"Mỗi người dân là một chiến sỹ" - cùng tỉnh táo để có hành động đúng

PLQL - Dịch COVID-19 xuất hiện ngoài cộng đồng ở Việt Nam sau gần 100 ngày không có ca nhiễm mới. Dịch quay lại đã ít nhiều ảnh hưởng, làm đảo lộn mọi mặt đời sống, nhất là ở tâm dịch Đà Nẵng và một số địa phương khác.

PLQL - Dịch COVID-19 xuất hiện ngoài cộng đồng ở Việt Nam sau gần 100 ngày không có ca nhiễm mới. Dịch quay lại đã ít nhiều ảnh hưởng, làm đảo lộn mọi mặt đời sống, nhất là ở tâm dịch Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã có từ đợt dịch trước, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bộ ngành Trung ương và các địa phương, đặc biệt là ngành y tế đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cần thiết.

Trong bối cảnh đó, mỗi người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo để có những hành động đúng, sáng suốt để cùng chung tay chống dịch với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ”.

Đến sáng 31/7, ngoài ổ dịch được xác định tại Đà Nẵng với số ca mắc COVID-19 đã được công bố là 78 ca, các địa phương khác cũng đã có ca bệnh là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk.

Cả hệ thống chính trị, đi đầu là hệ thống y tế đã và đang tích cực, nỗ lực hàng giờ để khống chế các ổ dịch, điều trị cho các bệnh nhân.

Có thể nói, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực, thiết bị cùng với những kinh nghiệm được rút ra từ đợt trước, Việt Nam nói chung, các địa phương đã có ca mắc nói riêng đã vào cuộc nhanh chóng, kịp thời để sớm kiểm soát tình hình, hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch COVID-19.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những địa phương có nguy cơ lây lan lớn, hiện có 2 ca mắc mới là bệnh nhân số 449 và 450, chính quyền thành phố đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp, khởi động toàn bộ hệ thống giám sát dịch bệnh, đặc biệt là giám sát y tế và lấy mẫu xét nghiệm người dân đã từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7 đến nay hiện đang cư trú, lưu trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh luôn chủ động duy trì các biện pháp ngay từ những ngày đầu dịch xuất hiện; thực hiện nghiêm túc các giải pháp từ trước, trong, sau đợt dịch trước cho đến thời điểm hiện nay - khi đợt dịch mới xuất hiện.

Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu các sở ban ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục quán triệt thực hiện kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly- khoanh vùng - dập dịch (đặc biệt chú trọng khâu phát hiện); chỉ đạo theo phương châm phù hợp trong tình hình mới là “phòng dịch sớm - phát hiện kịp thời - cách ly triệt để”.

Qua đó, phát huy tinh thần "mỗi người dân là một chiến sỹ tham gia chống dịch", phải tự giác bảo vệ chính bản thân và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh.

Trước diễn biến dịch phức tạp, xuất hiện các ca mắc mới tại Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh mắc COVID-19, đặc biệt là trường hợp bệnh nặng.

Đồng thời, tổ chức tốt hoạt động cách ly tập trung và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước và chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao được nhập cảnh làm việc tại thành phố.

Với mỗi người dân, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị: Chúng ta cần chủ động phòng dịch tốt, nhất là biết kiềm chế những nhu cầu cá nhân cần thiết để xã hội được an toàn.

Các ca lây nhiễm ở Đà Nẵng đến nay chưa có kết luận xác định nguồn lây nhiễm từ đâu ? Trước đó đã xuất hiện hiện tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép - đây là một nguy cơ cao, làm tăng khả năng lây nhiễm từ nguồn này. 

Vì vậy, mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động đề phòng, nếu phát hiện có người nước ngoài xâm nhập trái phép, phải thông tin ngay đến cơ quan chức năng.

“Đó không phải là chuyện của người khác, mà đó là chuyện của chính mình, bởi nếu những người đó mang mầm bệnh thì là tai họa cho cả Thành phố. Người dân, đặc biệt cơ sở lưu trú, khi có khách nước ngoài phải đảm bảo việc đăng ký và thực hiện khai báo y tế chặt chẽ”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Những giải pháp được Thành phố triển khai thời điểm hiện nay đều căn cứ vào tình hình thực tế, phòng tránh nguy cơ từ xa như tạm dừng tổ chức các sự kiện có tập trung đông người (quá 30 người), tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường từ 0 giờ ngày 31/7...

Người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng, chủ động thực hiện theo các khuyến cáo của ngành y tế. Người dân cần nghiêm túc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng; rửa tay thường xuyên, đúng cách; hạn chế tập trung đông người; chủ động khai báo y tế, nhất là những người đã từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7 và các khu vực có ca mắc COVID-19 về thành phố.

Có một thực tế, các địa phương không thể nắm bắt được hết số lượng người từng đến Đà Nẵng thời gian qua, cũng như những người đã tiếp xúc ca mắc COVID-19, rồi F1, F2...

Vì vậy, chỉ có tinh thần tự giác, trách nhiệm với cộng đồng của từng người dân khai báo, chủ động liên lạc cơ sở y tế, tự cách ly mới hiệu quả, chuẩn xác nhất.

Xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 còn lâu dài, chính quyền và các cơ quan chức năng Thành phố đã xây dựng các phương án cụ thể và sẵn sàng ứng phó với các tình huống, diễn biến của dịch bệnh.

Thành phố đã chuẩn bị đủ vật tư y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế cho nhu cầu phòng, chống dịch cũng như nhu yếu phẩm. Người dân không nên hoang mang tích trữ lương thực, thực phẩm, khẩu trang... khi không cần thiết, cấp bách.

Ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc kiểm soát được dịch bệnh tốt hay không, có nguy cơ phải giãn cách xã hội hay không phụ thuộc rất nhiều vào hành động của từng người dân.

Nếu người dân Thành phố cùng hành động đúng theo khuyến cáo, cùng hợp lực với chính quyền, ngành y tế thành phố thì chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

Cùng với tập trung mọi lực lượng phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta cũng cần hết sức chú ý phòng, chống dịch bệnh khác cũng đang có những diễn biến hết sức phức tạp như bạch hầu, sốt xuất huyết... không để bùng phát và lan rộng tại các địa phương. Để biết thông tin về dịch bệnh, người dân cần theo dõi thông tin trên các kênh chính thống, tránh chia sẻ những thông tin sai sự thật làm hoang mang dư luận.

Cả nước cũng như Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch vừa tập trung khôi phục, phát triển kinh tế. Những quyết sách, chủ trương, giải pháp được các cơ quan chức năng đưa ra đều vì mục tiêu đặt lợi ích bảo vệ sức khỏe người dân lên hàng đầu, tuy nhiên để chống dịch hiệu quả cần có sự chung tay, góp sức của mỗi người dân.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "mỗi người dân là một chiến sỹ tham gia chống dịch", mỗi người dân hãy tự giác bảo vệ chính bản thân và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh.

Tất cả chúng ta hãy luôn tỉnh táo, bình tĩnh để có hành động đúng, chung tay cùng cả nước chống dịch COVID-19 thành công./.

  • Tags: