PLQL - Ngay từ đầu tháng 2-2020, khi phát hiện hàng loạt sai phạm xâm chiếm lòng hồ Đại Lải, Tổng cục Thủy lợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã vào cuộc kiểm tra và đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương kiểm tra những sai phạm của các doanh nghiệp và có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, cho đến nay các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa có kết luận đối với vụ việc nghiêm trọng này.
Ba tháng chưa có kết luận kiểm tra
Cụ thể, tại văn bản 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20-2-2020 của Tổng cục Thủy lợi đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc dừng toàn bộ các hoạt động của các doanh nghiệp thi công đào đất san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải từ cao trình +23m trở xuống phía lòng hồ. Đồng thời rà soát có giải pháp xử lý, khắc phục tồn tại về việc san lấp tôn nền lấn chiếm đất trong phạm vi lòng hồ báo cáo về Bộ NN-PTNT qua Tổng cục Thủy lợi trước ngày 30-3-2020.
Sau khi có kiến nghị của Tổng cục Thủy lợi, ngày 16-3-2020 các cơ quan liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức họp với các thành phần đại diện lãnh đạo: Sở NN-PTNT, Sở TNMT, UBND thành phố Phúc Yên, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên. Nội dung thảo luận, bàn bạc nhằm thống nhất đề xuất ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20-2-2020 của Tổng cục Thủy lợi. Đồng thời, thông qua dự thảo nội dung đề xuất văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh thực hiện kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải.
Ngày 17-3-2020, Sở NN-PTNT có văn bản số 398/SNN&PTNT gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị dừng toàn bộ các hoạt động của các doanh nghiệp thi công đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải đối với các công ty: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đại Lải, Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải và Công ty TNHH Đạt Tiến.
Đến ngày 7-4-2020, UBND tỉnh ra văn bản số 2477/UBND-NN3 về việc triển khai thực hiện Kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải do ông Bùi Hồng Đô, Chánh Văn phòng UBND tỉnh ký. Văn bản yêu cầu các đơn vị: UBND thành phố Phúc Yên, Sở NN-PTNT, Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên và các doanh nghiệp Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đại Lải, Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải và Công ty TNHH Đạt Tiến nghiêm chỉnh chấp hành các yêu cầu tại Kết luận số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20-2-2020 của Tổng cục Thủy lợi (nội dung kết luận đã được chúng tôi đề cập trong bài hai trong loạt bài “Bức tử” hồ Đại Lải).
Ngày 17-4-2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định số 947/QĐ-UBND do Chủ tịch Nguyễn Văn Trì ký. Nội dung Quyết định yêu cầu kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với dự án, công trình trong lĩnh vực du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, nhà ở, biệt thự trên địa bàn xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên. Quyết định giao ông Lưu Văn Dũng, Thành viên UBND tỉnh, Chánh thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn và thời hạn kiểm tra là 30 ngày kể từ ngày công bố Quyết định kiểm tra.
Tuy nhiên, khi PV liên hệ với ông Lưu Văn Dũng hỏi thông tin về việc kết luận kiểm tra thì được trả lời hiện vẫn chưa có!? Như vậy, sau gần ba tháng, việc kiểm tra sai phạm nghiêm trọng của các doanh nghiệp bức tử hồ Đại Lải vẫn chưa có kết quả.
Chúng tôi đã phỏng vấn anh Lê Tiến Toàn, người hàng tuần chứng kiến cảnh tượng bức tử hồ Đại Lải và được anh chia sẻ: Việc để bốn công ty Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đại Lải, Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải và Công ty TNHH Đạt Tiến đồng loạt sai phạm nghiêm trọng trong thời gian dài, thế nhưng các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương “không biết” là dấu hỏi lớn về việc có hay không sự bao che, dung túng cho các sai phạm. Tôi thực sự đau xót khi chứng kiến cảnh doanh nghiệp bất chấp luật pháp hủy hoại thiên nhiên như vậy. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, điều tra và quy trách nhiệm với những tập thể, cá nhân liên quan, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng này. Cần xử lý nghiêm minh trước pháp luật tạo niềm tin đối với quần chúng nhân dân và xã hội.
Doanh nghiệp nhờn luật do cơ quan chức năng buông lỏng thanh, kiểm tra
Chiều 1-7, đoàn công tác liên ngành Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) và Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) do ông Nguyễn Đắc Long – Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi) làm trưởng đoàn đã tới Vĩnh Phúc làm việc với các cơ quan chức năng liên quan về vụ việc.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Long cho biết nội dung làm việc của đoàn công tác liên ngành nhằm kiểm tra việc thực hiện kết luận số 253 ngày 20-3-2020 của Tổng cục Thủy lợi về những vi phạm trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, sau kết luận số 253 của Tổng cục Thủy lợi, UBND thành phố Vĩnh Yên đã chỉ đạo kiểm tra, yêu cầu dừng hoàn toàn việc đổ đất san lấp xuống lòng hồ Đại Lải từ cốt 23 trở xuống; một số nội dung trong kết luận như xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm; UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo Bộ NN-PTNT trước ngày 30-3-2020, tới nay vẫn…chưa thực hiện được!?
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Long phê bình các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc chậm trễ trong việc triển khai kết luận 253 dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp vi phạm “nhờn luật”. Ông Long đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có văn bản đôn đốc UBND thành phố Phúc Yên sớm ra quyết định xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp vi phạm.
Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã tiến hành ghi nhận thực tế việc đổ đất lấp hồ Đại Lải của Công ty TNHH Đại Lải. Tại đây, cả một diện tích khổng lồ ven hồ Đại Lải nhuộm một màu đỏ quạch, đất được ủi từ một quả đồi đổ xuống lòng hồ kéo dài hàng km, cao hơn mặt nước khoảng 3-4m.
Tại sao sau gần ba tháng mà các cơ quan chức năng liên quan tỉnh Vĩnh Phúc không đưa ra được kết luận thanh tra là câu hỏi mà công luận cần câu trả lời từ tỉnh Vĩnh Phúc.