Để người dân “vui vẻ” chấp hành pháp luật

Không ít người dân cho rằng, pháp luật là những mệnh lệnh buộc phải chấp hành, thậm chí là hình phạt, là trừng trị hoặc đơn giản chỉ là để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Nhiều người chỉ bắt đầu quan tâm đến các quy định của pháp luật khi bản thân

Không ít người dân cho rằng, pháp luật là những mệnh lệnh buộc phải chấp hành, thậm chí là hình phạt, là trừng trị hoặc đơn giản chỉ là để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Nhiều người chỉ bắt đầu quan tâm đến các quy định của pháp luật khi bản thân vướng vào các sự việc miễn cưỡng, có tranh chấp, kiện cáo… 

Nếu mọi người đều hiểu đúng và thực hiện đúng thì pháp luật chính là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tránh mọi sự xâm hại không đáng có. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng và thực hiện đúng pháp luật. 

Để người dân đồng thuận trong chấp hành pháp luật, nhất là trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC), rất cần những hành động thiết thực, cụ thể từ chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị xã hội. Từ việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến xây dựng niềm tin về tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang tập trung đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật thật sự cần thiết và là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Trong đó, ngoại trừ yếu tố vĩ mô là không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành thì Nhà nước phải tập trung phổ biến, tuyên truyền để mỗi công dân và tổ chức đều hiểu, nhận thức được một cách đúng đắn, đầy đủ bản chất của pháp luật. Đồng thời, không ngừng củng cố và tăng cường, nâng cao ý thức tuân thủ, ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân.

Giữ niềm tin cho dân

Thời gian gần đây, trong các đợt tiếp xúc cử tri (TXCT) của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố, luôn có rất đông cử tri dự với ý thức rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mình đối với các đại biểu quốc hội nói riêng và đối với Quốc hội nói chung.  Họ có mặt từ rất sớm để được gặp những người đại diện cho nhân dân. Tuy những vấn đề mà cử tri phản ánh không phải tất cả đều đúng, nhưng thông qua đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của dân; Giải đáp được những thắc mắc, thậm chí là xóa tan những bức xúc mà cử tri ôm ấp trong lòng từ lâu; đảm bảo sự vào cuộc chỉ đạo thực hiện của cấp có thẩm quyền để khắc phục đối với những vấn đề lớn hơn… Chính những việc làm kịp thời, hiệu quả như trên đã tăng niềm tin của dân, của cử tri đối với  sự lãnh đạo, điều hành đất nước của Đảng, Nhà nước và của chính quyền các cấp.

Một hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật được  tổ chức tại Bạc Liêu

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng nhận thức được điều này. Có nơi khi thông báo TXCT, chỉ mời thành phần là cán bộ xã, phường, ấp, đảng viên ở các chi bộ trực thuộc; còn lại thì gần như không tạo điều kiện để người dân tham dự. Đó là những buổi TXCT … vô vị, bởi cán bộ xã, phường, ấp nếu muốn có ý kiến gì thì cũng phải “nể mặt” lãnh đạo địa phương. Không có người dân tham gia, không có những ý kiến phản hồi thì không có nghĩa là địa phương đó làm tốt công tác quản lý hành chính. Sự hạn chế theo kiểu này chỉ khiến người dân tăng thêm bức xúc (nếu có), quyết tâm khiếu nại vượt cấp (vì nghĩ rằng địa phương bao che). Những suy nghĩ cục bộ, địa phương kiểu này không giúp chính quyền tốt hơn mà thậm chí là ngược lại. Ngoài việc gây tốn kém tiền bạc, thời gian của cơ quan cấp trên khi tổ chức một buổi TXCT thì vấn đề giảm sút lòng tin của người dân đối với Nhà nước, đối với công cuộc đổi mới, sựu công khai minh bạch, càng đáng lo hơn.

Bên cạnh đó, một cách khiến lòng tin của dân giảm sút chính ở những việc “hứa” nhưng không thực hiện hoặc không thực hiện được. Có thể có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng nếu đã hứa mà qua cả một nhiệm kỳ, thậm chí nhiều hơn một nhiệm kỳ vẫn không thực hiện được, thì ít nhiều đã làm suy giảm lòng tin của dân. Người nào hứa? Việc đã hứa được giao cho ai thực hiện và thực hiện đến đâu? Trách nhiệm của những cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ mà không hoàn thành, cũng như mức độ xử lý... Đó là những vấn đề cần được làm rõ nhằm tạo dựng niềm tin cho nhân dân.

Cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong chấp hành pháp luật

Cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) nói phải đi đôi với làm thì dân mới tin và làm theo. Để làm gương cho dân, CB, ĐV phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ, thậm chí rất đơn giản. Trong đó, cũng phải nói đến ý thức chấp hành pháp luật của chính CB, ĐV hoặc người nhà của CB, ĐV.

Trong những đợt giám sát về việc chấp hành pháp luật ở nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, không ít trường hợp bản thân CB, ĐV lại thiếu ý thức trong việc tuân thủ và chấp hành pháp luật, thậm chí tìm mọi cách để lách luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật mà khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn cho các cơ quan chấp pháp. Chính việc không tuân thủ trong chấp hành pháp luật, hoặc lợi dụng mối quan hệ, vị thế của những CB, ĐV như thế đã ảnh hưởng đến niềm tin của dân đối với công cuộc xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bởi người dân sẽ “soi” vào những CB, ĐV đó trong mọi hành xử, từ những việc nhỏ như chấp hành Luật Giao thông đến những việc lớn hơn như tuân thủ hoặc chấp hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Không hiếm trường hợp, để xin cho người quen, người nhà của mình vi phạm Luật Giao thông, có cán bộ, công chức (CB, CC) đã trực tiếp điện thoại cho bộ phận xử lý vi phạm hành chính của ngành chức năng đề nghị được giải quyết theo kiểu “xí xóa” cho qua. Hay bản thân, hoặc gia đình CB, CC dính líu đến việc phải chấp hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nhưng khâu thi hành án lại cố tình không chấp hành đúng, đầy đủ theo quy định. Thời gian qua, đã có trường hợp CB, CC (đương chức hoặc về hưu), hay người nhà của CB, CC cố tình không chấp hành quyết định di dời giải tỏa trong các dự án, khiến dự án phải chậm trễ kéo dài, vì cán bộ làm được thì dân cũng… dựa vào đó mà làm theo.

Vấn đề chấp hành pháp luật và thái độ của công dân

Người dân thể hiện thái độ như thế nào với việc chấp hành pháp luật cũng chính là lăng kính để soi rọi vào chính những cách hành xử, thái độ của những người chấp pháp. Có một thời gian, việc giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi hoàn giải tỏa, cứ hễ ai kiên nhẫn… khiếu nại là sẽ được giải quyết thêm, xem xét lại. Việc làm này vô hình trung khiến công dân nuôi hy vọng, người được giải quyết thêm sẽ bày, thậm chí xúi giục người khác đi yêu cầu, khiếu nại. Tương tự như vậy, đối với các khiếu kiện đã kết thúc ở cấp tỉnh, dân vẫn kéo nhau ra gây rối tại trụ sở các cơ quan nhà nước ở Trung ương, buộc địa phương phải ra “rước” về. Rõ ràng, những kiểu nhân nhượng như thế này trở thành “thượng phương bảo kiếm”, khiến nhiều người cố chấp, chây ì dựa vào đó để yêu sách, gây khó cho chính quyền cấp tỉnh, cũng như làm giảm mất ý nghĩa của tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thái độ chấp hành pháp luật của công dân phụ thuộc vào cách hành xử của Nhà nước, của cán bộ hành pháp và chấp pháp. Thiết nghĩ đã đến lúc cần mạnh tay hơn với những trường hợp xem thường kỷ cương phép nước, từ cán bộ nhà nước đến công dân. Nếu xác định sai thì phải xử nghiêm minh, đến nơi đến chốn; còn làm đúng phải được tuyên dương; hoặc không làm mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng do việc thiếu trách nhiệm của mình gây ra phải xử nặng hơn những trường hợp làm sai… Có như vậy thì không chỉ các cơ quan công quyền mà người dân cũng dần hình thành thói quen chấp hành pháp luật một cách đúng đắn !
 

  • Tags: