Hãy tiêm vaccine vì sức khỏe cộng đồng

Có thể thấy, chiến dịch tiêm phòng COVID-19 đang diễn ra trên diện rộng, đặc biệt tại khu vực phía Nam - nơi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trong các đợt tiêm chủng vừa qua, vẫn có một tỷ lệ người dân hoãn tiêm với lý do không đủ

Có thể thấy, chiến dịch tiêm phòng COVID-19 đang diễn ra trên diện rộng, đặc biệt tại khu vực phía Nam - nơi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trong các đợt tiêm chủng vừa qua, vẫn có một tỷ lệ người dân hoãn tiêm với lý do không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng...

Bàn về vấn đề này, bà Đặng Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết: Theo Quyết định 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/4/2020, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Theo Khoản 1, Điều 29 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu bắt buộc người trong diện cần tiêm chủng đi tiêm chủng để phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt ở vùng dịch. Cụ thể, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh...

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại TP HCM (Ảnh: Hoàng Triều)

Và thực tế hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện khuyến khích người dân đi tiêm để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Trong trường hợp COVID-19 diễn biến phức tạp, nếu cơ quan y tế có thẩm quyền bắt buộc người dân tại một số khu vực nhất định có đủ điều kiện tiêm chủng (sức khỏe, tuổi...) phải tiêm vaccine phòng COVID-19 thì người dân cần phải thực hiện. Nếu người đó từ chối, không chịu tiêm chủng thì sẽ bị xử phạt theo quy định...

Thực tế hiện nay, trong quá trình triển khai tiêm chủng diện rộng, nhờ hiệu quả vận động, tuyên truyền mà người dân ngày càng thấy được lợi ích của việc tiêm chủng an toàn cho bản thân và cộng đồng, tránh dịch bệnh bùng phát phức tạp nên tỷ lệ tự nguyện tiêm chủng ngày càng cao.

Trước đây, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, bệnh mãn tính chưa nằm trong nhóm đối tượng có chỉ định tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện nay, công tác chuẩn bị an toàn tiêm chủng tốt hơn, người trên 65 tuổi, có tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng (thuốc, thức ăn..., phản vệ không rõ nguyên nhân hoặc bệnh lý tế bào mast) trong điều kiện sức khỏe phù hợp tại thời điểm khám sàng lọc vẫn được chỉ định tiêm.

Hiện nay Chính phủ đã và đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm, thu xếp cũng như phân bổ tối ưu nhất để tiêm cho các đối tượng ưu tiên, tuyến đầu, người dân trong khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm cũng như mọi lực lượng, thành phần khác... Tới đây chắc chắn nguồn cung sẽ dồi dào đáp ứng đầy đủ vaccine cho người dân hơn. Do đó, ngay từ lúc này, chúng ta cần chủ động đăng ký tiêm chủng trên các ứng dụng sức khỏe đã được chính thức công bố áp dụng cho khối doanh nghiệp hay qua hệ thống chính quyền cơ sở…

Người dân nào trong danh sách được yêu cầu tiêm thì nên chấp hành nghiêm túc, tất nhiên trừ những trường hợp không đủ điều kiện tức thời (vì lý do sức khỏe, phụ nữ mang thai...) hoặc bất khả kháng.

Tiêm chủng là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của mỗi công dân đối với cộng đồng. Tất cả vì một mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong độ tuổi từ 18 trở lên. Vì vậy hãy tiêm vaccine vì sức khỏe cộng đồng...

Theo số liệu từ Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế cập nhật đến 06h00 ngày 6/8, Việt Nam có 189.066 ca nhiễm trong đó có 2.334 ca nhập cảnh và 186.732 ca mắc trong nước; tổng số liều vaccine đã được tiêm là 8.061.116 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 7.241.093 liều, tiêm mũi 2 là 820.023 liều. 

 

  • Tags: