Khắc phục tình trạng văn bản pháp luật bất cập, không phù hợp với thực tiễn

Trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lấy pháp luật làm cơ sở nền tảng để điều chỉnh các hành vi cá nhân, các quan hệ xã hội, bảo đảm cho xã hội ổn định và phát triển bền vững thì pháp luật có vai trò rất quan trọng. Không có pháp luật thì không thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền, không có Nhà nước pháp quyền thì không thể đảm bảo trật tự kỷ cương, ổn định xã hội, bảo vệ quyền con người, làm cho người dân có cuộc sống an toàn, ấm no, hạnh phúc.

Nhưng nếu luật pháp mà bất cập, không đi vào cuộc sống được thì không những xã hội không phát triển mà pháp luật vô hình trở thành lực cản, kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Ảnh minh họa - Internet

Để pháp luật đi vào thực tiễn thì trước hết hệ thống pháp luật phải được hoàn thiện, phải là một hệ thống pháp luật đáp ứng được những tiêu chí cơ bản, như đảm bảo dân chủ, công bằng, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định… Pháp luật ấy phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh được hiện thực khách quan của đời sống xã hội, bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh… Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Khi pháp luật được thực thi hiệu quả, các lợi ích cơ bản của con người và xã hội sẽ được bảo vệ, xã hội sẽ trở nên ổn định, trật tự, an toàn, công bằng, dân chủ, văn minh.  

Những bất cập, hạn chế của hệ thống văn bản pháp luật

Để bảo đảm tính chủ động, sự đánh giá khách quan về các văn bản pháp luật, đề án luật, tháng 6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 101, trong đó có nội dung rà soát để xem xét nguyên nhân xảy ra tình trạng trì trệ, không dám làm của cán bộ. Bên cạnh việc sợ trách nhiệm không dám làm, còn có nguyên nhân khác là quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo của văn bản pháp luật. Tháng 11 năm 2023 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, tổ chức điều kiện rà soát độc lập và yêu cầu 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân của 63 tỉnh, thành phố có báo cáo. Việc rà soát phải nhận diện, chỉ rõ, xác định cụ thể những quy định trong các luật và văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và những vấn đề vướng mắc gây khó khăn như thế nào, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung...

Kết quả rà soát cho thấy, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật và nội dung được rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều. Hầu hết các nội dung qua rà soát được chỉ ra có bất cập là do được ban hành khá lâu, quy định không còn phù hợp.  Bên cạnh đó, có một số vướng mắc thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ hoặc chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả. Cũng có các nội dung của văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo và vướng mắc, bất cập; có một số nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, có trường hợp chưa kịp thời cập nhật nội dung sửa đổi…

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2020 của Quốc hội khóa XIV. Một trong những nội dung được báo cáo đề cập là công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo báo cáo, từ năm 2021 đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định 554 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 88 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, đã thẩm định đối với 1.209 thủ tục hành chính tại 127 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 29 luật, 81 nghị định, 13 quyết định, 4 thông tư) do các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo. Chính phủ cho biết ngoài những kết quả đạt được, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn còn hạn chế. Một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn.

Chính phủ cũng nhìn nhận một số văn bản ban hành đã có phần gây vướng mắc, cản trở sự phát triển. Kết quả rà soát cho thấy có tới 446 văn bản chứa quy định sơ hở, bất cập cần được xử lý. Trong số 116 văn bản quy định chi tiết được ban hành, có tới 72 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành chậm hơn so với hiệu lực thi hành của luật (chiếm 62,08%). Văn bản ban hành chậm nhất lên tới 3 năm 9 tháng… Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; tính đến nay vẫn còn 13 văn bản thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các bộ chưa được ban hành…

Về quy mô, số lượng văn bản pháp luật được ban hành, theo thống kê trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Quốc hội ban hành khoảng 10 luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành khoảng 150 nghị định, các bộ, ngành ban hành từ 600 đến 800 thông tư, thông tư liên tịch. Như vậy, một năm có khoảng gần 1.000 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương được ban hành. Ngoài ra, còn có văn bản của chính quyền địa phương 3 cấp.  Đó là một khối lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật, đòi hỏi phải có một đội ngũ soạn thảo vừa có tính chuyên nghiệp cao, có trình độ và năng lực chuyên môn tốt; đồng thời cần một quá trình rà soát minh bạch, khoa học, trách nhiệm.

Khắc phục khoảng cách giữa pháp luật và thực tiễn

Trước hết, để nâng cao nhận thức, hiểu biết và hình thành ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng xã hội ổn định, công bằng, dân chủ, văn minh thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng. Thông qua đó để giúp người dân hiểu biết về các quy định của pháp luật, từ đó có thể vận dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống;  người dân nhận thức được lợi ích của việc chấp hành pháp luật, từ đó tự giác thực hiện pháp luật, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật. Khi mọi người dân đều hiểu biết và chấp hành pháp luật, xã hội sẽ trở nên ổn định, trật tự, an toàn, mọi người dân đều được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của mình.  Để công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật có hiệu quả thì cần phải đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền. Đối với những quy định của pháp luật cần tuyên truyền đến đối tượng cụ thể để họ nắm bắt và thực hiện thì phải xuất phát từ nhu cầu thật sự của đối tượng được tuyên truyền, phải xuất phát từ nhu cầu bức xúc của người dân. Nghĩa là, nội dung tuyên truyền phải bám sát vào thực tiễn, diễn biến và tâm lý xã hội cụ thể. Phương thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, đồng thời đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cần được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Để các văn bản pháp luật phù hợp với quá trình phát triển và không có khoảng cách với thực tiễn căn bản của đời sống xã hội, theo các chuyên gia, rất cần thực hiện những giải pháp cho vấn đề này; cụ thể như:

- Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh; đồng thời xem xét, duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh.

- Cần khắc phục tình trạng văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ban hành chiếm tỉ trọng quá lớn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến sự chồng chéo, cồng kềnh, mâu thuẫn; đồng thời làm giảm tính thống nhất, tính minh bạch của pháp luật.

- Cần nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức liên quan. Bổ sung các chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng pháp luật, chế tài đối với việc ban hành các văn bản pháp luật trái quy định.

- Trong một số trường hợp, cần thay đổi cơ cấu của thành phần ban soạn thảo luật theo hướng có nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn tham gia. Đặc biệt, đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật nếu được thông qua cần có mặt để bảo đảm tính khách quan trong chính sách, bởi họ chính là người chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

- Khi đưa ra chính sách mới, cơ quan chủ trì soạn thảo phải có trách nhiệm bảo vệ đến cùng nếu chính sách đó là ưu việt, hoặc tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng để xem xét chỉnh sửa, thay đổi hoặc bãi bỏ. Việc giám sát thực thi luật sau khi được thông qua cũng cần được chú trọng thông qua hoạt động của các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan trực tiếp thi hành, áp dụng luật, cùng ý kiến đóng góp của nhân dân và các tổ chức đoàn thể hữu quan./.

Ths Nguyễn Hoàng Lam

...
  • Tags: