Như đã thành thường lệ, cứ mỗi dịp đất nước diễn ra các sự kiện trọng đại, nhất là trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, những người thiếu thiện chí và những phần tử cơ hội, phản động về chính trị lại gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc hòng phá hoại sự kiện chính trị quan trọng này của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Vì vậy, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, nhận diện và đấu tranh làm thất bại mưu đồ đen tối đó.
Quốc hội và HĐND các cấp là cơ quyền lực nhà nước, đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, nơi gặp gỡ của “ý Đảng, lòng dân”, vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân trong Quốc hội và HĐND các cấp là một nhiệm vụ rất quan trọng. Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngay sau thời điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa kết thúc thành công tốt đẹp. Thực hiện thành công cuộc bầu cử có ý nghĩa rất to lớn, trực tiếp góp phần cụ thể hóa quan điểm Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do nhân dân làm chủ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Các cụm áp phích cổ động bầu cử được bố trí trên nhiều tuyến phố của Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Thế nhưng đâu đó lại có những tiếng nói lạc lõng, đi ngược lại mong muốn và nguyện vọng của nhân dân. Trong đó, họ tập trung vào phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cuộc bầu cử. Các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền vu khống và cho rằng “đề cử chỉ là độc quyền của Đảng”. Họ ra sức phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng bằng những bài viết của một số người nhân danh học giả, trí thức bằng cách đưa ra các lập luận, lý lẽ được gắn mác “khoa học” nhưng thực chất chỉ là những lý giải, gán ghép một cách khập khiễng một số hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia trong quá trình hội nhập quốc tế như các vấn đề về “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền của dân tộc thiểu số”, “quyền của các dân tộc bản địa”... Bên cạnh đó, họ cũng không ngừng kích động, phản đối Quy chế bầu cử, rồi hô hào lập ra “các nhóm giám sát quá trình bầu cử” để công khai hóa hoạt động chống phá. Hành vi nêu trên được một số trang mạng và cơ quan báo chí nước ngoài hậu thuẫn bằng cách tuyên truyền về các giá trị tự do, dân chủ tư sản, hết lời ca ngợi, tô hồng hệ thống bầu cử ở các nước phương Tây.
Nhằm phá hoại công tác nhân sự, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã không ngại đơm đặt, dựng chuyện để bôi nhọ, hạ bệ uy tín một số cán bộ là các ứng cử viên. Họ đã lợi dụng các phương tiện truyền thông, nhất là các trang mạng xã hội để đưa lên những thông tin thất thiệt, cắt ghép về đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là những cán bộ cấp cao của Đảng tham gia ứng cử. Một mặt, họ ra sức kêu gọi các nhà “dân chủ mạng” tự ứng cử vào Quốc hội, HĐND, cổ xúy cho hành động tự ứng cử của một số phần tử cơ hội, bất mãn. Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội đã có khá nhiều bài phỏng vấn, bài viết theo kiểu “đánh bóng”, “lăng xê” một số người tự ứng cử thuộc các nhóm “xã hội dân sự”, vận động “ký tên ảo” tung hô, ủng hộ cho người này, người kia... hòng thu hút sự quan tâm của cử tri.
Cần khẳng định rằng, tranh cử vào quốc hội luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu của bất kỳ đảng phái chính trị nào và mọi quyết sách của quốc hội luôn nghiêng về phía đảng (hoặc liên minh chính trị) có lực lượng chiếm đa số trong quốc hội. Cho nên, luận điệu đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam không được lãnh đạo bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND là hoàn toàn phi thực tiễn, phản khoa học. Mọi cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp của các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều được hiến định và quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn của quốc gia, dân tộc đó, bắt buộc người ứng cử và cử tri phải tuân thủ, không có ngoại lệ. Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp ở Việt Nam cũng vậy, phải tuân thủ một cách chặt chẽ, đúng Quy chế bầu cử theo luật định. Đặc biệt là việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử phải được được tiến hành từ cơ sở theo một quy trình thống nhất, theo đúng quy định của pháp luật, không thể có ai đó tự tiện ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước mà không thông qua các hội nghị cử tri, hội nghị hiệp thương giữa các tổ chức chính trị-xã hội. Hơn nữa, với quy định phổ thông đầu phiếu, quyền quyết định thuộc về người dân, thì bất kỳ ai, dù là ngoài Đảng hay trong Đảng, chỉ có thể được bầu khi có đủ sự tín nhiệm của cử tri. Như vậy, điều rõ ràng là, những luận điệu phản động mà các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị đang ra sức tuyên truyền, mục đích chính là nhằm xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, xuyên tạc Hiến pháp, pháp luật, Quy chế bầu cử của Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phá hoại cuộc bầu cử, từ đó gây mất ổn định chính trị đất nước.
Thực tế cho thấy, kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, Quốc hội nước ta không ngừng phát triển, bảo đảm cho quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các kỳ bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đã chứng minh quyền ứng cử, tự ứng cử luôn được bảo đảm, tôn trọng. Mỗi cuộc bầu cử thực sự là dịp để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu. Đây là một nét ưu việt của chế độ dân chủ trong bầu cử và là thước đo trình độ dân chủ của đất nước ta. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà... Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết” (1). Theo số liệu thống kê, tại kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIII, có 82 người tự ứng cử được lập danh sách ở vòng 2 và có 15 người vào danh sách bầu cử ĐBQH. Tại kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIV có tới 154 người tự ứng cử ĐBQH được lập danh sách sau khi kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai và có tới 21 người ngoài Đảng trúng cử (2). Tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp lần này, có 9 đại biểu tự ứng cử ĐBQH. Những con số đó là thực tế sinh động nhất để bác bỏ hoàn toàn luận điệu xuyên tạc cho rằng bầu cử ở Việt Nam chỉ là sân chơi độc diễn, “Đảng cử, Đảng bầu”.
Để góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm thành công của cuộc bầu cử, chúng tôi cho rằng cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp đối với cuộc bầu cử. Theo đó, cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp cần quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; cụ thể hóa trong nghị quyết lãnh đạo của tổ chức Đảng, kế hoạch của chính quyền các cấp về cuộc bầu cử sát với thực tiễn từng địa phương. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục; công tác giới thiệu nhân sự ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp bảo đảm dân chủ, đúng quy trình, tiêu chuẩn, cơ cấu; thành lập các tổ chức bầu cử ở địa phương; chủ động giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra các vụ việc phức tạp; làm tốt mọi công tác chuẩn bị, nhất là phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19, bảo đảm cho sự thành công của cuộc bầu cử.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân; âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nói riêng. Đi đôi với tăng cường công tác tuyên truyền trên các báo, đài, phương tiện truyền thông chính thống, cần đặc biệt chú ý phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động của những người có uy tín và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trên các địa bàn dân cư, các cụm bầu cử ở các xã, phường. Phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết thấu tình, đạt lý các vướng mắc, các vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên các tầng lớp nhân dân tích cực, chủ động tham gia bầu cử, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử.
Ba là, tăng cường xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, tạo điều kiện cho đông đảo quần chúng nhân dân được tiếp cận với những thông tin chính thống, tin cậy về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, chống phá. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong phát hiện, tố giác và đấu tranh, phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tung tin đồn thất thiệt, các trường hợp lợi dụng tự do ngôn luận để tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cuộc bầu cử.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nhất là vai trò của lực lượng vũ trang trong bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Một mặt, quân đội, công an cần quán triệt tốt các chỉ thị, hướng dẫn về công tác bầu cử; chuẩn bị chu đáo nhân sự của quân đội, công an ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp. Mặt khác, nêu cao cảnh giác, chủ động nắm chắc tình hình mọi mặt, nhất là âm mưu, thủ đoạn và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và an toàn mọi mặt cho cuộc bầu cử; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia và thực hiện tốt cuộc bầu cử.
(1) Hồ Chí Minh (1945), Ý nghĩa tổng tuyển cử, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB CTQG-ST, 2011, tr.153.
(2) Số liệu thống kê từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Đại tá, PGS, TS PHẠM VĂN SƠN
Trung tá, ThS HOÀNG ANH TUẤN
(Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự)