Không có cách nào kiểm soát đại dịch COVID -19 nếu không có vaccine

Bài học được rút ra là không có cách nào kiểm soát đại dịch COVID-19 nếu như không có vaccine. Các nước đang phát triển cần được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn cung cấp vaccine đã có sẵn trong ngắn hạn, vì lợi ích chung của cả thế giới trong việc đánh b

Bài học được rút ra là không có cách nào kiểm soát đại dịch COVID-19 nếu như không có vaccine. Các nước đang phát triển cần được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn cung cấp vaccine đã có sẵn trong ngắn hạn, vì lợi ích chung của cả thế giới trong việc đánh bại đại dịch COVID-19.

CHÂU Á “TỤT HẬU” TRONG CUỘC ĐUA VACCINE COVID-19

Mùa hè năm nay, các nước giàu ở phương Tây sống trong bầu không khí sôi sục của chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng. Người dân các nước giàu phương Tây chia làm hai phe, một bên vui mừng lạc quan về chương trình tiêm chủng quốc gia, một bên lo ngại về biến chủng mới của vius nhưng tất cả đều chung cảm nhận là tình trạng tồi tệ nhất của thế giới đối với đại dịch COVID có lẽ gần như đã đi qua.

Ảnh minh họa

Trái ngược với hình ảnh phấn khởi đó là sự tương phản của châu Á. Tâm lý tự mãn, tư tưởng dân túy và hạ tầng y tế nghèo nàn đã thổi bùng làn sóng COVID-19 lần thứ hai tại Ấn Độ với hàng triệu ca mắc bệnh. Chuông báo động đã gióng lên từng hồi trên khắp Đông Nam Á. Tình hình đã trở nên tồi tệ tại Thái Lan, Malayxia, Indonexia, Philippine. Tất cả các nước này đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong ngày ở mức cao kỷ lục, vượt xa những làn sóng lây nhiễm trước đó. Indonexia đang mấp mé con số 6.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Philippine ngày 22/5 công bố 6.800 ca nhiễm, Campuchia tháng 5 có trên 24.000 người tăng gấp 10 so với tháng 4, Lào tháng 5 có 1.700 ca so với chưa tới 50 ca nhiễm hồi đầu tháng 4. Thái Lan trong tháng 4 ghi nhận hơn 72.000 ca bệnh cao hơn rất nhiều so với tổng số chưa đến 7.000 ca của năm 2020. Làn sóng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư cũng đã xuất hiện trở lại ở Nhật Bản chỉ 10 tuần trước khi Olympic thế giới được tổ chức. Theo trang Southeast Asia Globe, làn sóng COVID-19 mới có thể chấm dứt câu chuyện “chống dịch thành công” của khu vực sông Mêkông. Tiến sĩ Jessica Manning thuộc Trung tâm y tế quốc gia ở Maryland Mỹ cho rằng: “Sự bùng nổ những biến thể mới khiến chúng ta không còn nuôi dưỡng quan niệm rằng người Campuchia, người Thái Lan hoặc người Việt Nam có khả năng miễn nhiễm với virus”.

Sự hoành hành trở lại của đại dịch tại nhiều nước khiến dư luận chú ý về công tác quản lý đại dịch của châu Á, vốn dĩ được đánh giá là rất thành công trong năm 2020. Nhiều ý kiến cho rằng, dù thành tích kiểm soát dịch bệnh với các biện pháp cách ly tại khách sạn, cách ly bệnh nhân, đeo khẩu trang bắt buộc và truy vết những trường hợp tiếp xúc… của châu Á là rất ấn tượng, song về cơ bản khu vực đã tụt hậu so với thế giới phương Tây khi bước vào giai đoạn triển khai tiêm chủng. Các giải pháp và hành động được đánh giá là có hiệu quả trong công tác ngăn công tác ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào năm ngoái hiện đã không còn phát huy tác dụng, trong khi Mỹ và Châu Âu bắt đầu mở cửa trở lại thì phần lớn các quốc gia châu Á lại phải thắt chặt phong tỏa.

Bài học được rút ra là không có cách nào kiểm soát dịch bệnh nếu như không có vaccine. Đây chính là lý do mà nhiều khu vực tại châu Âu và Mỹ đã chứng kiến số ca nhiễm giảm hẳn và châu Á dường như đang tụt hậu trong cuộc chiến này.

