Thực hiện quy trình xem xét, đề nghị khen thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đối với tập thể Trường cán bộ và Liên đoàn Lao động của một tỉnh, qua theo dõi, nắm tình hình, Vụ địa bàn đã báo cáo và Thường trực UBKT Trung ương quyết định kiểm tra đối với Ban Thường vụ Đảng uỷ Trường về việc: Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ và lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, thu, chi tài chính; Đảng đoàn Liên đoàn Lao động về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện lập, quản lý, thu, chi các loại quỹ.
Ảnh minh họa
Đối với địa bàn, đây là lần đầu khi thực hiện quy trình thẩm định hồ sơ phục vụ công tác thi đua khen thưởng nhưng lại tiếp nhận một số thông tin phản ánh tiêu cực, và dư luận bức xúc về đơn vị, cần thẩm định lại trước khi có ý kiến đề xuất, nên đã gặp không ít lúng túng khi xác định hình thức, nội dung văn bản, giải pháp nghiệp vụ phù hợp với trường hợp này. Đoàn kiểm tra thống nhất, dù thực hiện bằng hình thức nào thì cũng phải lấy hiệu quả làm thước đo, nếu cần thiết sẽ bổ sung quy định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hay giám sát chuyên đề, tránh gây sức ép tâm lý cho các tổ chức đảng được kiểm tra.
Để các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng xứng đáng với danh hiệu được khen, góp phần tích cực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, động viên, tri ân kịp thời những gương tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong lao động sản xuất, trong công tác... thì việc việc thẩm định hồ sơ khen thưởng, nhất là khen thưởng bậc cao các danh hiệu của Đảng và Nhà nước cho các tập thể và cá nhân, phải được làm nghiêm túc, cẩn trọng. Công tác thẩm định hồ sơ khen thưởng cần xác định rõ vụ việc, nội dung cần trực tiếp kiểm tra, giám sát… qua đó thẩm tra, xác minh, kết luận rõ về tình hình chấp hành kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước của đối tượng được đề nghị khen thưởng, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định khen thưởng chính xác. Qua công tác theo dõi địa bàn, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các tổ chức đảng được kiểm tra báo cáo tự kiểm tra theo các nội dung sau:
Đối với Ban Thường vụ Đảng uỷ Trường cán bộ: Báo cáo tự kiểm tra, cùng các văn bản liên quan như công văn của Đảng uỷ Trường gửi Ban Thường vụ, Uỷ ban Kiểm tra, Đảng uỷ khối Dân chính Đảng thành phố về việc xin ý kiến giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo đối với đồng chí D, Phó Hiệu trưởng; ý kiến đánh giá của Sở Tài chính về việc Nhà trường chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Nhà nước; báo cáo tài chính đã được kiểm toán… Khi nghiên cứu các nội dung báo cáo tự kiểm tra của đơn vị, đoàn kiểm tra đã yêu cầu đơn vị báo cáo bổ sung các nội dung chưa đạt yêu cầu, đồng thời cung cấp thêm một số tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra như các văn bản giải quyết đơn thư phản ảnh đối với đồng chí D; báo cáo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ; báo cáo quyết toán tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ… và làm việc với một số cán bộ công chức của Trường có liên quan đến các nội dung tự kiểm tra để làm rõ từng vấn đề.
Qua thẩm định các báo cáo và làm việc với một số cán bộ công chức của Trường, Đoàn kiểm tra đã phát hiện trong vụ việc phản ảnh đối với đồng chí D, Ban Thường vụ Đảng uỷ Trường đã thực hiện chưa đúng hướng dẫn của Bộ Chính trị. Về công tác quản lý tài chính, qua nghiên cứu, thẩm định trên các báo cáo tài chính (không trực tiếp thẩm tra, xác minh), Đoàn kiểm tra đã phát hiện có một số nội dung cần làm rõ thêm như: Số tiền hơn 4,3 tỷ đồng để ngoài báo cáo quyết toán 03 năm (2006-2008); việc cho thuê mặt bằng phòng học, hội trường, kho chứa hàng, bãi giữ xe, căng-tin gần 13 tỷ đồng trong 3 năm (2006-2008) trái quy định; chênh lệch giữa số dư theo xác nhận của ngân hàng và số dư tính thực tế của 4 quỹ (quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, phúc lợi, khen thưởng, dự phòng) là hơn 2,3 tỷ đồng...
Đối với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động, ngoài báo cáo tự kiểm tra của đơn vị, Đoàn kiểm tra đề nghị đơn vị báo cáo bằng văn bản làm rõ một số nội dung và cung cấp thêm một số tài liệu liên quan như thông báo duyệt dự toán của Tổng Liên đoàn Lao động từ năm 2006-2008; dự toán năm 2008; công văn thành lập các quỹ; một số quy định của Tổng Liên đoàn Lao động về quản lý, thu chi, sử dụng tài chính công đoàn; các văn bản chính trong hồ sơ các dự án xây dựng cơ bản đã triển khai hoặc đang đề nghị thực hiện có nguồn vốn từ kết dư ngân sách công đoàn… Qua nghiên cứu các báo cáo, tài liệu liên quan và làm việc với một số đồng chí có liên quan, Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số khuyết điểm, sai phạm của đơn vị, như:
Tính đến ngày 31/12/2008, tổng số kết dư các quỹ tài chính lớn (hơn 456 tỷ đồng), trong đó liên đoàn lao động hơn 183 tỷ đồng và tổ chức công đoàn trực thuộc liên đoàn lao động hơn 273 tỷ đồng; một số dự án chưa có khả năng giải ngân trong năm 2009 như Cung Văn hoá Lao động, Trường đại học T, Báo N, Trung tâm giáo dục thường xuyên T (dự toán khoảng 80 tỷ); việc lãnh đạo, chỉ đạo sử dụng chưa có hiệu quả số dư các quỹ, chủ yếu gửi ở ngân hàng để tăng nguồn thu cho tổ chức công đoàn.
Việc lập, quản lý các quỹ (ủng hộ thiên tai; mái ấm công đoàn, quỹ học bổng văn hoá nghề… ) còn nhiều hạn chế, dễ phát sinh vi phạm, dễ gây dư luận xấu, nhất là trong giai đoạn suy thoái kinh tế, làm giảm ý nghĩa, tác dụng, hiệu quả của các loại quỹ và ảnh hưởng đến uy tín của Liên đoàn lao động.
Từ kết quả kiểm tra của Đoàn, Trường Cán bộ và Liên đoàn Lao động thành phố đã xin rút lại hồ sơ khen thưởng; Thường trực Thành uỷ chỉ đạo giải quyết đơn thư phản ánh đối với đồng chí D theo đúng quy định, kiểm tra tài chính toàn diện đối với Trường Cán bộ và Liên đoàn Lao động. Đồng thời, UBKT Trung ương đã báo cáo với Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tình hình lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ và ngân sách Công đoàn./.