Thời điểm hiện tại, xu hướng của nền kinh tế số Việt Nam đang tập trung vào 5 lĩnh vực hàng đầu gồm: Thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, vận tải & thực phẩm, du lịch trực tuyến và dịch vụ tài chính số. Tuy nhiên, hầu hết tại các lĩnh vực này đều là sự thống trị của những nền tảng đa quốc gia. Vậy nguyên nhân là do đâu, giải pháp nào thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh mới của kinh tế số Việt Nam phát triển?
Liên quan đến vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW – Luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò cố vấn pháp lý cao cấp cho một số doanh nghiệp Việt Nam và FDI.
Xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới…
Phóng viên: Nền kinh tế VN nói riêng, thế giới nói chung vừa trải qua một năm muôn vàn khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên qua đây cũng cho thấy cơ hội tiềm năng cho các mô hình kinh tế mới của kinh tế số phát triển. Luật sư có thể đánh giá về sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số ở VN trong thời gian qua?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.
Hà Nội và TPHCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Nhờ có nền kinh tế số mà các ngành, nghề kinh doanh sôi động, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram, …), giải trí (Netflix, Pinterest,…), giao thông vận tải (Uber, Grab, Gojek,…) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee,…)... Quy mô thị trường thương mại điện tử đạt khoảng 5 tỷ USD, trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỷ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ USD.
Có thể nhận ra rất rõ tầm quan trọng của thương mại điện tử ở nước ta hiện nay, nhất là 3 tháng căng mình chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua. Chính những nền tảng giao thông vận tải số như Grab, Now, Shopee, Gojek,… đã góp công cực kỳ lớn vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh, thông qua việc thực hiện mua bán nhu yếu phẩm, đặc biệt là đồ ăn cho người dân, thông qua nền tảng online, giúp người dân có thể yên tâm thực hiện các biện pháp cách ly, phòng và chữa bệnh mà không phải quá lo lắng về vấn đề thiếu thốn lương thực, thực phẩm.
Hơn nữa, hiện nay Việt Nam cũng trở thành nơi đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực vào các công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ thông tin, Internet với 0,35 tỷ USD cho 137 thương vụ trong năm 2018 và 0,26 tỷ USD cho 54 thương vụ trong năm 2019. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo từ các nhà đầu tư quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, kinh tế số phát triển tại Việt Nam chủ yếu vẫn là nền tảng giao dịch và được phát triển dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới, những nền tảng phát triển bởi Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các nền tảng thương mại điện tử, khả năng cạnh tranh so với các nền tảng thương mại lớn của các tập đoàn/công ty đa quốc gia chưa thực sự cao.
Sự chậm trễ của pháp luật
Phóng viên: Thời gian qua nổi lên một số vấn đề về quản lý thuế đối với mô hình thương mại điện tử; thương mại điện tử xuyên biên giới, hay vấn đề sở hữu trí tuệ trên môi trường internet dẫn đến nhiều hệ luỵ xã hội kiện tụng tranh chấp, lừa đảo, buôn lậu, trốn thuế… Theo đánh giá của Luật sư nguyên nhân của các vấn đề đến từ đâu?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Nguyên nhân lớn nhất khiến cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng đối với sự xuất hiện của một số mô hình kinh doanh mới như: mô hình kinh tế chia sẻ, các mô hình tài chính kỹ thuật số,… là do chưa có các quy định pháp luật phù hợp để áp dụng. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để nghiên cứu, phân tích cơ chế hoạt động của các mô hình này một cách đúng đắn, rõ ràng và đồng bộ. Điều này đã dẫn tới sự chậm trễ trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định sao cho phù hợp với thực tiễn, gây ra sự bối rối cho các cơ quan ban ngành trong việc quản lý.
Lấy ví dụ vấn đề quản lý thuế đối với mô hình thương mại điện tử, các cơ quan thuế trước đó đã phải cố gắng phân loại các hình thức giao dịch khác nhau từ việc bán hàng trên mạng xã hội đến cung cấp dịch vụ trên nền tảng Youtube, Google,…nhưng số tiền thu được chưa nhiều, vẫn còn bỏ sót nhiều trường hợp. Nguyên nhân là do các cơ quan thuế chưa thể quản lý được luồng tiền cũng như không nắm rõ được các giao dịch ngân hàng vì vấp phải rào cản từ chính sách hoạt động của các Ngân hàng này, mà trong đó yếu tố bảo mật thông tin khách hàng được đặt lên hàng đầu.
Như vậy, trong nhiều năm liền, các cơ quan thuế gần như “thất thu” đối với các tổ chức/cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Mãi tới khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP được ban hành có quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong việc phối hợp với cơ quan thuế, lúc này việc truy thu thuế đối với mô hình này mới được thực hiện sâu sát.
Hay như vấn đề sở hữu trí tuệ trên môi trường internet, thực trạng gây nhức nhối hiện nay là các sản phẩm vi phạm SHTT vẫn được bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, …trong khi các quy định pháp luật để điều chỉnh chưa có. Kể từ Luật SHTT đầu tiên được Quốc hội thông qua năm 2005 và tiếp đó được sửa đổi, bổ sung năm 2009, đã có không ít vấn đề về SHTT đã được đề cập nhưng phải cho đến gần đây khi Luật SHTT sửa đổi năm 2019 đã có hiệu lực, vấn đề bảo hộ SHTT trong môi trường thương mại điện tử mới được chú trọng nhưng vẫn cho thấy sự thiếu hụt trong các quy định về trình tự thủ tục thực hiện hay việc các chế tài được áp dụng như thế nào,…
Như vậy, việc chậm trễ trong nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đối với các mô hình kinh doanh mới không chỉ gây khó khăn trong việc quản lý của các cơ quan có thẩm quyền mà còn làm thiệt hại đến ngân sách nhà nước cũng như những tổ chức/cá nhân đang bị xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình.
Nhiều rào cản pháp lý
Phóng viên: Luật sư có thể đánh giá về thực trạng khung pháp lý đối với nền kinh tế số ở nước ta hiện nay thế nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Những văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh các giao dịch liên quan đến kinh tế số, tiêu biểu là Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009; Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về Thương mại điện tử và Luật An ninh mạng mới được thông qua vào năm 2018.
Cho đến thời điểm hiện tại, đã xuất hiện rất nhiều các hình thức giao dịch, thương mại mới được thực hiện trên không gian mạng, và hầu như rất ít quy phạm pháp luật nào quy định hay điều chỉnh chúng.
Bên cạnh đó, xu hướng mua hàng qua mạng đang phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không kiểm tra được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng khó xác định đầu mối để khiếu nại, đòi bồi thường. Bởi tại thời điểm đó, hay ngay tại thời điểm hiện tại vẫn không hề có một quy định nào mang đủ tính “thời đại” để giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, vấn đề quản lý thông tin người dùng hay định danh điện tử đối với các cá nhân khi tham gia vào các giao dịch điện tử hiện nay cũng chưa được thể chế hoá đồng bộ.
Chưa có quy định chi tiết về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nên thực tế chưa hướng tới thực hiện triệt để quy định “thông tin người dùng Việt Nam chỉ được tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam” để bảo vệ thông tin người tiêu dùng có hiệu quả, đồng thời cần quan tâm đến luật hoá các vấn đề về bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường số, đặc biệt là đối với các sàn giao dịch điện tử.
Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022) có quy định về cách thức, điều kiện để thành lập, vận hành, tổ chức của một sàn giao dịch điện tử, nhìn chung là khá đầy đủ, tuy nhiên vẫn thiếu một vài chế tài cụ thể để xử lý các trường hợp vi phạm nêu trên và quy định cũng chưa thể hiện được tầm nhìn dài hạn của các nhà làm luật về sự phát triển của thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho những mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế mới hầu như chưa có, mới ở dạng nghiên cứu chính sách, vì vậy, khi chưa có hành lang pháp lý đầy đủ sẽ khó cho việc thúc đẩy đầu tư vì nhà đầu tư sẽ thấy nhiều rủi ro.
Điển hình như các mô hình công ty Fintech, blockchain, P2P, tiền điện tử đang thịnh hành ở Việt Nam mà rõ ràng chúng ta chưa có cơ chế để điều chỉnh những lĩnh vực này. Việc ứng xử với những mô hình kinh doanh mới như Grab, đây là công ty công nghệ hay công ty vận tải vẫn là một vấn đề lớn.
Có thể nói Doanh nghiệp Việt hiện nay đang rất mong chờ khung pháp lý đầy đủ về kinh tế số. Kinh tế số có phát triển bứt phá được hay không phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế chính sách, hành lang pháp lý của nhà nước.
Do đó, thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định mới về các giao dịch điện tử đã cũ và không còn phù hợp với thời điểm hiện tại để hướng tới một nền kinh tế số hiện đại, bắt kịp với xu hướng của thế giới.
Phóng viên:. Ngoài những bất cập và khuyết thiếu của các qui định nêu trên, Luật sư có thể phân tích làm rõ thêm các nguyên nhân khác từ những rào cản pháp lý ảnh hưởng đến phát triển kinh tế số?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Văn bản hướng dẫn và quản lý hoạt động thương mại điện tử ở nước ta đang có hiệu lực thời điểm này là Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Mặc dù đã có sự thay đổi và điều chỉnh để bám sát với thực tiễn hơn so với Nghị định 57/2006/NĐ-CP nhưng Nghị định này vẫn còn mang nhiều hạn chế như mang tính siết chặt quản lý, chưa thể hiện mặt thúc đẩy phát triển, chưa bao quát được tất cả các loại hình hoạt động đang diễn ra trong lĩnh vực này.
