Cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã thu hút một số lượng lớn các thương nhân nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Quá trình hợp tác không thể tránh khỏi phát sinh các tranh chấp.
Hầu hết các thương nhân nước ngoài đều mong muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài thương mại thay vì tòa án. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam và các quy tắc tố tụng trọng tài của các trung tâm trọng tài hoặc quy tắc do các bên trong tranh chấp tự đặt ra để giải quyết các tranh chấp quốc tế phát sinh nhiều xung đột pháp luật cần sớm được khắc phục.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ phân tích các xung đột dựa trên điều kiện của một thỏa thuận trọng tài mà theo đó các bên lựa chọn một tổ chức trọng tài Việt Nam (hoặc chỉ thỏa thuận lựa chọn quy tắc tố tụng của một tổ chức trọng tài mà không nêu rõ lựa chọn tổ chức trọng tài đó để giải quyết tranh chấp), với pháp luật áp dụng (luật nội dung) là pháp luật Việt Nam, luật thủ tục là quy tắc tố tụng của một tổ chức trọng tài khác hoặc quy tắc do các bên trong tranh chấp tự đặt ra.
Ảnh minh họa (Internet)
Có thể nói ưu điểm nổi bật nhất của tố tụng trọng tài so với tố tụng tòa án đó là tính linh hoạt và đặc biệt đề cao vai trò tự do ý chí (quyền lựa chọn) của các bên trong tranh chấp – đây cũng là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng trọng tài. Chính vì thế, có không ít thỏa thuận trọng tài mà theo đó các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài này, nhưng lại sử dụng một bộ quy tắc tố tụng của một trung tâm trọng tài khác, và thường gặp nhất là các bên lựa chọn bộ quy tắc trọng tài UNCITRAL – UAR, thậm chí có trường hợp lựa chọn bộ quy tắc của ICC – IAR. Trong khi pháp luật về trọng tài thương mại Việt Nam có khuynh hướng xem trường hợp này như là một Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được (khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao). Vậy, khả năng phát sinh những xung đột pháp luật gì giữa luật nội dung và luật tố tụng khi giải quyết các tranh chấp quốc tế tại Việt Nam?
Về thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được và hiệu lực của Thỏa thuận trọng tài phức hợp
Trường hợp một thỏa thuận trọng tài trong đó các bên chỉ thỏa thuận lựa chọn quy tắc tố tụng của một tổ chức trọng tài mà không nêu rõ lựa chọn tổ chức trọng tài ban hành quy tắc để giải quyết tranh chấp thì tổ chức trọng tài đó có thẩm quyền mặc nhiên giải quyết tranh chấp hay không?
Luật Trọng tài Thương mại 2010 cũng như Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP không đề cập đến trường hợp này. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP có quy định về một trong các trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được như sau: “4. Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế”. Do đó, có thể lập luận theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự để cho rằng, việc các bên lựa chọn quy tắc trọng tài của một tổ chức trọng tài nhưng không nêu rõ lựa chọn tổ chức trọng tài này giải quyết tranh chấp được xem như đây là trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, nghĩa là tổ chức trọng tài ban hành quy tắc được lựa chọn không mặc nhiên là tổ chức trọng tài có thẩm quyền.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp các bên xác định rõ tổ chức trọng tài giải quyết tranh chấp, nhưng lại thỏa thuận lựa chọn quy tắc tố tụng của một tổ chức trọng tài khác (Thỏa thuận trọng tài phức hợp), vấn đề vẫn phát sinh khi chính quy tắc trọng tài được lựa chọn nêu rõ trong nội dung quy tắc rằng việc lựa chọn quy tắc của tổ chức trọng tài đồng nghĩa với việc tổ chức trọng tài ban hành quy tắc được lựa chọn có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (như trường hợp Bộ quy tắc tố tụng của ICC). Vậy, trong trường hợp các bên lựa chọn luật điều chỉnh hợp đồng là luật Việt Nam và lựa chọn quy tắc tố tụng ICC, thì quy định của pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam hay quy định của quy tắc trọng tài được lựa chọn được áp dụng ? Nếu lựa chọn theo luật nội dung (pháp luật Việt Nam) thì có thể xác định đây là trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, và do đó tổ chức trọng tài nơi có quy tắc được lựa chọn không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Nếu lựa chọn theo luật hình thức (quy tắc tố tụng của tổ chức trọng tài các bên đã lựa chọn) thì tổ chức trọng tài nơi có quy tắc được lựa chọn có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Trường hợp một Trung tâm trọng tài Việt Nam thụ lý giải quyết tranh chấp theo một Thỏa thuận trọng tài phức hợp như đề cập trên và các bên thỏa thuận luật áp dụng để giải quyết tranh chấp là luật Việt Nam, liệu một trong các bên (thường là bị đơn) có quyền phản đối tố tụng trọng tài với lý do thỏa thuận trọng tài thuộc trường hợp không thể thực hiện được theo khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hay không?
Trong trường hợp này, nếu trung tâm trọng tài đó vẫn tiếp tục thụ lý giải quyết và ra phán quyết, liệu bên phản đối tố tụng trọng tài có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài với lý do như trên? Tòa án có quyền hủy phán quyết trong trường hợp này không? Lưu ý rằng các căn cứ hủy phán quyết trọng tài quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010, không có căn cứ về trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, mặc dù điểm c khoản 2 Điều 7 của Luật này cũng như Điều 5 của Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP có xác định tòa án có thẩm quyền đối với khiếu nại tố tụng trọng tài về Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Tuy nhiên, cả Luật và Nghị quyết trên đều không quy định cách giải quyết cụ thể.
Về hình thức trọng tài
Về nguyên tắc, pháp luật Việt Nam cũng như thế giới đều thừa nhận hai hình thức trọng tài: Trọng tài quy chế (institutional arbitration) và Trọng tài vụ việc (trọng tài Adhoc). Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam 2010 (khoản 6 và khoản 7 Điều 3) định nghĩa như sau: “Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài đó” và “Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận”. Do đó, theo pháp luật Việt Nam, buộc phải hiểu rằng việc giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài Việt Nam bằng một thỏa thuận trọng tài phức hợp là hình thức trọng tài adhoc, mà không phải là trọng tài quy chế.
Trong trường hợp này, vấn đề xung đột có thể phát sinh như sau: nếu xác định việc giải quyết tranh chấp bằng một Thỏa thuận trọng tài phức hợp là hình thức trọng tài quy chế, trong trường hợp các bên không lựa chọn được trọng tài viên, thì Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định trọng tài viên thay cho các bên (căn cứ khoản 1, 2 Điều 40 Luật trọng tài Thương mại 2010, cũng như hầu hết các bộ quy tắc tố tụng của các Trung tâm trọng tài). Trong khi đó, nếu xác định việc giải quyết tranh chấp bằng một Thỏa thuận trọng tài phức hợp là hình thức trọng tài adhoc, trong trường hợp các bên không lựa chọn được trọng tài viên, thì tòa án là cơ quan có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên duy nhất để giải quyết vụ tranh chấp theo yêu cầu của Nguyên đơn (căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 7 và Điều 41 của Luật Trọng tài Thương mại năm 2010).
Vậy trường hợp các bên lựa chọn luật nội dung (luật áp dụng giải quyết tranh chấp) là luật Việt Nam và luật của một quốc gia khác điều chỉnh hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, trong khi luật của quốc gia này không xem việc giải quyết tranh chấp bằng một thỏa thuận trọng tài phức hợp là tố tụng trọng tài adhoc, sẽ phát sinh xung đột đối với thẩm quyền chỉ định trọng tài viên?
Về quyền phản đối trong tố tụng trọng tài
Về nguyên tắc, các bên của vụ tranh chấp có quyền đưa ra khiếu nại, phản đối đối với quyết định của hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp trong trường hợp có căn cứ cho rằng hội đồng trọng tài đã ban hành quyết định, lệnh thủ tục trái với quy định của pháp luật. Pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam quy định về vấn đề này như sau: “Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án.” (Điều 13 Luật TTTM 2010).
“Trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định Luật trọng tài thương mại hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài những vi phạm đó trong thời hạn do Luật trọng tài thương mại quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài, hoặc tại Tòa án đối với những vi phạm đã biết đó. Trường hợp Luật trọng tài thương mại không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết.” (Điều 6 của Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP).
Từ những quy định trên, có thể thấy, thời hạn của việc thực hiện quyền phản đối được xác định theo thứ tự sau: (i) Theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại; (ii) Theo thỏa thuận của các bên hoặc theo Quy tắc tố tụng trọng tài; hoặc (iii) Thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết.
Tuy nhiên, một lần nữa, vấn đề phát sinh khi các bên lựa chọn luật nội dung là pháp luật Việt Nam và quy tắc tố tụng là Quy tắc tố tụng mẫu UNCITRAL – UAR hoặc Quy tắc tố tụng của ICC – IAR 2017. Theo đó, xung đột pháp luật có thể phát sinh khi quy định về quyền phản đối trong những bộ quy tắc này có những khác biệt nhất định so với pháp luật Việt Nam.
Theo Quy tắc ICC – IAR, khi một bên đã tham gia tố tụng trọng tài (ví dụ như lựa chọn trọng tài viên) thì xem như phải đồng thời thực hiện quyền phản đối nếu có phản đối. Hoặc theo Quy tắc UNCITRAL, quyền phản đối phải được thực hiện một cách nhanh chóng. Trong tình huống nêu trên, một bên trong vụ tranh chấp có quyền áp dụng quy định của pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam để vẫn giữ quyền phản đối cho tới trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết hay không?. Nếu có, bên phản đối có buộc phải đưa ra thông báo không từ bỏ quyền phản đối theo quy định của Điều 40 Quy tắc ICC hay mặc nhiên được chấp nhận không mất quyền phản đối cho đến trước thời điểm Hội đồng trọng tài ra phán quyết theo pháp luật Việt Nam?. Khoản 2 Điều 14 Luật TTTM 2010 quy định như sau: “Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất”. Trường hợp này, các bên lựa chọn pháp luật giải quyết nội dung vụ tranh chấp là pháp luật của Việt Nam, pháp luật hình thức là Quy tắc tố tụng ICC, thì cả Luật TTTM Việt Nam và Quy tắc tố tụng ICC đều được áp dụng. Tuy nhiên, đã có xung đột pháp luật xảy ra như phân tích trên, vậy quy định nào nên được ưu tiên ?.
Kiến nghị
Số lượng các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại tại Việt Nam được lựa chọn giải quyết bằng con đường trọng tài ngày càng gia tăng. Quá trình áp dụng pháp luật không tránh khỏi các xung đột ngay chính trong bản thân pháp luật nội dung và giữa các quy định của pháp luật hình thức và các quy tắc do các bên lựa chọn, thỏa thuận áp dụng. Việc lý giải và lựa chọn quy định giải quyết xung đột là điều hết sức quan trọng, quyết định đến nội dung của vụ án, cũng như ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trọng tài nước ngoài hay trọng tài trong nước để giải quyết tranh chấp, điều này đồng nghĩa với khả năng dẫn đến những hệ quả bất lợi cho phía Việt Nam. Do đó, cần thiết sớm xây dựng những quy định mang tính nguyên tắc để giải quyết xung đột pháp luật giữa các hệ thống trong tố tụng trọng tài thương mại.
ThS. Nguyễn Thị Thu Trang