Chọn cách hài hòa, hợp lý, hiệu quả nhất, không chọn cách dễ nhất

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường hơn, đặt ra những bài toán khó hơn về cân bằng mục tiêu phòng chống dịch với phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiên quyết, kiên trì kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường hơn, đặt ra những bài toán khó hơn về cân bằng mục tiêu phòng chống dịch với phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiên quyết, kiên trì kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai mục tiêu này. Nhưng sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và quan trọng nhất.

Sau hơn một năm kiên cường phòng chống dịch, từ cuối tháng 4, Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ 4. Các phân tích dịch tễ cho thấy, đợt dịch này đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng, xảy ra tại hàng chục tỉnh, thành phố, trong đó có những địa phương trọng điểm về sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu như Bắc Ninh, Bắc Giang, TPHCM và Hà Nội. Dịch lây nhiễm trong các khu công nghiệp, từ khu công nghiệp ra cộng đồng và ngược lại; dịch cũng lây lan ở những địa điểm tụ tập đông người liên quan đến hoạt động tôn giáo và các hoạt động khác cho nên rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, biến chủng của virus đợt dịch này nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm và khó lường hơn.

Năng lực xét nghiệm COVID-19 của chúng ta đã gia tăng đáng kể, tạo điều kiện truy vết nhanh hơn, khoanh vùng gọn hơn - Ảnh: Nhật Bắc

Diễn biến dịch bệnh càng phức tạp, bài toán “cân não” càng đặt ra với các nhà điều hành, đó là làm sao khoanh vùng gọn nhất, linh hoạt nhất, chủ động nhất, phù hợp nhất để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ngay tại những nơi có dịch. Kinh nghiệm của Việt Nam và cả của thế giới cho thấy, các biện pháp phong tỏa, giãn cách, cách ly xã hội là biện pháp rất hiệu quả để ngăn chặn dịch, cũng là biện pháp “dễ làm” nhất, nhưng lại có thể ảnh hưởng rất tiêu cực tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, với tinh thần phân cấp rất rõ ràng, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tất cả vì Đảng, vì Nước, vì Dân; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các quy định, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị để vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch, nhất là việc quyết định phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội.

Thủ tướng yêu cầu, lãnh đạo địa phương phải bám sát, đánh giá thấu đáo tình hình, huy động trí tuệ của tập thể cấp ủy và của hệ thống chính trị trong đánh giá tình hình để chủ động, sáng tạo, quyết định theo thẩm quyền việc lựa chọn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, chủ động, hiệu quả theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đúng thẩm quyền; vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên (nhất là các giải pháp liên quan đến phong tỏa, giãn cách), phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa bàn, từng khu vực cụ thể. Trong đó lưu ý tránh cho được cả 2 khuynh hướng hoặc chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch, hoặc hoang mang, lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi có dịch, dẫn đến việc đưa ra các quyết định không chính xác, kém hiệu quả.

Trước các kiến nghị của các địa phương – những “mặt trận tiền phương chống dịch”, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành luôn kịp thời tháo gỡ với tinh thần “3 không”: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm…; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách. Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện khen thưởng kịp thời, kỷ luật nghiêm minh, không vì yêu cầu tập trung chống dịch mà không kịp thời xử lý các trường hợp lơ là, thiếu trách nhiệm, hoặc có vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ đã khen thưởng nhiều mô hình, cách làm sáng tạo như mô hình khoanh vùng ổ dịch “3 lớp”  của huyện Đông Anh (Hà Nội): Vùng lõi có ca bệnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, vòng ngoài thực hiện Chỉ thị 15, vòng ngoài cùng thực hiện Chỉ thị 19 nhằm “khóa chặt” nguồn lây theo từng mức độ và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt và lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Bắc Giang đã áp dụng “giãn cách rộng nhưng phong tỏa hẹp” dù ghi nhận hàng nghìn ca bệnh. Nếu “khóa cứng” toàn bộ tỉnh, hậu quả cho sản xuất và kinh tế là rất lớn, không chỉ cho địa phương này. Song song chống dịch, Bắc Giang đã tái khởi động hoạt động các nhà máy để tránh “đứt gãy” sản xuất trong thời gian dài, với việc tiêu chuẩn hóa quy trình và điều kiện trở lại làm việc, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Với ổ dịch mới tại TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất với số dân đông nhất cả nước, xác định đây là thời gian quan trọng, khi chưa thể đón đầu và truy vết chính xác nguồn lây nên Thành phố chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ lợi ích dài hạn. Toàn TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày (từ 0 giờ ngày 31/5). Thời gian này, TPHCM triển khai tầm soát trên diện rộng, xét nghiệm thần tốc để phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình.

Có thể so sánh cách ứng phó dịch lần này với cách người nông dân nhiều kinh nghiệm xử lý một vườn cây ăn quả bị sâu bệnh, nếu chưa biết rõ vị trí ổ bệnh thì phải xử lý cả cành to, thậm chỉ cả cây, nhưng nếu biết vị trí cụ thể hơn thì có thể xử lý cành nhỏ để ít ảnh hưởng nhất tới cả khu vườn.  

Nhờ cách làm quyết liệt, chủ động nhưng linh hoạt, sáng tạo, về tổng thể, chúng ta cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên cả nước và đang từng bước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh tại những điểm nóng cục bộ, nhất là ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM. Số ca nhiễm tăng mạnh so với 3 đợt dịch trước do chủng virus mới lây lan rất nhanh, động lực mạnh hơn trước, nguy hiểm hơn trước, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ ca nhiễm trên dân số nhỏ nhất thế giới. Đến nay Việt Nam vẫn là điểm sáng và hình mẫu lý tưởng về chống dịch và bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thực hiện đúng cam kết trước quốc dân đồng bào: Tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết, là quan trọng nhất; đồng thời nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đây là hai mặt của một vấn đề: Chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân để bảo đảm điều kiện cho sản xuất an toàn và ngược lại, bảo đảm sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng sẽ giúp củng cố, tích lũy thêm nguồn lực cho cuộc chiến chống COVID-19 có thể còn cam go, kéo dài, đồng thời có nguồn lực để bảo đảm quốc phòng – an ninh, chăm lo an sinh xã hội và bảo đảm mọi mặt hoạt động của đất nước. Tất cả vì đời sống, vì hạnh phúc của người dân, như quan điểm nhất quán của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Doanh nghiệp và người dân là chủ thể, là trung tâm trong phòng chống dịch và trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: baochinhphu.vn

  • Tags: