Đắk Lắk: Rừng tự nhiên lại khóc

 Vừa qua, phóng viên Pháp Luật Quản lý nhận được thông tin phản ánh của người dân tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) phản ánh về tình trạng rừng tự nhiên tại khu vực Suối Ea R’Boc xã Ea Sol, huyện Ea H’leo bị tàn phá nghiêm trọng.

Vừa qua, phóng viên Pháp Luật Quản lý nhận được thông tin phản ánh của người dân tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) phản ánh về tình trạng rừng tự nhiên tại khu vực Suối Ea R’Boc xã Ea Sol, huyện Ea H’leo bị tàn phá nghiêm trọng. 

Theo đó, để xác minh phản ánh của người dân, phóng viên đã tiến hành thâm nhập đến hiện trường. Vượt qua nhiều con dốc cao, gồ ghề và hiểm trở, sau nhiều giờ phóng viên cũng đã tiếp cận được hiện trường. Trước mắt chúng tôi là một “thảm cảnh” khiến ai cũng phải ngỡ ngàng, hàng loạt loại cây dài từ 3 đến 8 mét hàng chục năm tuổi bị đốn hạ nằm ngổn ngang, trải rộng với diện tích khoảng gần 1 hecta.

Để xác minh phản ánh của người dân, phóng viên đã tiến hành thâm nhập thực tế đến hiện trường.

Tìm hiểu về tình hình phá rừng tại địa phương, một người dân sống gần chân đồi cho biết: “Ở đây đa số là người dân tộc phía Bắc di cư, tôi cũng như mọi người hầu như đều nhận thức được tầm quan trọng của rừng qua các đợt về dạy chúng tôi cách bảo vệ rừng và nếu phá rừng thì sẽ bị thế nào của các chú Kiểm lâm, mấy chú ấy thay nhau ra vào túc trực ở đây suốt mà, nên có phá rừng như anh nói thì tôi nghĩ không phải người ở đây, với chỗ này xa và khó đi như thế chúng tôi chỉ tới đây khi đi lấy cây lan, lấy đót và săn thú thôi”.

Hàng loạt loại cây bị đốn hạ nằm ngổn ngang.

Ngày 22/2, trả lời phóng viên tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Khánh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo cho biết: Diện tích rừng bị đốn hạ trên thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH Hai thành viên lâm nghiệp Ea H’leo và công ty này cũng đã có báo cáo tới hạt kiểm lâm huyện. Theo đó, phát hiện rừng bị đốn hạ tại 2 điểm, điểm 1 thuộc lô 15, khoảnh 3, tiểu khu 64 với diện tích 9.300m2; điểm 2 thuộc lô 3, khoảnh 1, tiểu khu 68 với diện tích 2.800m2. Tổng diện tích 2 điểm khoảng hơn 1,2 hecta, đều thuộc địa phận xã Ea Sol. Sau khi tiếp nhận báo cáo, Hạt đã và đang tiến hành các thủ tục xử lý, đề nghị Sở Nông nghiệp và Chi cục Kiểm lâm tỉnh trưng cầu giám định, chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra và đề nghị xử lý nghiêm nhằm răn đe tránh tái diễn tình trạng này.

Hàng loạt loại cây dài từ 3 đến 8 mét hàng chục năm tuổi bị đốn hạ nằm ngổn ngang, trải rộng với diện tích khoảng gần 1 hecta.

Cũng theo ông Khánh, đây là vụ phá rừng có diện tích lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây trên lâm phần của Công ty này quản lý. Trong năm 2020, toàn huyện có 90 vụ vận chuyển lâm sản, phá rừng… trong đó 3 vụ đã khởi tố hình sự.

Ông Lê Thanh Khánh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo cho biết: Diện tích rừng bị đốn hạ trên thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH Hai thành viên lâm nghiệp Ea H’leo.

Khó lau nước mắt của Rừng! 

Liên quan tới sự việc trên, ông Nguyễn Công Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Ea H’leo cho biết: Sự việc được đội bảo vệ rừng số 2 của công ty phát hiện vào ngày mùng 4 Tết, qua kiểm tra tại cả 2 vị trí, diện tích bị đốn hạ khoảng 1,2 hecta với nhiều loại cây gỗ tạp như Cày, Trâm, Sổ… hiện đã có báo cáo cụ thể gửi lên Hạt để xử lý theo quy định. Theo nhận định thì đây là vụ phá rừng nhằm mục đích để lấy đất làm nương rẫy.

Ông Nguyễn Công Hùng đang chia sẻ những khó khăn đang gặp phải trong công tác bảo vệ rừng, cũng như hướng xử lý trong thời gian tới.

“Các điểm nóng trong việc phá rừng do công ty này quản lý thường được xác định là các khu vực nằm xa trung tâm các xã, giáp ranh với nhiều chủ rừng khác, đường sá đi lại vô cùng khó khăn hiểm trở, thậm chí có những điểm đi từ tỉnh bạn còn gần hơn nên việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, với cương vị là chủ rừng thì chúng tôi vẫn luôn chịu trách nhiệm và cố gắng làm tốt công việc của mình” ông Hùng chia sẻ.

Hiện nay, Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Ea H’leo quản lý khoảng 7.300 hecta, trong đó có khoảng 4.800 hecta có rừng với 25 người chia thành 3 đội bảo vệ rừng và 1 phòng cơ động, xác định tuần tra kiểm soát là then chốt trong công việc. Việc khó khăn vì địa hình hiểm trở, xa trung tâm, như rừng tại khu vực xã Ea Sol giáp ranh với tỉnh Gia Lai còn gần và dễ di chuyển hơn so với về trung tâm xã thuộc huyện Ea H’leo, người dân chủ yếu là người dân tộc Dao, Tày…, đời sống không được ổn định về kinh tế cũng là phần nào tác động đến việc phá rừng và khó trong công tác bảo vệ.

Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ, đồng thời mở rộng diện tích rừng trồng, phần nào tạo công ăn việc, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân, giảm tải vấn nạn phá rừng để lấy đất làm nương rẫy.

Bài viết thông tin thực tiễn phục vụ đề tài nghiên cứu về chính sách, pháp luật và quản lý: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý trong việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Tags: