Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị kiến thức, văn hoá và đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.

Muốn nâng cao chất lượng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần phải tổ chức việc đánh giá hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức một cách thường xuyên, khoa học và phù hợp tình hình thực tế. Từ đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, có chuyên môn, có văn hóa và có đạo đức nghề nghiệp; hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, phục vụ Nhà nước.

Ảnh minh họa - TL

1. Đặt vấn đề

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức về quản lý nhà nước, cải cách hành chính, kiến thức về hội nhập và kỹ năng thực thi công vụ để phục vụ yêu cầu công việc, phục vụ Nhân dân và phục cho việc phát triển đất nước. Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC luôn được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Và hiện nay, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, công tác đào tạo, bồi dưỡng không chỉ được thực hiện bằng hình thức trực tiếp (người học tham gia học trực tiếp, tập trung ở các trường, các trung tâm có chức năng đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC) mà còn được thực hiện bằng nhiều hình thức như bán tập trung, vừa làm vừa học, từ xa[1] trực tuyến (E-Learning). Đặc biệt là hình thực đào tạo, bồi dưỡng trực truyến đang trở thành một xu thế ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

2. Quy định của Chính phủ và Bộ Nội vụ về công tác đào, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Thời gian vừa qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, Chính phủ và Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và của Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC.

Cụ thể:

Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức. Nghị định quy định về các vấn đề như: Nội dung, chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho công chức.

Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Nghị định quy định về các vấn đề liên quan đến công tác tuyển dụng, quản lý và sử dụng đội ngũ viên chức. Trong đó, có việc phân loại viên chức thành bốn hạng (viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV)[2]. Việc phân loại viên chức nhằm quy định các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức.

Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP quy định cụ thể về việc thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng và biên soạn, thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng[3], tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và quản lý chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng.

Thông tư số 19/2014/TT-BNV ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nội vụ về quy định, hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức quy định về chế độ, nội dung, chương trình, tổ chức và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức. Bên cạnh những nội dung quy định về nội dung, chương trình, Thông tư đã quy định việc tổ chức cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng viên chức[4].

Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025.

Đến ngày 01 tháng 9 năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, thay thế các quy định về bồi dưỡng CBCCVC tại Nghị định số 18/2010/ NĐ-CP và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP trước đây.

Khi triển khai Nghị định số 101/2017/NĐ-CP đã có một số vướng mắc, bất cập nên năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 12/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP. Đây là văn bản đầu tiên quy định việc đào tạo, bồi dưỡng cho cả 3 đối tượng (cán bộ, công chức, viên chức) trong hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Đó là:

(1) Cán bộ trong các cơ quan của Nhà nước;

(2) Công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương xuống cơ sở (xã, phường, thị trấn).

(3) Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Hình thức, nội dung bồi dưỡng cũng được quy định phù hợp hơn trong công tác bồi dưỡng CBCCVC. Nghị định quy định bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức; theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh công chức cấp xã; theo yêu cầu vị trí việc làm[5].

Về nội dung bồi dưỡng, gồm bồi dưỡng lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm[6].

Bên cạnh các nội dung trên, Nghị định 101/2017/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể một số nội dung như: Nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng; chương trình bồi dưỡng; đền bù chi phí đào tạo; quản lý, biên soạn, thẩm định, ban hành hệ thống chương trình, tài liệu bồi dưỡng; chứng chỉ bồi dưỡng; đội ngũ giảng viên; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm của các cơ quan, của CBCCVC trong đào tạo, bồi dưỡng.

Như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC đã có một hệ thống pháp lý cùng với hệ thống chương trình đào tạo do Chính phủ, Bộ Nội vụ quy định một cách rõ ràng, cụ thể, chi tiết. Việc này đã giúp các cơ sở đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đào tạo có cơ sở xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đúng và phù hợp với yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản của Chính phủ và Bộ Nội vụ đã giúp cho đội ngũ CBCCVC nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao, đồng thời hoàn thiện các tiêu chuẩn của ngạch và của từng vị trí chức danh đang đảm nhiệm thông qua quy định bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Với hệ thống pháp luật hiện hành, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cũng như quản lý trong công tác đào tạo bồi dưỡng đã giúp cho CBCCVC có được sự nhận thức cao hơn trong hoạt động này. Cùng với việc xây dựng các văn bản pháp lý quy định về nội dung, chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ CBCCVC nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, thì việc xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC là một giải pháp cấp thiết đặt ra cho các nhà quản lý để kịp thời phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Và chính đội ngũ CBCCVC cũng vận dụng được kết quả học tập của mình vào thực tiễn công việc; đồng thời, khắc phục được những hạn chế, giảm thiểu những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC.

3. Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC là quá trình thu thập và xử lý thông tin, dữ liệu về quá trình bồi dưỡng CBCCVC nhằm cung cấp thông tin về mức độ nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của CBCCVC sau khi được bồi dưỡng. Việc đánh giá này sẽ cung cấp cho các đơn vị liên quan những thông tin phản hồi khách quan từ các bên liên quan về chất lượng chương trình, tài liệu bồi dưỡng. Căn cứ vào kết quả đánh giá, đơn vị xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và các bên liên quan khác sẽ có căn cứ khoa học để thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho phù hợp với đối tượng giảng dạy và học tập cũng như thực hiện những cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC.

Việc đánh giá người học trong khóa bồi dưỡng cần được phản hồi về cơ quan nơi người học công tác và được thực hiện dưới hình thức “Phiếu đánh giá kết quả khóa đào tạo, bồi dưỡng”. Những nội dung đánh giá bồi dưỡng gồm: Đánh giá chất lượng chương trình bồi dưỡng; đánh giá chất lượng người học tham gia khóa bồi dưỡng; đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên tham gia bồi dưỡng; đánh giá chất lượng cơ sở vật chất phục vụ khóa bồi dưỡng; đánh giá chất lượng khóa bồi dưỡng CBCCVC; đánh giá hiệu quả sau bồi dưỡng CBCCVC.

Từ quy định hiện hành của pháp luật về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC, các địa phương trong cả nước đã có sự quan tâm trong công tác triển khai để áp dụng vào việc đánh giá hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức đánh giá chất lượng bồi dưỡng, việc triển khai gặp một số thuận lợi, khó khăn như sau:

Hầu hết các cơ quan, địa phương, các cơ sở đào tạo và người học đều nhận định được vai trò quan trọng của việc đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng sau mỗi khóa học. Và mọi người đều cho rằng đây một khâu quan trọng trong toàn bộ quá trình xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm đảm bảo chương trình được thực hiện thành công. Do đó, việc thực hiện “Phiếu đánh giá” sau mỗi khóa học đều được người học thực hiện đầy đủ. Qua đó, cơ sở đào tạo kịp thời thu nhận được các ý kiến góp ý của người học để điều chỉnh những nội dung, phương pháp chưa được hoàn chỉnh, phù hợp, khắc phục các điều kiện, môi trường học tập của khóa học để tạo không khí học tập tốt nhất cho người học vào các buổi học, các khóa học tiếp theo.

Ngoài ra, việc đánh giá hiệu quả sau bồi dưỡng CBCCVC của thủ trưởng cơ quan sử dụng CBCCVC đã từng tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng là việc làm hết sức thiết thực. Bởi qua việc đánh giá này, thủ trưởng các cơ quan sẽ là người nhận xét khách quan nhất đối với hiệu quả thực tiễn của việc áp dụng kiến thức, kỹ năng mà CBCCVC đã thu nhận được tại các buổi học áp dụng vào thực tiễn công việc ở cơ quan.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC gặp phải một số khó khăn như: Một số người học thực hiện “Phiếu khảo sát” mang tính làm cho có, dẫn đến kết quả đánh giá chỉ mang tính tương đối. Bộ “Phiếu khảo sát” chủ yếu được phát và thu nhận tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; trong khi, việc phân tích, nhận xét kết quả, đòi hỏi phải có sự khách quan, minh bạch. Hiện nay, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng như Trường Chính trị và các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện là đơn vị thực hiện khá nhiều lớp với số lượng người học đông. Do đó, việc triển khai đánh giá chất lượng bằng “Phiếu khảo sát” sẽ tốn không ít thời gian và công sức trong việc tổng hợp và phân tích kết quả.

Từ những vấn đề nêu trên trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của việc đánh giá chất lượng công tác bồi dưỡng CBCCVC như sau:

Thứ nhất, kiểm tra, đánh giá trước hết phải xác định đây là hoạt động nội bộ, một phần của phương thức quản lý của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị trong hệ thống đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC phải xây dựng kế hoạch kiểm tra hằng năm (bao gồm đối tượng, nội dung kiểm tra) và phải có khả năng kiểm tra hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị cấp dưới.

Thứ hai, trên cơ sở bộ “Phiếu khảo sát” đã được Bộ Nội vụ xây dựng, việc thực hiện đánh giá cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành bộ “Phiếu khảo sát” được thực hiện trên phần mềm và tích hợp vào website của cơ sở đào tạo, người học sẽ thực hiện phiếu khảo sát trực tuyến bằng cách đăng nhập website, truy cập vào lớp được tham gia đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện. Việc tổng hợp kết quả sẽ được phần mềm thực hiện ngay sau khi phiếu hoàn tất và tổng hợp theo từng lớp. Như vậy, việc tổng hợp kết quả đánh giá sẽ tiết kiệm được thời gian, cũng như kết quả phân tích cũng nhanh chóng và có độ chính xác cao hơn.

Thứ ba, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, bộ “Phiếu khảo sát” sẽ được tích hợp đồng thời tại website của cơ sở đào tạo và website của cổng thông tin điện tử cải cách hành chính của mỗi tỉnh. Điều này không những đảm bảo được tính khách quan, minh bạch cho kết quả khảo sát mà còn thể hiện được một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính, đó là nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC.

Thứ tư, việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng và hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Do đó, việc yêu cầu người học phải nghiêm túc thực hiện đánh giá, khảo sát là hoàn toàn thích đáng, xem đây là điều kiện hoàn tất để người học nhận chứng chỉ khi kết thúc khóa học. Nên khi áp dụng thực hiện “Phiếu khảo sát” trực tiếp trên phần mềm sẽ giúp cho cơ sở đào tạo kiểm soát được số lượng người học thực hiện phiếu, cũng như chất lượng đánh giá trên (hạn chế được tình trạng thu nhận phiếu về song có nhiều thông tin khảo sát bị bỏ trống).

Tóm lại, việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC là một việc hết sức cần thiết, nhất là đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; các cơ quan, đơn vị sử dụng CBCCVC và chính bản thân mỗi CBCCVC được cử đi bồi dưỡng. Do vậy, công tác đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, trung thực và cần phải có phương pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả. Công tác này, đòi hỏi người được lấy ý kiến đánh giá cần khách quan, trung thực, công bằng trong việc cung cấp thông tin về các nội dung trong “Phiếu khảo sát”. Đồng thời, cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị cũng phải nghiêm túc trong việc sử dụng kết quả khảo sát, đánh giá để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp những vấn đề liên quan đến nội dung, chương trình, tài liệu, giảng viên của các lớp bồi dưỡng CBCCVC./.

ThS.Bùi Thị Bình - ThS. Phạm Văn Năm

     Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nghị định số 18/2010/ NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức

[2]. Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

[3]. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

[4]. Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 12/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

[5]. Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025

[6]. Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29 tháng 12 năm 2017 quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức./.

[1]. Điều 15 Nghị định số 18/2010/ NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức

[2]. Điều 3 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

[3]. Điều 3, Điều 4 Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP quy định cụ thể về việc thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng và biên soạn, thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng

[4]. Điều 14 Thông tư số 19/2014/TT-BNV ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nội vụ về quy định, hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức

[5]. Điều 15 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 Chính phủ về bồi dưỡng CBCCVC

[6]. Điều 16 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 Chính phủ về bồi dưỡng CBCCVC

...
  • Tags: