Hai kẽ hở lớn trong Luật Giá và Luật Đấu thầu

Để ngăn chặn hành vi “thổi giá” nâng khống thiết bị y tế tương tự xảy ra trong tương lai, cơ quan chức năng cần khẩn trương bịt lại các kẽ hở trong Điều 29 ; Điều 42 Luật Giá 2012 và Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.

Để ngăn chặn hành vi “thổi giá” nâng khống thiết bị y tế tương tự xảy ra trong tương lai, cơ quan chức năng cần khẩn trương bịt lại các kẽ hở trong Điều 29 ; Điều 42 Luật Giá 2012 và Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.

Ảnh minh họa

Hàng loạt các vụ sai phạm đấu thầu thiết bị vật tư y tế bị phanh phui, khởi tố

Ngày 13/5 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án liên quan các gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Đồng thời, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; Nguyễn Thị Dung Hạnh, nguyên kế toán trưởng, thành viên tổ thẩm định đấu thầu Bệnh viện Tim Hà Nội; Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh, cùng là nguyên phó trưởng phòng phụ trách phòng vật tư thiết bị y tế, để điều tra về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài ra, 3 người khác là Trần Phú Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam; Nguyễn Hồng Dũng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng, Thẩm định viên và Nguyễn Trung Dũng, Chuyên viên thẩm định Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC-Việt Nam cũng đã bị bắt vì liên quan đến vụ án trên.

Kết quả điều tra, xác định một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội là ủy viên hội đồng mua sắm, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên tổ thẩm định đấu thầu và một số cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư và định giá AIC - Việt Nam đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh…

Không chỉ có lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội rơi vào vòng lao lý liên quan đến “miếng bánh” đấu thầu y tế, trước đó, ngày 9/2/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã thi hành quyết định bắt tạm giam bị can Nguyễn Minh Khải (giám đốc Bệnh viện Mắt TP. HCM) trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP. HCM.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng thi hành các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can: Võ Thị Chinh Nga, Phó giám đốc Bệnh viện TP.HCM; Phí Duy Tiến, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM; Nguyễn Quốc Toản, nguyên trưởng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Mắt TP. HCM. 3 bị can trên bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều đối tượng để phục vụ công tác điều tra, trong đó có ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai và Trịnh Thị Thuận, kế toán trưởng, trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Kết quả điều tra bước đầu xác định có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỷ đồng (gồm VAT). Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.

Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá đã nâng khống khi đưa vào lắp đặt thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017 - 2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồ.

Tại Hà Tĩnh, ngày 6/1/2021, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố 9 bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", liên quan đến vụ việc đấu thầu máy giặt của 5 bệnh viện huyện trên địa bàn tỉnh này. Trong đó, Mai Thị Hoa (Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh) đã cung cấp 5 máy giặt, máy sấy cho 5 bệnh viện đa khoa các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân thông qua đấu thầu mua sắm trang thiết bị.

Ngoài Mai Thị Hoa, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố thêm 8 bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". 8 bị can bị khởi tố này có 4 giám đốc bệnh viện đã nghỉ hưu và 1 giám đốc bệnh viện đang đương chức của 5 bệnh viện nói trên. Số còn lại bị khởi tố là kế toán, cán bộ tại 5 bệnh viện.

Vụ án gây bức xúc nhất trong dư luận là bê bối tại CDC Hà Nội, thời điểm mà dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Theo đó, ông Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hà Nội) bị bắt và bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi đã ký mua thiết bị phòng chống dịch COVID-19 cao gấp 3 lần.

Từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.

Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỉ đồng.
Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.

Cơ quan điều tra xác định, tổng số các thiết bị y tế mua là hơn 4 tỷ đồng, được nâng khống thành hơn 9 tỉ đồng. Theo đó, số tiền Nhà nước bị thiệt hại là hơn 5 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra, toàn bộ số tiền thiệt hại đã được thu hồi cho Nhà nước. Các bị can cũng đã khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.

VKS cáo buộc, bị can Nguyễn Nhật Cảm có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hoá, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường đối với gói thấu 15 theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bị can Cảm đã lợi dụng dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, trực tiếp thoả thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế gói thầu 15, ấn định giá là 9,54 tỉ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường;

Trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị can Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) để Duy giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức do CDC Hà Nội yêu cầu; Ghi lùi ngày ký để hợp thức hoá các thủ tục chỉ định thầu…

Hai lỗ hổng lớn…?

Trong tất cả các vụ án liên quan đến mua sám thiết bị y tế nói trên, dù bằng hình thức chỉ định thầu, đấu thầu hay mua sắm trực tiếp… chúng ta đều thấy có 1 điểm chung là: giá của các thiết bị y tế bị đôn lên rất cao, gấp nhiều lần so với thực tế giá thị trường. Chính điều này đã làm tăng chi phí các gói thầu mua sắm thiết bị, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh…

Theo các chuyên gia, việc “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ của các bệnh viện và “nhiều doanh nghiệp” khác nhau, trong đó đặc biệt là với các doanh nghiệp thẩm định giá.

Vấn đề đặt ra là vì sao trong các vụ án này, các đối tượng lại có thể dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng để “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thiết bị y tế ?

Đọc lại nội dung Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy pháp luật đã trao quyền cho DN có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá…

Tuy nhiên, lại quá dễ dãi khi không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định; hoặc hỗ trợ tạo điều kiện cho thẩm định viên hoạt động độc lập về chuyên môn, không chịu sự chi phối hay sức ép bất cứ từ bên nào ? Muốn định giá cao thì thẩm định viên tô hồng tài sản, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó, còn nếu muốn định giá thấp thì phớt lờ các lợi thế của tài sản như: thương hiệu, giấy phép… ? Chỉ đến khi vụ việc bị cáo giác, Thanh tra, Kiểm toán nhà nước vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết số liệu, kết quả thẩm định giá là… “khống”.

“Ở nhiều quốc gia, luôn có cơ chế giám sát doanh nghiệp thẩm định giá, nếu phát hiện có hành vi thông đồng với khách hàng thẩm định giá để làm sai lệch kết quả thẩm định giá sẽ bị xử lý nghiêm và trong cơ chế cạnh tranh thị trường, doanh nghiệp đó tất yếu sẽ mất uy tín và bị khách hàng từ bỏ” - Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định)

Bên cạnh đó, quy định về đấu thầu cũng có nhiều bất cập dẫn đến hình thức “chỉ định thầu” bị lợi dụng triệt để trong các vụ mua sắm thiết bị y tế. Theo đó, có thể thấy hình thức chỉ định thầu là một trong 06 hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến.

Theo đó, chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp như: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách…(khoản 1, Điều 22, Luật Đấu thầu); Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện, Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn… (khoản 4, Điều 22, Luật Đấu thầu).

Đây chính là kẽ hở vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng áp dụng hình thức chỉ định thầu để phục vụ cho động cơ trục lợi mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của bất cứ tổ chức có thẩm quyền nào khác.

Minh chứng rõ nét nhất cho sự bất cập của chính sách pháp luật và bất cập này đã được các đối tượng trong vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội lợi dụng triệt để. Đó là vụ mua máy xét nghiệm để phục vụ cho công tác chống dịch Covid 19 tại CDC Hà Nội. Trong vụ án này, các đối tượng đã áp dụng một cách triệt để điểm a, khoản 1: “Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách”.

Quy định chỉ định thầu là cần thiết trong trường hợp cấp bách, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid 19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Điều đáng nói ở đây là với quy định trên đồng nghĩa với gói thầu mua vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid 19 tại CDC Hà Nội nói riêng không phải chịu sự ràng buộc đối với bất cứ điều kiện nào cũng như sự kiểm soát nào.

Thay lời kết

Từ những vụ án trên cho thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Hai kẽ hở lớn nhất, đó là: Quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, cho phép chỉ định thầu trong một số trường hợp như: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách… hay chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; và quy định thẩm định viên được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá… (Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012) nhưng lại không có cơ chế hậu kiểm hoặc chịu giám sát, kiểm tra của bất kỳ cơ quan nào. Khiến chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu.

Vì vậy để ngăn chặn hành vi “thổi giá” nâng khống thiết bị y tế tương tự xảy ra trong tương lai cần sớm bịt lại các kẽ hở về chỉ định thầu và thẩm định giá. Theo đó, cần phải cân nhắc những nội dung bất cập trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.

Cùng với đó, xem xét sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật làm hạn chế sự lạm quyền của thẩm định viên và các tổ chức hoạt động về thẩm định giá theo hướng muốn “lách” cũng không có “cửa”; bổ sung quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm… Đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi thông đồng, nâng khống, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước.

Văn Chiến

  • Tags: