TÓM TẮT:
Chính sách được xem là công cụ trong quản lý vĩ mô. Chính sách có thể tạo động lực, hoặc hạn chế động lực kinh doanh của các đối tượng quản lý. Chính sách quản lý vĩ mô trong hội nhập kinh tế quốc tế càng cần tính đến việc phù hợp với bối cảnh, tương ứng với đối tượng quản lý, bảo vệ đối tượng quản lý, tạo động lực cho đối tượng quản lý và khắc phục những tồn tại, khuyết thiếu của công cụ pháp luật trong hội nhập kinh tế quốc tế. Bài viết nêu một vài quan điểm về chính sách quản lý nền kinh tế trong hội nhập.
Từ khóa: chính sách, vĩ mô, đối tượng quản lý, hội nhập.
Ảnh minh họa - Internet
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, chính sách quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với bối cảnh hội nhập. Kết quả chính là động lực kinh doanh đã được phát huy, nhiều rào cản đã được loại bỏ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể của nền kinh tế hoạt động trong và ngoài nước. Cùng với những tác dụng của chính sách vĩ mô, Nhà nước còn thực hiện những chương trình, dự án hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế với các mục tiêu cụ thể và đã đạt được những thành công nhất định. Các chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh, đạt được nhiều thành tựu.Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn các kế hoạch, trong đó có nhiều mục tiêu chính sách không đạt được, nhiều vấn đề kinh tế - xã hộimới phát sinh gây ra nhiều khó khăn đối với hoạt động quản lý trong thời gian tới. Vậy, những người xây dựng và ban hành chính sách quản lý kinh tế - xã hội Việt Nam cần có những đề xuất giải pháp chính sách phù hợp để trong bối cảnh thực tiễn mới để phục hồi nền kinh tế, tăng trưởng bền vững và hội nhập quốc tế thành công .
2. Những khó khăn và rủi ro của nền kinh tế hiện nay
2.1. Chỉ số tăng trưởng kinh tế giảm so với kỳ vọng
Trong 2 quý đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra, chưa hồi phục được tốc độ tăng như cùng kỳ các năm 2018 và 2019 (7,05% và 6,77%). [6] Đến quý 3 năm 2021, ước tính GDP giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, do đại dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.[7]
2.2. Vốn đầu tư ngoài nhà nước đạt thấp
Thu hút vốn đầu tư phát triển của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI đạt thấp. Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước năm 2020 chỉ tăng 3,1%, 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 giảm 25% so với năm 2019, trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020 và ước tính đến tháng 9 năm 2021 ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép, với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,8% về số dự án và tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký điều chỉnh có 678 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,43 tỷ USD, tăng 25,6%; vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.830 lượt, với tổng giá trị góp vốn 3,22 tỷ USD, giảm 43,8%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 1.139 lượt góp vốn, mua cổ phần, làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,05 tỷ USD và 1.691 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD.[7]
2.3. Tỷ lệ thất nghiệp tăng
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước trong 9 tháng năm 2021 là 2,67% (quý I là 2,19%; quý II là 2,40%; quý III là 3,43%), trong đó khu vực thành thị là 3,58%; khu vực nông thôn là 2,15%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 9 tháng qua là 2,91% (quý I là 2,42%; quý II là 2,62%; quý III là 3,72%), trong đó khu vực thành thị là 3,78%; khu vực nông thôn là 2,39%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) trong 9 tháng năm 2021 ước tính là 7,85%, trong đó khu vực thành thị là 10,62%; khu vực nông thôn là 6,54%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2021 là 2,20%; quý II là 2,60%; quý III ước tính là 4,39%. Tính chung 9 tháng năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,0%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,07%.[7]
2.4. Số doanh nghiệp giải thể lớn
Tính chung 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; có 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2021 cho thấy: có 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2021; 25,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. [7]
Lực lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân được xem là chủ thể lớn đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Số các doanh nghiệp gặp khó khăn lớn tác động không nhỏ tới khả năng phục hồi nền kinh tế. Vốn khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế không được mạnh, lại chịu hậu quả của đại dịch Covid -19, nên xu hướng sản xuất - kinh doanh trong nước đang ở mức cầm chừng.
3. Một vài quan điểm về chính sách quản lý nền kinh tế trong hội nhập
Với những khó khăn của nền kinh tế, Nhà nước đã kịp thời ban hành các chính sách để khắc phục, như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp [8]; hỗ trợ khó khăn cho người dân [9]; bBan hành các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh [10]; nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững [11]; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 [12]… Các chính sách đã ban hành mang tính cụ thể giải quyết các vấn đề trước mắt. Tuy nhiên, để có hiệu quả về lâu dài, cần tính đến những biện pháp mang tính chiến lược và hiệu quả cao hơn với các đối tượng quản lý. Theo đó, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản như sau:
3.1. Chính sách cần tương ứng với đối tượng quản lý
Đứng ở góc độ quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, mỗi đối tượng quản lý có đặc trưng và cách thức riêng trong hoạt động kinh tế và chịu sự tác động của các yếu tố cũng sẽ khác nhau. Chính sách quản lý vĩ mô với mỗi đối tượng vốn là một tập hợp biện pháp được thể chế hóa. [1] Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng thể chế, chính sách tương ứng với điều kiện hội nhập và điều chỉnh các quan hệ kinh tế, biểu hiện bằng các luật đầu tư, luật thương mại, luật sở hữu trí tuệ,… đồng thời có chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính sách cải cách hành chính và thủ tục đầu tư. Trong đó, có những nội dung như quản lý thị trường và các hoạt động thương mại, dịch vụ, đầu tư và chỉ quản lý ở tầm vĩ mô.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng xác định các cân đối lớn như tổng cung - tổng cầu tiền - hàng; xuất khẩu - nhập khẩu; nghiên cứu và dự đoán tốt những biến động của thị trường trong và ngoài nước để định hướng và điều tiết các hoạt động của nền kinh tế, đồng thời sử dụng lực lượng kinh tế của mình giải quyết các tình huống đặt ra khi thị trường có biến động lớn. Ở mỗi lĩnh vực, Nhà nước đều có thể chế chính sách quản lý tương ứng. Thời kỳ hậu Covid-19, các nước phát triển sẽ có khả năng phục hồi nhanh, vì họ sẵn có tiềm lực kinh tế mạnh.
Đối với Việt Nam, bên cạnh việc quản lý kinh tế bằng chính sách tương ứng với điều kiện hội nhập ,cần tính tới tương ứng với đặc điểm và quy mô của đối tượng quản lý để tập trung hơn, thực chất hơn và sát với nhu cầu của đối tượng quản lý. Cần chọn lọc, phân nhóm đối tượng, phân nhóm ngành nghề, có các cuộc khảo sát nghiêm túc để đánh giá từng đối tượng, từng ngành nghề cụ thể, từ đó có các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng giai đoạn. Qua đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành nghề trong 8 tháng đầu năm 2020, nhận thấy những ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần, đó là: du lịch; vận tải; dệt may, da giày; bán lẻ; giáo dục - đào tạo.
Trong khi đó, một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt, như:công nghệ thông tin, thương mại điện tử,... Cần tránh hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ và rủi ro đạo đức. Về điều kiện/ tiêu chí doanh nghiệp nhận hỗ trợ, Chính phủ có thể căn cứ vào một số tiêu chí chủ yếu, như: (i) tính lan tỏa (tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác), (ii) lao động (tạo nhiều công ăn việc làm), (iv) có khả năng phục hồi sau đại dịch). [5] Đối tượng như doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), lực lượng chiếm phần lớn trong nền kinh tế có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Trước đây, chính sách quản lý DNNVV thuộc hệ thống doanh nghiệp chung của một quốc gia, nên vai trò của Nhà nước vẫn là quản lý DNNVV cùng hệ thống doanh nghiệp chung của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, với đặc điểm riêng về quy mô của DNNVV gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, Nhà nước cần có thể chế, cơ chế, chính sách giành riêng cho đối tượng này.
Nếu không được quản lý mang tính chất riêng biệt như vậy, khó khăn và thách thức DNNVV gặp phải sẽ ngày càng lớn và hạn chế năng lực của doanh nghiệp. DNNVV sẽ gặp những khó khăn về tài chính, về khoa học công nghệ, về nguồn nhân lực… Cùng với đó là những rủi ro từ lạm phát, từ khủng hoảng kinh tế do mặt trái của kinh tế thị trường mang lại, những gánh nặng từ thuế. Bởi lẽ, mức thuế áp chung cho cả hệ thống doanh nghiệp nên doanh nghiệp lớn chịu mức % thuế cũng như DNNVV, những quy định của Chính phủ và công việc giấy tờ hành chính từ mối quan hệ với hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước mang lại chồng chất cũng dễ làm cho các DNNVV nản lòng. Trong khi đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, dù cho tác dụng của cạnh tranh mang lại rất lớn, kích thích sự sáng tạo và đổi mới của các DNNVV, nhưng vẫn là thách thức đối với DNNVV.
Hội nhập quốc tế buộc các đối tượng quản lý với đặc điểm riêng của nó phải đối mặt với những thách thức. Nhà nước định hướng sự hoạt động của các đối tượng bằng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; tạo lập môi trường cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh cần tương ứng với đặc điểm của đối tượng quản lý và điều kiện hội nhập. Trong hội nhập kinh tế, xu hướng áp dụng kinh tế thị trường ở các nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ đặt yêu cầu cho thể chế quản lý nền kinh tế ở các quốc gia phù hợp cho thị trường và không làm méo mó thị trường.
3.2. Chính sách cần tính đến bảo vệ đối tượng quản lý
Bảo vệ các đối tượng quản lý trong hoạt động kinh tế chính là bảo vệ lợi ích, quyền tự do kinh doanh, quyền được cạnh tranh lành mạnh trước hành vi trái phép, hành vi độc quyền trong xung đột lợi ích trong hoạt động sản xuất - kinh doanh làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của đối tượng quản lý. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ đối tượng quản lý để đối tượng đó tận dụng được năng lực của mình, phát huy thế mạnh chứ không mang tính chất bảo hộ sự yếu kém. Các chính sách bảo vệ sẽ giúp phân bổ nguồn lực hợp lý, thúc đẩy sản xuất trong nước mà không vi phạm các nguyên tắc, các cam kết, các hiệp định đã ký với các quốc gia khác, các tổ chức kinh tế quốc tế.
Các quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế sẽ áp dụng Chính sách thương mại quốc tế của chính phủ theo hình thức tự do hóa thương mại, điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thị trường xuất khẩu và cung ứng dịch vụ cả trong nước và ngoài nước…, tạo điều kiện cho các đối tượng quản lý được tự do kinh doanh trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh việc khai thác nhiều thị trường, nhiều cơ hội hơn thì các đối tượng quản lý cũng gặp nhiều thách thức hơn, nên dù cho việc ủng hộ tự do hóa thương mại thì chính phủ các nước vẫn phải dựng nên các rào cản trong thương mại quốc tế, về hình thức có thể thay đổi nhưng phạm vi và mức độ của rào cản ngày càng tăng lên ở tất cả các ngành kinh tế.
Mục đích và phạm vi sử dụng rào cản trong thương mại quốc tế là vì mục đích chính trị, bảo vệ việc làm trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, khuyến khích lợi ích quốc gia, đáp lại các hành động thương mại không bình đẳng, an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường. Mục đích khuyến khích lợi ích quốc gia do: Nhu cầu chiến lược phát triển ngành sản xuất nội địa nên các doanh nghiệp nội địa được hưởng chế độ ưu tiên hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua các chương trình như trợ cấp và hạn chế nhập khẩu; Chính sách thương mại trợ giúp các DNNVV trong những ngành nhất định để giành lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới [2][3]. Công cụ được sử dụng làm rào cản trong thương mại quốc tế là thuế quan và phi thuế quan. Cải cách chính sách thương mại phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế như cải cách thể chế. Những thay đổi thuế mức thuế quan và rào cản định lượng (QRs) đặt ra các luật lệ mới và những dự định về cách thức lựa chọn và thực hiện chính sách, thiết lập ra những hạn chế và cơ hội mới rộng rãi hơn cho các chính sách kinh tế, tạo ra một tập hợp những chủ thể mới, những triết lý mới về chính sách phát triển.
3.3. Chính sách tạo động lực cho các đối tượng quản lý phát triển
Nhà nước đã tạo môi trường pháp lý để phát triển kinh tế. Chính sách để quản lý đồng thời tạo động lực cho các đối tượng quản lý phát triển, việc tạo động lực thường bằng các công cụ khuyến khích, hỗ trợ như ưu đãi lãi suất, ưu đãi thuế,… cũng có nhiều dạng chính sách không cần các công cụ khuyến khích, mà chỉ cần để ở hình thức được tự do sản xuất - kinh doanh các lĩnh vực không thuộc danh mục cấm cũng đã tạo điều kiện cho đối tượng quản lý phát triển về số lượng.
Hầu hết các quốc gia đều có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Chính phủ Anh đã có chính sách hỗ trợ rất bài bản cho việc kinh doanh của doanh nghiệp. Hỗ trợ kinh doanh ở Anh thường được hiểu thông qua định nghĩa hẹp nhất của nó, đó là những lời khuyên chủ yếu cung cấp cho các doanh nhân có liên quan đến các khía cạnh pháp lý, tài chính và điều hành một doanh nghiệp trên thực tế. [125-LA] Tạo động lực cho các đối tượng bằng các chính sách cụ thể: (1) Hỗ trợ tài chính; (2) Hỗ trợ quản lý và kỹ thuật; (3) Hỗ trợ tìm kiếm các hợp đồng của Chính phủ; (4) Hỗ trợ tìm kiếm những khoản trợ cấp của liên bang cho nghiên cứu và phát triển [4].
3.4. Cụ thể hóa chính sách bằng pháp luật cần đi vào thực tiễn
Pháp luật là cụ thể hóa của chính sách, đưa chính sách đi vào thực tiễn. Hội nhập kinh tế sâu, rộng đặt ra yêu cầu có hệ thống pháp luật phù hợp. Công nghệ phát triển nhanh phát sinh nhiều hình thức kinh doanh mới mẻ, phát sinh nhiều mối quan hệ trong sản xuất - kinh doanh giữa các chủ thể đồng thời nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên cần có những quy định điều chỉnh kịp thời. Việc liên tục phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và phù hợp với thực tiễn của hội nhập kinh tế quốc tế. Trong hệ thống pháp luật đó, có văn bản được sửa trước, có văn bản sửa sau, dẫn đến cả hệ thống không thống nhất và không ăn khớp với nhau. Trong khi đó, mọi hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh đều chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Sự không thống nhất trong Luật sẽ khiến các đối tượng quản lý gặp những trường hợp bất lợi như sau:
- Bị giằng co trong việc thực hiện nghĩa vụ tuân thủ pháp luật theo hướng đáp ứng đúng quy định của luật này thì lại không đúng với quy định của luật khác. Các đối tượng quản lý phải đối mặt với rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật rất cao.
- Các đối tượng quản lý có thể sẽ phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.
- Các đối tượng quản lý phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, thời gian xử lý thủ tục hành chính kéo dài,… dẫn tới tạo gánh nặng lớn về mặt chi phí, tốn kém thời gian, thậm chí lỡ nhịp thời cơ đầu tư kinh doanh.
Trong trường hợp cơ chế giám sát ban hành văn bản chưa rõ ràng, lỏng lẻo và thiếu toàn diện trong cơ chế kiểm tra, giám sát các dự án ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm không trái luật. Ngay từ giai đoạn tổng kết, đánh giá, xây dựng dự thảo văn bản mới, các cơ quan liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các nội dung có quy định khác nhau trong các văn bản luật ban hành trước. Cũng có thực tiễn là đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực họ sản xuất kinh doanh thì không được tham gia vào quá trình thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên những quy định pháp luật không phù hợp với thực tiễn và khó tuân thủ.
ThS Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Học viện Hành chính Quốc gia
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Vũ Cao Đàm (2006), Khoa học chính sách, Tập bài giảng, Phòng tư liệu Khoa Khoa học quản lý - Trường Đại học Quốc gia.
- Bùi Hữu Đạo, Tô Hoài Nam, Phạm Thế Hưng (2010), Bảo vệ doanh nghiệp trong thương mại quốc tế, NXB Công Thương, năm 2010.
- Bùi Hữu Đạo (2010), Những vấn đề đặt ra đối với SMEs trong hội nhập KTQT, Hội thảo Đối thoại công tư về nâng cao nhận thức cho SMEs trong việc thực thi các cam kết WTO, Hà Nội tháng 4 năm 2010.
- Đinh Thị Nga (2009), Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thực trạng và tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 8, tháng 8 năm 2009, tr 52-59.
- Đại học Kinh tế quốc dân, JICA (2020), Kiến nghị đánh giá các chính sách ứng phó với Covid-19 và các khuyến nghị, truy cập tại https://www.jica.go.jp/vietnam/english/office/topics/c8h0vm0000ecmc4u-att/210305_02_vn.pdf
- Mai Ngọc (2021), Tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch, truy cập tại https://dangcongsan.vn/phong-chong-dich-covid-19/thao-go-kho-khan-thuc-day-phuc-hoi-kinh-te-trong-boi-canh-dai-dich-590784.html
- Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2021, truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/09/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iii-va-9-thang-nam-2021/
- Chính phủ (2020), Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
- Chính phủ (2020), Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
- Chính phủ (2020), Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
- Chính phủ (2021), Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
- Chính phủ (2021), Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.