Hơn 32 triệu người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19

Sáng 6/1, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố số liệu tình hình lao động việc làm quý IV/2020 và cả năm 2020.

Sáng 6/1, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố số liệu tình hình lao động việc làm quý IV/2020 và cả năm 2020.

Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Dịch Covid-19 khiến hơn 32 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong năm 2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

Theo bà Vũ Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin (Tổng cục Thống kê), lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 4/2020 là 55,1 triệu người, tăng gần 564.000 người. Điều này một lần nữa khẳng định xu hướng phục hồi của thị trường lao động sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý 2/2020. So với quý 3/2020, lao động quý 4/2020 ở khu vực nông thôn có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn lao động ở khu vực thành thị.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến cho nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức.

(Ảnh minh họa)

Theo thống kê, so với năm 2019, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2020 giảm ở cả ba khu vực kinh tế. Thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý 4/2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212.000 đồng so với quý trước và giảm 108.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thông thường, nếu không có cú sốc COVID-19, thu nhập của người lao động quý 4 tăng khá cao so với các quý khác.

Do đó, trong năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng/tháng, giảm 2,3% so với năm 2019 (tương ứng giảm 128.000 đồng). Thu nhập của lao động ngành dịch vụ bị giảm sâu nhất, giảm 215.000 đồng; tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 156.000 đồng. Mức giảm thu nhập của lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng là thấp nhất, giảm 100.000 đồng/người/tháng.

Liên quan đến vấn đề thu nhập của người lao động, đại hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Về bảng lương, khảo sát từ nhóm lao động làm công hưởng lương khá chính xác, tuy nhiên số liệu thống kê từ nhóm hộ gia đình, tự làm vẫn chỉ mang tính tương đối. Do đó, việc khảo sát về thu nhập tiếp cận theo từng loại hình, ngành nghề để có số liệu xác thực hơn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh cho biết: Xu hướng lao động việc làm cuối năm 2020 và đầu năm 2021 có những chuyển biến tích cực, gia tăng cơ hội việc làm dù không đạt như kỳ vọng như mọi năm. Thu nhập lao động tăng giảm theo ngành. Một số ngành như chế biến chế tạo, xây dựng, ngân hàng hoạt động tốt nên thu nhập vẫn tăng; trong khi một số ngành thu nhập giảm, nhất là ngành dịch vụ, du lịch.

  • Tags: