Cuộc chiến chưa có tiền lệ - Sự thể nghiệm sinh động tinh thần dân tộc

Đại dịch Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn và sức khỏe của nhân dân. Xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là với những người dân nghèo. Rất nhiều người lao động đã mất đi việc làm, nhiều hộ gia đình mất sinh kế, rơi và

Đại dịch Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn và sức khỏe của nhân dân. Xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là với những người dân nghèo. Rất nhiều người lao động đã mất đi việc làm, nhiều hộ gia đình mất sinh kế, rơi vào tình trạng lo lắng và hết sức bấp bênh…

Đã vững vàng trong cuộc chiến chống dịch gần 2 năm qua nhưng 2 tháng trở lại đây, cả nước mới thực sự bước vào giai đoạn thách thức, khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát với cường độ mạnh hơn trong đợt bùng phát thứ tư, tốc độ lây nhiễm của chủng mới tăng gấp nhiều lần.

Từ 27/4, những ca bệnh đầu tiên ghi nhận tại Bắc Giang, Bắc Ninh, sau 2 tuần, các địa phương này trở thành tâm dịch với hàng ngàn ca bệnh. Nhưng con số 4.000-5.000 ca ở Bắc Ninh, Bắc Giang cũng nhanh chóng bị bỏ xa khi dịch bệnh xuất hiện ở TPHCM rồi loang khắp địa bàn rộng lớn. 19 tỉnh thành ở phía Nam với 40 triệu dân đã liên tiếp hơn một tháng nay phải cách ly xã hội trên toàn địa bàn. Dịch bệnh cũng đã lan dọc dải đất biển miền Trung. Tiếp đó, thủ đô Hà Nội phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt toàn thành phố.

Chính trong thời điểm thách thức nhất đó, mỗi người chúng ta lại được trải nghiệm, chứng kiến một Việt Nam đồng sức, đồng lòng, kiên cường vượt khó khăn.

“Hai quyết định” điều hành đều hợp lòng dân

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao và kịp thời của Ðảng, Nhà nước, mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân đều có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế để nỗ lực cùng nhau vượt qua và quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Quan điểm đoàn kết, huy động sức mạnh tinh thần dân tộc cho cuộc "chiến tranh nhân dân" chống dịch là quan điểm, chủ trương nhất quán của Việt Nam từ khi đại dịch xuất hiện. Tinh thần đoàn kết, sẻ chia càng thể hiện, phát huy cao độ khi Covid-19 tấn công thành phố lớn nhất cả nước cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cả nước đã chứng kiến những cuộc hành trình hồi hương lịch sử

Dịch bùng phát, đã có thời điểm cả nước phải tính tới giải pháp "gian nan" để chia lửa với vùng tâm dịch. Lãnh đạo Chính phủ khi đó đã lên tiếng kêu gọi các địa phương có nhiều người làm việc tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… tạo điều kiện đón công dân về quê để giảm tải cho các tỉnh thành "điểm nóng". Theo đó, cả nước đã chứng kiến những cuộc hành trình hồi hương lịch sử. CSGT nhiều tỉnh thành nối nhau tiếp nhận, dẫn đường, hỗ trợ những đoàn xe máy hàng trăm phương tiện, vượt cả ngàn cây số, chạy từ Nam ra Bắc.

Tuy nhiên, khi nhận thấy biện pháp "giảm tải" này không hiệu quả, làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh lan ngược ra Bắc, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh. Khi quyết định cho 19 tỉnh thành phía Nam tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội vào 30/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo các địa phương là "điểm nóng" dịch bệnh kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy"; tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú cho tới khi hết giãn cách xã hội.

Với những quyết định thay đổi từ Trung ương, người dân đều đã tin tưởng, ủng hộ. Việc kêu gọi địa phương "chia lửa" với TPHCM được dư luận chia sẻ, ủng hộ thời điểm đó vì đây được xem là hướng chia sẻ khó khăn với địa phương là tâm điểm dịch lớn nhất, "căng" nhất, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Nhưng khi thấy dấu hiệu dịch bệnh lan tới các địa phương khác bởi "đã có những người mắc Covid-19 lây nhiễm lẫn nhau trong những đoàn xe rời TPHCM về quê", ngay lập tức Thủ tướng yêu cầu dừng việc di chuyển người ra khỏi vùng dịch, người dân cũng đồng thuận, ủng hộ, tuân thủ dù là thêm nhiều khó khăn với những người "mắc kẹt" lại thành phố trong đại dịch, thêm nhiều áp lực với các địa phương nơi tâm dịch. Hai hướng chỉ đạo, điều hành tưởng như trái ngược mà vẫn được dư luận, người dân đón nhận với tâm thế tích cực như vậy, điều đó cho thấy tinh thần trung nghĩa của mỗi người Việt với cộng đồng, với đất nước mình, thể hiện ý thức trách nhiệm công dân cao độ.

Từ quyết định điều chỉnh, thay đổi đó, cuộc chiến chống dịch đang diễn tiến khả quan hơn, cả nước đã từng bước khoanh vùng dịch bệnh, không để lây lan rộng thêm ra các địa bàn khác. Chúng ta có quyền tin, với tư tưởng, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung tay như vậy, Việt Nam, sẽ đẩy lùi được dịch Covid-19 lần này.

“Luồng xanh” nghĩa tình

Xâu chuỗi lại các sự kiện, cuối tháng 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi đồng bào "đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động" để "mỗi người dân Việt Nam là một chiến sĩ; mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19". Cuối tháng 5, phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng chống dịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam là dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức. Chính vì vậy, không có khó khăn nào mà Việt Nam không thể vượt qua. Và thời điểm khó khăn nhất trong cuộc chiến chống dịch, phẩm chất của dân tộc lại một lần nữa được củng cố và phát huy toàn diện. Đầu tháng 6, tại lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khái quát "trong cuộc chiến chống dịch, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn".

Chỉ một tuần sau lễ phát động, cộng đồng doanh nghiệp, người dân khắp trong và ngoài nước đã gửi ủng hộ quỹ với tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng. Còn tính tới thời điểm đầu tháng 8, số tiền huy động được cho quỹ đã xấp xỉ 8.500 tỷ đồng. Con số rất lớn đạt được trong thời gian rất ngắn cho thấy sức mạnh của lòng dân. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn ngổn ngang, nhiều người, nhiều nhà đã phải tạm dừng/mất việc làm, mỗi người dân vẫn luôn ý thức về trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, sẵn sàng đóng góp cả khoản thu nhập, tiết kiệm nhỏ của bản thân, của gia đình cho mục tiêu chung.

Trong 6 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước đã chi 4.650 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, nhà nước đã chi 21.500 tỷ đồng. Trong đó: 8.400 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch; 13.100 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Những con số ấn tượng đó cũng thể hiện phẩm chất kiên cường, bất khuất của những con người mang trong mình dòng máu Việt.

Chia sẻ với nhà nước, với xã hội, người dân càng ý thức hơn về việc đùm bọc lẫn nhau. Khắp cả nước hiện nay, mô hình những bếp ăn nghĩa tình, những bữa ăn miễn phí, hàng nghìn chuyến xe thiện nguyện được các tổ chức, cá nhân vận động, kêu gọi, quyên góp đã không ngừng lan tỏa tới những nơi phải chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Xã hội cũng được chứng kiến mỗi ngày một nhiều cách làm hay, sáng tạo của cộng đồng để giúp đỡ, tương trợ, cùng vượt qua khó khăn. Ðó là những "cây ATM" gạo, những cửa hàng 0 đồng, phiên chợ 0 đồng, phiếu mua hàng 0 đồng… đã giúp hỗ trợ hiệu quả người nghèo, người gặp khó khăn vì dịch bệnh. Có thể nhìn thấy cả một "luồng xanh" tuyến vận chuyển rau quả, lương thực từ phía Bắc chạy vào Nam.

Sức mạnh của tinh thần dân tộc thêm một lần nữa thể nghiệm sinh động, thứ sức mạnh khiến người Việt Nam luôn vững tin trong bất cứ cuộc chiến nào, dù là chống ngoại xâm hay chống dịch.

Người dân từ khắp các vùng quê Bắc, Trung Bộ gom từ buồng chuối, quả bí, trái dưa, đùm muối vừng vườn nhà gửi vào Nam hỗ trợ đồng bào chống dịch. "Luồng xanh" nghĩa tình ấy khiến ta liên tưởng đến con đường chi viện thời kháng chiến chống Mỹ. Thời đó, miền Bắc cũng ra sức sản xuất để chi viện cho miền Nam đánh giặc. Bao nhiêu vũ khí, đạn dược, bộ đội miền Bắc đã đổ vào Nam ngày đó. Phong trào "gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người" thời ấy, giờ đây, tương ứng là những đoàn quân áo blouse trắng, những chuyến hàng nghĩa tình lên đường vào Nam. Đến thời điểm này, đã có trên 10.000 lượt cán bộ, y bác sĩ, nhân lực ngành y được điều động/tình nguyện "đi B", chi viện cho những "chiến trường" căng thẳng nhất như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Đó là tính cộng đồng, trách nhiệm, là bản lĩnh của người Việt. Dù nơi này nơi khác vẫn còn một bộ phận, số nhỏ người có những biểu hiện thiếu tích cực, đi ngược lại nỗ lực chung nhưng bao quát hơn cả, người Việt muôn nơi đã và đang thực sự đoàn kết, đồng lòng để cùng nhau và cùng nhà nước chống dịch.

Sức mạnh của tinh thần dân tộc thêm một lần nữa thể nghiệm sinh động, thứ sức mạnh khiến người Việt Nam luôn vững tin trong bất cứ cuộc chiến nào, dù là chống ngoại xâm hay chống dịch. Mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân luôn được đặt lên cao nhất, chống dịch, theo đó, là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay. Người dân cả nước đã cùng nhau trải qua cuộc chiến khó khăn, gian khổ nhưng ngay thời điểm khó khăn nhất hiện tại, chúng ta đồng thời phải chuẩn bị ngay một tâm thế, tinh thần mới, sao để ngay khi làn sóng dịch qua đi có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất, đẩy nhanh hoạt động kinh tế, để khắc phục những hậu quả, mất mát của người dân trong cơn khủng hoảng, để đảm bảo thực hiện cho được mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết đại hội XIII của Đảng là phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UB về Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XII, XIII, XIV. 

  • Tags: