PLQL - Chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm hàng triệu người lao động nghèo mất việc làm, không có thu nhập, không có tích lũy. Nhiều bạn đọc mong muốn chính sách sớm được triển khai, hỗ trợ kịp thời đến người dân, đồng thời không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, thiếu minh bạch trong thực hiện.
Hội Chữ thập đỏ quận 6 (TP Hồ Chí Minh) và Trung tâm Công tác xã hội thanh niên phối hợp các doanh nghiệp trao quà tặng những người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Gia đình bà Nguyễn Thị Oanh, ở phố Ngô Thì Nhậm, là một trong số gần 100 hộ gia đình của phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) rơi vào hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Bà Oanh sinh năm 1950, sức khỏe yếu, không còn khả năng lao động, chồng bà lại mắc bệnh hiểm nghèo. Mọi chi tiêu trong gia đình bà đều trông chờ vào nguồn thu nhập từ hàng nước chè ngoài vỉa hè. Thế nhưng, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Hà Nội, quán cứ vắng khách dần.
Thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh, những ngày qua, bà đã dừng bán hàng nước, đồng nghĩa với việc gia đình mất đi khoản thu nhập chính. Hay dù từng bị tai biến mạch máu não nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Vũ Thị Vân, 66 tuổi, ở phố Phù Đổng Thiên Vương (Hà Nội) vẫn phải bươn chải kiếm sống bằng nghề bán hoa trên phố. Từ cuối tháng 3, bà Vân cũng phải dừng công việc này để thực hiện việc cách ly xã hội, kinh tế gia đình đã khó khăn nay lại càng khó khăn thêm. “Mặc dù, Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ phường Phạm Đình Hổ đã vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn cùng chung tay giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vượt qua thời điểm dịch Covid-19, tuy nhiên cũng chỉ hỗ trợ người dân chủ yếu là gạo, khẩu trang và dung dịch sát khuẩn”.
Không chỉ những người cao tuổi, lao động giản đơn, thu nhập thấp, không có khả năng được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, mà hiện hàng triệu công nhân là lực lượng lao động chính cũng bị cắt, giảm thu nhập do hàng nghìn doanh nghiệp đang phải ngừng việc, giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.
Làm công nhân cho một công ty may ở Hà Nội nhưng hai tháng nay, chị Phạm Thị Hương, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã phải nghỉ việc không lương. Chồng chị Hương là đầu bếp của một nhà hàng trên địa bàn cũng phải nghỉ việc do nhà hàng đóng cửa, dừng hoạt động. Không có thu nhập nhưng vẫn phải chi tiêu hằng ngày để duy trì mọi sinh hoạt cho một gia đình bốn nhân khẩu khiến chị Hương phải vất vả cân đối, cắt giảm chi tiêu.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, 98% số lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% số lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% số lao động hàng không tạm nghỉ việc. Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng hai triệu lao động ngừng việc, mất việc làm. Trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh, sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.
Tại Hà Nội, theo thống kê của công đoàn các cấp, đến ngày 3-4, đã có 3.630 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, trong đó, 896 doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có 121.273 người lao động bị ảnh hưởng, trong đó 14.824 công nhân lao động bị mất việc làm và 106.449 công nhân lao động thiếu việc làm. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế như hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 khiến cuộc sống hàng triệu gia đình lâm vào khó khăn, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao một số bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, người lao động bị giãn việc, mất việc, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh và hộ kinh doanh cá thể sẽ được hỗ trợ với các mức từ 500 nghìn đến 1,8 triệu đồng/người/tháng, trong thời gian ba tháng. Đây là chính sách chưa có tiền lệ, được hàng triệu người dân mong đợi sớm được thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho rằng: “Chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 là rất quan trọng và ý nghĩa trong thời điểm này. Tôi mong rằng chính sách này nhanh chóng được triển khai vì đời sống người dân và người lao động đang rất khó khăn. Việc hỗ trợ nên thực hiện một lần, tránh việc người dân phải đi lại nhiều lần”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, việc hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cần kịp thời, đúng lúc mới có ý nghĩa. Muốn tổ chức thực hiện tốt, cần phải nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng tham gia giám sát, theo dõi, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi, đúng đối tượng.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp, dù đang phải gồng mình để ngăn chặn dịch bệnh, việc ban hành các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh là sự thể hiện sâu sắc việc quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân của Đảng và Nhà nước, đem lại sự tin tưởng, yên tâm của người dân. Mong rằng, ngay sau khi các chính sách được ban hành, các cấp, các ngành chủ động thực hiện ngay, có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến người dân, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, thiếu minh bạch, trục lợi chính sách trong tổ chức thực hiện.