Đột phá trong chiến lược chống dịch: Đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất

Trong Công điện vừa được phát đi trưa nay, 22/8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi...

Trong Công điện vừa được phát đi trưa nay, 22/8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi.

Đây là một chiến lược mới nhằm giúp người dân có được chăm sóc y tế sớm với mục tiêu: Tính mạng và sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết. Với cách làm mới này, chúng ta có cơ sở để tin rằng sẽ kéo giảm đến mức thấp nhất các ca tử vong.

Nhân viên y tế kiểm tra trang thiết bị, bình oxy phục vụ việc chữa bệnh cho người mắc COVID-19 tại Trạm Y tế lưu động số 1 tại Phường 11, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Hôm nay 22/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, công tác phòng chống dịch sẽ chuyển từ tập trung cao độ ở cấp tỉnh, thành phố sang “hai mũi” vừa tập trung, vừa phân tán xuống đến tận từng phường, xã. Mỗi xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp là một “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch. Thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Trong các cuộc họp liên tục những ngày vừa qua để chuẩn bị sẵn sàng, kỹ lưỡng nhất cho việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, để người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường, thì phải bảo đảm đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, gồm nhu cầu y tế, nhu cầu ăn mặc, nhu cầu an ninh, an toàn.

Trong đó, để đáp ứng nhu cầu y tế của người dân, Thủ tướng yêu cầu đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi. Phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả; bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên.

Để thực hiện điều này này, trên cơ sở lấy hệ thống y tế địa phương làm nòng cốt, các bộ, ngành, các lực lượng chi viện từ Trung ương như quân đội, công an, y tế, các địa phương khác sẽ hỗ trợ tối đa cả về nhân lực, vật lực cho TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương trong công tác khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vaccine.

Cụ thể hơn, rà soát toàn bộ các xã, phường để tăng cường ô xy y tế, trang thiết bị, vật tư y tế, đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên… để điều trị tích cực cho ngay tại cơ sở cho bệnh nhân. Cùng với đó, tùy điều kiện, diễn biến dịch tễ, có thể lập thêm các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, tại các địa điểm phù hợp.

Bên cạnh việc thí điểm điều trị F0 không có triệu chứng tại nhà, tinh thần là mở rộng tối đa các hình thức điều trị F0 ngay tại cơ sở, điều trị tại bất kỳ nơi nào thuận lợi như tại trạm y tế, tại trường học, trụ sở UBND xã phường hay tại  nơi có không gian thoáng đãng, người bệnh thấy thoải mái; kết hợp đông y và tây y, tăng cường hướng dẫn điều trị qua các phương tiện thông tin đại chúng…

Chuẩn bị sẵn sàng các xe cấp cứu, trung tâm cấp cứu tại từng quận, huyện để đáp ứng khi cần. Sử dụng hiệu quả nhất Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện.

Như vậy, có 3 tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19: Tại xã phường, tại quận huyện và cấp tỉnh, thành phố, trong đó tuyến trên chủ yếu lo cho những ca bệnh  nặng.

Thiết lập 389 trạm y tế lưu động tại TP. Hồ Chí Minh

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch xét nghiệm 2716/KH-UBND và Kế hoạch 5811/SYT-NVY về hoạt động của 389 trạm y tế lưu động, quản lý 50 đến 100 trường hợp F0/trạm.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Chính quyền các tỉnh, thành phố phải điều hành hoạt động của các trạm y tế lưu động này và có ưu tiên để các trạm kết nối được với lực lượng cấp cứu cơ động có chức năng chuyển tuyến, bố trí xe cấp cứu chuyển bệnh nhân cần cấp cứu lên tuyến trên kịp thời.

Về nhân lực, theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến trưa 21/8 đã có 14.543 cán bộ, y bác sĩ, sinh viên ngành y thuộc Bộ Y tế, các đơn vị thuộc Bộ và tại 35 tỉnh, thành phố đến các tỉnh, thành phố phía Nam đồng hành, hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã đẩy mạnh đào tạo về hồi sức cấp cứu, bổ túc khẩn cấp về hồi sức cấp cứu cho cả bác sĩ trong các chuyên ngành khác để có thể phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

Về trang thiết bị, vật tư y tế, đợt dịch thứ 4 đến nay, kho dã chiến tại TP. Hồ Chí Minh đã quản lý, cấp phát 4.975 máy thở (trong đó có 4080 máy HFNC), 191 máy xét nghiệm RT-PCR, 93 máy tách chiết, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu và hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm.

10 trung tâm hồi sức tích cực được lập tại khu vực phía Nam có khả năng tăng năng lực thu dung lên khoảng 10.000 bệnh nhân nặng.

Bộ Y tế đã lập tổ công tác ô xy. Ngày 21/8, Bộ Y tế đã có cuộc làm việc trực tuyến với 26 đơn vị sản xuất oxy y tế. Hiện tổng công suất, cung ứng oxy trên cả nước mỗi ngày đạt khoảng gần 1.200 tấn oxy lỏng/ngày. Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng oxy trên cả nước cam kết có thể nâng thêm 50% - 100% công suất khi cần.

Cũng trong ngày 21/8, Bộ Y tế đã xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19, tiếp theo 40.000 lọ thuốc được xuất cấp trước đó. Phần lớn số thuốc này được dành cho các tỉnh, thành phố phía Nam.

Theo hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19 của Bộ Y tế, tùy theo điều kiện của địa bàn, UBND cấp xã chọn một cơ sở phù hợp cho trạm y tế lưu động làm việc, có thể là nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn...

Địa bàn không thể chọn được các công trình sẵn có thì xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động để phục vụ cho trạm hoạt động. Cơ sở làm việc tối thiểu phải bố trí nơi trực, tiếp đón, khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết, khu vệ sinh, tắm rửa, có nước sạch, điện, thu gom rác thải y tế và chỗ ngủ cho nhân viên y tế.

Theo hướng dẫn trên, tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã/phường/thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động.

Về nhân lực, Trung tâm y tế tuyến huyện và lực lượng hỗ trợ bố trí đủ nhân lực cho Trạm y tế lưu động hoạt động. Mỗi trạm y tế lưu động có tối thiểu 05 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 1 bác sỹ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu 1 nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao.

Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn. Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, huy động thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác.

Ngoài nhân viên y tế, chính quyền cấp xã có trách nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn, như Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường, Tổ dân phố… để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết khác của trạm y tế lưu động.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ các trang thiết bị cần có của trạm y tế lưu động, như có ít nhất 2 bình loại 5 lít, túi oxy và 2 đồng hồ đo áp suất oxy; 2 mặt nạ thở oxy, các đồ bảo hộ, sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-COV-2, bộ dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm RT-PCR./.

 

  • Tags: