Thời gian qua, tòa soạn liên tục nhận được đơn thư tố cáo những sai phạm tại Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội. Người tố cáo bất bình về quá trình điều tra, xác minh của Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội ban hành những văn bản kết luận thiếu khách quan, thiếu trung thực, nhiều nội dung kết luận sai bản chất sự việc, đặc biệt nhiều nội dung không được xác minh để sót vụ việc quan trọng gây oan sai cho người tố cáo.
Người tố cáo cho biết, sự việc được bắt nguồn từ những sai phạm của các ông Phạm Quang Thịnh – Nguyên Giám đốc Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội về những nội dung: Sai phạm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; Thiếu minh bạch công khai quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm; Sai phạm về sử dụng xe công sai mục đích; Sai phạm thực hiện chế độ chính sách cho người lao động. Và tố cáo ông Nguyễn Đức Phong – Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội về những nội dung: Sai phạm về công tác thi đua khen thưởng; Hành vi đe dọa, trù dập cán bộ cấp dưới; Gây bất ổn, mất đoàn kết nội bộ.
Ông Nguyễn Phi Lin đến làm việc với phóng viên tại Tòa soạn
Ông Nguyễn Phi Lin – Trưởng Phòng Phục hồi chức năng và Lao động trị liệu của Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội là người đứng ra tố cáo liên tiếp những sai phạm trên từ năm 2018 đến năm 2020, mặc dù đã có văn bản kết luận nội dung tố cáo của Sở LĐTBXH Hà Nội số 3699/KL-LĐTBXH ngày 09/11/2018, và văn bản kết luận nội dung tố cáo số 3771/KL-LĐTBXH ngày 14/9/2020 của Sở LĐTBXH Hà Nội, nhưng các kết luận trên đều không làm cho người tố cáo là ông Lin tâm phục khẩu phục với lý do nhiều sai phạm liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đối với ông Thịnh và ông Phong mà không hề bị xử lý. Liệu đây có phải là sự dung túng, bao che của Sở LĐTBXH Hà Nội (?)
Kết luận “đúng một phần” nhưng không hề xử lý
Trong đơn tố cáo phản ánh kế hoạch tổ chức cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến “Người tốt, việc tốt” năm 2018 có đưa ra quy định đối tượng tham gia dự thi: là cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội (trừ các đồng chí trong Ban Giám đốc, Ban Tổ chức và Ban Giám khảo cuộc thi). Trong cuộc thi viết này, ông Nguyễn Đức Phong - Phó Giám đốc Trung tâm làm Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, nhưng đã tự viết 01 bài “Người phụ nữ một đời gắn bó với người bệnh tâm thần” về bà Nguyễn Thị Xuyến - Tổ trưởng Tổ B3 thuộc Phòng Chăm sóc bệnh nhân Thuyên giảm. Sau khi viết bài xong, ông Phong đã lấy tên tác giả là Đỗ Thị Oanh và gửi lên Sở LĐTBXH Hà Nội. Không chỉ vậy, ông Phong đã viết bài có những nội dung sai sự thật, vu khống cho người bệnh, bởi trên thực tế, không có việc bà Xuyến bị người bệnh đánh phải đi viện cấp cứu. Việc làm này của ông Phong đã vi phạm quy định tổ chức cuộc thi, vi phạm Luật thi đua khen thưởng, gây bất bình trong tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm. Cụ thể đã vi phạm vào: Điều 6- Chương 1 (về nguyên tắc thi đua, khen thưởng), Điều 14 - Chương 1 (Nghiêm cấm các hành vi) của Luật Thi đua, khen thưởng do Quốc hội ban hành, số 16/VBHN-VPQH ngày 13/12/2013.
Tiếp đến, khi biết ông Nguyễn Phi Lin là người phản ánh, tố cáo lên cơ quan cấp trên về những sai phạm, thì ông Phong có những lời nói đe dọa “Đừng có to mồm, tôi có đủ các điều kiện để có thể hành xử với đồng chí theo đủ kiểu…”, làm cho ông Lin hoang mang sống trong cảnh lo sợ, trước đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của không chỉ bản thân, mà còn cả gia đình vợ con – Ông Lin cho biết. Xem xét tư cách là một Đảng viên, với vai trò vị trí là Phó Bí thư Đảng ủy Trung tâm, ông Phong đã vi phạm vào các nội dung trong 19 điều Đảng viên không được làm. Mặt khác, ông Phong đã vi phạm vào Khoản 8 Điều 8 Luật tố cáo số: 25/2018/QH14 ngày 12/6/2018 về các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo “Đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo”.
Văn bản kết luận nội dung tố cáo số 3699/KL-LĐTBXH ngày 09/11/2018 của Sở LĐTBXH Hà Nội
Với hai nội dung tố cáo trên của ông Lin, Sở LĐTBXH Hà Nội đã xác minh và ban hành văn bản kết luận nội dung tố cáo số 3699/KL-LĐTBXH ngày 09/11/2018 đều xác định nội dung ông Lin tố cáo ông Phong là đúng một phần. Như vậy, lẽ ra Sở LĐTBXH Hà Nội phải chỉ ra hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Đức Phong với các điều khoản cụ thể được quy định rõ trong Luật Thi đua khen thưởng và Luật Tố cáo để có hình thức kỷ luật nghiêm minh. Trong kết luận nội dung tố cáo mặc dù đã xác định là đúng một phần, nhưng chỉ nhắc nhở ông Phong nghiêm túc rút kinh nghiệm. Liệu đây có phải là hình thức bao che, bỏ sót vi phạm khiến người tố cáo chưa “tâm phục, khẩu phục” mà liên tiếp gửi đơn tố cáo đến các cấp, các cơ quan báo chí vào cuộc xác minh làm rõ bản chất vi phạm pháp luật (?)
Sai phạm chồng sai phạm
Đối với ông Phạm Quang Thịnh – Nguyên Giám đốc Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, bị ông Lin tố cáo nhiều nội dung khi ông còn đương chức nhưng đều bị văn bản kết luận nội dung tố cáo của Sở LĐTBXH Hà Nội số 3771/KL-LĐTBXH ngày 14/9/2020 “bẻ cong” sai lệch bản chất, thậm chí nhiều nội dung phản ánh không được xác minh để sót nhiều tình tiết quan trọng - Ông Lin phản ánh.
Nội dung tố cáo công trình xây dựng nhà phục hồi chức năng, nhà điều trị bệnh nhân và cải tạo nhà ở B1 cho bệnh nhân tâm thần thuộc Đề án: “Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, tại Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội” có tổng mức đầu tư trên 12 tỷ đồng. Công trình do chủ đầu tư là Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, còn Công ty Cổ phần Poliland làm nhà thầu. Công trình có 3 hạng mục được thi công tổng thời gian 120 ngày kẻ từ ngày 22/12/2018.
Tuy nhiên, dù đã quá hạn thi công, nhưng đến nay một phần công trình vẫn chưa được hoàn thiện và bộc lộ nhiều sai phạm, có dấu hiệu về sự bớt xén rút ruột công trình làm cho chất lượng công trình yếu kém, gây hoang mang dư luận trong cán bộ đơn vị; phần hoàn thiện thì nhà thầu không chịu nghiệm thu để đưa vào sử dụng.
Các sai phạm cụ thể là: Vật liệu đầu vào có chất lượng không đúng theo mẫu đã cam kết; Phần bê tông sàn mái nhà điều trị có hiện tượng nứt, thấm dột tại nhiều vị trí; Nhà điều trị phần nhô mái cong nghiêng, vặn vỏ đỗ; Hệ thống giáo chống, cốp pha, đà giáo phần mái nhà điều trị không đảm bảo an toàn chất lượng thi công; Tiến độ thi công không đảm bảo theo cam kết.
Đặc biệt tại nhà phục hồi chức năng trong quá trình thi công, hệ thống các cột bê tông cốt thép của nhà bị lệch tâm. Đến phần hoàn thiện, nhà thầu đã để thợ cắt sắt 3 chân cột hiên, việc này ảnh hưởng lớn tới kết cấu và chất lượng công trình, không đảm bảo an toàn khi sử dụng. Khi bị cán bộ cơ quan phát hiện, báo cáo phản ánh lên Ban Giám đốc Trung tâm, chủ đầu tư buộc phải mời các bên liên quan để giám định và cho khắc phục sự cố.
Trước những thực trạng nêu trên, công trình đã bộc lộ nhiều sai phạm, có nguy cơ sập đổ, gây mất an toàn. Vì thế với vai trò trách nhiệm là người đứng đầu đơn vị, là chủ đầu tư dự án, ông Phạm Quang Thịnh đã vi phạm Luật xây dựng; vi phạm về quản lý đầu tư xây dựng; vi phạm pháp luật về quản lý vốn đầu tư xây dựng từ Ngân sách Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, tại văn bản kết luận nội dung tố cáo của Sở LĐTBXH Hà Nội thì chỉ đề cập tới sai phạm của Nhà thầu (Công ty Cổ phần Poliland). Dư luận đang quan tâm tới trách nhiệm của Sở LĐTBXH Hà Nội xử lý thế nào về các sai phạm liên quan đến chủ đầu tư do ông Phạm Quang Thịnh là người đại diện và bên thực hiện thi công dự án xây dựng để sảy ra những sai phạm trên (?)
Tiếp theo là nội dung tố cáo: Với vai trò trách nhiệm là người đứng đầu đơn vị, đã không thực hiện việc công khai minh bạch các khoản chi phí sử dụng trong năm 2018 và năm 2019. Điều này tạo nên sự không minh bạch, rõ ràng, khiến cho cán bộ đang công tác tại đơn vị không thể thực hiện được một cách đầy đủ quyền kiểm tra giám sát được quy định. Mặc dù đã có ý kiến đề nghị phải công khai chi tiết về các khoản chi sử dụng trong năm nhưng đều bị phớt lờ các ý kiến đó, không thực hiện theo đúng quy định.
Ngoài ra, nội dung tố cáo còn đề cập tới việc lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao là Giám đốc Trung tâm, ông Phạm Quang Thịnh đã thực hiện việc sử dụng xe công sai mục đích vào việc riêng như đi ăn cỗ, đi uống rượu vào buổi trưa tại nhà hàng… Địa điểm mà người tố cáo quay chụp được việc sử dụng xe công sai mục đích là rất rõ ràng. Nhưng đều bị Sở LĐTBXH Hà Nội kết luận bác bỏ.
Văn bản kết luận nội dung tố cáo số 3771/KL-LĐTBXH ngày 14/9/2020 của Sở LĐTBXH Hà Nội
Tất cả những nội dung tố cáo liên quan tới vai trò trách nhiệm là người đứng đầu đại diện pháp luật đối với ông Phạm Quang Thịnh, để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng “tầy đình” nêu trên tại Trung tâm, mà biện pháp xử lý tố cáo của Sở LĐTBXH Hà Nội tại văn bản số 3771/KL-LĐTBXH ngày 14/9/2020 chỉ “vỏn vẹn an ủi” mấy câu: Ông Phạm Quang Thịnh có văn bản rút kinh nghiệm kỹ, sâu sắc và sát với khuyết điểm trong triển khai thực hiện dự án như trên … không để xảy ra tồn tại, sai phạm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm – Trích văn bản. Mà không hề xem xét trách nhiệm vai trò của người đứng đầu Trung tâm vi phạm các quy định của Pháp luật hiện hành.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu thông tin nhằm làm sáng tỏ, minh bạch hơn vụ việc này.
Nguyễn Thắng - Quốc Khải
*Bài viết thông tin thực tiễn phục vụ đề tài nghiên cứu về chính sách, pháp luật và quản lý: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân giai đoạn 2015-2025.