Chính những điều này đã tạo ra kẽ hở cho một vài doanh nghiệp hoạt động như một nền tảng thương mại điện tử nhưng không thuộc chủ thể của hoạt động được Nghị định quy định, do đó không phải chịu sự điều chỉnh, quản lý từ Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Hệ lụy của vấn đề này đã kéo theo sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp, nhất là giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp trong nước bị siết chặt quản lý theo Nghị định dẫn tới việc hợp tác để kinh doanh, mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn thì một số doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng lỗ hổng trong quy định pháp luật kể trên, đã thành công trong việc thúc đẩy đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng của mình để thu hút khách hàng.
Bên cạnh rào cản về mặt pháp lý, một lý do khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với nước ngoài chính là vốn đầu tư và công nghệ. Các sàn thương mại điện tử đa quốc gia đã có ưu thế là người đi tiên phong trong việc triển khai công nghệ mới cùng với đội ngũ kỹ thuật hội tụ những người xuất sắc nhất trong lĩnh vực. Do đã có kinh nghiệm hoạt động lâu năm cùng số vốn lớn nên họ chú trọng đầu tư vào việc xây dựng hệ thống, cải thiện các tính năng và nhất là các chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng. Điều này chính là điểm yếu đối với các doanh nghiệp trong nước kinh doanh cùng lĩnh vực khi chỉ mới đang đặt những viên gạch nền móng đầu tiên.
Để các mô hình kinh doanh mới thực sự phát triển …..
Phóng viên: Để thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh mới của kinh tế số, đòi hỏi Chính phủ và các Bộ ngành cần giải quyết nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN và thu hút đầu tư. Đặc biệt cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách pháp luật kinh tế và hoàn thiện khung pháp lý cho những mô hình đầu tư kinh doanh mới, từng bước giúp DN Việt hội nhập kinh tế thế giới…, Vậy theo Luật sư hướng giải quyết và các giải pháp cụ thể của các vấn đề này ra sao?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo đánh giá hiện nay, Chính phủ và các Bộ ngành đang tích cực xem xét, nghiên cứu nhằm điều chỉnh các quy định pháp luật sao cho bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện khung pháp lý cho những mô hình đầu tư kinh doanh mới. Tới đây khi Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, sẽ có thể mang tới những thay đổi lớn cho hoạt động thương mại điện tử. Một số điểm đáng chú ý như việc Nghị định mới này đã bổ sung thêm chủ thể của hoạt động thương mại so với Nghị định trước đây tại khoản 6 Điều 1, theo đó các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử sẽ được coi là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, bằng việc sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 35 Nghị định cũ, Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động như: cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ thì được coi là hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử. Như vậy, từ ngày 1/1/2022, thương nhân, tổ chức thực hiện hoạt động thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như Facbook, Instagram,…đều sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm được quy định trong Nghị định này giống như các thương nhân, tổ chức kinh doanh trên các website thương mại điện tử. Những điều chỉnh này sẽ góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, mở ra những cơ hội tốt đẹp hơn cho các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ ngành cũng cần xem xét để hoàn thiện hơn pháp luật về Sở hữu trí tuệ, nhất là cần phải quy định chi tiết, cụ thể hơn về cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện bảo hộ SHTT trong TMĐT. Bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website TMĐT, tăng cường trách nhiệm đối tượng tham gia giao dịch TMĐT cũng như cần làm rõ cách bảo hộ, cách tìm kiếm thông tin về SHTT đã được đăng ký, cách quản lý và giám sát TMĐT, các chế tài sẽ áp dụng khi xảy ra các vấn đề vi phạm. Ngoài ra, có thể tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, giúp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong việc thực thi ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT trên sàn TMĐT.
Ngoài ra, đối với việc quản lý thuế từ hoạt động TMĐT, mặc dù đã có khung pháp lý nhưng còn nhiều quy định chưa rõ ràng, cụ thể, chi tiết, đặc biệt cần bổ sung chế tài xử lý đủ mạnh để buộc các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh TMĐT phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Thêm vào đó, quy định về việc ủy quyền cho các nhà cung cấp, thanh toán trung gian, các ngân hàng thực hiện việc khấu trừ thuế, nộp thay nghĩa vụ thuế cho các tổ chức, cá nhân cũng cần phải làm rõ trách nhiệm, hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức thanh toán, trung gian thanh toán để làm sao họ nhận biết, tính đúng, đủ số thuế nộp thay cho các tổ chức, cá nhân có kinh doanh TMĐT, nhất là đối với thuế nhà thầu của các tổ chức cá nhân có phát sinh thu nhập tại Việt Nam nhưng không đăng ký thuế.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!