Đặc thù quản trị ngân hàng Việt nhìn từ các 'đại án'

Năm 2020 là năm kết thúc quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020. Diện mạo ngành ngân hàng đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên đây có thể là thời điểm thích hợp để tạo ra một bước chuyển mới, đột phá cho hệ thống bằng cách "vá" cho được "v

Năm 2020 là năm kết thúc quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020. Diện mạo ngành ngân hàng đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên đây có thể là thời điểm thích hợp để tạo ra một bước chuyển mới, đột phá cho hệ thống bằng cách "vá" cho được "vết nứt hệ thống quản trị" ngân hàng Việt.

Có thể thấy trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây ngành ngân hàng đã phải trải qua một “cú sốc” khi liên tiếp các vụ án lớn được đưa ra xét xử, hàng chục nghìn tỷ đồng tín dụng cấp sai đã bị phơi bày, hơn chục lãnh đạo cấp cao của ngân hàng bị đưa ra xét xử với những tội danh na ná nhau.

Lần lượt 3 ngân hàng VNCB, Oceanbank, GPBank đã bị NHNN mua bắt buộc 0 đồng vào năm 2015

Đường đi dòng tiền trong các đại án

Điển hình trong các vụ án lớn ngân hàng Việt thời gian qua được đưa ra xét xử là 3 đại án liên quan trực tiếp tới 3 ngân hàng buộc Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc 0 đồng từ khoảng thời gian 2015 đến nay.

Ngân hàng Xây dựng (VNCB, CBBank) là ngân hàng thương mại yếu kém đầu tiên buộc Ngân hàng Nhà nước "giải cứu". Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn được ghi nhận là đại án lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng khi số tiền thiệt hại cho VNCB được xác định lên đến 18.000 tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2014, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh đã đề ra chủ trương, chỉ đạo, tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền của VNCB và những nhân viên làm thuê tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Sau VNCB, Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) là trường hợp thứ 2. Sai phạm tại ngân hàng đã để lại hậu quả là con số nợ xấu lên tới 14.000 tỷ đồng cho Oceanbank.

Ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank đã bị tuyên hình phạt tù chung thân với bốn tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tham ô tài sản (điều 165, 179, 280, 278 Bộ luật Hình sự 1999). Ông Thắm phải bồi thường dân sự hơn 840 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, trong quá trình điều hành Oceanbank, bằng thủ đoạn thành lập các công ty sân sau, ông Thắm chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân, dùng nhiều thủ đoạn để rút tiền của ngân hàng, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Đến ngày 31/3/2014, các vi phạm của ông Thắm và đồng phạm dẫn đến nợ xấu của Oceanbank là hơn 14.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) là trường hợp thứ ba tính cho đến nay phải áp dụng biện pháp mua lại bắt buộc. Ngày 22/1/2019, vụ án liên quan tới sai phạm tại GPBank đã được đưa ra xét xử với các bị cáo liên quan đều là những người đứng đầu ngân hàng là ông Tạ Bá Long, nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank và ông Đoàn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT GPBank.

Theo cáo trạng, để có tiền tăng vốn điều lệ tại GPBank lên 2.000 tỷ đồng năm 2009 và lên 3.018 tỷ đồng năm 2010, ông Long và ông An đã sử dụng 3 công ty "sân sau" để phát hành 3.380 trái phiếu, bán cho Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance).

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc GPBank tăng vốn điều lệ lên 3.018 tỷ đồng, do không có tiền trả gốc và lãi cho EVN Finance, hai ông này đã bàn cách rút tiền của GPBank để trả nợ. Ông Long và An đã dùng công ty Thành Trung và công ty Sao Bắc ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower (109 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và hợp đồng hợp tác đầu tư dự án "Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank" để rút 3.900 tỷ đồng của GPBank. Số tiền này được dùng để trả nợ gốc, lãi cho EVN Finance và sử dụng, chi tiêu hết.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra cáo trạng truy tố Tạ Bá Long và các đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Có thể thấy qua 3 đại án dù khác nhau về mức độ thiệt hại nhưng đều có chung đặc điểm là đường đi lòng vòng của dòng tiền và lối hành xử lạm quyền của những người đứng đầu dẫn tới nợ xấu ngân hàng không thể kiểm soát.

Đứng trước nhu cầu tăng vốn của ngân hàng các “ông chủ” đều lựa chọn phương án “lách luật” bằng cách lập các công ty “sân sau” hoặc để phát hành trái phiếu lấy tiền tăng vốn ngân hàng hoặc để lấy tiền ngân hàng để “chi lãi ngoài” chăm sóc khách hàng VIP. Cũng qua các công ty “sân sau” này mà sở hữu của các ông chủ tại ngân hàng không phải là những con số có thể nhìn thấy được trên giấy (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước). Trả lời trong các phiên xét hỏi, ông Thắm, nguyên Chủ tịch Oceanbank đã “hé lộ” rằng mình là chủ sở hữu tới 63% vốn của ngân hàng này.

Đế chế của những ông chủ ngân hàng

Không chỉ thành lập các công ty “sân sau” để lách luật tăng vốn ảo cho ngân hàng mà nhiều ông chủ ngân hàng Việt còn thành lập các “sân sau” để rút ruột ngân hàng bằng các hợp đồng tín dụng “theo chỉ đạo”.

Theo chia sẻ của một vị từng có nhiều năm kinh nghiệm làm thành viên HĐQT độc lập của một số ngân hàng thương mại, “với việc một vị vừa làm Chủ tịch HĐQT, vừa làm Chủ tịch Hội đồng tín dụng ngân hàng, có thể sau một đêm vị này đã tạo ra cho mình một khối tài sản khổng lồ từ tín dụng ngân hàng”. Đây là điều dễ hiểu khi một người nắm trong tay quá nhiều quyền lực với một khối tài sản lớn, khó tránh khỏi sự lạm quyền.

Trong 2 năm trở lại đây, các ngân hàng loay hoay xử lý hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu tồn đọng từ các đại án. Khối nợ xấu này đến từ các quyết định cấp tín dụng thiếu căn cứ, tài sản thế chấp không đủ điều kiện cho vay hoặc được "kê khống" lên với mức giá trên trời để được cấp hạn mức tín dụng gấp nhiều lần giá trị tài sản bảo đảm. 18.000 tỷ đồng tín dụng cấp sai quy định của VNCB đều là theo phương cách này.

Việc tập trung mọi quyền hành trong tay Chủ tịch HĐQT VNCB khi ấy là ông Phạm Công Danh, đồng thời làm nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh khiến ông Danh có thể chỉ đạo nhân viên dưới quyền tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Đi đầu trong áp dụng các quy tắc quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế, ngân hàng là ngành đầu tiên có quy định về việc Chủ tịch HĐQT không được kiêm Tổng giám đốc của ngân hàng. Cùng với đó, Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 cũng quy định mỗi cá nhân không được sở hữu quá 5%, tổ chức không sở hữu quá 15%; cá nhân và tổ chức liên quan không được sở hữu quá 20% vốn của ngân hàng. Tuy vậy, bằng nhiều cách khác nhau, các ông chủ ngân hàng vẫn tìm cách "lách luật" như nhờ người khác đứng tên cổ phần, nhờ người đứng tên doanh nghiệp nắm giữ cổ phần ngân hàng để từ có được quyền lực quyết định tại ngân hàng đó.

Những quy định nêu trên không chỉ nhằm hạn chế sự lạm quyền của một ông chủ mà còn theo thông lệ quốc tế để phân tách rạch ròi giữa vai trò quản trị và điều hành hệ thống ngân hàng. Cụ thể, vai trò của HĐQT là đại diện cho những người góp vốn đề ra chiến lược,  mục tiêu, phương hướng hoạt động của ngân hàng cho Ban Điều hành. Còn Ban Điều hành mà đứng đầu là Tổng Giám đốc có nhiệm vụ thực hiện những mục tiêu, phướng hướng do HĐQT đề ra. HĐQT không có quyền can dự vào các quyết định điều hành của Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, với Việt Nam từ quy định đến thực tiễn áp dụng còn là một chặng đường dài dích dắc, đặc biệt thấy rõ ở các ngân hàng tư nhân. Không ít Chủ tịch HĐQT ngân hàng đóng vai trò “độc tôn”, tham gia vào tất cả các quyết định lớn của ngân hàng trong cả định hướng và điều hành, gần như quyền trùm lên Tổng Giám đốc.

Kinh qua nhiều đại án liên quan tới các ngân hàng Việt như Bầu Kiên (ACB), Huyền Như, Agribank, Epco Minh Phụng, Ngân hàng Việt Hoa, Phạm Công Danh (VNCB), Hà Văn Thắm (Oceanbank), GPBank có thể thấy kết luận nêu trên không phải là riêng lẻ mà là “đặc thù” quản trị của hệ thống ngân hàng Việt.

Những câu chuyện vừa dẫn cũng có thể mới chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm". Muốn giải bài toán lạm quyền xảy ra tại các ngân hàng Việt cần có một giải pháp thực sự căn cơ mà "thượng phương bảo kiếm" đang trao cho Ngân hàng Nhà nước….

  • Tags: