Tóm tắt:Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích tình hình thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, chỉ ra những bất cập trong thực hiện quy định của pháp luật và đề xuất kiến nghị hoàn thiện nhằm phát huy vai trò của các chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong điều kiện Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Bảo hiểm thất nghiệp, chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Abtract: Within the scope of this article, the author provides analysis of the practical performance of unemployment insurance under the provisions of the Law on Employment of 2013, also points out the shortcomings in the enforcement of the provisions of the law and proposes recommendations in order to promote the role of unemployment insurance policy in Vietnam's current conditions.
Keywords: Unemployment insurance; unemployment insurance policy.
Ảnh minh họa
Theo quy định của Luật Việc làm năm 2013 (Luật Việc làm), có bốn chế độ mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng khi đủ điều kiện, gồm: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động[1]. Ngoài bốn chế độ trên, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng. Các chế độ này không những trực tiếp hỗ trợ người lao động khắc phục rủi ro do tình trạng thất nghiệp mang lại mà còn thể hiện được vai trò phòng ngừa thông qua chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để gián tiếp duy trì việc làm cho người lao động. Ngoài ra, việc tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề còn được thực hiện cho cả đối tượng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đóng bảo hiểm thất nghiệp một khoảng thời gian nhất định và có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ học nghề.
1. Tình hình thực hiện quy định của Luật Việc làm về các chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Luật Việc làm có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Từ khi Luật có hiệu lực cho đến nay, việc thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thể hiện ở những mặt sau đây:
- Về thực hiện chế độ trợ cấp thất nghiệp
Số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước do số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng dần. Riêng 10 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao nhất từ trước đến nay với 983.241 người, chiếm tỷ lệ 7,56% tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1,85% lực lượng lao động (Bảng 1).
Tính đến 31/10/2020, tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 6.170.861 người, chiếm 98,3% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 47,4% tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và chiếm tỷ lệ 11,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, tỷ lệ người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và tỷ lệ người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong lực lượng lao động có xu hướng tăng lên hàng năm (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1. Tỷ lệ người được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tổng số người thất nghiệp và người tham gia bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2010-2020
(Nguồn: Báo cáo “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm và tình hình thực hiện” của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 18/ 11/2020; Niên giám Thống kê từ năm 2010 đến tháng 10 năm 2020 của Tổng cục Thống kê)
- Về thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng được các Trung tâm dịch vụ việc làm chú trọng với số lượng người được hỗ trợ ngày càng tăng.Năm 2010, chỉ có 125.562 người được tư vấn, giới thiệu việc làm, đến năm 2015 là 463.859 người (tăng 3,6 lần so với năm 2010), trong đó số người được giới thiệu việc làm năm 2015 là 115.199 người; năm 2019, số người được giới thiệu việc làm chiếm 11% so với tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm và tăng hơn 13 lần so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010.
Tính đến 31/10/2020 có tổng cộng 8.945.695 người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong số này có 1.309.286 người được giới thiệu việc làm, chiếm tỷ lệ 15%. Số lượng người thất nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm đều tăng qua các năm (Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2. Số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm giai đoạn 2010-2020
(Nguồn: Báo cáo “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm và tình hình thực hiện” của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 18/11/2020)
Biểu đồ 2 cho thấy, từ năm 2016 đến nay, số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng đáng kể so với các năm trước (năm 2016: số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm gấp hơn 1,53 lần so với số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và gấp hơn 1,55 lần tổng số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp; năm 2017: số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm gấp hơn 1,64 lần so với số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và gấp hơn 1,66 lần tổng số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, …). Nguyên nhân là do quy định mới của Luật Việc làm cho phép bất kỳ người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nào cũng được tư vấn, giới thiệu việc làm trong mọi trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc và có nhu cầu tìm kiếm việc làm, thay cho quy định cũ chỉ áp dụng việc hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm đối với những người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hiện nay, các Trung tâm Dịch vụ việc làm, đặc biệt là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều hình thức tư vấn phù hợp với người lao động: tư vấn trực tiếp, tư vấn trực tuyến qua mạng internet, thư điện tử, các công cụ giao tiếp trên mạng máy tính (Yahoo, Sskype,…), tổng đài tư vấn... Nguồn dữ liệu việc làm được Trung tâm Dịch vụ việc làm lấy từ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đến đăng ký tuyển dụng tại trung tâm, sàn giao dịch việc làm, đăng ký trực tuyến trên website, sau đó thống kê và lập bảng danh sách việc làm trống để giới thiệu đến người lao động.
- Về thực hiện chế độ bảo hiểm y tế được trả cho người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hỗ trợ người lao động gặp rủi ro ốm đau trong quá trình mất việc để sớm quay trở lại với thị trường lao động
Trong giai đoạn 2010-2020, 100% người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo đúng quy định hiện hành với tổng số tiền 2.893,54 tỷ đồng, chiếm 4,45% tổng chi bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, 10 tháng đầu năm 2020, số tiền chi bảo hiểm y tế cho người lao động mất việc lên đến 545 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 12 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp[2].
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện quy định của Luật Việc làm về các chế độ bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta trong thời gian qua còn một số bất cập sau đây:
Một là, chưa phát huy vai trò chủ đạo của chế độ học nghề - giải pháp lâu dài, căn bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Tính đến 31/10/2020, có tổng số 226.742 người được hỗ trợ học nghề trong tổng số 13.012.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (chiếm tỷ lệ 1,74%). Số người được hỗ trợ học nghề tăng lên hàng năm (biểu đồ 4). Năm 2010 - năm đầu tiên tổ chức hỗ trợ học nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chỉ có 270 người được hỗ trợ. Năm 2015, có 24.363 người được hỗ trợ học nghề (gấp 90 lần so với năm 2010); Năm 2019, số người có quyết định hỗ trợ học nghề cao nhất cả giai đoạn với số người được hỗ trợ lên đến 41.906 người, gấp 155 lần so với năm 2010.
Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực sau khi Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg được ban hành[3], đặc biệt số người được hỗ trợ học nghề tăng nhanh tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Bên cạnh đó, một số vùng có số người được hỗ trợ học nghề chưa nhiều như Tây Bắc, Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ.
Theo Báo cáo của các Trung tâm Dịch vụ việc làm được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp[4], tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Những ngành nghề người lao động đăng ký học nhiều là tin học văn phòng, ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa máy vi tính, điện dân dụng, điện công nghiệp, thiết kế quảng cáo, lái xe,... Tuy nhiên, số người được hỗ trợ học nghề vẫn còn thấp do những nguyên nhân sau:
(1) Đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn không có nguồn dự trữ hoặc hỗ trợ khác nên khi bị mất việc, người lao động chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, họ dành thời gian tìm các công việc khác để duy trì cuộc sống rồi mới tính đến việc học nghề. Một số công ty ở các khu công nghiệp khi tuyển dụng chủ yếu là tuyển lao động phổ thông nên người lao động có thể kiếm được việc làm mới ngay sau khi mất việc mà không cần học nghề khác;
(2) Người lao động nghỉ việc có xu hướng chuyển về địa phương mình để tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt, hợp lý hóa gia đình nên không có nhu cầu học nghề;
(3) Xu hướng nghỉ việc về làm nông nghiệp hoặc tự tạo việc làm (mở tạp hóa, buôn bán nhỏ,...);
(4) Một bộ phận lao động lớn tuổi, vì lý do sức khỏe hay trở về quê làm nông nghiệp hoặc nội trợ nên không có nhu cầu học nghề;
(5) Người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo của cơ sở dạy nghề chưa phong phú, nghề đào tạo lạc hậu, mức phí đào tạo cao. Cơ sở dạy nghề không tiếp nhận do chiêu sinh không đủ, người lao động đăng ký học nghề nhưng không đi học.
Hai là, cơ cấu chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp còn bất hợp lý.
Trong giai đoạn 2010-2020, chi hỗ trợ học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong cơ cấu chi bảo hiểm thất nghiệp (Bảng 3). Theo đó, số người lao động mất việc làm tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề chỉ có 226.742 người trong tổng số 6.170.861 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chiếm tỷ lệ rất thấp (3,67%). Số người được hỗ trợ học nghề này được thống kê trên cơ sở Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, còn trên thực tế, con số này còn ít hơn do không phải tất cả các trường hợp có quyết định đều tham gia học[5].
Bảng 3. Cơ cấu chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2010-2020
Năm |
Cơ cấu chi bảo hiểm thất nghiệp |
Tổng cộng |
||||
Trợ cấp thất nghiệp |
Hỗ trợ học nghề |
Đóng bảo hiểm y tế |
Tư vấn, giới thiệu việc làm |
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề |
||
2010 |
96,15 |
0,04 |
3,81 |
- |
- |
100 |
2011 |
95,01 |
0,06 |
4,93 |
- |
- |
100 |
2012 |
95,40 |
0,01 |
4,59 |
- |
- |
100 |
2013 |
95,47 |
0,11 |
4,41 |
- |
- |
100 |
2014 |
95,21 |
0,29 |
4,51 |
- |
- |
100 |
2015 |
94,97 |
0,70 |
4,33 |
- |
- |
100 |
2016 |
93,10 |
0,83 |
6,07 |
- |
- |
100 |
2017 |
94,69 |
0,86 |
4,45 |
- |
- |
100 |
2018 |
94,97 |
0,81 |
4,22 |
- |
- |
100 |
2019 |
94,47 |
1,33 |
4,20 |
- |
- |
100 |
10 tháng đầu năm 2020 |
94,47 |
1,33 |
4,20 |
- |
- |
100 |
Tổng cộng |
94,66 |
0,89 |
4,45 |
- |
- |
100 |
(Nguồn: Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Ba là, chưa phát huy được vai trò của chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động mới được bổ sung theo Điều 42 Luật Việc làm, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 . Chế độ này gián tiếp hỗ trợ người lao động thông qua người sử dụng lao động để phòng ngừa nguy cơ thất nghiệp cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn có nguy cơ cắt giảm lao động. Theo báo cáo của các địa phương, từ khi triển khai đến nay, không có người sử dụng lao động hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động[6].
Những hạn chế trong thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do bất cập trong các quy định của pháp luật nước ta hiện nay, cụ thể:
- Pháp luật hiện nay của nước ta chưa có quy định về sự hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người lao động mất việc từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp họ cần vốn để phục vụ cho nỗ lực tái gia nhập thị trường lao động, mặc dù kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn tương đối lớn hiện nay.
- Quy định về mức hỗ trợ học nghề cho người lao động mất việc trong tham gia học nghề còn thấp. Theo quy định của khoản 2 Điều 56 Luật Việc làm,người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị mất việc làm, khi đủ điều kiện nhất định, được tham gia học nghề và được hưởng mức hỗ trợ học nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ này hiện nay là tối đa một triệu đồng/người/tháng; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề; trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là một tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề; đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả (Điều 3, Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/12/2014 về quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp).
- Quy định về điều kiện, thủ tục hồ sơ thực hiện chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động chưa hợp lý. Theo quy định của khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm,để được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì việc, người sử dụng lao động phải đáp ứng đủ bốn điều kiện:
(1) Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;
(2) Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh;
(3) Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động;
(4) Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, do các điều kiện trên quá chặt chẽ nêu trên nên cho đến nay, chưa có người sử dụng lao động nào được hưởng chế độ hỗ trợ này.
2. Kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về các chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Để bảo đảm cho người lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tác giả kiến nghị như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định về hỗ trợ cho người lao động mất việc làm vay ưu đãi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Trong bốn chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, người lao động khi mất việc làm đã bước đầu có sự hỗ trợ về tài chính, một phần trong số đó được đào tạo nghề nhưng rất ít, số lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tái gia nhập thị trường lao động chưa được thống kê cụ thể. Trong số đó, có các trường hợp không hoặc không thể tìm kiếm việc làm mới mà tự tạo việc làm thông qua việc tự sản xuất, buôn bán, kinh doanh. Một số khác, nỗ lực học một nghề mới, sau đó tự kinh doanh, làm ăn, trang trải cuộc sống. Do đó, để tạo điều kiện hơn nữa cho người lao động mất việc làm, cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn ban đầu cho những người thực sự cần vốn để tự sản xuất, kinh doanh thông qua việc cho vay vốn từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư.
Thứ hai, bổ sung quy định việc hỗ trợ đột xuất cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp gặp rủi ro.
Cần có hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng này trong các trường hợp: bị tai nạn, bị suy giảm khả năng lao động trong quá trình hưởng bảo hiểm thất nghiệp, không thể tái tham gia thị trường lao động.
Thứ ba, tăng mức hỗ trợ học nghề cho người lao động mất việc làm.
Người lao động mất việc làm đa phần là lao động chính trong gia đình. Mất việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập chính cho gia đình. Do đó, việc họ tham gia học nghề trong thời gian mất việc và phải chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại … trong quá trình học nghề làm cho quyết định học nghề của họ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, cần có hỗ trợ nhiều hơn cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề như hỗ trợ một phần chi phí ăn ở, sinh hoạt phí ... để họ yên tâm tham gia khóa học.
Thứ tư, quy định hợp lý điều kiện, thủ tục hồ sơ mà người sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
Theo báo cáo của các địa phương được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổng hợp, nguyên nhân của việc không có người sử dụng lao động nào được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động là do: Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác theo quy định để được hưởng chế độ. Mặt khác, đây là một chế độ mới, quy định về điều kiện hưởng chế độ này khá chặt chẽ và hiếm khi xảy ra cũng là lý do người sử dụng lao động khó tiếp cận và đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ này[7].
Hiện nay ở Việt Nam, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát chặt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ do tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp ở các nước, nhiều đơn vị sử dụng lao động đang thuê mướn lao động nhưng không bố trí đủ việc làm, họ chọn phương án bố trí người lao động làm luân phiên, thay nhau nghỉ, bố trí làm ít giờ hơn… hoặc có mong muốn thu hẹp quy mô sản xuất. Do đó, cần nghiên cứu tính toán hợp lý hơn các điều kiện, quy trình, thủ tục để hỗ trợ người lao động thông qua người sử dụng lao động./.
TS. TRƯƠNG THỊ THU HIỀN
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
[1] Điều 42 Luật Việc làm năm 2013.
[2]Báo cáo “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật việc làm và tình hình thực hiện” của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 18/ 11/2020.
[3]Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp ban hành ngày 24 tháng 12 năm 2014.
[4] Báo cáo “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật việc làm và tình hình thực hiện” của Cục Việc làm, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tại Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 18 tháng 11 năm 202
[5]Báo cáo “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật việc làm và tình hình thực hiện” của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 18/11/2020.
[6]Báo cáo “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của luật việc làm và tình hình thực hiện” của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 18 tháng 11 năm 2020.
[7]Báo cáo “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của luật việc làm và tình hình thực hiện” của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 18 tháng 11 năm 2020.