Nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng chỉ ra ưu, khuyết điểm, hạn chế và đề xuất giải pháp để Mặt trận thực hiện tốt chức năng GS, PBXH hiện nay là rất cần thiết.
Gám sát, phản biện xã hội (GS,PBXH) là một chức năng chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; góp phần quan trọng bảo đảm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của cấp ủy, chính quyền các cấp đúng đắn; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng gia trưởng, độc đoán, xem nhẹ, coi thường pháp luật, suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ, chủ chốt trong điều kiện Đảng dụy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi Bộ Chính trị ban hành quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 về Quy chế giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, việc GS,PBXH của Mặt trận, được Đảng, các cấp ủy, chính quyền các cấp tạo thuận lợi thực hiện, đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng này của Mặt trận vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập. Nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng chỉ ra ưu, khuyết điểm, hạn chế và đề xuất giải pháp để Mặt trận thực hiện tốt chức năng GS, PBXH hiện nay là rất cần thiết.
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội hiện nay
* Giám sát, PBXH là một chức năng chủ yếu của MTTQ Việt Nam
Điều 1 Luật MTTQ Việt Nam, năm 2015, quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (1). Như vậy, GS,PBXH là một chức năng rất quan trọng của MTTQ Việt Nam. Mặt trận thực hiện chức năng này theo các quyết định của Bộ Chính trị: Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 124-QĐ/TW, ngày 02-02-2018 về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ, chủ chốt và cán bộ, đảng viên. MTTQ ở các cấp thực hiện chức năng GS,PBXH chủ yếu đối với hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức của tổ chức đảng, chính quyền cùng cấp và tập trung ở việc GS, PBXH của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp.
* Giám sát của MTTQ và Mặt trận thực hiện chức năng giám sát
Giám sát của MTTQ Việt Nam là giám sát xã hội. Theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 124-QĐ/TW, có thể hiểu: giám sát của Mặt trận là việc theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá, kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ, chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Nội dung giám sát của Mặt trận, gồm: Một là, việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận. Hai là, các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Ba là, việc thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng giám sát là toàn bộ hoạt động của Mặt trận với sự tham gia của nhân dân làm cho nội dung giám sát của Mặt trận được thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nâng cao đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt của tổ chức đảng, chính quyền các cấp.
Nội dung MTTQ Việt Nam thực hiện chức năng giám sát: gồm các hoạt động thực hiên những nội dung giám sát nêu trên của Mặt trận.
Phương thức MTTQ Việt Nam thực hiện chức năng giám sát: Một là, bằng chương trình, kế hoạch giám sát của Mặt trận đã thống nhất với cấp ủy và chính quyền cùng cấp. Hai là, bằng việc tiếp thu ý kiến phản ảnh của các thành viên, nhân dân, các chuyên gia và việc tổ chức khảo sát thực tế. Ba là, thông qua việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Bốn là, thông qua nghiên cứu văn bản, tài liệu, báo cáo của các cơ quan, tổ chức; đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân gửi Mặt trận; qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng. Năm là, tham gia các hoạt động giám sát do các cơ quan dân cử đề nghị.
* Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và Mặt trận thực hiện chức năng PBXH
Theo Quyết định số 217-QĐ/TW, có thể hiểu: PBXH là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước”. PBXH của MTTQ Việt Nam là việc Mặt trận nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị của mình đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm góp phần bảo đảm cho chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất nước, nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Nội dung PBXH của MTTQ Việt Nam: nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị của Mặt trận về: Một là, sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hai là, sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thực tiễn của đơn vị, địa phương. Ba là, tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bốn là, dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của văn bảo dự thảo.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng PBXH là toàn bộ hoạt động của Mặt trận với sự tham gia của nhân dân làm cho nội dung PBXH của Mặt trận được thực hiện, góp phần bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất nước và nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Nội dung MTTQ Việt Nam thực hiện chức năng PBXH: gồm các hoạt động thực hiên những nội dung PBXH nêu trên của Mặt trận.
Phương thức MTTQ Việt Nam thực hiện chức năng PBXH: Một là, bằng việc tổ chức hội nghị các cơ quan lãnh đạo trực thuộc Ủy ban Mặt trận; Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội từng cấp. Hai là, bằng việc tổ chức lấy ý kiến phản biện thông qua tổ chức, cá nhân thành viên trong hệ thống tổ chức của Mặt trận hoặc gửi văn bản dự thảo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện. Ba là, trong quá trình thực hiện chức năng PBXH, khi cần thiết Mặt trận tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chủ thể phản biện với cơ quan, tổ chức có văn bản dự thảo được phản biện.
2.Thực trạng MTTQ Việt Nam thực hiện chức năng GS, PBXH
Việc thực hiện chức năng GS,PBXH của MTTQ Việt Nam các cấp từ khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 124-QĐ/TW có chuyển biến tích cực và bước phát triển mới, đạt kết quả quan trọng. Báo cáo chính trị tại Đại hội IX MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 -2024 chỉ rõ: “Nhiệm kỳ Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định bước phát triển mới trong việc… thực hiện giám sát và phản biện xã hội” (2). Tại Đại hội XIII Đảng khẳng định: “Hoạt động giám sát, phản biện xã hội…. của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp và nhân dân theo các quyết định của Bộ Chính trị được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực” (3). Cụ thể là:
* Về thực hiện chức năng giám sát
Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện nội dung giám sát đạt kết quả quan trọng: đã coi trọng và triển khai giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước triển khai 12 chương trình giám sát cấp Trung ương; tập trung vào các lĩnh vực: chính sách đối với người có công; đổi mới giáo dục và đào tạo; quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; cải cách hành chính; thuế và hải quan; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế; bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước... (4). Sau gần ba năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW Ủy ban Mặt trận các cấp đã chủ trì giám sát 492.784 cuộc. Trong đó, cấp tỉnh 4.093 cuộc, bình quân 13 cuộc/năm; cấp huyện 22.679 cuộc, bình quân 6 cuộc/năm; cấp xã 466.012 cuộc, bình quân 8 cuộc/năm. Trong đó, đa số các cuộc giám sát về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp và việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt” (5). “Ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, trrong nhiệm kỳ 2014-2019 (nhiệm kỳ Đại hội VIII MTTQ Việt Nam), Ủy ban Mặt trận cấp xã chủ trì giám sát 466.012 cuộc” (6).
Phương thức giám sát của MTTQ các cấp đã có đổi mới đạt hiệu quả: Mặt trận các cấp đã thực hiện đạt hiệu quả bước đầu việc tổ chức các đoàn giám sát. “Nhiều Ủy ban Mặt trận các cấp đã coi trọng việc lấy ý kiến giám sát của các tổ chức thành viên, của nhân dân. Ở nhiều tỉnh việc lấy ý kiến giám sát của các nhà khoa học, các chuyên gia về các nội dung giám sát cụ thể, đem lại hiệu quả cao” (7). “Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp, tiếp nhận ý kiến phản ánh về các ứng viên chuẩn bị cho việc hiệp thương bầu đại biểu Quốc hội đạt kết quả, coi trọng tiếp nhận ý kiến phản biện của nhân dân trước và sau các kỳ họp Quốc hội (8).
* Về thực hiện chức năng PBXH
Mặt trận Tổ quốc các cấp đã quan tâm và có chuyển biến bước đầu về thực hiện nội dung PBXH: đã tập trung hơn vào nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị, đề nghị về sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kết khảo sát thực tế năm 2018 của đề tài khoa học cấp bộ của Trung tâm nghiên cứu khoa học Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam về đánh giá chất lượng PBXH: cấp Trung ương thực hiện tốt là 67,6%, chưa tốt là 17%; cấp tỉnh có số liệu tương ứng là 55,6% và 32,2%; cấp huyện 32% và 39,4%; cấp xã 28,8% 35.8% (9) [NDPB (BGMTTQ)]. Nhiều cuộc PBXH về sự cần thiết, tính cấp thiết của các văn bản dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nổi bật là phản biện về sự cần thiết, tính cấp thiết của Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Nhiều phản biện có giá trị của Mặt trận về một số dự thảo chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, về hỗ trợ khắc phục thiên tai, hộ nghèo, cứu trợ cá nhân và gia đình người chịu hậu quả lớn của đại dịch COVID - 19 ở một số tỉnh, phía Nam. Các phản biện về chủ trương của một số tỉnh, thành phố phía Bắc về phòng, chống đại dịch… Văn kiện Đại hội IX MTTQ Việt Nam chỉ rõ: “Trong nhiệm kỳ, ủy ban Mặt trận các cấp đã tổ chức 86.872 cuộc phản biện xã hội, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân” (10).
Phương thức PBXH của MTTQ các cấp đã có những đổi mới đem lại hiệu quả: các phương thức phản biện như: tổ chức hội nghị được Mặt trận ở hầu hết các cấp sử dụng; hội nghị đối thoại trực tiếp giữa ủy ban Mặt trận với lãnh đạo cơ quan, đơn vị có văn bản được phản biện được nhiều nơi thực hiện hiệu quả; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và trình Quốc hội thông qua Dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi). Việc tiếp nhận ý kiến phản biện của các tổ chức thành viên, các nhà khoa học, các chuyên gia về nội dung PBXH được Ủy ban MTTQ các cấp coi trọng. Số lượng các ý kiến phản biện ngày càng tăng và có chất lượng. Nổi bật là việc tiếp nhận ý kiến phản ánh về những ứng viên bầu vào đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp. Nhờ đó, hội nghị hiệp thương về vấn đề này ở nhiều nơi đạt hiệu quả cao. Việc tiếp nhận ý kiến phản biện của nhân dân trước và sau các kỳ họp Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp ngày càng nền nếp, hiệu quả hơn. Trong nhiệm kỳ khóa VIII Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp 38.140 ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo tại phiên khai mạc các kỳ họp của Quốc hội” (11). Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng GS,PBXH của MTTQ các cấp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập: Tại Đại hội XIII Đảng chỉ rõ: “Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp, nhất là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên” (12). Kết luận tại Hội nghị Trung ương bốn khóa XIII của Đảng nhấn mạnh: “Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả” (13) (Kết luận số 21-KL/TW). Công tác GS,PBXH của MTTQ cấp huyện và cấp xã còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng các cuộc GS,PBXH; việc xác định và thực hiện nội dung GS,PBXH của Mặt trận các cấp còn lúng túng, nhất là cấp xã; hiệu quả GS,PBXH của Mặt trận ở nhiều nơi chưa cao, hình thức, chung chung, chủ yếu ca ngợi, có biểu hiện e dè, nể nang đối với những hạn chế, khuyết điểm về lãnh đạo, quản lý và về đạo đức, lối sống; đáng quan tâm hơn là tình trạng lúng túng, chất lượng thấp trong PBXH.
3. Giải pháp chủ yếu thực hiện tốt chức năng GS, PBXH Mặt trận MTTQ Việt Nam hiện nay
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu về việc thực hiện chức năng GS,PBXH của Mặt trận.
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, để có hành động đúng đắn dể Mặt trận thực hiện tốt chức năng GS,PBXH; góp phần rất quan trọng bảo đảm cho các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền các cấp đúng đắn, đất nước phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; ngăn chặn, đẩy lùi tệ lộng quyền, lạm quyền, coi thường pháp luật và tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây là tình trạng dễ xảy ra trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, không thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức nêu trên, cán bộ, đảng viên về việc thực hiện chức năng GS, PBXH của MTTQ; coi trọng tuyên truyền về các chủ trương, quyết định, quy định của Đảng, Nhà nước về GS,PBXH của Mặt trận; đưa việc này vào nội dung sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và chương trình hoạt động của các cơ quan truyền thông đại chúng…
Hai là, Ủy ban MTTQ các cấp xác định đúng những vấn đề trọng tâm liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và những vấn đề nổi lên được nhân dân và dư luận quan tâm để xây dựng chương trình, kế hoạch GS, PBXH và lựa chọn phương thức GS, PBXH thích hợp đem lại hiệu quả.
Cần tập trung vào: giám sát việc việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ, chủ chốt và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; kê khai tài sản và thu nhập cá nhân, phong cách làm việc, thái độ đối với nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; PBXH đối với dự thảo chủ trương, quyết định của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, chống ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới, ngăn chặn tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tham những, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ…
Ba là, xây dựng MTTQ các cấp vững mạnh đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt chức năng GS,PBXH của Mặt trận.
Cần tập trung vào: đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Mặt trận các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể khoa học, khả thi; bổ sung, hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận các cấp, ổn định tổ chức bộ máy sau khi đổi mới, sắp xếp để bắt tay ngay vào hoạt động đạt hiệu quả, nhất là thực hiện GS,PBXH. Nâng cao chất lượng Ủy ban Mặt trận các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu về phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt chức năng GS,PBXH của Mặt trận các cấp; tập trung thực hiện tốt các khâu của công tác cán bộ từ khâu tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng, quản lý, đánh giá cán bộ; đặc biệt, coi trọng đổi mới chính sách cán bộ Mặt trận; xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, từng cán bộ có chất lượng tốt; coi trọng chủ tịch Ủy ban Mặt trận các cấp và việc tự học tập, tự rèn luyện của cán bộ.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy địa phương, sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền các cấp đối với việc thực hiện chức năng GS, PBXH của Mặt trận.
Đảng, các cấp ủy tăng cường quán triệt chủ trương, quyết định của Đảng về GS, PBXH của Mặt trận; lãnh đạo Mặt trận trong xác định nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch GS,PBXH; xây dựng đội ngũ cán bộ; cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, kỹ năng và kinh nghiệm công tác của cán bộ Mặt trận; tạo thuận lợi về phương tiện, điều kiệm làm việc để Mặt trận thực hiện tốt chức năng GS,PBXH; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, chính quyền đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, các cơ quan chính quyền, công chức, viên chức trong lãnh đạo, chỉ đạo và tạo thuận lợi cho Mặt trận cùng cấp thực hiện chức năng GS,PBXH; coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo sự phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, thanh tra, kiểm soát của Nhà nước, chính quyền các cấp với việc GS, PBXH của Mặt trận./.
TS Nguyễn Xuân Hưng
…………
(1). Quốc hội,Luật số 75/2015/QH13 ngày 09 - 06 - 2015.
(2); (5); (6); (10): MTTQ Việt Nam, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, tr. 36; 32; 39; 32.
(4); (7); (9): Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chuyên đề bồi dưỡng kiến thức về MTTQ Viện Nam cho cán bộ cấp Vụ, tập 2, Hà Nội, 2020, tr. 103; 103;104.
(8); (11): Trần Thanh Mẫn, MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Cộng sản số 942 (5-2020).
(3); (12): ĐCS VN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb CTQG Sự thật, H. 2021, tr. 204-205; 206
(13): ĐCS VN, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW khóa XIII, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội 2021, tr. 89.