1946 đã trở thành ý chí, hành động của cả dân tộc Việt Nam để phấn đấu cho đạt được các mục tiêu cao cả đó.
Bác Hồ rất quan tâm đến đời sống nhân dân, nhất là người nghèo. Như lần gần đến giao thừa năm Canh Tý (1960), Bác đến thăm gia đình chị Tín, đúng lúc chị phải đi gánh nước thuê đổi gạo để ngày mồng một Tết có cơm ăn cho 4 đứa con của mình. Khi về nhà, quá bất ngờ được gặp Bác Hồ, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run cầm lấy bàn tay của Bác và òa khóc nức nở. Bác an ủi chị: Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai... Bác đã vào nhà thăm hỏi khá lâu 5 mẹ con chị Tín. Nhà chị là một cái chái nhỏ như một túp lều. Chồng chị là công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đã mất mấy năm, còn chị thì không có việc làm ổn định. Bác thấy trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe Bác trầm ngâm suy nghĩ, hòa bình đã được 6 năm rồi mà không đâu xa, ngay ở Thủ đô Hà Nội vẫn còn cái cảnh này sao? Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Về đến nhà, nhiều người đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác liền kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín, cuối câu chuyện Bác nói: "Ta có chính quyền trong tay nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta".
Mặc dù công việc đất nước rất bận rộn, nhưng Bác vẫn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên nhiều gia đình thương binh, liệt sỹ, các đồng chí lão thành cách mạng, thăm công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sỹ, thăm nhiều nông trường, hợp tác xã, đơn vị bộ đội, công an, thăm các công trường, xí nghiệp... Bác đánh giá sâu sắc vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"[2]. Ngày 15/10/1949, trong bài báo "Dân vận", Bác căn dặn rất rõ: "... phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được… bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng"[3]. Bác còn chỉ rõ: "Việc gì đúng với nguyện vọng của nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh"[4]. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960) khẳng định: “…đường lối của Đảng là đúng đắn, sự lãnh đạo của Đảng là vững vàng ... Đảng ta xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân ta từ Bắc tới Nam"[5]. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Những thắng lợi đó không phải là công lao riêng của Đảng ta. Đó là công lao chung của toàn thể đồng bào ta trong cả nước... Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của Chủ nghĩa Mác - Lênin"[6]. Phát biểu tại lớp cán bộ cấp huyện miền Bắc, ngày 18/11/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu ca dao của đồng bào Quảng Bình:
"Dễ mười lần không dân cũng chịu
Khó trăm lần dân liệu cũng xong"
Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của mình, Bác vẫn quan tâm căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Sự gắn bó của Bác Hồ với nhân dân và tình cảm của Bác đã thấm sâu vào máu thịt mỗi một người dân Việt Nam nên khi sinh thời nhân dân đã thành kính nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ của chúng ta.
Gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân là tư tưởng chỉ đạo và hành động nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì thế, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bác Hồ và Đảng ta đã dựa vào nhân dân, phát huy cao độ lòng yêu nước, sức mạnh toàn dân tộc để làm một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954, làm nên đại thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và tiến hành sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm qua đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Trong những tháng đầu năm 2020, trước đại dịch COVID-19, cả thế giới phải gồng mình chống dịch, thiệt hại về người và của là rất nghiêm trọng; Đảng, Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, phát động được các tầng lớp nhân dân tham gia nên đã bảo vệ tốt nhất tính mạng nhân dân, được nhân dân ghi nhận, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đó là bài học vô giá, khi Đảng tin cậy nhân dân, sống giữa lòng nhân dân, thực sự là con nòi của nhân dân lao động, dựa vào nhân dân thì Đảng tìm thấy sức mạnh vô địch của mình và không có khó khăn nào không vượt qua.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng quan liêu, xa dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn khá nặng. Một số người đứng đầu địa phương ít tiếp dân, không tổ chức đối thoại với nhân dân theo đúng quy định của Trung ương và Chính phủ, không quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chính đáng của công dân nên đã dẫn đến khiếu kiện phức tạp, có nơi trở thành "điểm nóng".
Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân đang làm hết sức mình để phòng, chống dịch bệnh và phát triển sản xuất, đồng thời triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để Đại hội đảng bộ các cấp đạt kết quả tốt nhất, cấp ủy đảng phải chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi, dân chủ thực chất trong xây dựng Báo cáo chính trị, đặc biệt là phương án phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng, tính khả thi của văn kiện chính trị của đại hội. Việc lựa chọn đội ngũ cán bộ nói chung và lựa chọn cấp ủy sắp tới cần có phương pháp, cách làm dân chủ theo hướng dẫn của Trung ương để lấy được ý kiến đóng góp của người dân. Phải thực sự xem việc tuyển chọn cán bộ cũng là trách nhiệm của nhân dân và nếu được nhân dân tham gia giám sát thì chất lượng sẽ tốt hơn.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, chúng ta có chung niềm tin tưởng đất nước Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức, ổn định phát triển và hùng cường tại các dấu mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2045. Có niềm tin đó chính vì Đảng ta đã kế thừa truyền thống và học tập, phát huy sáng tạo tấm gương ngời sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân, tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương