Kinh tế không tiếp xúc: Nhận diện và một số hàm ý chính sách

Xu thế ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã cho ra đời nhiều sản phẩm và mô hình kinh tế mới. Trong bối cảnh những thay đổi mang tính cấu trúc trong phương thức vận hành nền kinh tế trên thế giới, phát triển kinh tế không tiếp x

Xu thế ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã cho ra đời nhiều sản phẩm và mô hình kinh tế mới. Trong bối cảnh những thay đổi mang tính cấu trúc trong phương thức vận hành nền kinh tế trên thế giới, phát triển kinh tế không tiếp xúc là xu hướng tất yếu. Bên cạnh việc ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật để mở đường cho kinh tế không tiếp xúc, Việt Nam cần thay đổi tư duy phát triển nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

Nhận diện kinh tế không tiếp xúc

Đại dịch COVID-19 bùng phát cũng là lúc cụm từ “kinh tế ít chạm” hay “kinh tế không tiếp xúc” được đề cập đến khá thường xuyên. Tuy nhiên, khái niệm “kinh tế ít chạm” hay “kinh tế không tiếp xúc” được cho là đã xuất hiện từ trước đó.

Khách hàng thử nghiệm quét mã khi mua hàng trực tuyến tại lễ kích hoạt ngày mua sắm trực tuyến và khai mạc Tuần lễ trải nghiệm thương mại điện tử và công nghệ số do Bộ Công Thương phối hợp cùng các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức_Ảnh: TTXVN

Một nghiên cứu của Đại học RMIT cho thấy, các biện pháp giãn cách xã hội để đối phó với dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến cơ cấu kinh tế, cũng như hành vi của xã hội và cho rằng Việt Nam nên chuẩn bị cho nền kinh tế không tiếp xúc ngay từ bây giờ, bởi cách sống và thông lệ kinh doanh mới đang xuất hiện xung quanh chúng ta. Nhóm chuyên gia của RMIT đã đưa ra một khung phân loại kinh tế không tiếp xúc theo mức độ tương tác và cho rằng các lĩnh vực, như mua hàng trực tuyến, thương mại điện tử, giải trí trực tuyến, giáo dục trực tuyến, thanh toán điện tử, hội nghị ảo, khám chữa bệnh từ xa, thanh toán online, ví điện tử, mobile money, hệ thống điểm chấp nhận thanh toán thẻ POS…, ứng dụng công nghệ mới để phục vụ khách hàng mà vẫn bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người. Có thể yêu cầu chuyển đổi số để chuyển dịch từ mô hình kinh doanh “nhiều chạm” sang “ít chạm” hoặc “không chạm” bắt đầu bùng nổ từ đây.

Theo Hiệp hội Mobile marketing, trong đại dịch COVID-19, dịch vụ kỹ thuật số đã tăng trưởng mạnh nhờ thu hút được nhiều khách hàng lần đầu sử dụng. Ví dụ, có tới 38% khách hàng lần đầu sử dụng ứng dụng học trực tuyến, 25% lần đầu sử dụng phần mềm làm việc từ xa, 23% lần đầu mua hàng trực tuyến, 21% lần đầu xem phim trực tuyến,… Còn theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18%, quy mô thị trường đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước với lượng khách hàng truy cập các sàn thương mại điện tử trung bình khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày, tăng 1,5 lần so cùng kỳ.

Để đối phó với đại dịch COVID-19, các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt với các ví điện tử, thí điểm mô hình mobile money, dịch vụ công trực tuyến đã thực sự bùng nổ. Theo Mastercard Targets Touchless Economy, để thích ứng với đại dịch COVID-19, nhà thanh toán thẻ hàng đầu thế giới đã phối hợp cùng các đối tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) như Accel Robotics với nền tảng Shop Anywhere để phục vụ khách hàng không phải xếp hàng và thanh toán an toàn mà không phải giao tiếp với nhân viên.

Trước đại dịch COVID-19, thanh toán không dùng tiền mặt là một xu thế tất yếu. Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Tới năm 2018, đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã làm tăng khả năng thanh toán liên thông, tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch khách hàng… Đến nay, Việt Nam đã có nhiều hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được phát triển với công nghệ tiên tiến, như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống thanh toán bù trừ, hệ thống thanh toán nội bộ của từng ngân hàng thương mại, hệ thống thanh toán thẻ, hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động, hệ thống SWIFT, mobile money… Kết cấu hạ tầng và công nghệ thanh toán điện tử được đầu tư bài bản, quy mô, chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 22-4-2021, có 43 tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có nhiều ví điện tử lớn, uy tín. Có khoảng vài trăm công ty công nghệ tài chính (fintech). Tính đến hết quý I-2021, cả nước có 96 triệu thẻ ngân hàng nội địa và 18 triệu thẻ quốc tế, 19.714 máy ATM với gần 250 triệu giao dịch, tổng giá trị 767 nghìn tỷ đồng và 271.727 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) với trên 103 nghìn giao dịch, tổng giá trị gần 180 nghìn tỷ đồng. Việt Nam hiện có khoảng trên 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng dịch vụ mobile banking là 200%/năm.

Cơ hội cho dịch vụ mobile money, dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ tại Việt Nam là rất lớn. Với gần 125 triệu thuê bao di động, khoảng 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, mobile money sẽ cung cấp cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động, từ đó giúp người dân tiếp cận tài chính toàn diện, sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức tại các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán.

Người dùng quét mã QR Code của sản phẩm, điện thoại sẽ hiện thông báo truy xuất thông tin về nguồn gốc sản phẩm_Ảnh: TTXVN

Đơn cử nông sản với đặc thù cần thời gian lưu trữ, vận chuyển ngắn và cần truy xuất nguồn gốc, đo lường chất lượng rõ ràng, nhưng chuyển đổi số được xem là giải pháp quan trọng trong cả khâu sản xuất lẫn thương mại để đưa nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế. Một trong những ví dụ điển hình nhất là một số nông sản đã và sẽ được đưa lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo và một số sàn thương mại điện tử khác khi việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng nông sản thông qua blockchain được giải quyết bằng công nghệ tương ứng.

Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế không tiếp xúc vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Hành lang pháp lý cho kinh tế không tiếp xúc chưa có những đột phá đáng kể, chưa được luật hóa và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường. Tập quán, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong nhân dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một bộ phận người dân, nhất là người lớn tuổi còn khá bỡ ngỡ khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, lo ngại về an ninh, an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử. Kết cấu hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho kinh tế không tiếp xúc còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng.

Triển vọng của kinh tế không tiếp xúc ở Việt Nam

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài và không đồng nhất dưới tác động của hàng loạt các dư chấn (after-shock) chu kỳ, cho nên kinh tế không tiếp xúc dựa trên nền tảng chuyển đổi số cần được quan tâm, phát triển. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 29-9-2020, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã chỉ rõ sự chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Đảng ta xác định tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết của Đảng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.

Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020, đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số trên nền tảng các công nghệ và mô hình mới khi quản trị quốc gia, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân được đổi mới căn bản theo hướng số hóa để đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, trong đó tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, trên 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử…

Triển vọng kinh tế không tiếp xúc là rất lớn. Khi hành lang pháp lý thanh toán cho kinh tế không tiếp xúc được bổ sung, hoàn thiện, các mô hình, sản phẩm, dịch vụ kinh tế không tiếp xúc mới sẽ phát triển. Các mô hình thanh toán điện tử tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi hành vi và cách thức thanh toán của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân. Các mô hình như “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”, do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, kết nối với các sàn thương mại điện tử vừa là giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa vừa thúc đẩy có hiệu quả việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Kinh tế không tiếp xúc sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn, an ninh mạng, công nghiệp chế tạo thông minh, rô-bốt, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, số hóa các ngành kinh tế kỹ thuật, kể cả những ngành tưởng chừng không liên quan, như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo...

Kinh tế không tiếp xúc có thể sẽ là một trong những nền tảng của đô thị thông minh trong tương lai, nhất là khi xác định được lộ trình và lựa chọn các đô thị thí điểm thực hiện gắn với một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai phát triển đô thị thông minh, trong đó có các nền tảng công nghệ của kinh tế không tiếp xúc.

Kinh tế không tiếp xúc phát triển cũng góp phần thu hút các nguồn lực từ nước ngoài vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ với tiêu chuẩn công nghệ cao, công nghệ nguồn; khuyến khích các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ.

Một số hàm ý chính sách

Các tập đoàn công nghệ trong nước thúc đẩy phát triển các sản phẩm chuyển đổi số_Ảnh: BNEWS/TTXVN

Để phát triển kinh tế không tiếp xúc, cần thực hiện một số chính sách sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế không tiếp xúc trên nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

Khắc phục tình trạng các quy định của pháp luật không theo kịp với thực tiễn phát triển của khoa học - công nghệ, hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng. Do đó, trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội khóa XV, giai đoạn 2021 - 2026 cần sớm rà soát và đưa vào chương trình luật sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc.

Để hoàn thiện pháp luật, chính sách về tài chính - tiền tệ, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số, kể cả chính sách đặt hàng sản xuất và mua sắm công đối với các sản phẩm công nghệ số do Việt Nam phát triển, một số quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật Công nghệ cao năm 2008, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017… liên quan đến kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc gắn với xem xét, sửa đổi, bổ sung, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, hình thành một số ngành, nghề kinh doanh mới gắn với ưu đãi đầu tư để thúc đẩy tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghiên cứu, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của kinh tế không tiếp xúc nhằm tạo sự đồng bộ và khung pháp lý để nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ mới.

Hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sửa đổi các quy định về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động thu hút vốn, mua cổ phần, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ; các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có việc thí điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho các doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo. Sớm có các chương trình hỗ trợ thực chất về vốn vay, đất đai, nhà xưởng, lao động, thuế… cho các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hai là, cho phép thí điểm một số mô hình kinh tế không tiếp xúc mới.

Trong xu thế tất yếu của kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc, khi nhiều quy định của pháp luật lạc hậu, cần nghiên cứu ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới của kinh tế không tiếp xúc, quy định rõ phạm vi, không gian và thời gian thử nghiệm gắn với xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Ba là, nhanh chóng hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế không tiếp xúc trên phạm vi toàn quốc.

Khuyến khích doanh nghiệp các thành phần kinh tế tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng viễn thông và các hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, tận dụng và tiếp tục khai thác có hiệu quả hạ tầng mạng lưới viễn thông để triển khai kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc, bảo đảm an toàn, an ninh mạng đáp ứng chiến lược an ninh mạng quốc gia. Sớm kết nối hệ thống thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán với hạ tầng của các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách, chi trả phí dịch vụ công bằng phương thức điện tử.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đổi mới nội dung và chương trình giáo dục - đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển, dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số. Có cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi thiết thực đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục - đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số, thu hút, sử dụng nhân tài.

Năm là, chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong nước, tiến tới kết nối với các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và quốc tế. Khuyến khích các công ty đa quốc gia đặt cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam trên nền tảng pháp luật về sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế gắn với bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ.

TS. TRẦN VĂN
Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội
(Tạp chí Cộng sản)

  • Tags: