PLQL - Ngày 8-7, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố năm 2020.
Hội nghị trực tuyến Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố năm 2020
Dự và chủ trì hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương cùng 1.524 đại biểu đến từ các điểm cầu trên cả nước.
Khai mạc hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, đất nước bị tác động nặng nề do đại dịch Covid-19, nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm phòng, chống với đại dịch. Việt Nam đã chống dịch Covid-19 thành công, đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81%, được quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng đã cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép; an sinh xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục triển khai quyết liệt; phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt nhiều kết quả cụ thể; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường..
Các đại biểu tham dự hội nghị
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ 6 tháng đầu năm là tập trung triển khai hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, Hưởng ứng, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19". Cuộc vận động đã được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ.
Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhiều nước đang bùng phát dịch đợt 2. Mặc dù Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh nhưng không được chủ quan, không để dịch bùng phát trở lại. Đặc biệt, song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch, khắc phục tác động của đại dịch để đảm bảo chủ trương của Đảng, Nhà nước: không vì kinh tế mà làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, hệ thống Mặt trận các cấp, cán bộ Mặt trận, đoàn thể, Ban công tác Mặt trận ở mỗi địa bàn dân cư phải quyết tâm hơn, nỗ lực hơn đề cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phục hồi kinh tế.
“Đây là thời điểm cần khẳng định vị trí, vai trò, năng lực công tác, sự năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân, thể hiện ý chí, sự quyết tâm, tính tiền phong, gương mẫu trong điều hành, tổ chức, thực hiện công việc”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Mặt trận sẽ góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song song đó, tiếp tục nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, tình hình nhân dân; giám sát việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân và doanh nghiệp để khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19; việc tham gia vào quá trình đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa 15 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...
Trình bày báo cáo kết quả giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ông Hầu A Lềnh, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, mặt trận các tỉnh, thành đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại cơ sở.
Theo báo cáo của MTTQ Việt Nam 63 tỉnh thành phố, đến thời điểm hiện tại các địa phương cơ bản đã hỗ trợ cho 8.445.390 người thuộc các nhóm đối tượng: người có công và gia đình chính sách; hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tổng số tiền hỗ trợ là trên 7.066 tỷ đồng. Trong đó, 685.531 người có công và gia đình chính sách được hỗ trợ; người nghèo, cận nghèo là 5.644.344 người; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: 2.115.695 người.
Hiện tại, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đang tiếp tục giám sát các cơ quan chức năng nhà nước, các doanh nghiệp triển khai rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ, đảm bảo không trùng lặp cũng như xác định cụ thể thời điểm được nhận hỗ trợ, đặc biệt là đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu/năm; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Qua giám sát, mặt trận cho rằng, việc triển khai gói hỗ trợ thực hiện trong thời gian ngắn để kịp thời giúp người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; đối tượng thụ hưởng rộng; yêu cầu chính xác, không trùng lặp; không bỏ sót đối tượng… do đó bước đầu nhiều địa phương còn lúng túng. Đội ngũ cán bộ cơ sở năng lực không đồng đều, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, chủ yếu là rà soát bằng phương pháp thủ công nên mất thời gian và độ chính xác chưa cao, nên việc rà soát, lập danh sách các đối tượng còn sai sót dẫn đến việc hỗ trợ các nhóm đối tượng còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ nên còn đòi hỏi, gây áp lực với cán bộ, công chức trực tiếp ở cơ sở.
Thời gian tới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các bộ ngành có liên quan xem xét bổ sung cơ chế hoặc có hướng dẫn về hỗ trợ một số đối tượng người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tiếp tục phối hợp triển khai công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...