Ông Shiro Amstrong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Australia - Nhật Bản tại đại học quốc gia Australia cho rằng: Những đợt bùng phát gần đây trên khắp Thái Lan, Đài Loan và Singapore là điều đáng tiếc và nhắc nhở chúng ta chưa qua được đại dịch. Những gì xảy ra ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu tại Đông Nam Á và Nam Á, nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ vaccine từ các nền kinh tế tiên tiến”. Karrthik Nachiappan, nhà nghiên cứu tại Đại học quốc gia Singapore khẳng định vaccine sẽ là chìa khóa để châu Á duy trì sự dẫn đầu trong cuộc đua hồi phục kinh tế. Ông nói: “Chìa khóa ở đây để tránh bị áp đặt thêm các biện pháp hạn chế, thậm chí có thể là phong tỏa là vaccine và cần đảm bảo đủ nguồn cung vaccine để tiêm chủng nhiều hơn hoặc có chương trình vaccine kéo dài khoảng cách giữa các liều tiêm…”

BẤT BÌNH ĐẲNG, MIỄN TRỪ BẢN QUYỀN VÀ MỞ NÚT THẮT TRONG SẢN XUẤT VACCINE PHÒNG COVID-19

Đã có nhiều tranh luận liên quan đến “cuộc chiến” vaccine phòng ngừa COVID-19 như quyền sở hữu trí tuệ, ngoại giao vaccine, bất bình đẳng vaccine, sản xuất vaccine mở. Theo thống kê hiện các quốc gia giàu có chỉ chiếm 16% dân số thế giới nhưng sở hữu tới 60% lượng vaccine. Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới WHO đã lên tiếng về vấn đề này bởi những quốc gia giàu có đang có gấp 3 lần lượng vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ dân số của họ. Nhiều ý kiến cho rằng cần tạm miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19. Điều này cho phép các nước đang phát triển sản xuất hoặc nhập khẩu các liều vaccine gốc mà không cần sự cho phép của các công ty sở hữu bằng sáng chế. Việc đình chỉ bảo hộ sáng chế vaccine có thể cho phép tăng tốc sản xuất trên toàn cầu để chống lại một đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu người trên thế giới. Ngày 5/5, đại diện Thương mại Mỹ Katherine tuyên bố ủng hộ việc tạm hoãn bảo vệ bản quyền vaccine phòng chống Covid-19.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hủy bỏ quyền bảo hộ sáng chế vaccine không phải là “cây đũa thần” do còn nhiều chướng ngại vật trong đó có vấn đề kinh tế và chính trị. Báo kinh tế Les Echos đề cập đến việc tại sao các tập đoàn dược phẩm không ủng hộ việc đình chỉ bảo hộ sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19. Dựa trên 11 loại vaccine được bán trên thị trường, Viện CEPI của Pháp cho biết, tính trung bình mỗi dự án phát triển vaccine cần tới 10 năm với số tiền đầu tư từ 2,8-3,7 tỷ đô la và tỷ lệ thất bại ở thời điểm khởi đầu dự án lên tới 94%. Nếu quyền sở hữu trí tuệ không được bảo đảm, các hãng bào chế rất khó tìm được nhà đầu tư tài chính. Bên cạnh tâm lý lo sợ mất nguồn thu nếu bằng sáng vaccine ngừa COVID-19 bị đình chỉ, các tập đoàn còn lo ngại về việc mất kiểm soát hệ thống quyền sở hữu trí tuệ tạo tiền lệ cho việc đình chỉ sáng chế tương tự nếu sau này thế giới lại lâm vào khủng hoảng do dịch bệnh.

Bất chấp nhiều nỗ lực, cuối tháng 4 vừa qua, sản lượng vaccine toàn cầu mới đạt 1,2 tỷ liều, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ cần thiết để đạt mục tiêu cho năm 2021. Hơn nữa, các biến thể mới và nguy hiểm hơn có thể tiếp tục xuất hiện làm giảm hiệu quả của vaccine, các nước cần thêm nhiều liều hơn để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, do đó, nhu cầu vaccine ở các nước giàu vẫn sẽ tiếp tục. Chủ nghĩa dân tộc vaccine và các lợi ích thương mại tiếp tục là mối đe dọa khiến cho các nước đang phát triển phải đứng cuối hàng chờ để có vaccine, thậm chí phải chờ lâu hơn. Điều này làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể nguy hiểm hơn và gây ra một vòng luẩn quẩn.

