Công tác phòng chống tham nhũng trong công tác đầu tư xây dựng

PLQL - Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay.

Ảnh minh họa - TL

Vai trò, chủ trương của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay. Nó góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân… Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền và phục vụ cho đổi mới kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó xác định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. 

Cụ thể hoá Nghị quyết của Đảng, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 đã đề ra quan điểm về phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân. Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Sử dụng tổng thể các giải pháp phòng, chống tham nhũng; vừa tích cực, chủ động trong phòng ngừa, vừa kiên quyết trong phát hiện, xử lý với những bước đi vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; gắn phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí.

Khái quát tình hình về Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam

Trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung và ngành hàng không dân dụng nói riêng, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là một trong 3 trụ cột quan trọng nhất trong ngành hàng không Việt Nam. Riêng trong năm 2019, Tổng công Quản lý bay Việt Nam đã điều hành bay an toàn  ước đạt 963.000 lần chuyến, tăng 7% so với thực hiện năm 2018; tổng doanh thu đạt 4.119 tỷ đồng, tăng 6,23%  so với thực hiện năm 2018; nộp ngân sách nhà nước: 3.018 tỷ đồng, tăng 3,13% so với thực hiện năm 2018. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, Tổng công ty đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc. Với những thành tựu đầy ấn tượng, khẳng định sự phát triển đúng hướng và bền vững của ngành hàng không Việt Nam cũng như tính hiệu quả trong hoạt động đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không tại Tổng công ty. Đó chính là lý do để ngành hàng không Việt Nam được tin tưởng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trở thành một trong những nhân tố quyết định cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, phấn đấu để thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN.

Trong những năm gần đây, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng hoạt động bay cao và giải quyết vấn đề tắc nghẽn hoạt động bay trên không cũng như dưới mặt đất, Tổng công ty đã triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách nhằm cải tiến quy trình, áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ mới, tích cực đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng để nâng cao năng lực tổ chức, quản lý điều hành bay của Tổng công ty.

Vì vậy, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Tổng công ty nhằm thực hiện được các nhiệm vụ chính sau đây:

  • Khẳng định được năng lực quản lý và điều hành tất cả các chuyến bay dân sự và vận tải quân sự hoạt động trong hai vùng thông báo bay (FIR) nêu trên theo đúng các tiêu chuẩn của ICAO, thông qua đó tiếp tục được ICAO giao quyền quản lý, điều hành hai vùng FIR, đảm bảo được nguồn thu hàng năm cho Nhà nước và cho đơn vị;
  • Đảm bảo công tác quản lý vùng trời, chủ quyền quốc gia và không phận quốc tế được ủy quyền. Đảm bảo cho công tác điều hành bay được an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các hoạt động bay trong khu vực không phận thuộc chủ quyền quốc gia, không phận quốc tế được ICAO giao quyền quản lý, điều hành;
  • Tiếp tục đổi mới thiết bị, công nghệ để thay thế các hệ thống, thiết bị đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn khai thác và đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động bay ngày càng tăng cao trong nước từ đó tăng nguồn thu từ các dịch vụ quản lý bay;
  • Đáp ứng sự phát triển của nghành hàng không theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là đáp ứng gia tăng hoạt động bay và  đưa các sân bay mới vào khai thác phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
  • Quản lý các hoạt động bay trên vùng biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh phải khẳng định chủ quyền của đất nước, quyền quản lý và điều hành các hoạt động bay trên vùng biển quốc tế ở khu vực này;
  • Áp dụng các trang thiết bị, công nghệ hiện đại trong công tác điều hành bay theo các yêu cầu

Phòng ngừa các nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng:

Trong thời gian tới, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng hàng không thông qua các dự án có quy mô lớn tại Tổng công ty: Dự án Đài Kiểm soát không lưu và các công trình bảo đảm hoạt động bay tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành 3.225 tỷ đồng, Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ chí minh 1.407 tỷ đồng… cũng kéo theo đó những nguy cơ tham nhũng tiềm ẩn trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Do vậy, chống tham nhũng trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là vấn đề đã được Tổng công ty quan tâm đẩy mạnh trong thời gian qua. Cũng vì lẽ đó, định kỳ hàng năm Tổng công ty và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống tham nhũng, chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí và tổ chức thực hiện để triển khai đồng bộ các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước vàqua các cuộc họp giao Ban hàng tuần, tháng tại Tổng công ty cũng như qua các cuộc kiểm tra của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tại Tổng công ty luôn yêu cầu các Ban Quản lý dự án, Ban chức năng, đơn vịtrực thuộc quán triệt và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Qua đó làm sao phải đầu tư có trọng điểm, phát huy được lợi thế để các công trình, dự án sớm đi vào hoạt động nhằm phát huy được tính hiệu quả, kinh tế của các dự án.

Việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, thất thoát  trong đầu tư xây dựng có thể xảy ra ở hầu hết các khâu, từ lập dự án, khảo sát, thiết kế, đầu tư đến thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình, có thể khái quát điển hình:

  1. Phòng ngừa ngăn chặn thất thoát, tham nhũng trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án và trong khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán:

Đối với những dự án đầu tư về kết cấu hạ tầng giao thông có giá trị tổng mức đầu tư lớn, thời gian thi công kéo dài, địa điểm đầu tư rải rác…thời gian nghiên cứu lập dự án đầu tư chậm trễ, kéo dài dẫn đến làm tăng chi phí đẩu tư so với mức cần thiết hoặc giảm chất lượng đầu tư dẫn đến làm giảm hiệu quả vốn đầu tư được coi là sự lãng phí.

Tại một số dự án lớn công tác thẩm định, quản  lý chi phí, quản lý chất lượng ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư còn có những tồn tại gây lãng phí thể hiện qua việc chất lượng, năng lực các nhà thầu tư vấn lập dự án, chất lượng hồ sơ thiết kế còn nhiều hạn chế như: hồ sơ thiết kế không đạt yêu cầu kỹ thuật hoặc có sai sót, hoặc sử dụng vật tư, thiết bị chưa có quy định khung tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất đối với các dự án có cũng tính chất, quy mô đầu tư…dẫn đến thời gian phê duyệt dự án kéo dài, không đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, khả thi của dự án.

Đối với các vật tư, thiết bị của Dự án lớn có tính chất đặc thù các Chủ đầu tư chủ yếu dựa trên báo giá của các nhà cung cấp trên thị trường tại thời điểm lập Dự án đầu tư thiết bị (giá gói thầu cần được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu và trường hợp cần thiết phải thẩm định giá các vật tư, thiết bị không có trong thông báo giá) đối với các vật tư, thiết bị đặc thù của dự án để giúp xác định chính xác giá gói thầu trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí và tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để tham nhũng, lãng phí.

  1. Phòng ngừa các nguy cơ thất thoát, lãng phí trong công tác thực hiện đầu tư (công tác đấu thầu và thi công dự án)

Công tác đấu thầu, chỉ định thầu không chính xác, vi phạm quy định hiện hành như chưa đủ căn cứ để trúng thầu hoặc trúng thầu với giá rất thấp nhưng vẫn làm được, chứng tỏ khâu lập thiết kế, dự toán, công tác phê duyệt hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu không chính xác. Hiện tượng thông thầu, tiêu cực, tham nhũng để chọn nhà thầu yếu kém nên việc thi công manh mún, cầm chừng dẫn đến chất lượng và thời gian thi công dự án không đảm bảo hiệu quả của dự án.

Vi phạm về thời gian công tác lựa chọn nhà thầu một số dự án đặc biệt đối với các thầu gói thầu chính của dự án lớn có hiện tượng còn chậm so với kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt, thời gian thẩm định kéo dài vượt quá thời gian quy định của pháp luật, chưa có chế tài xử lý nghiêm việc này dẫn đến tiến độ dự án kéo dài gây lãng phí nguồn vốn của nhà nước.

Trong công tác quản lý chất lượng trong quá trình thi công đối với chủ đầu tư, Ban QLDA còn chưa sâu sát, chưa gắn trách nhiệm giám sát của chủ đầu tư, Ban QLDA đối với từng dự án để đôn đốc, giám sát đảm bảo tiến độ chất lượng của dự án.

Bài học kinh nghiệm và biện pháp để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý dự án đầu tư XDCB:

Tăng cường hệ thống, công tác kiểm soát nội bộ tại các cơ quan, đơn vị đối với lĩnh vực đầu tư tại các dự án, công trình đồng thời chủ độngrà soát, cập nhật lại tất cả các quy chế quản lý nội bộ liên quan đến các lĩnh vực kế hoạch, đầu tư xây dựng...phù hợp các Thông tư, Nghị định, Luật mới ban hành.

  • Công tác lựa chọn các nhà thầu tư vấn cần phải đảm bảo  chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn. Nếu thấy cần thiết thì phải cử cán bộ đến xác minh làm rõ thực trạng năng lực của nhà thầu trước khi đàm phán hợp đồng.
  • Các tổ chuyên gia chấm thầu, các cơ quan chức năng thẩm định phải bám sát thời gian quy định của Nhà nước, tránh kéo dài thời gian chấm vi phạm  các quy định của Nhà nước.
  • Đối với việc  đầu tư các thiết bị chuyên ngành quản lý bay trong nước chưa sản xuất được, không có tại các thông báo giá của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, công tác lập dự toán đầu tư phải hết sức thận trọng, đặc biệt là phải thuê các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước để thẩm định giá trước khi phê duyệt dự toán.
  • Khi ký kết hợp đồng nhất là đối với các nhà thầu tư vấn phải quy định điều khoản phạt bồi thường thiệt hại khi có sai sót nhằm nâng cao trách nhiệm của đơn vị tư vấn.
  • Chất lượng quản lý dự án: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ khâu kiểm tra hồ sơ thiết kế, dự toán, hồ sơ dự thầu cho tới quá trình thực hiện hợp đồng và gắn trách nhiệm giám sát của chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.
  • Tăng cường công tác giám sát, bám sát hiện trường, theo dõi tiến độ khi phát hiện nguy cơ chậm tiến độ, ban quản lý dự án phải tìm nguyên nhân sự cố và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để giải quyết kịp thời.
  • Tranh thủ xin ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước về các lĩnh vực trên khi có vướng mắc hoặc có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp quy.
  • Đối với những dự án lớn: Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng thì cần có sự tổng kết, trao đổi, đúc rút kinh nghiệm từ khâu lập đến kết thúc dự án.

Ban Kiểm soát nội bộ

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam

  • Tags: