Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng(1) đến nay (tính đến tháng 5-2020), nhất là sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện ráo riết, quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu; phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp giữa phòng ngừa với phát hiện, xử lý, giữa phòng, chống tham nhũng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữa trong nội bộ với ngoài xã hội, giữa trong nước với ngoài nước; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Những kết quả nổi bật
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận(2). Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm(3), góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Kết quả đó thể hiện trên 5 vấn đề sau đây:
Một là, tập trung chỉ đạo công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, kết hợp giữa xử lý hành chính, xử lý kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể với xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng được thực hiện trước, mở đường, tạo điều kiện cho kỷ luật của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.370 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy có thẩm quyền xử lý kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý(4). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, các dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm để phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm. Từ năm 2016 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý gần 455 nghìn tỷ đồng và hơn 8.100ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 8.000 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 409 vụ việc sai phạm.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với mức án nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, tạo bước đột phá trong công tác PCTN. Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra 12.178 vụ/20.668 bị can, truy tố 10.397 vụ/20.354 bị can, xét xử sơ thẩm 9.918 vụ/19.026 bị cáo về các tội tham nhũng, trật tự quản lý kinh tế và tội phạm khác về chức vụ(5). Ban Chỉ đạo đã đưa 120 vụ án, 95 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo (trong đó, Ban Chỉ đạo 110 được thành lập theo Quyết định số 110-QĐ/TW, ngày 24/01/2018, của Ban Bí thư theo dõi, chỉ đạo xử lý 10 vụ án/68 bị can liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Đinh Ngọc Hệ); đã xét xử sơ thẩm 76 vụ/775 bị cáo, tuyên phạt 11 bị cáo (10 người) tử hình, 23 bị cáo (22 người) tù chung thân, 12 bị cáo mức án 30 năm tù, 23 bị cáo mức án từ 20 năm đến dưới 30 năm tù, 658 bị cáo từ 12 tháng đến dưới 20 năm tù(6). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, xử lý nghiêm minh, có lý, có tình một số cán bộ cao cấp cả đương chức và đã nghỉ hưu, có vi phạm liên quan đến các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm(7). Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp khởi tố, điều tra 7.270 vụ/12.303 bị can, truy tố 5.976 vụ/11.613 bị can, xét xử sơ thẩm 5.641 vụ/10.970 bị cáo về các tội tham nhũng, trật tự quản lý kinh tế và tội phạm khác về chức vụ(8), qua đó, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đang dần được khắc phục(9); việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực(10). Một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, mà lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, và nhiều vụ, việc kéo dài từ những năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả. Đây là điểm sáng trong cuộc đấu tranh PCTN, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước cũng như hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng trong cuộc đấu tranh PCTN vừa qua, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Từ sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10/2019) đến nay (tính đến tháng 5/2020), đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, đã kết thúc điều tra 13 vụ/79 bị can, truy tố 15 vụ/105 bị can, xét xử sơ thẩm 19 vụ/106 bị cáo, nhất là: 1- Lần đầu tiên xét xử công khai, nghiêm minh 2 cán bộ nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng về tội nhận hối lộ và lãnh đạo doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước về tội đưa hối lộ trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG (Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu); 2- Xét xử 2 cán bộ nguyên chủ tịch, 2 cán bộ nguyên phó chủ tịch ủy ban nhân cấp tỉnh phạm tội liên quan đến các sai phạm trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước, quản lý đất đai trong vụ án Phan Văn Anh Vũ; 1 cán bộ nguyên thứ trưởng phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 1 cán bộ nguyên thứ trưởng do hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Đinh Ngọc Hệ;... 3- Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng(11), 12 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý(12); 4- Các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố 268 vụ án/475 bị can; truy tố 105 vụ/163 bị can; xét xử 127 vụ/268 bị cáo về các tội tham nhũng(13).
Hai là, đi đôi với tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng(14).
Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN được ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, đi vào cuộc sống, vừa có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm, tham nhũng.
Ba là, công tác cán bộ; cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được chú trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt những kết quả tích cực.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều đổi mới, nhất quán, rõ ràng, chỉ đạo giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ; “không chạy chức, chạy quyền” đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ với nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi(15). Kiểm soát tài sản, thu nhập; thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng(16). Cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo các cấp quan tâm hơn trong việc tiếp nhận, đối thoại, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, những vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.
Bốn là, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN được đổi mới, tăng cường; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí trong PCTN được phát huy tốt hơn.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong PCTN, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong hành động, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kết quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm, giúp định hướng tốt dư luận xã hội, thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong PCTN, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác PCTN. Cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát công tác PCTN.
Năm là, chú trọng kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về PCTN, từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước.
Các cơ quan kiểm tra, nội chính của Đảng, thanh tra, kiểm toán, công an, các cơ quan tư pháp trong quân đội, viện kiểm sát, tòa án vào cuộc ngày càng tích cực, hiệu quả; các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bổ sung 4 tội danh về tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước (tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ); Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 dành một chương riêng về hoạt động PCTN khu vực ngoài nhà nước.
Nguyên nhân chủ yếu của kết quả đạt được là: 1- Quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh PCTN; 2- Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ráo riết với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; 3- Sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN và các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương; 4- Sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của nhân dân, sự chủ động vào cuộc rất tích cực của báo chí, tạo sức mạnh tổng hợp trong PCTN.
Một số bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn công tác PCTN thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
1- Phải biến quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về PCTN thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN; gắn đấu tranh PCTN với đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2- Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong tình hình hiện nay, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách.
3- Phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN đồng bộ, thống nhất, khả thi và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Thực sự chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; xóa bỏ tình trạng đặc quyền, đặc lợi, kiểm soát có hiệu quả độc quyền của Nhà nước.
4- Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong PCTN. Chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng để báo chí và nhân dân theo dõi, giám sát. Phải lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng, không chạy theo dư luận. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội cao đối với công tác PCTN trong thời gian qua.
5- Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ, quyết liệt, vững chắc, phù hợp, “đúng vai, thuộc bài” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan của Đảng với các cơ quan của Nhà nước nói chung, chú trọng phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, nội chính của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nói riêng. Bảo đảm sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị PCTN.
6- Các giải pháp PCTN phải phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. Trong từng thời gian khác nhau phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá phù hợp với tình hình của đất nước, của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về PCTN.
Một số vấn đề rút ra qua chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế thời gian qua
Thứ nhất, các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý thời gian qua chủ yếu xảy ra từ các nhiệm kỳ trước(17). Bối cảnh và nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đó là: 1- Đất nước trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nhưng nhận thức ban đầu về kinh tế thị trường và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển bao trùm, bền vững... trong một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, tạo khoảng trống, bất cập giữa yêu cầu phát triển với khuôn khổ pháp lý và năng lực quản lý, điều hành, dẫn đến nhiều nơi “phá rào”; 2- Trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý còn thiếu khuôn khổ pháp lý ràng buộc và chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, chưa chú ý đánh giá rõ đâu là năng động, sáng tạo, đâu là làm liều, làm ẩu để trục lợi, vì lợi ích nhóm; thiếu sự kiểm tra, phát hiện, cảnh báo kịp thời, kiên quyết của các cơ quan chức năng cấp trên, dẫn đến tùy tiện, lạm quyền, sai phạm, tham nhũng; 3- Ảnh hưởng của “tư duy nhiệm kỳ”, nóng vội để phát triển, từ đó có sự dễ dãi, buông lỏng kỷ luật, kỷ cương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý kinh tế - xã hội; 4- Công tác kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn hiệu quả chưa cao; tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; 5- Ý thức tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức và vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị còn có những hạn chế, có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ; một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Thứ hai, việc xem xét, xử lý sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra trong thời gian qua phải được nhìn nhận rất biện chứng, với quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể và quan điểm phát triển; phân tích kỹ bối cảnh lịch sử cụ thể về tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm; xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại và nguyên nhân để đánh giá khách quan, toàn diện trong tổng hòa các mối quan hệ. Từ đó, xác định đúng bản chất của vụ việc, hành vi sai phạm là vi phạm hành chính, dân sự hay hình sự để quyết định xử lý phù hợp, “thấu lý, đạt tình”, “rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn”, “truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”; xử lý nghiêm những người có hành vi sai phạm vì động cơ vụ lợi, cá nhân, đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, bứt phá, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung theo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng(18). Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc vừa qua(19); Ban Tổ chức Trung ương đang khẩn trương xây dựng, tham mưu Bộ Chính trị về cơ chế khuyến khích và bảo vệ những cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thứ ba, các vụ án tham nhũng, kinh tế xảy ra trong thời gian qua rất phức tạp, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn(20); hành vi phạm tội có sự đan xen, gắn kết giữa hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và hành vi tham nhũng(21); đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có cả cán bộ cấp cao, cả cán bộ trong lực lượng chống tham nhũng, có kiến thức và kinh nghiệm, dùng mọi thủ đoạn đối phó, né tránh, che giấu sai phạm, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có..., gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, xử lý; nhưng cũng có nhiều đối tượng là cán bộ, công chức, người lao động phụ thuộc, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của đối tượng phạm tội là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, bị ràng buộc bằng cơ chế hành chính, mệnh lệnh, chưa nhận thức rõ hành vi phạm tội.
Do vậy, quá trình chỉ đạo, xử lý phải quán triệt nguyên tắc “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “rõ đến đâu xử lý đến đó”; xem xét, đánh giá đúng bản chất, vai trò, tính chất, mức độ hành vi sai phạm của các đối tượng, đúng nguyên tắc hoạt động của cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước trong các mối quan hệ giữa chủ thể chủ trì và chủ thể phối hợp (một việc chỉ giao một cơ quan, tổ chức, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính), giữa thủ trưởng và nhân viên, giữa người có thẩm quyền quyết định và người tham mưu, giúp việc, thực hiện; từ đó xác định rõ trách nhiệm hình sự hay hành chính và cá thể hóa cho phù hợp(22), với tinh thần “trị bệnh cứu người”, tránh xử lý hình sự tràn lan; đồng thời phải chú trọng thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, khoan hồng tương xứng đối với những người ăn năn, hối lỗi, tích cực khắc phục hoàn toàn hậu quả do mình gây ra.
Thứ tư, từ việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm thời gian qua, đã có ý kiến lo ngại rằng, việc xử lý nghiêm khắc như vậy sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm “chậm” sự phát triển; một số cán bộ, công chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện thiếu quyết liệt, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ sai, dẫn đến trì trệ. Thực tế, công tác PCTN và chỉnh đốn Đảng thời gian qua không “làm chậm” sự phát triển, mà đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội(23); củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân; làm cho cán bộ, công chức cẩn trọng hơn trong giải quyết công việc. Đẩy mạnh PCTN và chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, không nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, những người thiếu bản lĩnh. Do vậy, cần quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về chấn chỉnh, đấu tranh với tư tưởng lo ngại này trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; phải có ngay “liều vắc-xin” chống “vi-rút trì trệ” như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong công tác PCTN và chỉnh đốn Đảng. Vừa kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm những vụ, việc đã xảy ra, vừa đẩy mạnh công tác phòng ngừa tham nhũng, vừa đề cao cảnh giác và xử lý kịp thời những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để gây rối, bôi nhọ, làm mất đoàn kết nội bộ, chống phá đại hội đảng các cấp.
Thứ năm, qua xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, cần chú ý phát hiện những sơ hở, bất cập để khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và PCTN.
Một số vấn đề cần được quan tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới
Tuy đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, nhưng tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội(24); tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
1- Tham nhũng diễn ra trong nội bộ, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; liên quan đến lợi ích, tiền tài, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân; do đó, là cuộc đấu tranh rất khó khăn, phức tạp, lâu dài, luôn bị các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng để chống phá, gây mất ổn định chính trị. Vì vậy:
- Vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng; vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng; đồng thời bảo vệ, phát huy được nhân tố tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng cho được văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
- Vừa phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức xã hội, truyền thông, báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng; vừa phải cảnh giác và đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng để bôi nhọ, phá hoại Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
2- Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; phải được tiến hành ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, thực hiện đồng bộ các biện pháp; có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Người đứng đầu phải gương mẫu, quyết liệt và chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Phải kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi né tránh, dung túng, bao che tham nhũng; nhưng phải đánh giá đúng, bảo vệ những cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu chủ động, tích cực phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.
3- Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”, do đó người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn, lạm dụng, lợi dụng quyền lực thì phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Vì vậy, phải công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập và nâng cao trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của Đảng và Nhà nước để “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng” và “không cần tham nhũng”.
4- Chú trọng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN; nhất là đội ngũ cán bộ kiểm tra, nội chính đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án trực tiếp làm công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các lực lượng này, phải “chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo(25).
5- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương thể chế hóa các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN đã được đề ra trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng để tổ chức thực hiện nghiêm túc. Khắc phục tình trạng nghị quyết đúng, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước không thiếu nhưng thực hiện không nghiêm, không hiệu quả.
6- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương làm rõ các trường hợp cán bộ, đảng viên có liên quan trong các vụ án, vụ việc để phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng các cấp.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Phải tập trung vào làm, hành động, thực hiện, không chỉ là lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung, mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong thực tế”(26); “Trung ương đã và đang làm quyết liệt, địa phương cũng phải quyết liệt. Công tác chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật không thiếu, nhưng cái cần nhất hiện nay là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền phải vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao và quyết liệt hơn”(27).
(1) Ban Chỉ đạo được thành lập ngày 1-2-2013 theo Quyết định số 162-QĐ/TW của Bộ Chính trị (2) Năm 2019, so với năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (năm 2016), tỷ lệ đánh giá công tác “phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm” đã đạt được kết quả đáng phấn khởi, tăng từ 29% lên 48%; năm 2020, tỷ lệ dự đoán công tác PCTN sẽ có sự chuyển biến tích cực đạt 75% (năm 2018, dự đoán cho năm 2019 đạt tỷ lệ 66%; năm 2017, dự đoán cho năm 2018 đạt tỷ lệ 52%; năm 2016, dự đoán cho năm 2017 đạt tỷ lệ 45% - theo Báo cáo số 23-BCĐT/DLXH, ngày 16-4-2020, của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương). Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2015 đạt 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu; năm 2016, đạt 33/100 điểm, đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu; năm 2019, đạt 37/100 điểm, đứng thứ 96/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu (3) Theo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2019 (PAPI 2019), cảm nhận về mức độ thay đổi của tham nhũng ở các cấp chính quyền thể hiện như sau: ở cấp quốc gia mức độ tham nhũng thuyên giảm đạt tỷ lệ 54,22% (năm 2018 đạt tỷ lệ 49,32%); ở cấp tỉnh/thành phố mức độ tham nhũng thuyên giảm đạt tỷ lệ 59,71% (năm 2018 đạt tỷ lệ 55,68%); ở cấp xã/ phường mức độ tham nhũng thuyên giảm đạt tỷ lệ 65,42% (năm 2018 đạt tỷ lệ 59,78%) (4) Trong đó có 23 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (có 2 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, 1 đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (5) Trong đó, tội phạm tham nhũng: đã khởi tố, điều tra 1.753 vụ/3.800 bị can, truy tố 1.796 vụ/4.113 bị can, xét xử sơ thẩm 1.691 vụ/3.841 bị cáo; tội phạm khác về chức vụ: đã khởi tố, điều tra 226 vụ/712 bị can, truy tố 204 vụ/721 bị can, xét xử sơ thẩm 185 vụ/704 bị cáo; tội phạm kinh tế: đã khởi tố, điều tra 10.199 vụ/16.174 bị can, truy tố 8.397 vụ/15.517 bị can, xét xử sơ thẩm 8.042 vụ/14.481 bị cáo (6) Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã theo dõi, chỉ đạo xử lý 114 vụ án, 92 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đến nay, đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 62 vụ án/598 bị cáo, tuyên phạt 3 bị cáo tử hình, 12 bị cáo (11 người) tù chung thân, 8 bị cáo 30 năm tù, 19 bị cáo từ 20 năm đến dưới 30 năm tù, 510 bị cáo từ 12 tháng đến dưới 20 năm tù, trong đó phạt tù cho hưởng án treo 120 bị cáo, cải tạo không giam giữ 16 bị cáo, phạt tiền 29 bị cáo, miễn trách nhiệm hình sự 1 bị cáo; xét xử phúc thẩm 48 vụ/459 bị cáo, tuyên phạt 5 bị cáo án tử hình, 12 bị cáo tù chung thân, 14 bị cáo mức án 30 năm tù, 16 bị cáo mức án từ 20 năm đến dưới 30 năm tù, 377 bị cáo mức án từ 20 tháng đến dưới 20 năm tù... Trong đó, có 14 cán bộ diện Trung ương quản lý (5 người là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị); nhiều sĩ quan cấp cao trong lực lượng vũ trang (3 nguyên thứ trưởng, 6 sĩ quan cấp tướng, 11 sĩ quan cấp thượng tá, đại tá) Riêng Ban Chỉ đạo 110 đã theo dõi, chỉ đạo xử lý 10 vụ án/68 bị can liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Đinh Ngọc Hệ (trong đó, có 7 vụ án/39 bị can liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; 3 vụ án/29 bị can liên quan đến Đinh Ngọc Hệ). Đến nay, đã xét xử sơ thẩm 8 vụ án/50 bị cáo, tuyên phạt 2 bị cáo 30 năm tù, 46 bị cáo từ 18 tháng đến dưới 20 năm tù (trong đó, phạt tù cho hưởng án treo 2 bị cáo), cải tạo không giam giữ 1 bị cáo, miễn trách nhiệm hình sự 1 bị cáo; xét xử phúc thẩm 4 vụ án/15 bị cáo, tuyên phạt 1 bị cáo 30 năm tù, 13 bị cáo từ 18 tháng đến dưới 12 năm tù, cải tạo không giam giữ 1 bị cáo (7) Có 15 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 6 sĩ quan cấp tướng), 11 sĩ quan cấp thượng tá, đại tá (8) Trong đó, tội phạm tham nhũng: đã khởi tố, điều tra 970 vụ/2.137 bị can, truy tố 939 vụ/2.209 bị can, xét xử sơ thẩm 892 vụ/2.118 bị cáo; tội phạm khác về chức vụ: đã khởi tố, điều tra 126 vụ/471 bị can, truy tố 106 vụ/424 bị can, xét xử sơ thẩm 101 vụ/441 bị cáo; tội phạm kinh tế: đã khởi tố, điều tra 6.174 vụ/9.695 bị can, truy tố 4.868 vụ/9.010 bị can, xét xử sơ thẩm 4.648 vụ/8.411 bị cáo (9) Nhiều địa phương đã chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, xử lý nghiêm cả cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Dương, Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang,... (10) Nhất là trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 50.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn thi hành án, công tác thu hồi tài sản cũng có bước chuyển biến; giai đoạn 2016 - 2018, đã thu hồi được số tiền 10.255 tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần giai đoạn 2013 – 2015 (11) Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa (12) Gồm: 6 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ); 3 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng, 5 phó bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (13) Các địa phương điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nam Định, Sơn La, Hòa Bình,... (14) Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 80 văn bản nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTN. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 62 luật, 1 pháp lệnh, 66 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 611 nghị định, 532 nghị quyết, 197 quyết định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội (15) Kết luận số 12-KL/TW, ngày 23-3-2017, của Bộ Chính trị, về “Sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ”; Thông báo Kết luận số 36-TB/TW, ngày 19-7-2017, của Bộ Chính trị, “Về công tác luân chuyển cán bộ”; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị, về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 7-10-2017, của Bộ Chính trị, “Về luân chuyển cán bộ”; Kết luận số 24-KL/TW, ngày 15-12-2017, của Bộ Chính trị, “Về nguyên tắc điều động, phân công, bố trí công tác đối với cán bộ Trung ương luân chuyển”; Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017, của Bộ Chính trị, “Về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25-2-2019, của Bộ Chính trị, “Về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”; Thông báo Kết luận số 48-KL/TW, ngày 26-4-2019, của Ban Bí thư, “Về kết quả tự kiểm tra, rà soát thực hiện công tác cán bộ”; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Thông báo Kết luận số 71-KL/TW, ngày 24-3-2020, của Ban Bí thư, “Về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông báo kết luận số 43-TB/TW ngày 28-12-2017 của Bộ Chính trị”... (16) Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 tăng 14 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 68/190 nền kinh tế trên thế giới); năm 2019 xếp thứ 69/190 nền kinh tế. Theo kết quả PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2019, 81,3% số doanh nghiệp nhận thấy “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” (tăng so với mức 67,4% năm 2015; 74,1% năm 2018); 72,6% số doanh nghiệp cho biết “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn so với quy định” (năm 2017 là 67%, năm 2018 là 68,9%)… Theo kết quả PAPI năm 2019, 87% số người sử dụng hài lòng với dịch vụ chứng thực, xác nhận và dịch vụ hành chính cấp xã, phường,... (17) Như vụ án Dương Chí Dũng, vụ án Vũ Quốc Hảo, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, vụ án Phạm Công Danh, vụ án Hà Văn Thắm, vụ án Giang Kim Đạt, vụ án Đinh La Thăng, vụ án Trịnh Xuân Thanh, vụ án Phan Văn Anh Vũ, vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương, vụ án AVG, vụ án Đinh Ngọc Hệ... (18) “Bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, chúng ta cũng cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước; việc đánh giá, nhìn nhận về các sai phạm cũng cần phải đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, phù hợp” (Phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018) (19) Như các vụ án xảy ra tại: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Đại Tín, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)... (20) Như vụ án AVG là trên 8.770 tỷ đồng; các vụ án về Phan Văn Anh Vũ khoảng 20.000 tỷ đồng; vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín trên 10.000 tỷ đồng; vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam trên 9.000 tỷ đồng... (21) Tỷ lệ án tham nhũng/án tham nhũng, kinh tế được khởi tố từ năm 2011 đến năm 2016 là 19,2% (1.667 vụ/8.668 vụ); từ năm 2016 đến năm 2019 là 23,5% (1.267 vụ/5.380 vụ). Trong tổng số 119 vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo có 34 vụ án tham nhũng (28,57%); nhiều vụ án được mở rộng điều tra, như: 1- Vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, ban đầu khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; sau khi mở rộng điều tra, cơ quan điều tra đã bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội “Tham ô tài sản”, khởi tố 7 bị can về tội “Tham ô tài sản”; 2- Mở rộng điều tra giai đoạn II vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khởi tố bị can đối với Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông; 3- Vụ án Mobifone mua 95% số cổ phần AVG, ban đầu khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư gây hậu quả nghiêm trọng”; quá trình điều tra mở rộng, đã khởi tố bổ sung vụ án về tội “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”, khởi tố bổ sung 4 bị can về tội “Nhận hối lộ”, khởi tố 1 bị can về tội “Đưa hối lộ”; 4- Vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm; Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm, đến nay đã mở rộng điều tra, xử lý đối với 11 vụ án, 11 vụ việc liên quan, trong đó có nhiều vụ án, bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội tham nhũng (22) Giữa các trường hợp vi phạm, bị can, bị cáo là người lãnh đạo, người có thẩm quyền quyết định và người tham mưu, người thực hiện, người chấp hành nhiệm vụ cấp trên; giữa thủ trưởng và nhân viên, người làm công ăn lương; giữa người chủ mưu, cầm đầu, tích cực thực hiện và người đồng phạm giúp sức; giữa người quanh co chối tội và người thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, tích cực khắc phục hậu quả... (23) Năm 2017, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP đạt 6,81%; năm 2018, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, mức cao nhất trong vòng một thập niên trở lại đây; năm 2019, 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt chỉ tiêu, GDP tăng trưởng 7,02%, là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng GDP vượt mức 7% kể từ năm 2011;… (24) Theo báo cáo số 16-BCĐT/DLXH, ngày 6-8-2019, của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, 80% số người được hỏi ý kiến cho rằng, tham nhũng đứng đầu trong các vấn đề mà người dân lo lắng, bức xúc nhất (25), (26) Phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 5-5-2014 (27) Báo Nhân Dân, số Xuân Mậu Tuất, năm 2018 |
Đồng chí Phan Đình Trạc
(Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương)