Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô kiến nghị Chính phủ cần rút ngắn các quy trình, thủ tục để sớm đưa chính sách giảm 50% phí trước bạ đi vào thực tế, kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ô tô giải phóng hàng tồn kho.
Những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Người dân chờ được giảm phí mới sắm ô tô
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc CTCP ô tô Trường Hải (Thaco), cho biết trong tháng 4, doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng bởi dịch, tạm dừng một số nhà máy, 30% công nhân phải nghỉ việc. Tháng 5, hoạt động sản xuất đã được phục hồi trở lại, song hiện nay, hàng tồn kho còn lớn.
Người dân chờ được giảm 50% phí trước bạ mới mua ô tô (Ảnh: TL)
5 tháng đầu năm 2020, tính toán tương đối, doanh nghiệp này giảm 34% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. "Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi kế hoạch kinh doanh, tài chính của mà doanh nghiệp đã xây dựng", ông Tài nói.
Đại diện Thaco kỳ vọng hết tháng 6, với những chính sách mới được ban hành như giảm 50% lệ phí trước bạ, kinh tế Việt Nam phục hồi, doanh số bán ô tô sẽ tăng. Tuy nhiên, tăng trưởng của công ty khó có thể bằng như năm trước.
Đặc biệt, với chính sách giảm phí trước bạ 50%, ông Tài cho rằng mục tiêu của chính sách là khuyến khích người dùng mua sắm ô tô, nhưng do chính sách chưa có hiệu lực nên nhiều người đang có xu hướng chờ khi nào chính sách đi vào thực tế mới mua xe. "Vô tình, chính sách lại đi ngược lại mục đích, khó giúp doanh nghiệp sớm phục hồi", ông Tài nói.
CEO Thaco kiến nghị Chính phủ cần rút ngắn các quy trình, thủ tục để sớm đưa chính sách giảm 50% phí trước bạ đi vào thực tế, kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ô tô phục hồi.
Những tháng đầu năm 2020, hoạt động kinh doanh ô tô chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid-19. Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng toàn ngành trong tháng 4/2020 đạt 11.761 xe, giảm 39% so với tháng 3 và giảm tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu cập nhật mới nhất từ VAMA cho thấy, doanh số bán ô tô của các thành viên VAMA trong tháng 5/2020 đạt 18.571 xe các loại, đã tăng so với tháng 4/2020, nhưng kém xa cùng kỳ năm trước (tháng 5/2019 đạt tới 27.480 xe).
Ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương), đánh giá nhiều nhà sản xuất ô tô đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn chưa từng có từ trước tới nay nhưng nhu cầu tiêu dùng xe ô tô vẫn giảm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với xe nhập khẩu. Ông Toàn dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho hay hết năm 2019, ước tính Việt Nam đã nhập khẩu 142.000 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng trị giá đạt 3,1 tỷ USD, tăng 71% về lượng và tăng 69,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Toàn, thời gian tới, trước mắt ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước gặp phải cạnh tranh gay gắt ô tô với ô tô nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia. 7 - 10 năm tới, ngành ô tô Việt Nam tiếp tục gặp phải cạnh tranh với các dòng ô tô cao cấp từ các quốc gia CPTPP, EVFTA. Đại diện Bộ Công Thương dự báo trong những năm tiếp theo, nhập khẩu ô tô tiếp tục tăng cao.
Theo Ts. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, 5 năm trở lại đây, xe nhập khẩu chiếm 40% tổng lượng xe bán ra tại trường nội địa Việt Nam. Sau khi những rào cản từ Nghị định 116 được tháo gỡ, xe nhập khẩu càng ngày càng ồ ạt vào Việt Nam. Điều đó dẫn tới dung lượng thị trường Việt Nam vốn đã hẹp, xe lắp ráp trong nước lại phải cạnh tranh khốc liệt với xe ngoại.
Chính sách phát triển của ngành vẫn luẩn quẩn
Trong khi đó, giá thành sản xuất ô tô trong nước của Việt Nam đang cao hơn xe nhập ngoại từ 10 - 20%, tỷ lệ nội địa thấp do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng sản phẩm nhập ngoại.... đang là lý do khiến xe sản xuất, lắp ráp trong nước khó cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Hơn nữa, ông Toàn nhận định, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn nhưng thẳng thắn mà nói thì ngành công nghiệp ô tô vẫn tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ô tô toàn cầu. Ngành sản xuất ô tô trong nước chưa đạt được tiêu chí sản xuất ô tô thực sự, dây chuyền sản xuất chủ yếu là hàn sơn, lắp ráp, kiểm tra. Một số ít doanh nghiệp thực hiện thêm công đoạn lắp ráp động cơ tại Việt Nam.
Công nghiệp hỗ trợ ô tô còn hạn chế. Thái Lan có 700 nhà cung ứng cấp 1 cho các doanh nghiệp ô tô, trong khi Việt Nam có chưa đến 100 nhà cung ứng cấp 1. Tỷ lệ nội địa hoá dòng xe dưới 9 chỗ ngồi của Việt Nam rất thấp, chưa đến 10%.
Để giải quyết bài toán phát triển công nghiệp ô tô, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: Việt Nam phải tạo ra lợi thế về quy mô. Hay nói cách khác là công nghiệp hỗ trợ sản xuất chi tiết ô tô phải có tầm nhìn toàn cầu, khu vực, chứ không phải là ngành công nghiệp hỗ trợ cho bản thân ngành công nghiệp ô tô trong nội địa Việt Nam.
Cùng với việc tạo quy mô thị trường, ông Thành khuyến cáo ngành công nghiệp ô tô cần phải làm chủ công nghệ: "Phải nắm được công nghệ, chuyển giao công nghệ, tự khẳng định năng lực thiết kế. Hay nói cách khác là có một cái nhìn của mình về ngành công nghiệp ô tô".
Đồng thời, ông Thành đánh giá, chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô thời gian qua còn luẩn quẩn. Ví dụ, muốn có dung lượng tốt, hạ tầng giao thông phải đi trước nhưng để phát triển được hạ tầng lại cần vốn, nguồn lực lớn. Do vậy, ngành ô tô Việt Nam không thể phát triển nhanh.
Hơn nữa, một mặt muốn phát triển ngành ô tô nhưng mặt khác lại muốn đẩy mạnh thu thuế, bảo vệ môi trường. Do vậy, ô tô sản xuất trong nước đang phải gánh nhiều loại thuế, phí nên giá xe càng khó cạnh tranh.
"Ngay cả với chính sách giảm phí trước bạ 50%, đến nay chưa đi vào thực tế là do còn phải hoàn thiện các chính sách đi kèm. Dẫn đến, người tiêu dùng có tâm lý là chờ phí trước bạ giảm rồi mới mua xe", ông Thành nhấn mạnh.