Đưa - Nhận hối lộ là một dạng biểu hiện cụ thể của tham nhũng, hậu quả của nó rất nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm sai lệch hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào cán bộ của các cơ quan công quyền.
Những năm qua, các cơ quan tư pháp đã điều tra và khởi tố được một số vụ án, một số bị can, bị cáo tội danh Đưa – Nhận hối lộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng , có dấu hiệu đưa nhận hối lộ, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội danh khác. Cá biệt có những vụ chỉ khởi tố được người đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà không khởi tố được người nhận hối lộ. Do đó, trong giai đoạn mới, để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng toàn diện hơn…, cần phải xử lý triệt để , đưa ra “ánh sáng” tội phạm nhận hối lộ…
Phan Văn Anh Vũ tức Vũ “Nhôm” – bị can trong hàng loạt vụ án liên quan đến đất đai, công sản mới bị khởi tố bị can về tội Đưa hối lộ(Ảnh: TTXVN).
Không ít vụ có dấu hiệu tham nhũng lợi ích vật chất, nhưng không chứng minh được hoặc đang bỏ ngỏ….
Vụ khiến dư luận đặt nghi ngờ về dấu hiệu lợi ích mới đây nhất phải kể đến đó là vụ “thổi giá” hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.
Đầu tháng12/2020, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử Nguyễn Nhật Cảm (nguyên giám đốc CDC Hà Nội) và các đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, tháng 2/2020, bị can Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội gọi điện cho bà Hiền (CDC Quảng Ninh) tham khảo hệ thống Realtime PCR tự động do CDC Quảng Ninh đã mua, đưa vào sử dụng và được bà Hiền giới thiệu Nguyễn Văn Chiến, nhân viên kinh doanh Cty Getz.
Sau khi ông Cảm liên hệ, Chiến đã gọi Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Cty Vitech để kết nối với Nguyễn Thanh Tuyền – Trưởng nhóm kinh doanh Cty Phương Đông xin báo giá hệ thống Realtime PCR của hãng Qiagen Đức và cho biết CDC Hà Nội đang muốn mua hệ thống này.
Theo chỉ đạo của Tuyền, nhân viên cùng Cty Phương Đông đã “chế” 3 báo giá của 3 cty khác nhau để gửi sang CDC Hà Nội. Ngày 6/2/2020, Nhất và Tuyền đến gặp ông Cảm tại phòng làm việc, qua đàm phán, ông Cảm đồng ý mua hệ thống Realtime PCR với giá 7 tỷ đồng, thời hạn bảo hành 3 năm.
Tại đây, Tuyền cũng đề xuất Cty Phương Đông sẽ không tham gia đấu mà giao cho Nhất tìm nhà thầu đủ năng lực để thực hiện gói thầu và được ông Cảm đồng ý. Sau đó, các đối tượng đã mua bán lòng vòng máy Realtime PCR từ Cty Phương Đông qua một số công ty khác, đến CDC Hà Nội giá máy đã được đẩy từ 2,3 tỷ đồng (giá Cty Phương Đông nhập về Việt Nam) thành 7 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cũng cho thấy, bị can Nguyễn Nhật Cảm, nguyên giám đốc CDC Hà Nội thừa nhận quá trình mua sắm hệ thống máy xét nghiệm đã không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và Luật kế toán, gây thiệt hại tài sản của nhà nước.
Đáng chú ý, mặc dù có bị can có lời khai về việc thống nhất chung chi cho ông Cảm 15% (trước VAT) giá trị của hệ thống máy để được trúng thầu cung cấp máy xét nghiệm cho CDC Hà Nội, tuy nhiên ông Cảm không thừa nhận nội dung này.
Nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội tội phạm khác. ( Ảnh minh họa)
Cũng tính chất tương tự, nhưng trong “nâng khống” giá thiết bị y tế ở Bạch Mai, các bị can lại bị khởi tối về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Rất nhiều người đặt ra câu hỏi: Vì sao các đối tượng trong các vụ án này chưa bị khởi tố với một tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng và liệu rồi khi kết thúc vụ án, có để lọt những kẻ tham nhũng hay không? Nguyên tắc phổ biến trong mua sắm công là “mua phải đấu thầu, bán phải đấu giá” ai cũng rõ , nhưng quá trình thực hiện, kẻ thoái hóa biến chất trong cơ quan công quyền, với quyền hạn của mình đã móc nối với các đối tác liên quan để “thổi giá”, mua với giá cao ngất ngưởng và đổi lại chả lẽ lại không được gì ? Dư luận có quyền nghi ngờ các đối tượng được nhận những khoản “lại quả” khổng lồ từ số tiền chênh lệch giữa giá mua mà Nhà nước phải bỏ tiền ra trả với giá trị thực của hàng hóa đó.
Mặc dù, trong các vụ án này, cơ quan điều tra khởi tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”… nhưng dư luận chưa phục, rất có thể đó là những vụ án tham nhũng có sự cấu kết giữa những kẻ thoái hóa biến chất trong bộ máy Nhà nước với các doanh nghiệp sân sau.
Bên cạnh những vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ …, còn có những vụ án có lời khai về hành vi đưa hối lộ như trong án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ; vụ nghi án Tenma Việt Nam hối lộ cán bộ, công chức Việt 25 triệu yên Nhật (hơn 5 tỷ đồng)… nhưng cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và cá đồng phạm bị xử lý hình sự về các tội như Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền, còn bị khởi tố về hành vi Đưa hối lộ và sau đó đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình bị điều tra bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã cho tướng Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; chi cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; chi cho tướng Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát.
Khai với cơ quan điều tra, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu… và không nhận tiền. Do đó, cơ quan điều tra chỉ khẳng định việc Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, chưa có căn cứ làm rõ việc tướng Vĩnh, tướng Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương.
Đáng lưu ý là trong vụ án này, không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Chính vì vậy, tại phiên phúc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ, nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện.
Trong khi đó, ở nghi án Công ty TNHH Tenma Việt Nam hối lộ một số cán bộ, công chức Việt Nam như báo chí Nhật đưa tin hồi giữa năm 2020, đến nay Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục phối hợp Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ.
Cá biệt có những vụ chỉ khởi tố được người đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà khuyết người nhận…
Theo lẽ thường có việc đưa thì ắt sẽ có việc nhận hối lộ, thế nhưng cá biệt có những vụ các cơ quan tố tụng đã không tìm ra được người nhận hối lộ trong khi vẫn xét xử người đưa, người môi giới hối hộ. Minh chứng điển hình như vụ án buôn bán thuốc chữa ung thư giả xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma; vụ án logo xe vua ở Đồng Nai…
Ở vụ án logo xe vua ở Đồng Nai, có 9 bị cáo bị xét xử về tội đưa hối lộ, trong đó bị cáo Nguyễn Cảnh Chân – nguyên cán bộ đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai – bị truy tố, xét xử tội môi giới hối lộ.
Suốt quá trình điều tra, xét xử, các bị cáo này khai đã đưa tiền cho 80 CSGT, thanh tra giao thông trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM để không bị xử phạt xe chở quá tải.
Cáo trạng cũng nêu đích danh một số cán bộ nhận hối lộ với số tiền, thời điểm nhận hối lộ cụ thể. Tuy nhiên, tất cả những người này đều không bị truy cứu về tội nhận hối lộ.
Tổng cộng ông Chân đã trung gian môi giới cho Thới đưa hối lộ 12 lần, lần ít nhất 60 triệu đồng, lần nhiều nhất 120 triệu đồng. Ông Thới chuyển cho Chân gần 1,3 tỷ đồng, Chân chuyển giúp Thới gần 1 tỷ còn 300 triệu đồng Chân sử dụng cá nhân. Thới cũng khai đã đưa hối lộ 79 lần với số tiền gần 5 tỷ đồng cho nhiều cán bộ TTGT, CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, lần đưa ít nhất 9 triệu đồng, nhiều nhất 105 triệu đồng. Vân có 16 lần đưa hối lộ, mỗi lần đưa ít nhất 3 triệu đồng, nhiều nhất 150 triệu đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng vẫn “khuyết” người nhận do những người này không thừa nhận đã nhận hối lộ. Tại phiên xử phúc thẩm ngày 21/10/2019, TAND cấp cao tại TPHCM hủy án vì có dấu hiệu lọt tội phạm. Vụ án hiện vẫn đang tiếp tục điều tra.
Hay trong vụ án buôn bán thuốc chữa ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, cũng chỉ có 3 bị can bị đưa ra xét xử về tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ mà không thể truy cứu được đối tượng nhận hối lộ. Theo đó, Ngô Anh Quốc (cựu Phó Tổng Giám đốc VN Pharma) chịu năm năm tù về tội đưa hối lộ, Dương Kim Sơn (Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Sơn) và Lê Phú Toàn (Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thạch Bàn) lần lượt phải chịu 17 tháng 17 ngày tù; 14 tháng 30 ngày tù, cùng về tội môi giới hối lộ.
Vụ án buôn bán thuốc chữa ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, chỉ có 3 bị can bị đưa ra xét xử về tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ mà không có người nhận.
Theo nội dung vụ án, quá trình điều tra, Lê Phú Toàn khai sau khi đã nhận được hơn 7,2 tỉ đồng từ Dương Kim Sơn, Toàn đưa cho anh NTT (kiểm sát viên trung cấp thuộc Vụ 1, VKSND Tối cao) 5 tỉ đồng. Ngoài ra, Toàn còn khai đặt vấn đề nhờ chị BTT (cán bộ Vụ 1, VKSND Tối cao) liên hệ với lãnh đạo VKSND Tối cao để giúp đỡ và đã hai lần chuyển tiền cho chị T. tổng số tiền 1,1 tỉ đồng và 50.000 USD.
Tuy nhiên, tại phiên toà sơ thẩm, Hội đồng xét xử cho rằng ngoài lời khai của Lê Phú Toàn, kết quả điều tra không có căn cứ xác định anh NTT và chị BTT đã nhận số tiền trên. Từ đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định kết quả điều tra không có căn cứ xác định có sự thỏa thuận giữa anh NTT với bị can Toàn về việc giúp các đối tượng thuộc Công ty VN Pharma không bị khởi tố, bắt tạm giam, lý do không chứng minh được anh NTT đã nhận tiền từ Toàn.
Mặc dù vậy, việc anh NTT tiết lộ thông tin liên quan đến vụ án cho Toàn đã vi phạm quy chế công tác của ngành kiểm sát. Anh T đã bị xử lý kỷ luật công chức với hình thức cảnh cáo, cách chức trưởng phòng và điều chuyển đơn vị công tác.
Theo lẽ thường có việc đưa thì ắt sẽ có việc nhận hối lộ, thế nhưng cá biệt có những vụ các cơ quan tố tụng đã không tìm ra được người nhận hối lộ trong khi vẫn xét xử người đưa, người môi giới hối hộ. Minh chứng điển hình như vụ án buôn bán thuốc chữa ung thư giả xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma; vụ án logo xe vua ở Đồng Nai…
Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng toàn diện hơn…
“Hối lộ” là một dạng biểu hiện cụ thể của tham nhũng, hậu quả của hành vi đưa, nhận hối lộ nói riêng, tham nhũng nói chung là rất nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm sai lệch hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào cán bộ các cơ quan công quyền.
Trong khi đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử hành vi đưa, nhận hối lộ rất khó khăn. Bởi những người nhận hối lộ đều là quan chức, thậm chí là quan chức công tác tại cơ quan pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng nên họ nắm pháp luật rất chắc, có nhiều thủ đoạn để che giấu, xóa dấu vết phạm tội. Hơn nữa, do hành vi đưa hối lộ cũng là tội phạm nên hiếm có trường hợp người chủ động hối lộ tố cáo hay khai báo.
Tuy nhiên, khó khăn như vậy không có nghĩa là các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra bất lực trước hành vi đưa và nhận hối lộ bởi lẽ thực tế trong thời gian qua chúng ta đã xử rất nhiều vụ đưa và nhận hối lộ một cách triệt để. Điển hình là vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị truy tố, xét xử về tội nhận hối lộ; hay như vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hoà Bình… sau nhiều lần quyết liệt điều tra, Cơ quan Công an đã khởi tố bổ sung nhiều bị can về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” .
Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng toàn diện hơn cần phải xử lý triệt để loại tội phạm này, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt, trong giai đoạn mới yêu cầu đặt ra đối với cơ quan tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này phải kiên quyết, bài bản, đúng quy định, nêu cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm.