Lành mạnh hóa mạng xã hội

Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử d

Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng đã quy định quyền của người sử dụng mạng xã hội Việt Nam.

Ảnh minh họa

Loạn tin thật - giả

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hết tháng 6/2021, có 829 mạng xã hội được cấp phép, số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%. Tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam có thể đạt tới 80 triệu người (riêng Zalo đã khoảng 60 triệu).

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và phổ biến thì vẫn còn rất hạn chế so với mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Youtube, TikTok... (Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, Youtube có khoảng 60 triệu, TikTok khoảng 20 triệu).  

Đánh giá của cơ quan quản lý cho thấy, các mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới có đông lượng người sử dụng Việt Nam truy cập nhưng ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam còn rất hạn chế. Đây là môi trường mà các thế lực thù địch, cá nhân bất đồng chính kiến tận dụng triệt để để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, kích động biểu tình... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vấn đề tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội càng trở nên nhức nhối, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống.

Liên quan đến vấn đề này, Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT đã bước đầu có quy định về việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube, Tiktok... phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. 

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai, kết hợp nhiều giải pháp nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, tin giả; yêu cầu Facebook, Google... xử lý mạnh hơn các tài khoản đăng tải, chia sẻ các tin giả.

Tăng trách nhiệm của doanh nghiệp

Thực tiễn thực hiện pháp luật liên quan đến vấn đề này cho thấy, các quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam còn rất hạn chế.

Thậm chí mạng xã hội nước ngoài còn ngang nhiên tiếp tay cho các tổ chức phản động để tiếp tục đăng tải thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật và luôn cố trì hoãn để không phải tuân thủ luật pháp Việt Nam với lý do nội dung vi phạm không trái với tiêu chuẩn cộng đồng của mạng xã hội nước ngoài.

Chính vì thế, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng là pháp điển hóa những quy định về quản lý hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới được quy định tại Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Theo đó, Dự thảo nêu rõ: doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; Các cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết trong các trường hợp: Cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam; Không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm…

Đặc biệt, Dự thảo đề xuất, các trang thông tin điện tử/ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung nước ngoài có thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam hoặc có từ 100.000 lượng người truy cập hoặc sử dụng thường xuyên/tháng phải thực hiện các nghĩa vụ: Thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông; Các mạng xã hội xuyên biên giới chỉ cho phép các kênh/tài khoản/trang cộng đồng/nhóm cộng đồng đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức...

Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, Dự thảo cũng quy định người sử dụng tại Việt Nam có quyền: Thông báo vi phạm yêu cầu doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới xử lý; Thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông về những vi phạm nội dung trên các website cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam; Khởi kiện nếu doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

  • Tags: