Tóm tắt: Biện pháp tư pháp là một chế định quan trọng của luật hình sự, có vai trò không thể phủ nhận trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về khái niệm, đặc điểm; phân tích một số vướng mắc, bất cập của thực tiễn áp dụng các biện pháp tư pháp trong lĩnh vực tố tụng hình sự và đề xuất biện pháp khắc phục.
Từ khóa: Biện pháp tư pháp; tịch thu vật, tiền; bắt buộc chữa bệnh.
Abstract: Judicial measure is an important provision under the criminal law, playing an undeniable role in the practice of crime prevention and combating by the proceeding agencies. Within the scope of this article, the author discusses the concepts and characteristics; analysis of problems and inadequacies of the practice of judicial measures in criminal procedure and provides recommendations for improvements.
Keywords: Judicial measures; confiscation of objects, money; compulsory cure.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Biện pháp tư pháp
Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (BLHS năm 2015) không đưa ra định nghĩa về biện pháp tư pháp (BPTP), mà chỉ xác định các BPTP áp dụng đối với cá nhân và pháp nhân phạm tội. Về phương diện lý luận, có các quan điểm khác nhau về biện pháp tư pháp. Có quan điểm cho rằng, BPTP là biện pháp cưỡng chế hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự, do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội hoặc người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, có tác dụng hỗ trợ hoặc thay thế cho hình phạt[1]. Quan điểm này đã chỉ ra được tính chất, chủ thể, đối tượng và mục đích của biện pháp tư pháp. Quan điểm khác cho rằng, BPTP là biện pháp cưỡng chế về hình sự của Nhà nước ít nghiêm khắc hơn hình phạt do pháp luật hình sự quy định và được cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền căn cứ vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng cụ thể áp dụng đối với người phạm tội nhằm hạn chế quyền, tự do của người đó hoặc hỗ trợ hay thế cho hình phạt[2]. Quan điểm này đã có bước phát triển nhất định, ngoài việc chỉ ra tính chất, chủ thể, đối tượng còn làm rõ hơn mục đích của biện pháp tư pháp, đồng thời cho thấy, BPTP được được áp dụng trong các giai đoạn tố tụng hình sự khác nhau. Như vậy, ở mức độ nhất định, các quan điểm trên đã phản ảnh được bản chất của các BPTP trong pháp luật hình sự Viêt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh BLHS năm 2015 quy định một số điểm mới về BPTP, thừa nhận pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội phạm và cũng là đối tượng áp dụng các BPTP thì khái niệm BPTP vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu để có nhận thức phù hợp hơn. Căn cứ quy định của BLHS năm 2015 về các biện pháp tư pháp, lý luận và thực tiễn áp dụng BPTP, tác giả cho rằng, BPTP là một trong các biện pháp cưỡng chế hình sự của Nhà nước, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không có năng lực trách nhiệm hình sự hay đối với pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm, nhằm thay thế, hộ trợ hình phạt, giáo dục, ngăn ngừa đối tượng tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội hoặc góp phần khắc phục thiệt hại, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại.
Biện pháp tư pháp có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, BPTP là một dạng cưỡng chế hình sự của Nhà nước. Đặc điểm này thể hiện ở tính quyền lực của Nhà nước khi áp dụng các biện pháp tư pháp. Nhà nước đơn phương sử dụng quyền lực để áp đặt ý chí, buộc phải tuân thủ thực hiện, nếu đối tượng bị áp dụng không thực hiện, Nhà nước sẽ sử dụng biện pháp cưỡng chế để bắt buộc phải thực hiện.
Thứ hai, các BPTP chỉ được quy định trong BLHS. Do tính chất của các BPTP là một dạng cưỡng chế hình sự, có thể làm hạn chế quyền và lợi ích của đối tượng bị áp dụng nên chỉ có BLHS là văn bản pháp luật duy nhất quy định về các biện pháp tư pháp.
Thứ ba, BPTP ít nghiêm khắc hơn so với hình phạt. Nếu như hình phạt có thể hạn chế hoặc tước bỏ những quyền và lợi ích của người phạm tội như quyền tự do, quyền sở hữu, thậm chí kể cả quyền sống thì các BPTP chỉ tước bỏ các lợi ích mang tính vật chất hoặc chỉ mang tính hỗ trợ và thay thế hình phạt như bắt buộc chữa bệnh hay giáo dục tại trường giáo dưỡng, nên ít nghiêm khắc hơn. Mặt khác, nếu như hình phạt để lại án tích thì việc áp dụng các BPTP không để lại án tích. Vì vậy, có thể nói đây cũng là biểu hiện minh chứng cho tính ít nghiêm khắc của BPTP so với hình phạt trong luật hình sự.
Thứ tư, thẩm quyền áp dụng BPTP bao gồm các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn của tố tụng hình sự. BPTP có thể được áp dụng trong tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự. Theo đó, trong giai đoạn xét xử và giai đoạn thi hành án hình sự, thẩm quyền áp dụng BPTP thuộc về tòa án nhân dân; trong giai đoạn điều tra và giai đoạn truy tố, thẩm quyền áp dụng BPTP thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng khác. Đặc điểm này cũng cho thấy, đây là điểm khác biệt giữa BPTP so với hình phạt trong luật hình sự (do tòa án là cơ quan duy nhất có quyền nhân danh Nhà nước áp dụng hình phạt đối người phạm tội).
Thứ năm, đối tượng bị áp dụng BPTP khá đa dạng. Đối tượng bị áp dụng BPTP là người phạm tội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi của mình, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi tội phạm và người thành niên phạm tội nhưng tòa án xét thấy không cần thiết áp dụng hình phạt với họ mà thay thế vào đó là áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Đặc điểm này cũng cho thấy sự khác biệt về đối tượng bị áp dụng của BPTP so với đối tượng bị xét xử trong vụ án hình sự.
Thứ sáu, BPTP là một dạng của trách nhiệm hình sự. Đặc điểm này thể hiện ở một số khía cạnh sau: a) BPTP chỉ được áp dụng trong lĩnh vực hoạt động tố tụng hình sự; b) Việc áp dụng các BPTP do các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thực hiện và được thể hiện trong bản án hay quyết định của tòa án hoặc trong các quyết định áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng khác; c) Các BPTP được coi là ít nghiêm khắc hơn so với hình phạt nhưng nếu so sánh với các dạng trách nhiệm pháp lý khác thì nó vẫn nghiêm khắc hơn.
Thứ bảy, BPTP khá đa dạng về thể loại. Căn cứ vào mục đích áp dụng, BPTP được chia thành các loại sau đây: a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; c) Bắt buộc chữa bệnh. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, BPTP bao gồm: a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; c) Khôi phục lại tình trạng ban đầu; d) Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra
2. Những hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp và giải pháp khắc phục
- Bất cập trong áp dụng biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
Theo quy định tại Điều 47 của BLHS năm 2015, việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.
Theo Từ điển tiếng Việt, “vật” được hiểu là đồ vật, hiện vật.. là những vật thể thuộc thế giới vật chất, tồn tại khách quan và con người có thể nhận biết được bằng thị giác hay xúc giác. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay, quan niệm “vật, tiền” theo nghĩa vật chất thông thường không còn phù hợp nữa. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, nhiều vụ án sử dụng công nghệ cao thực hiện tội phạm thì công cụ, phương tiện phạm tội là sản phẩm trí tuệ không phải là loại vật thông thường. Ví dụ, vụ án sử dụng phần mềm gián điệp để ăn cắp mật khẩu tài khoản ngân hàng tại Tây Ninh mà Cục Phòng, chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an vừa khởi tố vào đầu năm 2020 hoặc là các game được sử dụng vào tội đánh bạc trong vụ án đánh bạc với số lượng đặc biệt lớn đã được xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ trong thời gian qua là những trường hợp điển hình. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần sửa đổi Điều 47 BLHS năm 2015 theo hướng bổ sung thêm cụm từ “các sản phẩm khác do con người tạo ra có giá trị vật chất”.
Bên cạnh đó, mặc dù Điều 47 BLHS năm 2015 không quy định rõ, việc áp dụng BPTP được áp dụng trong trường hợp phạm tội do cố ý hay vô ý, nhưng căn cứ vào quy định “…công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội”, chúng tôi cho rằng, việc tịch thu công cụ phương tiện dùng vào việc phạm tội chỉ có thể được áp dụng với các trường hợp phạm tội do lỗi cố ý. Bởi lẽ, từ “dùng” phản ảnh hoạt động có ý thức của chủ thể (lỗi cố ý). Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng cho thấy, trường hợp phạm tội do vô ý thì có áp dụng BPTP hay không vẫn là câu hỏi còn nhiều tranh cãi.
- Bất cập trong trong việc áp dụng biện pháp tịch thu khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội
Đối với các tội có tính chiếm đoạt, tại phiên tòa nếu bị hại không yêu cầu trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại thì có tịch thu tài sản này không. Vấn đề này trước đây có hai quan điểm trái ngược nhau giữa tịch thu và không tịch thu tài sản đó. Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành công văn số 233/TANDTC-PC, ngày 1/10/2019, trao đổi nghiệp vụ, theo hướng không tịch thu với lý do là: theo Điều 194 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu có quyền, tặng cho hay từ bỏ quyền sở hữu, do đó “trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án”. Mặc dù công văn của Tòa án nhân dân tối cao không phải là một hình thức của văn bản quy phạm pháp luât nhưng trong thực tế thì nó có giá trị bắt buộc đối với hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp. Chúng tôi cho rằng, hướng dẫn này của Tòa án nhân dân tối cao đã góp phần tích cực đối với việc áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động xét xử của ngành tòa án. Tuy nhiên, xét ở góc độ hợp lý, cần phải cân nhắc thêm vấn đề này vì mấy lý do sau đây: thứ nhất, mặc dù quyền tặng cho, hay từ bỏ quyền sở hữu là quyền của chủ sở hữu trong lĩnh vực dân sự. Tuy nhiên, nếu cho phép người phạm tội được hưởng lợi từ việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản thì việc làm này đã vô tình “khuyến khích” người phạm tội, làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; thứ hai, nếu không tịch thu, tài sản trên có thể được sử dụng vào việc phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác sau này; thứ ba, nếu không tịch thu tài sản này sẽ làm giảm tính nghiêm khắc, răn đe của pháp luật hình sự, gây bất lợi cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, tài sản nêu trên cần được tịch thu bổ sung ngân sách của Nhà nước.
- Bất cập trong việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
Theo quy định tại Điều 49 BLHS năm 2015, bắt buộc chữa bệnh được áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 BLHS, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
+ Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
+ Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Như vậy, biện pháp bắt buộc chữa bệnh có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo và người đang chấp hành hình phạt tù trong tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm lại không có quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành trưng cầu giám định tâm thần hoặc giám định pháp y nếu có nghi ngờ người bị tố giác không có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu kết quả giám định là người đó đã mắc bệnh tâm thần, hoặc một bệnh khác dẫn đến không có khả năng nhận thức, không có khả năng điều khiển hành vi thì không có bất kỳ một căn cứ pháp lý nào để áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đó. Hệ quả là người đó vẫn hằng ngày sống chung với cộng đồng và có thể gây nguy hiểm cho xã hội bất cứ lúc nào. Đây là một khoảng trống pháp luật cần phải sớm khắc phục để tạo thuận lợi cho thực tiễn hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng và bảo đảm an toàn cho cuộc sống chung của cộng đồng. Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này, cần trao cho Viện kiểm sát nhân dân quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh khi kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Việc trao thẩm quyền này cho Viện kiểm sát nhân dân là phù hợp với khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Theo đó, một trong các nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân đó là bảo vệ quyền con người và quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức./.
TS. TRẦN ĐÌNH THẮNG
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/BIEN-PHAP-TU-PHAP-TRONG-LUAT-HINH-SU-VIET-NAM-VA-VAN-DE-BAO-VE-QUYEN-CON-NGUOI-6238.
[2] https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2433.