Mấy vấn đề cần lưu ý khi thực hiện chuyển đổi số đối với các tổ chức, doanh nghiệp

Chuyển đổi số hiểu nôm na là việc khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC... đều ch

Chuyển đổi số hiểu nôm na là việc khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn...

Ảnh minh họa

1. Hiểu đúng về khái niệm “chuyển đổi số” và các lợi ích của nó

Chuyển đổi số hiểu nôm na là việc khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC... đều chỉ ra rằng, chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh...

Do vậy, tại Việt Nam, khái niệm “chuyển đổi số” thường được gắn liền với quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp hoạt động kiểu truyền thống sang doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp. Không chỉ có vai trò quan trọng tại các tổ chức, doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như: Các hoạt động của Chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học, tài chính...

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là:

- Cắt giảm chi phí vận hành;

- Tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn;

- Lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời;

- Tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... Những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và do vậy, tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

2. Thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Quá trình chuyển đổi số đã diễn ra trong những ngành như: Ngân hàng, Tài chính, Giao thông, Du lịch... Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Hơn 30 thành phố cũng định xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới... Công ty FPT cho biết cũng đang triển khai việc chuyển đổi số cho chính FPT với gần 36.000 con người và cam kết đạt kết quả trong vòng 1 năm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong khi họ chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp với trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp (có 80% đến 90% máy móc sử dụng là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980 - 1990).

Năm 2020, Cisco công bố báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, thực hiện trên 1.340 doanh nghiệp tại khu vực nói chung và 50 doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Báo cáo cho thấy, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),...

Dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%).

3. Các nội dung liên quan của chuyển đổi số

Chuyển đổi số liên quan đến một số lượng lớn các quy trình, các tương tác, các giao dịch, phát triển công nghệ, các thay đổi, các yếu tố bên trong và bên ngoài, các ngành công nghiệp, các bên liên quan,…

Chuyển đổi số theo nghĩa tích hợp và kết nối có thể bao gồm sự chuyển đổi của các yếu tố sau:

- Các hoạt động/chức năng kinh doanh: Tiếp thị, vận hành, nhân sự, quản trị, dịch vụ khách hàng...

- Quy trình kinh doanh: Một hoặc nhiều nghiệp vụ, hoạt động được kết nối để đạt được một mục tiêu kinh doanh cụ thể, nhờ đó quản lý, tối ưu hóa và tự động hóa quy trình kinh doanh. Tối ưu hóa quy trình kinh doanh là điều cần thiết trong các chiến lược chuyển đổi số. Trong hầu hết các trường hợp tối ưu hóa quy trình kinh doanh là sự kết hợp giữa mục tiêu hướng tới khách hàng và mục tiêu nội bộ.

- Mô hình kinh doanh: Cách thức hoạt động của các doanh nghiệp, từ phương pháp tiếp cận thị trường và đề xuất giá trị đến các cách doanh nghiệp kiếm tiền và chuyển đổi hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình, khai thác các nguồn doanh thu và cách tiếp cận mới, đôi khi, thậm chí bỏ hoạt động kinh doanh cốt lõi truyền thống ngay lập tức.

- Hệ sinh thái kinh doanh: Mạng lưới các đối tác và các bên liên quan, cũng như các yếu tố hoàn cảnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh như các thay đổi về pháp lý hoặc kinh tế. Hệ sinh thái mới được xây dựng giữa các công ty với nhiều nền tảng khác nhau.

- Quản lý tài sản doanh nghiệp: Theo đó, trọng tâm là tài sản truyền thống nhưng ngày càng tập trung vào tài sản ít “hữu hình” hơn như thông tin và khách hàng (nâng cao trải nghiệm khách hàng là mục tiêu hàng đầu của nhiều dự án»chuyển đổi số và thông tin là mạch máu của doanh nghiệp). Cả khách hàng và thông tin cần được coi là tài sản thực, theo đó phải có mục tiêu rõ ràng là lấy khách hàng làm trung tâm.

- Các mô hình hệ sinh thái và quan hệ đối tác: Cần gia tăng các mô hình hợp tác, đồng sáng tạo và các phương pháp tiếp cận hệ sinh thái kinh doanh hoàn toàn mới nhằm dẫn đến các mô hình kinh doanh và nguồn doanh thu mới. Hệ sinh thái sẽ là chìa khóa quan trọng trong nền kinh tế để đạt được thành công trong chuyển đổi số.

- Phương pháp tiếp cận khách hàng, nhân viên và đối tác: Chuyển đổi số đặt con người và chiến lược trước công nghệ. Việc thay đổi hành vi, kỳ vọng và nhu cầu của bất kỳ bên liên quan là rất quan trọng. Cần lưu ý là, công nghệ số không bao giờ là câu trả lời duy nhất để giải quyết bất kỳ khía cạnh nào của con người, từ sự hài lòng của người lao động đến nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Công nghệ chỉ là một yếu tố thúc đẩy bổ sung và là một phần của phương trình lựa chọn.

4. Những yếu tố thành công đối với việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp

Với nhiều lợi ích của việc chuyền đổi số nên nhiều doanh nghiệp trên thế giới đều đang trong xu hướng nghiên cứu thực hiện việc chuyển đổi số cho hoạt động của mình. Tuy nhiên, không phải việc chuyển đổi số luôn dễ dàng thực hiện với bất kỳ một doanh nghiệp nào.

Một nghiên cứu mới của Công ty tư vấn chiến lược Boston Consulting Group (BCG)(1) đã đưa ra sáu yếu tố quyết định tỷ lệ thành công của chuyển đổi số. Nghiên cứu của BCG liên quan đến cả tập dữ liệu bên trong và bên ngoài, dữ liệu nội bộ từ kinh nghiệm của BCG làm việc với 70 công ty hàng đầu trên toàn thế giới về chuyển đổi kỹ thuật số của họ trong vài năm qua và dữ liệu bên ngoài từ phản hồi của 825 giám đốc điều hành cấp cao trong một cuộc khảo sát chi tiết về trải nghiệm chuyển đổi của họ.

Trong cuộc khảo sát, các giám đốc điều hành được yêu cầu đánh giá sự chuyển đổi của họ trên thang điểm từ 1 đến 10. Thành công được xác định bao gồm tỷ lệ phần trăm các mục tiêu định trước đã được đáp ứng và giá trị đạt được, phần trăm mục tiêu và giá trị đạt được đúng thời hạn, mức độ thành công so với các chuyển đổi khác, và sự thành công liên quan đến nguyện vọng thay đổi bền vững của ban lãnh đạo. Nghiên cứu đã kiểm tra hơn 35 yếu tố phản ánh cam kết, chiến lược và cách tiếp cận, quản trị, tài chính và nguồn nhân lực, và các yếu tố hỗ trợ công nghệ.

Nghiên cứu của BCG cho thấy, chỉ có 30% chuyển đổi số đáp ứng hoặc vượt quá giá trị mục tiêu của chúng và dẫn đến thay đổi bền vững, 44% khác đã tạo ra một số giá trị nhưng không đạt được mục tiêu của họ và chỉ dẫn đến sự thay đổi hạn chế trong dài hạn, 26% cuối cùng tạo ra giá trị giới hạn (đạt dưới 50% mục tiêu) và không tạo ra thay đổi bền vững.

Từ quan điểm so sánh, các chuyển đổi số thành công tạo ra giá trị thêm 66%, cải thiện năng lực của công ty thêm 82% và đạt hơn 120% mục tiêu so với các chuyển đổi chỉ tạo ra giá trị hạn chế. So với những người đã tạo ra một số giá trị, những người thành công tạo ra giá trị nhiều hơn 29%, cải thiện năng lực thêm 20% và đạt thêm 32% mục tiêu.

Nghiên cứu của BCG cũng chỉ ra rằng, hơn 80% công ty có kế hoạch đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của công ty họ phần lớn là để đối phó với đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo kỹ thuật số đạt được mức tăng trưởng thu nhập cao hơn 1,8 lần so với những người đi sau về kỹ thuật số và hơn gấp đôi mức tăng trưởng về tổng giá trị doanh nghiệp.

Nghiên cứu cũng lưu ý hầu hết các chuyển đổi kỹ thuật số nếu đảm bảo sáu yếu tố thành công được thực hiện có thể đảo ngược tỷ lệ thành công từ 30% lên 80% (báo cáo Flipping the Odds of Digital Transformation Success). Sáu yếu tố thành công được tổng kết là:

(i) Một chiến lược tích hợp với các mục tiêu chuyển đổi rõ ràng: Chiến lược mô tả lý do tại sao, cái gì và bằng cách nào, gắn liền với các kết quả kinh doanh cụ thể, được lượng hóa.

(ii) Cam kết của lãnh đạo từ giám đốc điều hành đến quản lý cấp trung: Công ty có sự cam kết và liên kết cao về lãnh đạo bao gồm cả việc quản lý cấp trung và trách nhiệm giải trình nghiêm túc.

(iii) Triển khai nhân tài tầm cỡ: Ban quản lý nhận diện và tận dụng triệt để các nguồn lực có khả năng nhất để thúc đẩy chương trình chuyển đổi số.

(iv) Một tư duy quản trị nhanh nhạy thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn: Các nhà lãnh đạo giải quyết các rào cản một cách nhanh chóng, thích ứng với bối cảnh thay đổi và thúc đẩy sự thay đổi hành vi đa chức năng, theo định hướng nhiệm vụ vào tổ chức rộng lớn hơn. Họ đối phó với những thách thức riêng lẻ mà không đánh mất những mục tiêu rộng lớn hơn.

(v) Giám sát hiệu quả tiến độ hướng tới kết quả xác định: Công ty thiết lập các chỉ số và mục tiêu rõ ràng xung quanh các quy trình và kết quả, với đủ tính sẵn có và chất lượng dữ liệu.

(vi) Nền tảng dữ liệu và kiến trúc công nghệ theo nhu cầu kinh doanh: Công ty đưa ra một kiến trúc công nghệ hiện đại, phù hợp với mục đích, được thúc đẩy bởi nhu cầu kinh doanh để cho phép hiệu suất an toàn, có thể mở rộng, triển khai thay đổi nhanh chóng và tích hợp hệ sinh thái liền mạch.

Khi giải quyết sáu yếu tố này, các công ty phải đáp ứng hai điều kiện:

Thứ nhất, lãnh đạo của một tổ chức, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng, mỗi yếu tố trong số sáu yếu tố đều được giải quyết đầy đủ trong việc lập kế hoạch, chuẩn bị và thực hiện của họ. Hầu hết các công ty đều nỗ lực vào việc này, nhưng phần lớn vẫn không giải quyết đầy đủ từng yếu tố.

Thứ hai, điều quan trọng là phải giải quyết tất cả sáu yếu tố. Các tổ chức, doanh nghiệp giải quyết chỉ có ba hoặc bốn yếu tố đều thất bại. Trong số tất cả các kết hợp được kiểm tra, không có sự kết hợp nào có tác động đến thành công như sự kết hợp sáu yếu tố này.

ThS. Tống Quang Huy - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

--------------------------------

(1) BCG là tên của một công ty tư vấn chiến lược của Mỹ (The Boston Consulting Group), thành lập năm 1963 do Bruce Henderson sáng lập. Sau đó, nó nhanh chóng trở thành một trong ba công ty tư vấn chiến lược hàng đầu trên thế giới, bao gồm: McKinsey, Boston Consulting và Mercer. Lĩnh vực chủ yếu của tư vấn chiến lược là: Lập kế hoạch kinh doanh chiến lược, hoạch định chiến lược của công ty, hoạch định chiến lược Marketing (cấp công ty)...

  • Tags: