Một số bài học về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài

1. Đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài

Học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội ra đời cách đây hơn 160 năm và đã được Lênin đấu tranh bảo vệ, phát triển mạnh mẽ trong những năm đầu thế kỷ XX. Lênin và Đảng Bônsêvich Nga đã có công lớn đối với việc hình thành học thuyết chính thống về chủ nghĩa xã hội, hệ tư tưởng chính thức của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết cách mạng, khoa học đã chỉ ra tính tất yếu và quy luật vận động phát triển của lịch sử xã hội loài người, cung cấp hệ thống lý luận và phương pháp luận khoa học đúng đắn để nhận thức đúng thế giới và cải tạo thế giới; là “kim chỉ nam” cho hoạt động của các đảng cộng sản trong cuộc đấu tranh thực hiện sứ mệnh lịch sử lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột, giành lấy chính quyền về tay nhân dân lao động và xây dựng xã hội mới-xã hội cộng sản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Tư tưởng cách mạng, tiến bộ và các luận cứ khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin được thể hiện trong hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội, trong nội dung học thuyết giá trị thặng dư, học thuyết về hình thái kinh tế xã hội, về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, về vai trò của đảng cộng sản trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội khác.

Chính vì vậy, ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị các thế lực thù địch, phản động và cả thế giới tư bản chủ nghĩa tìm mọi phương cách, sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn xấu xa, bỉ ổi hòng phê phán, phủ nhận, xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo, vu cáo, công kích, đả phá rất quyết liệt núp dưới các danh xưng, màu sắc khác nhau, cả “tả khuynh và hữu khuynh”, nhất là chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa kinh tế, chủ nghĩa Mensêvích và các khuynh hướng tư tưởng phi vô sản khác. Càng về sau sự chống phá càng trở nên điên cuồng, quyết liệt trên cả bình diện lý luận và thực tiễn, với quy mô rộng lớn, mang tính toàn cầu. Điều này phản ánh tính chất của cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng - chính trị là “một mất một còn”, không khoan nhượng và cực kỳ gay go, phức tạp, quyết liệt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trên cả phạm vi quốc gia và quốc tế.... Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời năm 1930 đã phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận để bảo vệ tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cách mạng, giá trị đạo đức, dân chủ, nhân văn, tính thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ thực tiễn cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trong hơn 160 năm qua có thể khẳng định, trong bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào, ở phạm vi nào, dù phong trào cách mạng thế giới thắng thế hay thoái trào thì cuộc đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch của thế lực phản động, cơ hội chính trị, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin là không thể tránh khỏi, như Lênin đã khẳng định đó “không phải là điều ngẫu nhiên, mà là một hiện tượng tất nhiên”[1].Xét về bản chất, thực chất của cuộc đấu tranh đó là nhằm bảo vệ linh hồn sống, tức là những nguyên lý căn bản, cốt lõi; bảo vệ những giá trị mang tính thời đại, tính nhân đạo, nhân văn và tính tất yếu của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới; bảo vệ lập trường giai cấp, tính đảng và những vấn đề có tính nguyên tắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đồng thời tiếp tục nhận thức, bổ sung, phát triển làm phong phú những nội dung của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng phù hợp với đặc điểm của thời đại mới và cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới.

Ở Việt Nam, từ khi đất nước tiến hành đổi mới và từng bước hội nhập quốc tế, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động là không thay đổi nhưng chuyển sang hình thái mới, phương thức, thủ đoạn mới hết sức tinh vi xảo quyệt. Chúng lợi dụng Internet, báo điện tử, trang mạng xã hội, các website, các nền tảng công nghệ phổ biến: blog, Facebook, Youtube, Zalo…để tổ chức các chiến dịch phá hoại trên nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực cả lý luận và thực tiễn. Mục tiêu cơ bản của chúng là đả phá, công kích những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cộng sản cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội; âm mưu phủ nhận, loại bỏ nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng; đòi từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thông qua các con đường hợp tác, giao lưu, trao đổi văn hóa, tri thức khoa học, kinh tế, luật pháp[2]và các nền tảng công nghệ mạng để đưa các lý thuyết mới, tư tưởng mới thâm nhập vào Việt Nam hòng “pha loãng tư tưởng chính thống”, làm mờ nhạt nguyên lý, nguyên tắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tập trung phê phán, hạ thấp vai trò, ý nghĩa thời đại, lý luận của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lênin. Thâm độc hơn, chúng đem đối lập chủ nghĩa Mác- Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó đòi bác bỏ, thủ tiêu, loại bỏ chủ nghĩa Mác- Lênin ra khỏi Việt Nam…Thực chất của những chiêu trò, thủ đoạn này đều nhằm chống phá hệ tư tưởng và lý tưởng cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Phụ họa với các chiến dịch chống phá điên cuồng, bất chấp đạo lý của các thế lực thù địch là hoạt động phá hoại âm thầm, “mưa dầm thấm lâu” của các nhà lý luận, học giả tư sản phối hợp với số đối tượng cơ hội chính trị, “trở cờ”, bất mãn, tiêu cực, hận thù giai cấp ở trong nước. Chúng liên thủ với nhau, sử dụng các chiêu bài tung hứng ca ngợi, tâng bốc mô hình chủ nghĩa tư bản phát triển và chủ nghĩa xã hội dân chủ; bịa đặt, dựng chuyện, phê phán, đả kích, xuyên tạc chủ nghĩa xã hội và mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu trước đây. Đồng thời, tập trung tấn công phê phán, hạ bệ tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo, đóng góp, cống hiến của Đảng Cộng sản Việt Nam; xuyên tạc đường lối, chủ trương đổi mới, phủ nhận thành quả của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mục đích cuối cùng là hướng lái đất nước và Nhân dân ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa xã hội ta hòa nhập với các giá trị phương Tây.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và xu thế mới “cùng chia sẻ, cùng thắng, chung sống hòa bình” là một cơ hội lớn, thuận lợi cho sự xâm thực mạnh mẽ của “chủ nghĩa thực dụng”, “chủ nghĩa thực chứng” vào Việt Nam. Thế giới ngày nay đang biến đổi hết sức sâu sắc, chấp nhận mâu thuẫn đan xen với nhau và sự tồn tại trong đa dạng, đa văn hóa, đa lợi ích. Chính sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ số và Internet, mạng xã hội làm cho thế giới xích lại gần nhau hơn; quan hệ dường như không bị ngăn cách, cản trở bởi hàng rào ý thức hệ, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, biên giới địa lý và khoảng cách không gian, thời gian…Từ đó xuất hiện những chiến dịch xâm lăng về văn hóa- tư tưởng, hô hào lấp chỗ trống về tư tưởng - lý luận, cổ xúy lối sống thực dụng và giá trị phương Tây được phát động rầm rộ, công khai trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó các  nước lớn, “ông lớn” đều chú trọng gia tăng ảnh hưởng lợi ích chiến lược, lợi ích an ninh toàn cầu đã gây ra nhiều hệ lụy, nguy cơ làm chệch hướng những giá trị chuẩn mực trên cả phương diện chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức và ý thức con người. Nhiều tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ các học thuyết tạp nham phi giai cấp, phi ý thức hệ, phi lý tưởng, phi văn hóa, phi đạo lý truyền thống đã trực tiếp tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với Việt Nam...

Nhận thức đúng đắn tính chất, thực chất và bản chất đối kháng của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng- lý luận- chính trị là không khoan nhượng, phải hết sức kiên trì, kiên định, thường xuyên, liên tục, sáng tạo, mang tính trí tuệ và tính chiến đấu cao, Đảng ta luôn nêu cao ý thức chính trị và bản lĩnh, lập trường giai cấp, đồng thời xác định và khẳng định những vấn đề có tính nguyên tắc, đề ra những chủ trương, phương châm, biện pháp đấu tranh phù hợp. Cuộc đấu tranh của Đảng trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng để bảo vệ nền tảng tư tưởng đã được tổ chức trên phạm vi, quy mô rất rộng lớn, nhất là trên bình diện lý luận gắn với việc làm rõ, từng bước khẳng định, bổ sung những vấn đề mới về công cuộc đổi mới với sự lý giải tường minh, thấu đáo.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) chỉ rõ: cần phải “phê phán và bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch”, đồng thời “uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, những biểu hiện dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng”. Điều này thể hiện thái độ dứt khoát, đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực thù địch, phản  động, cơ hội chính trị, kiên quyết loại bỏ các luận điểm sai trái, đối lập, thù địch, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuộc đấu tranh này không chỉ góp phần bảo vệ tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn có sứ mệnh góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động. Gần đây, trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nêu rõ 6 quan điểm chỉ đạo lớn, trong đó khẳng định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng Tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc thường xuyên, tự giác, cấp thiết, lâu dài của cấp ủy, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ đảng viên, trước hết là người đứng đầu...”.Đại hội Đảng lần thứ XI (2011) khẳng định phải gắn cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, chống quan điểm sai trái, thù địch với chủ động phòng ngừa “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ và khắc phục sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ đảng viên. Đại hội lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch” gắn chặt với cuộc đấu tranh trong nội bộ, kiên quyết đấu tranh chống nạn nội xâm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm...”.

Về tổ chức thực tiễn cuộc đấu tranh, trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo thành lập một số tổ chức, thiết chế, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp các ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên, như: Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại; Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ; Ban Chỉ đạo 35 (trước đây là Ban Chỉ đạo 94); Ban Chỉ đạo 609; Ban Chỉ đạo đề án 213…Như vậy, về cả nhận thức và hành động thực tế, Đảng ta đã tỏ rõ quyết tâm chính trị cao, thái độ, tâm thế vững vàng, kiên quyết, kiên định đấu tranh không khoan nhượng, quyết liệt và thường xuyên với các hoạt động chống phá trên lĩnh vực tư tưởng - chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Toàn Đảng và cả hệ thống chính trị đã có sự thống nhất trong nhận thức cũng như hành động, tích cực, chủ động vào cuộc mà lực lượng xung kích, nòng cốt là cơ quan tuyên giáo các cấp, cơ quan truyền thông, thông tin, cơ quan nghiên cứu khoa học, lý luận, các ban đảng các cấp; lực lượng Công an, Quân đội và các nhà khoa học, các học giả thuộc chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đã có hàng vạn bài viết các thể loại, hàng nghìn cuốn sách, tài liệu đấu tranh phản bác, vạch trần sự giả dối, xảo biện; phát hiện, ngăn chặn các luận điệu sai trái, độc hại của các thế lực thù địch tấn công phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, phá hoại nội bộ. Về cơ bản, chúng ta giữ vững được thế trận và chủ động trên mặt trận chính trị tư tưởng; nắm chắc âm mưu chiến lược, chiến thuật, thủ đoạn, chiêu trò, biện pháp cách thức, hình thức, phương tiện chống phá của các loại đối tượng...Đảng luôn vững vàng về mặt chính trị, tuyệt đối không ngả nghiêng dao động, giữ vững vai trò, vị trí lãnh đạo Nhà nước và xã hội; kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo, đề ra hệ thống quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới toàn diện đúng đắn và vận hành trong thực tiễn đổi mới thành công, giành được những “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”, làm thay đổi căn bản diện mạo, uy tín, vị thế của Đảng và đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm đường lối của Đảng cũng gặp những hạn chế, khó khăn bất cập. Trong bối cảnh mới, các thế lực thù địch tăng cường, đẩy mạnh hơn bao giờ hết các chiến dịch, thủ đoạn chống phá từ bên ngoài, phối hợp, câu kết chặt chẽ với các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong nước, thông qua các kênh truyền dẫn của hơn 40 đài phát thành, truyền hình tiếng Việt, gần 500 báo, tạp chí, bản tin, nhà xuất bản tiếng Việt ở nước ngoài. Chúng đã lập ra hàng trăm trang website, blog, fanpage, mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài để truyền bá, chuyển tải thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, đả phá, công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá chủ nghĩa xã hội ở nước ta, công khai tấn công vào những vấn đề cơ bản của nền tảng tư tưởng của Đảng với lòng căm thù ngút trời của những kẻ thất thế, bại trận, vì lợi ích giai cấp ích kỷ, lợi ích cá nhân[3].

Bên cạnh đó, có lúc, có nơi, sự hiểu biết của một số người cộng sản, người cách mạng về chủ nghĩa Mác, về chủ nghĩa xã hội thiếu tính hệ thống, toàn diện, chưa thẩm thấu đầy đủ thế giới quan mác-xít, phương pháp luận mác-xít, thậm chí chưa đoạn tuyệt một cách dứt khoát với thế giới quan tư sản nói chung và thế giới quan dân chủ tư sản nói riêng. Cách thức tổ chức, mô hình, phương thức, biện pháp đấu tranh của ta có lúc chưa theo kịp sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình; lực lượng, trang bị phương tiện tham gia cuộc đấu tranh còn những hạn chế về nhiều mặt, chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên lĩnh vực thông tin, truyền thông[4].

Công tác phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin, tuyên truyền giữa các cơ quan, đơn vị chức năng còn chưa thống nhất, thiếu sự gắn kết và đồng bộ, phản ứng chậm, thiếu tính nhạy bén do yêu cầu và công tác bảo mật thông tin của lực lượng chuyên trách, nhất là những thông tin chính thống trong nội bộ. Một vấn đề đặt ra nữa là hầu hết những công trình nghiên cứu phản bác, đấu tranh có tầm cỡ, có giá trị lý luận, có tính khoa học thuyết phục lại chủ yếu xuất bản, lưu hành nội bộ hoặc đóng dấu mật; việc tiếp cận, khai thác, phổ biến truyền bá rộng rãi là không có hoặc rất hạn chế. Các bài viết đăng tải công khai, bút chiến cũng chỉ xoay quanh những vấn đề nhỏ lẻ, mang tính đối phó, phê phán cục bộ, không có tính hệ thống và thường của tác giả ít tên tuổi, uy tín, ảnh hưởng lan tỏa xã hội chưa rộng.

2. Một số bài học về đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Một là, bảo đảm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị tập trung mũi nhọn đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chuyển hóa chính trị của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ vững chắc địa vị và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và các giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội ở nước ta diễn ra rất quyết liệt, phức tạp, không ngơi nghỉ, dường như chưa có điểm dừng, điểm kết thúc. Mọi biểu hiện mất cảnh giác, lơ là, non kém về chính trị, buông lỏng trận địa đấu tranh tư tưởng đều có thể dẫn đến những kết cục khó lường, gây nguy hại cho chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng, làm xói mòn niềm tin, sức sống của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhân dân.

Do vậy, Đảng phải giữ vững và kiên trì chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, làm cho chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, tỏa sáng, phát huy sức sống là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng- lý luận, trước hết là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng từ trung ương đến cơ sở.Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấu hiểu bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin; tính mở của học thuyết, tư duy biện chứng lý luận luôn gắn liền với thực tiễn, chứa đựng hơi thở của thời đại, của cuộc sống, như sinh thời Lênin đã từng căn dặn:“Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[5]. Bản chất của tư duy biện chứng là không tách rời thực tiễn và luôn lấy thực tiễn để khẳng định chân lý. Cần kịch liệt phê phán những nhận thức, phương pháp tư duy và cách tiếp cận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo lối cực đoan, một chiều, giáo điều, bảo thủ, nhất là thái độ phiến diện, hẹp hòi, máy móc trong ứng xử với các giá trị văn minh nhân loại, đem đối lập chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội một cách gượng ép theo ý muốn chủ quan, minh họa đơn giản. Điều này vô tình biến những nguyên lý cơ bản, hệ thống lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin thành những quan điểm khô cứng, nguyên mẫu, không có mối liên hệ nào với thực tiễn và cuộc sống sinh động của thế giới đang vận động, phát triển; không đến xỉa gì đến tính đặc thù của các quốc gia, dân tộc... Phải tiến hành một cuộc đấu tranh toàn diện trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, lý luận, tuyên giáo nhằm bảo vệ tính cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung mũi nhọn đấu tranh bảo vệ vai trò và quyền lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, bảo vệ định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cấp ủy đảng các cấp phải thống nhất nhận thức và hành động, quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt các lực lượng, các ngành, các cấp vào cuộc mà lực lượng xung kích, nòng cốt là cơ quan tuyên giáo, cơ quan truyền thông, thông tin tuyên truyền, cơ quan nghiên cứu khoa học, Hội đồng Lý luận Trung ương, các ban đảng các cấp; lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, các nhà nghiên cứu lý luận, các học giả. Tập trung đấu tranh phản bác, vạch trần sự giả dối, xảo biện, phát hiện, ngăn chặn các luận điệu sai trái, độc hại của các thế lực thù địch tấn công phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận, hoàn thiện hệ thống quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thông qua các hình thức, phương thức, biện pháp phù hợp để huy động được sức mạnh tổng hợp mọi nguồn lực, trí tuệ, cơ chế chính sách phục vụ cuộc đấu tranh. Điều quan trọng là có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn đưa đất nước phát triển liên tục, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, tăng cường uy tín, vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Hai là, quan tâm xây dựng, củng cố và hoàn thiện cơ sở pháp lý làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng- lý luận.

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, thành lập các ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ là đầu mối cung cấp thông tin, phối hợp chỉ đạo công tác đấu tranh của nhiều lực lượng, như: các cơ quan nghiên cứu, giáo dục lý luận, tuyên giáo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, truyền thông, báo chí, xuất bản...Điều quan trọng là phải đề ra nội dung phù hợp, kế hoạch, chương trình hành động mang tính toàn diện, có tầm chiến lược trong từng thời kỳ, trên từng mặt, lĩnh vực hoạt động, trên từng địa bàn, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và ở khu dân cư....Đây là những căn cứ, cơ sở lý luận quan trọng để đẩy mạnh cuộc đấu tranh một cách thường xuyên, liên tục, không làm theo lối phong trào.

Thực tiễn, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng diễn ra rất quyết liệt, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do, tôn giáo, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Việc nhanh chóng cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng để tăng cường, hoàn thiện cơ sở pháp lý thông qua hệ thống luật pháp, các văn bản chỉ đạo của Nhà nước, của Chính phủ và các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự là yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế của thời đại ngày nay. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa, pháp luật hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ thể chế xã hội chủ nghĩa trong hệ thống pháp luật của Nhà nước một cách phù hợp, nhất là các bộ luật quan trọng liên quan đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, coi trọng việc xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ chuyên trách; mô hình, phương thức, biện pháp và cơ chế đấu tranh phù hợp với từng loại đối tượng, trên từng vấn đề, ở từng thời điểm.

Về mặt tổ chức lực lượng, cơ chế, biện pháp đấu tranh đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tính thiết thực, tính chiến đấu, tính khoa học của các công trình phản bác, phê phán luận điểm sai trái, thù địch chưa thật thuyết phục. Mô hình tổ chức bộ máy các Ban Chỉ đạo 35 chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả, thậm chí chồng chéo; việc trao đổi, chia sẻ thông tin, tài liệu còn nhiều bất cập. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sắp xếp kiện toàn bộ máy chỉ đạo, mô hình và cơ chế phương thức lãnh đạo cuộc đấu tranh phù hợp, hiệu quả và thiết thực hơn. Đặc biệt, không nên coi nặng về số lượng công trình, bài viết, cá nhân, đơn vị tổ chức đấu tranh phản bác mà quan trọng hơn là tìm cơ chế, biện pháp, hình thức tổ chức đấu tranh, tuyên truyền phù hợp, tập trung lực lượng mũi nhọn đấu tranh trong từng thời điểm, với từng loại đối tượng, từng vấn đề cụ thể, không để dàn trải, chồng chéo, trùng dẫm, thậm chí trái chiều nhau. Nghiên cứu ban hành quy định phổ biến, tuyên truyền công khai, rộng rãi các công trình nghiên cứu, bài viết phản bác có chất lượng, hàm lượng khoa học cao, sắc sảo, thuyết phục về lý luận và thực tiễn; mang tính hệ thống, toàn diện về mặt học thuật...

Trong quá trình tổ chức cuộc đấu tranh phải hết sức quan tâm chăm lo lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận chuyên nghiệp hoặc kiêm nhiệm có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ, tâm huyết tham gia cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng- lý luận. Đây là nguồn lực quan trọng bảo đảm tính chiến đấu, tính Đảng, tính khoa học, tính thuyết phục của cuộc đấu tranh này trên cả bình diện vĩ mô và vi mô. Bên cạnh đó, phải chú trọng phát huy cao độ lợi thế, tính chiến đấu của các công cụ thông tin, truyền thông hiện đại của Đảng, Nhà nước và các cơ quan ban, ngành, địa phương, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thiết thực, hiệu quả và tính lan tỏa xã hội.

Bốn là, nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Thực tiễn cho thấy, cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù giai cấp và dân tộc trên mặt trận tư tưởng- chính trị và cả ngay trong nội bộ Đảng diễn ra hết sức quyết liệt và phức tạp, nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Cuộc đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ hệ tư tưởng - lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng luôn gắn liền với việc bảo vệ các giá trị lợi ích chân chính của quốc gia, dân tộc. Trong lịch sử cũng như hiện tại, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại cách mạng Việt Nam với những thủ đoạn, phương thức, hình thức rất tinh vi xảo quyệt, lúc công khai trắng trợn, lúc ngấm ngầm, âm thầm, thậm chí cũng được che đậy dưới nhiều hình thức, núp dưới những vỏ bọc, danh nghĩa, chiêu bài tinh vi. Vì vậy, phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức trách nhiệm chính trị, bản lĩnh và lập trường giai cấp; kiên định cuộc đấu tranh, gắn việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Kịp thời phát hiện và khắc phục những yếu kém, lạc hậu trong công tác tư tưởng- lý luận. Đây là đòi hỏi khách quan, là yêu cầu đặt ra đối với mọi tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng.

Trên mặt trận tư tưởng - chính trị, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tổ chức những đợt tấn công với quy mô lớn, cường độ cao, có tổ chức chặt chẽ, câu kết trong ngoài nhằm chống phá công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hòng thực ý đồ chuyển hóa chế độ chính trị, tác động thay đổi tư tưởng, tâm lý, làm biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên trở thành “lực lượng chính trị đối lập ở bên trong”, làm ngòi nổ lật đổ, xóa bỏ chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam…Do đó, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải gắn liền với việc không ngừng mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội, đề cao trách nhiệm và phát huy vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân trong cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình, “tự soi, tự sửa” theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI và khóa XII để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong nội bộ, hạn chế đến mức thấp những nhân tố bất ổn từ bên trong.

Tóm lại:

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi mới, nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn. Thành tựu, kết quả của cuộc đấu tranh là to lớn, có ý nghĩa quan trọng trên cả phương diện chính trị, tư tưởng - lý luận và thực tiễn, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; hệ thống quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn được hình thành; đất nước tiếp tục phát triển vững vàng trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế.

Bài học lớn nhất của cuộc đấu tranh là phải luôn bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu, lý tưởng đề ra trong cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, phát huy tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết chống các khuynh hướng tư tưởng giáo điều, cực đoan, chủ quan duy ý chí, xa rời thực tiễn. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện hữu khuynh, cơ hội chính trị, mơ hồ, mất cảnh giác, nhụt chí chiến đấu, thiếu kiên quyết, kiên định trong cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh./.

Thiếu tướng, PGS.TS.NGUYỄN BÌNH BAN

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an


[1]Lênin toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, M.1980, tập 25, tr.155.

[2] Như các trào lưu tư tưởng: chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa thực chứng; các lý thuyết  nhân quyền cao hơn chủ quyền; lý thuyết về thế giới phẳng; về sự đụng độ giữa các nền văn minh…

[3] Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trung bình hàng ngày có khoảng trên 400 bài viết có nội dung phản động, thông tin xấu, độc hại, chống Đảng và Nhà nước ta được đưa lên không gian mạng. Trong đó, Facebook chiếm 90% với hàng vạn lượt tương tác...

[4] Theo nguồn Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, tính đến tháng 11/2018, cả nước có 844 cơ quan báo in, 184 báo in, 150 cơ quan báo điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, hơn 19.000 nhà báo có thẻ...

[5]Lênin toàn tập, Nxb Tiến Bộ,M.1980, tập 4, tr.232.

  • Tags: