Cách đây 76 năm, chỉ sau 3 tháng kể từ ngày được thành lập (12/6/1945) lực lượng vũ trang (LLVT) Phú Yên gồm các đội tự vệ, các đội dân quân với vũ khí thô sơ đã cùng nhân dân tỉnh nhà vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Ngày 12/6/1945, Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên thành lập. Đồng chí Trương Kiểm được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Tỉnh ủy lâm thời xác định những nhiệm vụ cần khẩn trương tiến hành là: Tuyên truyền giác ngộ quần chúng, động viên quần chúng tham gia đánh đổ phát xít Nhật và bọn tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân. Tiến hành vũ trang tuyên truyền, biểu tình thị uy, nâng cao khí thế cách mạng của quần chúng. Tổ chức các đoàn thể quần chúng. Thành lập Ủy ban Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa các cấp. Tổ chức các đội vũ trang tự vệ.
Khẩu đội Nữ pháo binh dân quân tự vệ huấn luyện trên thao trường. Ảnh: Tấn Nghĩa
Giành chính quyền về tay nhân dân
Sau Đại hội Mặt trận Việt Minh tỉnh được tổ chức vào ngày 17/7/1945 tại nhà đồng chí Nguyễn Quốc Thoại, làng Phước Hậu (nay là phường 9, TP Tuy Hòa); chấp hành nghị quyết đại hội với khẩu hiệu hành động “đánh đuổi phát xít Nhật”, từ ngày 15/8/1945 trở đi, toàn tỉnh tổ chức biểu tình thị uy có vũ trang khắp các phủ huyện trong tỉnh, tập dượt quần chúng trên quy mô rộng lớn, chờ lệnh khởi nghĩa của cấp trên.
Tại tỉnh lỵ Sông Cầu, ngày 20/8/1945, một cuộc biểu tình thị uy lớn trong đó có một số lính khố xanh ở đồn Sông Cầu mà Việt Minh vận động được cùng tham gia. Sau cuộc biểu tình do Việt Minh tỉnh tổ chức, chính quyền bù nhìn thân Nhật ở Sông Cầu hết sức hoang mang lo sợ, binh lính bảo an phần lớn ngả theo cách mạng. Tổ chức Việt Minh, LLVT phát triển nhanh trong các làng.
Ở Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa… thành lập lực lượng tự vệ chiến đấu. Việc trang bị vũ khí cho đơn vị được tiến hành khẩn trương. Vũ khí lúc này chủ yếu là gậy gộc, giáo mác…, trên mỗi cây gậy của các đội viên tự vệ đều vẽ hình ngôi sao. LLVT sẵn sàng hỗ trợ quần chúng nhân dân biểu tình thị uy, chờ lệnh tổng khởi nghĩa. Giữa lúc nhân dân đang sôi sục khí thế giành lấy chính quyền, chiều 23/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời và Thường vụ Việt Minh tỉnh nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương.
Để thống nhất hành động và kịp thời triển khai mệnh lệnh tổng khởi nghĩa cho các địa phương, ngay trong đêm 23/8, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Trương Kiểm triệu tập cuộc họp Tỉnh ủy lâm thời và Thường vụ Việt Minh tỉnh tại Sông Cầu. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh gồm các đồng chí: Trương Kiểm, Hoàng Văn Phúc, Lê Cấp, Đoàn Văn Sơ, Nguyễn Thái, Nguyễn Văn Nguyên và Nguyễn Nên do đồng chí Trương Kiểm, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời làm trưởng ban. Đồng chí Lê Cấp phụ trách quân sự, đồng chí Nguyễn Thái phụ trách an ninh.
Ngay trong đêm, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh đã thông qua kế hoạch khởi nghĩa gồm các nội dung: Ở tỉnh cũng như ở phủ, huyện, khởi nghĩa cùng thời điểm vào nửa đêm 24/8/1945. Nơi nào có đồn lính khố xanh thì đánh lấy đồn lính trước, sau đó chiếm các công sở. Huy động sức mạnh của quần chúng, kết hợp với các đội tự vệ vũ trang để giành chính quyền. Huy động thêm lực lượng quần chúng ở các làng, xã lân cận hỗ trợ cho tỉnh lỵ Sông Cầu và khu Tuy Hòa. Xóa bỏ chính quyền bù nhìn xong, tuyên bố thành lập ngay chính quyền cách mạng.
Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa tại tỉnh lỵ Sông Cầu. Ủy ban Khởi nghĩa phủ Tuy Hòa giành chính quyền ở phủ Tuy Hòa, riêng khu Tuy Hòa, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh sẽ đưa tỉnh trưởng Hồ Ngận đến Tuy Hòa bắt giao đồn và ấn tín. 23 giờ ngày 24/8, Đội tự vệ Nhà máy điện Sông Cầu do đồng chí Bách chỉ huy cùng các đơn vị tự vệ, trong đó đội tự vệ từ La Hai xuống triển khai chốt giữ các ngả đường quan trọng, bao vây dinh tỉnh trưởng, cùng lực lượng tại chỗ hỗ trợ quần chúng tiến hành khởi nghĩa. Ủy ban Khởi nghĩa chuẩn bị cán bộ tiếp quản các công sở, bố trí tự vệ bí mật ở các ngả đường. Nhờ quá trình chuẩn bị tốt, có cơ sở bên trong là ông Nguyễn Văn Thuận và một số lính khố xanh khác trong đồn phối hợp, đúng 23 giờ ngày 24/8/1945, lực lượng khởi nghĩa làm chủ đồn lính khố xanh Sông Cầu.
Lúc 0 giờ ngày 25/8/1945, đồng chí Nguyễn Thái, Ủy viên phụ trách an ninh được Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh cử đại diện Ủy ban Việt Minh tỉnh đến tỉnh đường. Tỉnh trưởng Hồ Ngận xin giao chính quyền, ấn tín và các loại giấy tờ cho cách mạng. Việc tiếp quản làm xong ngay trong đêm, các đội tự vệ được giao nhiệm vụ canh giữ những nơi cách mạng đã tiếp quản. Sáng 25/8/1945, nhân dân tập trung trước tỉnh đường. Sau khi cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ trước tỉnh đường, đồng chí Trương Kiểm thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh tuyên bố chính quyền thực dân phong kiến bị xóa bỏ, chính quyền nhân dân được thành lập.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang
Từ những đội tự vệ ban đầu với vũ khí thô sơ chủ yếu là tầm vông, giáo mác…, LLVT Phú Yên đã hình thành nên các đơn vị chủ lực của tỉnh, của huyện, xây dựng đầy đủ các binh chủng đặc công, công binh, pháo binh và các đơn vị phục vụ, từng bước trưởng thành, lớn mạnh toàn diện cả về chính trị, tổ chức.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như chống đế quốc Mỹ xâm lược, LLVT Phú Yên tuyệt đối “trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, CNH-HĐH đất nước; quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước cùng các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, LLVT Phú Yên đã từng bước được kiện toàn về tổ chức biên chế, được xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…, là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
Phát huy truyền thống 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong giai đoạn mới, LLVT tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ; tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai toàn diện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và xây dựng khu vực phòng thủ; tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả “3 khâu đột phá”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ về các mặt: Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường quản lý, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác.
Tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), xây dựng Đảng bộ Quân sự tỉnh và các tổ chức cơ sở đảng trong LLVT tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ VIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trước mắt, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2021 đạt mục đích yêu cầu đề ra; tích cực tham gia phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đại tá Phan Anh Khoa