Roland Rajah, Giám đốc Chương trình Kinh tế học quốc tế đã chỉ ra một số lý do cho thấy việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 sẽ không “giết chết” sự đổi mới, nhưng cũng sẽ không tự nhiên đem lại nhiều liều vaccine hơn để đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay do các rào cản về quy tắc thương mại, nguyên liệu cũng như năng lực sản xuất của các nước nghèo. Việc miễn trừ bản quyền đối với vaccine là việc cần phải làm nhưng chưa đủ. Cần có những kêu gọi xóa bỏ các hạn chế xuất khẩu và tăng cường đầu tư để tăng nguồn cung. Các nước đang phát triển cũng cần được hỗ trợ tài chính để mua đủ vaccine.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên kêu gọi các quốc gia “miễn trừ bản quyền” vaccine COVID-19. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 13/5 đã nêu rõ: “Để mở ra cơ hội khống chế lây lan dịch bệnh nguy hiểm này, Việt Nam mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền vaccine COVID-19 để các loại vaccine có thể phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến được sử dụng trong năm 2022”. Điểm mấu chốt hiện nay là thời gian quan trọng hơn tiền bạc. Các nước đang phát triển cần được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn cung cấp vaccine đã có sẵn trong ngắn hạn, vì lợi ích chung của cả thế giới trong việc đánh bại đại dịch COVID-19.

VACCINE VÀ CUỘC CHIẾN TIẾP THEO CỦA VIỆT NAM VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19

Việt Nam được đánh giá có nhiều thành công trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Trang mạng Peoplesreview cho rằng Việt Nam tiếp tục chống dịch tương đối thành công nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc dự phòng và phòng chống dịch bệnh. Lãnh đạo Việt Nam bắt đầu cuộc chiến chống COVID-19 bằng những hành động khẩn trương và quyết liệt. Người dân tuân thủ và duy trì các biện pháp phòng ngừa, kể cả giãn cách xã hội. Nền kinh tế VIệt Nam có khả năng chống chịu và dự kiến đạt mức tăng trưởng 6,5% vào năm 2021. Trang Devpolicy của Australia dẫn số liệu của Worldometers cho biết, tính đến ngày 18/5 tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên 1 triệu dân ở Việt Nam là 0,4 trong khi ở Singgapore là 5, Thái Lan là 9, Australia là 35 và Malayxia là 59. Tỷ lệ nhiễm bệnh trên 1 triệu người ở Việt Nam là 44, trong khi ở Singaporre là 10.460, Thái Lan là 1.623 và Malyxia là 14.500.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chậm tiến độ tiêm chủng ngừa COVID-19 so với các nước láng giềng Đông Nam Á. Lào và Campuchia dẫn đầu trong việc triển khai tiêm chủng, tiếp đó là Thái Lan, Malayxia, Indonexia và Philippine. Thống kê của Our World in Data cho thấy 32% trong số 5,7 triệu dân của Singapore đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 thì hiện mới chỉ có khoảng 1% trong số 96 triệu dân Việt Nam được tiêm vaccine.

Theo trang Nikkei của Nhật Bản đưa tin ngày 18/5, làn sóng mới của dịch COVID-19 có thể tác động đến kinh tế Việt Nam. Hoạt động sản xuất sẽ bị gián đoạn hơn nếu tình trạng lây nhiễm không được kiểm soát được và điều này có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang các điểm đến như Mỹ và Trung Quốc. Tốc độ tiêm chủng chậm sẽ càng làm tăng thêm lo ngại.

Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho rằng, ngược lại với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, tình hình dường như đang thay đổi và chuỗi cung ứng có thể quay trở lại Trung Quốc khi số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến ở Ấn Độ và nhanh chóng ở Việt Nam. Việc cấm hoặc hạn chế nhập cảnh khiến các công ty đa quốc gia không thể cử nhân viên của họ đến Ấn Độ để thiết lập các nhà máy mới. Hiện tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc dao động khoảng 20-40%/tháng. Nếu các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam sớm trở lại sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2021, khi các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang hai quốc gia này. Tuy nhiên “nếu chuỗi cung ứng Ấn Độ và Việt Nam” bị gián đoạn trong một thời gian dài, Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 20-30% trong năm tới.

Ảnh minh họa

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, chuỗi cung của Apple đang phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng, khi nhiều nhà máy của các nhà cung cấp cho hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ phải tạm dừng hoạt động do đại dịch COVID-19. Sau sự gián đoạn hoạt động của nhà máy Foxcon Tecgcology Group - nhà cung cấp lớn của Apple tại Ấn Độ, các nhà máy của Foxconn và một nhà cung cấp khác là Luxshare Precision Industry đã tạm ngừng hoạt động tại Việt Nam, việc không khởi động lại sản xuất trong 2 tuần sẽ gây căng thẳng cho năng lực toàn cầu của Apple. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất ở Ấn Độ gián đoạn, Foxconn đã tích cực tuyển dụng lại một số nhà máy lớn tại Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, đây có thể là dấu hiệu ban đầu của việc công ty này chuyển một số công việc từ Ấn Độ sang Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng cách lâu dài là Việt Nam phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho phần đông dân chúng.

Tiến sỹ Todd Pollack, Giám đốc Quốc gia của tổ chức Đối tác vì tiến bộ Y tế tại Việt Nam (HAIVN) cho rằng: “Việt Nam đã làm đúng mọi thứ. Những gì Việt Nam cần làm bây giờ là tiêm chủng cho người dân”.

Hiện nay, Bộ Y tế nước ta đã đàm phán với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất để đa dạng hóa nguồn cung vaccine. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong cả năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vaccine, bao gồm 38,9 triệu liều vaccine từ chương trình COVAX, 30 triệu liều từ AstraZeneca và 31 triệu liều từ Plizer. Khi có vaccine, ngành Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19 quy mô rộng lớn, chưa từng có trong lịch sử ngành Y tế Việt Nam.

Việt Nam đang kêu gọi các quốc gia “miễn trừ bản quyền” với vaccine COVID-19. Trong một cuộc họp với đại diện của WHO, Bộ Y tế Việt Nam đã đề nghị phía Tổ chức Y tế thế giới WHO tạo điều kiện đàm phán để một doanh nghiệp trong nước được chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna theo công nghệ ARNm.

Ngoài việc tìm hướng sản xuất, Việt Nam còn “tự chủ động nguồn vaccine” với 3 loại vaccine đang được thử nghiệm: Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen kết hợp với Học viện Quân y, Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm – IVAC sẽ thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 7/2021 và Vabiotech của Công ty TNHH một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 thuộc Bộ Y tế.

Trong 3 loại này vaccine Nano Covax có thể được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với hơn 10 ngàn người từ giữa tháng 5 và dự kiến hoàn tất trong tháng 8 hoặc tháng 9. Vaccine made in Việt Nam có thể được sử sụng vào cuối năm 2021.

Ông Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Nanogen khẳng định công ty có khả năng sản xuất 120 triệu liều mỗi năm. Tuy nhiên cũng có nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về khả năng sản xuất trên quy mô lớn, về nguồn tài chính cũng như công tác kiểm soát chất lượng của Việt Nam.

Việt Nam đang thực hiện nhiều nỗ lực trong đàm phán mua, nhận hỗ trợ cũng như sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện trước mắt còn khan hiếm, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phân bổ, tiêm vaccine hợp lý, ưu tiên cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, các tỉnh thành đang có dịch nặng nhất và sau đó là các tỉnh thành, địa phương cần ưu tiên. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, truyền thông, vận động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đóng góp xây dựng Quỹ vaccine phòng COVID-19, góp phần đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền vận động tham gia tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 như là lợi ích và trách nhiệm của mỗi cá nhân, đảng viên, tổ chức và đông đảo nhân dân; tránh tâm lý do dự, hoài nghi hoặc cố tình chống lại việc tiêm chủng vaccine./.

TS. Nguyễn Phú Trường
Ban Tuyên giáo Trung ương

  • Tags: