Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 dưới góc nhìn chính trị học

 Khởi phát từ tháng 12/2019, đến nay, đại dịch COVID-19 đã lây lan tới hơn hai trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, làm tử vong hơn một triệu người.  Đại dịch này làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu và “đảo ngược tiến độ phát triển của

Khởi phát từ tháng 12/2019, đến nay, đại dịch COVID-19 đã lây lan tới hơn hai trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, làm tử vong hơn một triệu người.  

Đại dịch này làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu và “đảo ngược tiến độ phát triển của thế giới tới hàng chục năm”(1).  Cuộc chiến của các nước chống đại dịch COVID-19 diễn ra trong suốt một năm qua đặt ra nhiều vấn đề đối với đời sống cá nhân, cộng đồng, quốc gia, quốc tế trên các phương diện kinh tế, xã hội, chính trị và quan hệ quốc tế.

Cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam đã truyền cảm hứng cho nhiều tầng lớp trong xã hội. (Nguồn: Tuoitre)

Dưới góc nhìn chính trị học, từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, có thể rút ra một số bài học sau:

1. VỀ TRÁCH NHIỆM CHÍNH TRỊ CỦA LÃNH ĐẠO CÁC QUỐC GIA

Có một thực tế đáng lo ngại là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, phần lớn các nước lâm vào tình trạng bị động, lúng túng, thậm chí “vỡ trận”. Từ đó đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm chính trị của lãnh đạo các quốc gia. Bà Suzanne Scholte, Chủ tịch Quỹ Diễn đàn Quốc phòng Mỹ (Defense Forum Foundation) nhận xét: Dịch bệnh lần này cho thấy một thế giới không có chút phòng bị nào. Nhà lập pháp châu Âu là Arnaud Danjean cho rằng: Chúng ta không được vũ trang đầy đủ để chống lại dịch COVID-19. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng nhận định: Các quốc gia đã không có sự chuẩn bị trong ứng phó dịch bệnh... Tình trạng bị động, “hỗn loạn” trước dịch bệnh được cho là xuất phát từ các lý do chính như: Sự chủ quan của lãnh đạo nhiều quốc gia; Sự chần chừ của một số nước khi cân nhắc giữa kinh tế và sức khỏe người dân; Nhiều quốc gia thiếu sự chuẩn bị các phương án, kịch bản, cơ sở hạ tầng trước đại dịch… COVID-19 không phải là đại dịch đầu tiên mà nhân loại phải đối phó. Vì thế, nhiều câu hỏi đặt ra cần được lý giải kịp thời, như: Nguyên nhân cơ bản dẫn đến thảm họa COVID-19 có phải là do những yếu kém trong quản trị quốc gia và quản trị toàn cầu khi ứng phó với dịch bệnh hay không ? Có vấn đề về động cơ chính trị ở một số lãnh đạo quốc gia trong chống dịch bệnh hay không ? Từ thực tế thành công của một số nước và hiện tượng “vỡ trận” ở nhiều nước trong cuộc chiến chống COVID-19, cho thấy: 1)Hiệu quả chống dịch bệnh không phụ thuộc vào tính chất của thể chế chính trị - có những thể chế dân chủ đối phó hiệu quả với dịch bệnh và cũng có những thể chế dân chủ đối phó không tốt trước dịch bệnh. 2) Hiệu quả chống dịch bệnh không quá phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế và hệ thống y tế cộng đồng của quốc gia (ví dụ: Italia, Anh, Mỹ dù là những nước giàu và có hệ thống y tế cộng đồng mạnh, nhưng lại lúng túng, kém hiệu quả trong ứng phó với dịch bệnh). 3) Hiệu quả phòng, chống dịch bệnh phụ thuộc trước hết vào trách nhiệm chính trị của lãnh đạo các quốc gia và hệ thống chính trị các nước. Theo Francis Fukuyama - nghiên cứu viên cao cấp, Đại học Stanford: Quốc gia nào có guồng máy nhà nước vận hành tốt, một chính phủ mà người dân tin tưởng, lắng nghe và lãnh đạo quốc gia có năng lực thì sẽ đối phó đại dịch rất hữu hiệu, giới hạn được thiệt hại phải gánh chịu(2).

Khử trùng nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh GETTY IMAGE

Rõ ràng, đại dịch COVID-19 là một sự cảnh báo nghiêm khắc về trách nhiệm chính trị của lãnh đạo các quốc gia và hệ thống chính trị các nước. Bởi suy cho cùng, chức năng, vai trò quan trọng nhất của hệ thống chính trị và lãnh đạo quốc gia là bảo vệ sự sống, cuộc sống của người dân, bảo vệ người dân khỏi những cái chết có thể tránh được. Vì vậy, bài học quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh là lãnh đạo các nước phải xác định nhất quán, rõ ràng trách nhiệm chính trị đối với bảo vệ sức khỏe của người dân, phải đặt sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết. Đó là nền tảng để xác định tinh thần chống dịch với quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt.

2. VỀ XÂY DỰNG THỂ CHẾ TOÀN CẦU ĐỐI PHÓ DỊCH BỆNH

Khi COVID-19 lây lan ra toàn cầu, các nước kỳ vọng vào Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế sẽ thể hiện vai trò lớn hơn trong việc ứng phó đại dịch. Tuy nhiên, thế giới tỏ ra thất vọng vì sự quản trị toàn cầu đã không đem lại kết quả như mong đợi và thậm chí cho đến nay, sau hơn một năm kể từ khi đại dịch bùng phát, thế giới vẫn đang trong tình trạng thiếu sự dẫn dắt, lãnh đạo mang tính toàn cầu để ứng phó với dịch bệnh. WHO là cơ quan của Liên hợp quốc có trách nhiệm chăm lo, giải quyết các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên thế giới (như cung cấp những thông tin chính xác về sức khỏe con người; giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh của con người), nhưng kể từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát, WHO đã phải đối mặt với hàng loạt chê trách. Ngày 19/5/2020, tại cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), các nước thành viên WHO nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi điều tra độc lập về những biện pháp đối phó với COVID-19 của WHO. Đầu tháng 7/2020 một nhóm khoa học gồm 239 người đã gửi một thư mở đến WHO, lên án tổ chức này không đưa ra được cảnh báo phù hợp về nguy cơ virus corona lây lan. Có thể nói, việc WHO chưa đảm bảo tốt được vai trò chính trị (tập hợp, lãnh đạo, chăm lo, giải quyết các vấn đề sức khỏe và y tế của thế giới) trong khi đại dịch diễn ra đã làm suy giảm uy tín của tổ chức này cũng như của Liên hợp quốc - tổ chức đa phương lớn nhất của thế giới. COVID-19 là đại dịch toàn cầu, những thách thức mà COVID-19 đặt ra mang tính toàn cầu, đòi hỏi phải có cách tiếp cận cũng như cơ chế quản trị chống dịch ở tầm toàn cầu. Do đó, để đối phó với đại dịch COVID-19, phải có sự phối hợp, hợp tác một cách thiện chí trên phạm vi thế giới, “chỉ sự hợp tác quốc tế mới có thể ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của COVID-19…”(3). Trong bối cảnh đó, tình trạng thiếu sự lãnh đạo ở tầm toàn cầu đã làm trầm trọng thêm hậu quả của đại dịch COVID-19. Từ góc nhìn chính trị học cũng cho thấy, trong cuộc chiến chống COVID-19, khu vực tư nhân và những hoạt động từ thiện là hết sức quan trọng, là biểu hiện tính nhân văn cao quý của xã hội, nhưng không thể thay thế được vai trò hệ thống chính trị ở các quốc gia và những thể chế toàn cầu. Việc chính phủ nhiều nước phải chi ra số tiền rất lớn để chống dịch (Mỹ đã chi 2.300 tỉ USD cứu trợ; ngày 17/7/2020, Liên minh châu Âu (EU) thỏa thuận gói cứu trợ hậu COVID-19 với tổng giá trị 750 tỷ euro…) đã chứng minh rằng, chỉ có sức mạnh của nhà nước, của hệ thống chính trị quốc gia và toàn cầu mới có thể đối phó hữu hiệu trong các trường hợp khẩn cấp quốc gia, quốc tế. Thực tế đó đặt ra bài học quan trọng là, thế giới cần xây dựng một thể chế có tính toàn cầu để thực hiện mục tiêu chăm lo giải quyết những vấn đề cấp bách về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống chống dịch bệnh; có khả năng cảnh báo, ngăn ngừa và ứng phó với đại dịch ở mức hiệu quả nhất và cần xây dựng một cơ chế bảo đảm hoạt động của thể chế đó không thể bị ràng buộc, chi phối, khống chế bởi bất kỳ một quốc gia hay cá nhân nào.

3. VỀ CHỦ NGHĨA ĐA PHƯƠNG VÀ HỢP TÁC GIỮA CÁC NƯỚC

Đại dịch COVID-19 đặt ra một câu hỏi lớn rằng, chủ nghĩa đa phương có thực sự hữu ích khi thực tế cuộc chiến chống dịch bệnh cho thấy hầu như các quốc gia trên thế giới đều không có sự hợp tác cùng chung tay chống dịch, kể cả là sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên cùng tổ chức. Ví dụ: Khi đại dịch bắt đầu bùng phát ở Italia, chính phủ nước này đã liên tục kêu gọi các quốc gia đồng minh trong khối EU viện trợ vật tư y tế để chống dịch, nhưng yêu cầu của Italia đã không được đáp ứng…(4). Cũng đã có tình trạng “mạnh ai nấy chạy”, hoặc tìm cách ngăn cản xuất khẩu thiết bị y tế sang nước thành viên khác. Phải đến 4 tháng sau, vào ngày 17/7/2020, lần đầu tiên các lãnh đạo EU cùng 27 quốc gia thành viên nhóm họp kể từ khi đại dịch bùng phát ở châu Âu, đã nhất trí thông qua thỏa thuận tổng giá trị 750 tỷ euro (857 tỷ USD) được chia cho các quốc gia và các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch dưới hình thức trợ cấp và cho vay. Các tổ chức đa phương khác như Tổ chức Thương mại thế giới và các liên minh quân sự như NATO…, khi đại dịch xảy ra thì các tổ chức này gần như hoàn toàn bất lực hoặc vai trò trở nên mờ nhạt. Thời gian gần đây vấn đề Vaccine COVID-19 cũng đang tạo sự lo ngại trong dư luận nhiều nước cạnh tranh quyết liệt, tranh giành và không thừa nhận nhau trong chạy đua sản xuất vaccine COVID-19. Trước tình trạng các quốc gia đặt lợi ích riêng lên trên hết trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine COVID-19 khiến đại dịch tồi tệ hơn, Giám đốc WHO đã phải kêu gọi chấm dứt “chủ nghĩa dân tộc vaccine”. Điều này khiến người ta đặt dấu hỏi về giá trị và tính hữu ích của các tổ chức khu vực và quốc tế, của chủ nghĩa đa phương trước những hiểm họa khẩn cấp toàn cầu. Mặt khác, trong cuộc chiến của các nước chống COVID-19, chủ nghĩa đa phương đã bộc lộ những hạn chế, lỗ hổng “chết người”. Trước hết, cho thấy sự phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất sẽ gây đổ vỡ cho cả chuỗi cung trong trường hợp khẩn cấp quốc gia. Tuy trước đó, việc chính phủ Mỹ thay đổi chính sách theo hướng thu hút đầu tư “hồi hương” phục vụ mục tiêu “Nước Mỹ trên hết” đã ảnh hưởng tiêu cực tới chủ nghĩa đa phương, nhưng có thể nói sự bùng phát COVID-19 đã khiến các quốc gia “không khỏi giật mình” bởi sự phụ thuộc quá mức vào “công xưởng của thế giới”(5) trong tiến trình tham gia chủ nghĩa đa phương. Trên phương diện quan hệ chính trị quốc tế, đại dịch COVID-19 làm sâu sắc thêm sự nghi kỵ và giảm lòng tin giữa một số nước với nhau. Có thể thấy rõ xu hướng này qua việc Mỹ, Anh, Pháp và các nước khác như Nhật, Canada, Ôxtrâylia đã có những động thái định hình lại quan hệ với Trung Quốc. Lý do dẫn đến hiện tượng trên là do các nước đã nhận thức được hậu quả kinh tế, chính trị, xã hội đối với quốc gia do quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc do sự lệ thuộc quá lớn, nên khi Trung Quốc “hắt hơi” do COVID-19 thì cả thế giới trở nên “khó thở”.

Một bệnh nhân người Israel điều trị tại bệnh viện Shaare Zedek ở Jerusalem. Ảnh: Báo Tin tức

Một vấn đề khác cũng dẫn đến mất lòng tin giữa các nước, đó là hiện tượng một số quốc gia lợi dụng dịch bệnh để giành giật các lợi ích từ các quốc gia khác, bất chấp lợi ích chung như thỏa thuận của chủ nghĩa đa phương. Tình trạng thiếu sự hợp tác chân thành giữa các quốc gia trong ứng phó với đại dịch, khiến Tổng giám đốc WHO trong cuộc họp báo ngày 10/7/2020 đã phải “thốt lên”: COVID-19 hoành hành dữ dội vì thế giới chia rẽ. Tuy có những ý kiến đánh giá cao kinh nghiệm hợp tác nội khối của tổ chức ASEAN trong kiểm soát dịch bệnh, cũng như sự hợp tác ASEAN với một số nước khác trong ứng phó với dịch bệnh thời gian qua, nhưng nhìn tổng thể cho thấy, chủ nghĩa đa phương truyền thống - hợp tác đa phương, các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực chưa phát huy đầy đủ vai trò của mình trong việc tạo ra một cơ chế quản trị đối phó hiệu quả với dịch bệnh, với thảm họa toàn cầu; đồng thời chưa tạo ra được một cơ chế bảo đảm sự bình đẳng về các lợi ích chung cho các thành viên tham gia toàn cầu hóa trong bối cảnh đại dịch. Tuần lễ Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 21/9 đến ngày 2/10/2020 đã xác định chủ đề: “Tương lai chúng ta muốn, Liên Hợp quốc chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương - ứng phó Covid19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”. Việc tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương là phù hợp với xu thế của thế giới đương đại. Thực tế vai trò của chủ nghĩa đa phương trong cuộc chiến chống COVID-19 đã chỉ ra cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị tầm quốc tế bài học về phát triển các loại hình hội nhập, liên kết không được triệt tiêu điều kiện hình thành một cơ chế quản trị hữu hiệu trong tình trạng khẩn cấp quốc tế; bản thân các quốc gia trong hội nhập, liên kết tránh tình trạng bị lợi dụng, thao túng và lệ thuộc vào chuỗi cung ứng của một nước, một khu vực; hội nhập, liên kết nhưng phải bảo đảm cho mỗi quốc gia khả năng, điều kiện tồn tại trong hoàn cảnh khẩn cấp phải biệt lập với bên ngoài dài ngày; các nước tham gia toàn cầu hóa cần tự chủ về lĩnh vực y tế thiết yếu, bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cộng đồng. Thậm chí có ý kiến cho rằng cuộc chiến chống COVID-19 khiến chúng ta phải coi y tế là lĩnh vực chiến lược, cần được chú ý giống như quốc phòng. Bài học về sự hợp tác giữa các nước trong trường hợp khẩn cấp, là bên cạnh việc giữ vững độc lập, tự chủ và sự tôn trọng, bình đẳng hợp tác giữa các quốc gia có trách nhiệm chính trị đối với bảo vệ sức khỏe con người, cần phải tỉnh táo, cảnh giác trong hội nhập, liên kết quốc tế, tránh rơi vào “cạm bẫy” của những đối tác có âm mưu đen tối - lợi dụng dịch bệnh để thực hiện những hành động phi pháp.

4. VỀ XÂY DỰNG HÌNH ẢNH, VỊ THẾ QUỐC GIA TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ

Đại dịch COVID-19 là phép thử cho những giá trị cốt lõi, cho hình ảnh, vị thế của các quốc gia và khu vực, góp phần khẳng định những giá trị chính trị đích thực của các nước, nhưng đồng thời nó cũng phơi bày những giá trị ảo, những khẩu hiệu chính trị mị dân của một số lãnh đạo quốc gia. Hình ảnh, vị thế một nước trên trường quốc tế được thể hiện trước hết ở uy tín quốc gia về phương diện chính trị đối nội và chính trị đối ngoại. Nếu một quốc gia đại diện cho các giá trị mà những nước khác, dân tộc khác cũng mong muốn theo đuổi, thì hình ảnh, vị thế của quốc gia đó trên chính trường thế giới sẽ được nâng cao và ngược lại. Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thời gian qua đã bộc lộ một số cách hành xử “phi văn hóa chính trị” có hại cho việc phát huy “quyền lực mềm” của một số nước - thay vì hợp tác với nhau để ứng phó với dịch bệnh, để bảo vệ sự sống của con người thì có quốc gia lại hành động vị kỷ, như tìm cách che dấu dịch bệnh; lợi dụng dịch bệnh để “kiếm chác” từ xuất khẩu thiết bị và dụng cụ bảo hộ y tế hoặc để đánh bóng hình ảnh, vị thế quốc gia, thậm chí là đe dọa, áp chế nước khác... Tuy nhiên, chính điều này lại làm suy giảm lớn uy tín chính trị của những quốc gia đó trên trường quốc tế. Khi COVID-19 bùng phát, có nhiều kỳ vọng Mỹ với tư cách siêu cường sẽ là trung tâm điều phối toàn cầu ứng phó với dịch bệnh. Nhưng thực tế, nước Mỹ đã không sẵn sàng cho vai trò đó và còn là nước đối phó khó khăn với đại dịch. Trước bối cảnh “có một khoảng trống” về vai trò điều phối toàn cầu ứng phó với dịch COVID-19 , người ta cũng mong đợi Trung Quốc với nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, đã khống chế được dịch COVID-19 và đang nhanh chóng mở cửa trở lại, sẽ có các quyết định chính trị và hành động thực tế tương xứng với tư cách cường quốc. Nhưng đáng tiếc, mong muốn đó vẫn chỉ là kỳ vọng. Sự tham gia và hành động chung thông qua việc sử dụng quyền lực mềm của quốc gia, với mục tiêu cao cả là vì sự sống con người kết hợp với chiến lược minh bạch và hợp tác, lòng quảng đại và trách nhiệm chính trị với thế giới là hết sức quan trọng trong việc tạo hình ảnh tốt đẹp và nâng tầm ảnh hưởng của đất nước trong quan hệ với các quốc gia khác. Trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu lần này, có thể coi Việt Nam là một “ví dụ tiêu biểu” khi một nước dù nguồn lực và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế, nhưng với ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, đã tạo được lòng tin, sự đồng thuận, hợp tác trong toàn dân cùng thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc” và đã thành công. Cùng với việc chân thành ủng hộ các quốc gia khác chống dịch thông qua việc gửi tặng khẩu trang và vật tư y tế cho một số nước (như Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Đức và Vương quốcAnh…), với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực phối hợp, chung tay cùng các nước trong khu vực phòng, chống COVID-19 . Báo chí quốc tế từng đánh giá cao thành công của Việt Nam ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 vào tháng 3 và tháng 4. Nhiều chính trị gia và học giả thế giới cũng đã đưa ra những lời khen ngợi, biểu lộ sự khâm phục, đồng thời có những tìm hiểu, lý giải về những “yếu tố then chốt” tạo nên thành công của Việt Nam qua hai lần chiến thắng COVID-19. Cùng với những thành công trên các lĩnh vực, hình ảnh đất nước và ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao của Việt Nam đối với khu vực, thế giới được nâng cao, đúng như Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Marie C. Damour, khẳng định: Việt Nam đã tích hợp đầy đủ để hòa mình vào hệ thống toàn cầu. Theo đó, bài học về xây dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch chính là: mỗi quốc gia cần xây dựng một bộ máy nhà nước thực sự vì dân, coi bảo vệ sự sống của nhân dân là mục tiêu chính trị cao cả; xây dựng một chính phủ với những người lãnh đạo, quản trị có năng lực, có được lòng tin của người dân, tạo được sự đồng thuận của xã hội; xây dựng một chính quyền hành động quyết liệt và hiệu quả mà không cần những khẩu hiệu chính trị suông; xây dựng một hệ thống y tế cộng đồng mạnh…

Các công dân từ nước ngoài trở về Việt Nam đều được đưa vào khu cách ly để kiểm tra và theo dõi sức khỏe (Ảnh: TTXVN)

Nhân loại hiện vẫn đang phải đối phó một cách khó khăn với “kẻ địch vô hình” và điều đáng lo ngại là không ai có thể lường được hậu quả cuối cùng của dịch bệnh, không biết được khi nào đại dịch sẽ kết thúc và thế giới “hậu đại dịch COVID-19 ” sẽ ra sao? Qua một năm “hoành hành và đe dọa” nhân loại, cuộc chiến chống COVID-19 đã và đang cho thấy những bài học về trách nhiệm chính trị của lãnh đạo quốc gia, về xây dựng thể chế toàn cầu, về chủ nghĩa đa phương và sự hợp tác giữa các nước, về xây dựng hình ảnh, vị thế quốc gia. Dù không thể quay lại để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, nhưng hiện tại và tương lai cần phải được “sửa sai” nhanh và hiệu quả, bắt đầu từ những bài học chính trị, khi mà bối cảnh COVID-19 đang buộc chúng ta phải chuyển trạng thái từ quyết tâm “chiến đấu chống COVID-19 ” sang “học cách sống chung” với COVID-19.

PGS. TS. ĐINH XUÂN LÝ
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn

  • Tags: