Cương quyết loại bỏ những chính sách không phù hợp để kiến tạo tương lai

Muốn kiến tạo tương lai, không thể ẩn mình an toàn trong lỗ hổng chính sách đã cũ, không còn phù hợp.  Ðó là thông điệp tâm huyết mà đại biểu quốc hội (ÐBQH) Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) và nhiều ÐBQH nhắn gửi đến nhiệm kỳ sau tại kỳ họp thứ 11 - kỳ họp k

Muốn kiến tạo tương lai, không thể ẩn mình an toàn trong lỗ hổng chính sách đã cũ, không còn phù hợp. Ðó là thông điệp tâm huyết mà đại biểu quốc hội (ÐBQH) Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) và nhiều ÐBQH nhắn gửi đến nhiệm kỳ sau tại kỳ họp thứ 11 - kỳ họp khép lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Chậm và chưa thuyết phục

Không thể không công nhận rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều biến động lớn trên thế giới, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã cho nhân dân cả nước nhận diện rõ nét hơn về một bộ máy điều hành đầy bản lĩnh, bình tĩnh đối mặt, một đội ngũ các nhà quản lý, chuyên gia ngày đêm tập trung cao độ để ứng phó những tác hại vô cùng lớn, vừa xử lý những vấn đề cấp bách, vừa xây dựng các chính sách nhằm kiểm soát, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn, bền vững.

Việc thống nhất Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân đã bị chậm hơn một năm. Ảnh: Diên Khánh

Về lập pháp, khối lượng dự án đã được hoàn thiện, thông qua là rất lớn, lên tới 73 luật (kể cả Luật Phòng, chống tác hại của ma túy (sửa đổi), được thông qua tại kỳ họp thứ 11), hai pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính…

Tuy nhiên, trong “ngôi nhà pháp luật” khá đồ sộ mà nhiệm kỳ qua đã xây dựng cũng vẫn còn những dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng được tiến độ, phải lùi thời gian hoặc chưa tạo được sự đồng thuận. Ðó là Luật Máu và tế bào gốc; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Luật Dân số; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở… Trong đó, có những dự án luật tạo ra những tranh luận khá sôi nổi ngay tại nghị trường Quốc hội do chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc tác động kinh tế - xã hội, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế; không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài của quy định.

Bên cạnh đó, mặc dù môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được cải thiện rõ rệt qua các năm, những khoảng trống pháp luật còn đó. Hơn thế, nhiều “hạt sạn” - cả vô tình lẫn cố ý - vẫn chưa được nhặt hết. Khoảng 4.000 trong số gần 6.200 điều kiện kinh doanh được cắt giảm (đạt gần 63%) và một phần tư (30/120) số thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hóa, cắt giảm… thế nhưng có không ít trường hợp chỉ là chập hai, chập ba vào một, nghĩa là chỉ giảm về số lượng, nhưng thực chất những khúc mắc đối với doanh nghiệp vẫn còn đó - như Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chỉ rõ trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ.

Ðặc biệt, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để; nội dung chuyển tiếp trong một số văn bản chưa được quy định đầy đủ, chặt chẽ, dẫn đến khó khăn cho cả cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp khi thực thi; một số chính sách được đề xuất khi triển khai thực hiện còn gặp vướng mắc, trong đó, có những vướng mắc phát sinh từ chính việc chậm trễ trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, mặc dù theo xếp loại chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng ba bậc so năm 2016, song việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này còn chậm và nhiều bất cập (thí dụ Luật Căn cước công dân quy định chậm nhất đến ngày 1-1-2020, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân phải được thực hiện thống nhất theo Luật này, nhưng đến ngày 25-2-2021 mới khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Ðó là chưa kể việc nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa có.

Hai vai trách nhiệm

Với cơ chế xây dựng pháp luật hiện nay thì tiến độ và chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh phụ thuộc vào cả hai bên: Chính phủ và Quốc hội.

Khối lượng rất lớn văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội ban hành trong nhiệm kỳ qua, là một nỗ lực lớn của Quốc hội, các cơ quan và các vị ÐBQH, nhưng đó cũng là nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - chủ thể quan trọng chuẩn bị và trình hầu hết các dự án luật, nghị quyết ra Quốc hội. Ðây là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi lẽ trong quá trình hành pháp, Chính phủ thường là chủ thể đầu tiên phát hiện những bất cập của chính sách pháp luật, phát hiện ra những yêu cầu bức bách của xã hội cần phải giải quyết; từ đó mới đề xuất, xây dựng và trình các dự án luật để Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, của quá trình quản lý, điều hành.

Ngược lại, nếu như hồ sơ chậm trễ, những chính sách đề xuất không phù hợp với đường lối, chưa đánh giá kỹ tác động, không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài, không tính đến tính khả thi thì phần lớn là trách nhiệm của Chính phủ. Nhưng nếu những dự án “lỗi” được ban hành thành luật, thì đó là do việc thẩm tra, thẩm định luật còn nhiều sơ hở, để lọt lưới những quy định chưa phù hợp, có dấu hiệu của lợi ích nhóm, thâu tóm quyền lực bằng thể chế. Loại trừ yếu tố “cố ý” thì thực tế là năng lực phân tích chính sách của một số ÐBQH cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thật sự dành tâm huyết nghiên cứu, thể hiện hết trách nhiệm trong xây dựng luật pháp. Thậm chí cũng không phải không có tình trạng dễ dãi, dĩ hòa vi quý… Ở một khía cạnh khác, các chính sách không chuẩn còn tạo ra những “lá chắn” pháp lý bảo vệ cho tiêu cực, tham nhũng.

Như đã phân tích, để tránh được và tiến tới loại bỏ những chính sách đã “cũ, hỏng và không còn phù hợp”, thì cả hai cơ quan hành pháp và lập pháp đều phải phối hợp chặt chẽ, trong đó, vai trò bổ sung, bổ khuyết và quyết định cuối cùng được trao vào tay cơ quan dân cử.

  • Tags: