Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

Những năm qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tỷ lệ tài sản thu hồi được còn thấp hơn nhiều so với tài sản bị chiếm đoạ

Những năm qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tỷ lệ tài sản thu hồi được còn thấp hơn nhiều so với tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát cần thu hồi. Bài viết làm rõ những hạn chế, bất cập trong việc phát hiện, xác định và thu hồi tài sản tham nhũng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu đã bấm nút thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) - Ảnh: nhandan.vn

1. Những khó khăn, bất cập trong việc phát hiện, xác định tài sản tham nhũng ở Việt Nam

Thứ nhất, công tác phát hiện, xác minh tài sản tham nhũng còn hạn chế xuất phát từ những khó khăn trong việc xác định và chứng minh tội danh tham nhũng

Quy định của Bộ luật Hình sự về các tội danh tham nhũng có những điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc định tội danh, chứng minh hành vi phạm tội và xác định thiệt hại do tội phạm gây ra. Ví dụ Khoản 1, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có nêu: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm” nhưng lại không giải thích cụ thể thế nào là “gây thiệt hại khác”(1).

Trong khi đó, tội phạm tham nhũng được xếp vào nhóm tội phạm có “xu hướng ẩn” cao. Chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn; có trình độ học vấn, am hiểu về pháp luật; có nhiều mối quan hệ xã hội có khả năng “che chắn”, “bảo vệ” cho hành vi sai phạm; có sự chuẩn bị “chu đáo” trước khi thực hiện hành vi phạm tội và có nhiều biện pháp để xóa dấu vết, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, tẩu tán tài sản có được do tham nhũng.

Tội phạm tham nhũng, đặc biệt là những đại án về tham nhũng, thường được tổ chức theo một quy trình khép kín rất tinh vi, có sự cấu kết về lợi ích với nhiều người. Nếu công tác thanh tra, kiểm tra không được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, cán bộ thanh tra hạn chế về nghiệp vụ, chuyên môn thì rất khó phát hiện và buộc tội hành vi tham nhũng. 

Thực tế điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng cho thấy, việc xác định, chứng minh hành vi tham nhũng, từ đó xác định các tài sản liên quan đến tham nhũng không hề đơn giản. Có những vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ để xử lý đối tượng với tội danh tham nhũng mà chỉ có thể xử lý về một trong những tội danh như “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc các tội phạm kinh tế khác. Do đó, việc xác định cũng như thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án như vậy hầu như không thể thực hiện được(2).

Thứ hai, ngay cả khi đã xác định được hành vi tham nhũng, việc xác định đâu là tài sản có được do tham nhũng cũng gặp nhiều trở ngại

Pháp luật hình sự hiện hành chưa quy định bị can, bị cáo phải tự chứng minh nguồn gốc tài sản là hợp pháp hay bất hợp pháp. Trách nhiệm đó vẫn thuộc về cơ quan điều tra. Do đó, trong trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được đó là tài sản bất hợp pháp thì cũng không có căn cứ để quy kết đây là tài sản có được do tham nhũng.

Bên cạnh đó, pháp luật nước ta còn khoảng trống lớn về quản lý, đăng ký tài sản và xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, khiến khả năng bóc tách và truy thu tài sản bất minh liên quan đến tham nhũng rất khó khăn. Chúng ta chỉ mới có quy định về kiểm soát tài sản cá nhân cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị mà thiếu vắng các quy định pháp luật về quản lý, kiểm soát tài sản đối với các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Nếu các đối tượng có thủ đoạn che giấu tài sản có được do tham nhũng ở ngoài xã hội thông qua việc nhờ người khác đứng tên tài sản như xe ô tô, nhà đất, cổ phiếu, thậm chí dịch chuyển tài sản ra nước ngoài… thì chúng ta khó có thể xác định đâu là tài sản tham nhũng và về mặt pháp lý cũng không thể đụng đến những tài sản này(3)

Việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cũng chưa thực sự chặt chẽ. Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định tương đối cụ thể, rõ ràng về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, việc thực hiện kê khai tài sản chưa hiệu quả, việc xác minh và kiểm soát khó khăn. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cán bộ, công chức chỉ phải kê khai tài sản của bản thân, vợ (hoặc chồng) và con chưa thành niên. Quy định phạm vi kê khai hẹp như vậy đã bỏ qua những đối tượng thân thích khác như con đã thành niên, bố, mẹ, anh chị em ruột… 

Trên thực tế, quá trình điều tra nhiều vụ án tham nhũng cho thấy, tài sản mà người phạm tội có được đã đứng tên của chính bố, mẹ đẻ hoặc con đã thành niên, thậm chí có những trường hợp nhờ cả bạn bè, anh chị em đứng tên như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phan Sào Nam… 

Ngoài ra, đối với trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý, thiếu trung thực thì Luật mới quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức mà chưa quy định trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự; cũngchưa có điều khoản nào quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc(4).

Nền kinh tế và thói quen sử dụng tiền mặt cũng là nguyên nhân của việc khó kiểm soát tài sản, thu nhập cũng như các giao dịch tiền mặt, là điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng che giấu nguồn gốc bất minh của tài sản. Các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong việc lần theo dòng tiền, chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi tham nhũng. 

Hơn nữa, việc giải quyết các vụ án trong một số lĩnh vực đặc thù như xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, mua sắm công… đòi hỏi nhiều kết quả giám định tài sản, cần chuyên gia có trình độ và điều kiện kỹ thuật. Trong khi đó, phương tiện, quy trình, quy chuẩn giám định ở một số lĩnh vực này hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu; do đó rất khó để bóc tách, xác định mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Đặc biệt, hiện nay chúng ta còn có lỗ hổng trong kiểm soát cổng thanh toán quốc tế Paypal, các giao dịch tiền ảo qua hệ thống điện tử… Các cổng thanh toán quốc tế như Paypal, Payoneer, tiền ảo tồn tại dưới dạng mật mã trên máy tính vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Như vậy, các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế, giao dịch tiền ảo trên hệ thống điện tử đang không chịu sự quản lý của cơ quan nào(5).

2. Khó khăn, bất cập trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam

Thứ nhất, việc tiến hành giao dịch tiền mặt phổ biến không chỉgây khó khăn cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân, tổ chức mà còn gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế, các đối tượng phạm tội dễ dàng thực hiện việc rửa tiền, tẩu tán tài sản, dẫn đến khó khăn trong thu hồi tài sản tham nhũng.

Thứ hai, việc xác định tổng giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra trong nhiều trường hợp rất khó khăn vì có những khoản tiền, tài sản không tách bạch được và những khoản tiền, tài sản có được do tham nhũng nhưng đã được thay đổi, tách biệt khỏi hành vi phạm tội. Vì thế, khi tòa án xét xử, quyết định về mức bồi thường thiệt hại thường thấp hơn nhiều so với tổng số thiệt hại mà các đối tượng phạm tội gây ra. Nhiều vụ án có số lượng tài sản thất thoát rất lớn, nhưng số lượng thu hồi không đáng kể. 

Thứ ba, việc thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng thường phức tạp, kéo dài. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử mất rất nhiều thời gian, bị cắt khúc do có sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau, dẫn tới việc các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu giữ, kê biên tài sản của các đối tượng phạm tội theo đúng quy định pháp luật. Không kịp thời kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp.

Thứ tư, quy định của pháp luật về kê biên tài sản còn bất cập. Theo Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử, còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được miễn trừ trách nhiệm. Đây chính là kẽ hở của pháp luật, tội phạm lợi dụng để tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có. 

Thứ năm, quy định về thủ tục, trình tự thu hồi tài sản tham nhũng chưa cụ thể. Luật Thanh tra đã quy định về việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, bị sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật gây nên. Nhưng hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về quy trình, trình tự, thủ tục thu hồi tiền, tài sản. Pháp luật cũng chưa phân định rõ ràng giữa cơ chế thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, bị sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra gây nên theo quy định của pháp luật về thanh tra và cơ chế tịch thu tiền, tài sản theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Điều này đã phần nào giảm hiệu quả của công tác thu hồi tiền, tài sản qua hoạt động thanh tra.

Thứ sáu, hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài còn khó khăn, vướng mắc. Việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về chế độ chính trị, pháp luật và cơ chế phân công trách nhiệm phòng, chống tội phạm ở mỗi nước. 

Cơ sở pháp lý cho việc hợp tác quốc tế cũng chưa đầy đủ, một số quy định chỉ mang tính nguyên tắc, thiếu các điều khoản cụ thể điều chỉnh hoạt động tương trợ tư pháp. 

Việt Nam đã ký 19 hiệp định song phương về tương trợ tư pháp hình sự, 01 hiệp định khu vực ASEAN và là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), nhưng việc hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam thiếu quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phối hợp yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp thu hồi tài sản trong tố tụng hình sự, nhất là quy định liên quan đến phong tỏa, kê biên, thu giữ, tịch thu tài sản và xử lý tài sản do phạm tội mà có(6).

Đối với những vụ án có liên quan đến những quốc gia mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp thì tình hình còn khó khăn hơn. Chẳng hạn, trong vụ án Dương Chí Dũng, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định số tiền chênh lệch bị thất thoát trong việc mua ụ nổi 83M bởi thời điểm đó Việt Nam và Nga chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp nên việc xác định giá trị ụ nổi mà công ty bên Nga bán cho Vinalines không thực hiện được. Cơ quan điều tra chỉ xác định được giá trị mà công ty môi giới AP ở Xinhgapo bán cho Vinalines vì Việt Nam và Xinhgapo có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp. Lượng tiền thất thoát mà chúng ta không thể chứng minh và thu hồi lên đến con số 6,7 triệu USD(7).  

3. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý và kiểm soát tài sản, về xác lập quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sở hữu tài sản; xây dựng cơ chế, chính sách để minh bạch hóa về tài sản, tiến tới xây dựng Luật đăng kí tài sản. 

Thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi kê khai không trung thực và kịp thời điều tra nếu có dấu hiệu tham nhũng. 

Quản lý chặt chẽ việc mở tài khoản ngân hàng, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai các tài khoản ngân hàng mà họ sử dụng. Trường hợp phát hiện ra việc cho thuê, cho mượn, sử dụng tài khoản ngân hàng của người khác trái phép thì cần có những biện pháp hành chính, thậm chí hình sự để tránh việc các đối tượng phạm tội nhờ tài khoản ngân hàng của người khác để cất giấu tài sản tham nhũng. 

Ngoài ra, cần phải xác định trách nhiệm pháp lý đối với các tổ chức tín dụng cũng như những người đứng tên tài khoản khi để xảy ra trường hợp cho mượn tài khoản, chuyển tiền hộ, giữ tiền hộ, tiếp tay cho hành vi tham nhũng. Kiểm soát chặt chẽ việc công dân Việt Nam mở tài khoản tại ngân hàng nước ngoài và chuyển tiền ra nước ngoài để hạn chế cơ hội tẩu tán tài sản phạm tội sang các ngân hàng ở các quốc gia có tính bảo mật cao. 

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý đất đai, nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Hoàn thiện các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện theo dõi dòng tiền; quy định về việc phải chứng minh nguồn thu nhập hợp pháp để được mua và đứng tên bất động sản. 

Với những trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng, sở hữu bất động sản bằng các giao dịch mua bán, chuyển nhượng mà nguồn tiền không rõ ràng, không minh bạch thì kiên quyết không thực hiện thủ tục. Đối với những tài sản là bất động sản mà không rõ nguồn gốc, không chứng minh được nguồn gốc thì Nhà nước có thể thu hồi, đồng thời chuyển cho cơ quan điều tra xem xét làm rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm. 

Tuy nhiên, quy định này chỉ có thể thực hiện khi việc quản lý tài sản trong xã hội được thực hiện chặt chẽ, minh bạch, tránh xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp tài sản của công dân. Đồng thời, khi các tài sản trong xã hội được quy chủ, quản lý chặt chẽ, xác định rõ ràng thì không còn chỗ để cất giấu tài sản tham nhũng. 

Thứ ba, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong tỏa; sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp. 

Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, phòng, chống rửa tiền, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Cần ban hành các quy định về việc tuyên bố các hợp đồng, giao dịch dân sự vô hiệu do tẩu tán tài sản, thủ tục tuyên bố vô hiệu nhanh gọn, đơn giản và có những án lệ rõ ràng để có thể vận dụng khi phát hiện ra những hiện tượng có dấu hiệu tẩu tán tài sản.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện tham nhũng. Khi phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì cần áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn để truy lùng, khoanh vùng, phong tỏa các tài sản có nghi ngờ liên quan đến hành vi tham nhũng. 

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra, các cơ quan, tổ chức liên quan để truy tìm và thu hồi tài sản,tránh thất thoát và bị tẩu tán. Sau khi có quyết định khởi tố điều tra, tạm giam, khám xét thì song song với đó cần điều tra, xác minh và phong tỏa tài sản, tài khoản.

Tăng cường ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý nói chung và quản lý tài sản nói riêng để kịp thời phát hiện tham nhũng cũng như truy lùng dấu vết tài sản tham nhũng, nhanh chóng tiến hành phong tỏa, kê biên để thu giữ, xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng. Hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp với các nước để hỗ trợ công tác phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có ở nước ngoài(8)

Việt Nam có thể nghiên cứu xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, tách khỏi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, trong đó tập trung điều chỉnh vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Tăng cường ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp, bao gồm hợp tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Xác lập cơ chế chia sẻ thông tin, cơ chế phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong việc thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài.

__________________

(1), (2), (7) Lại Sơn Tùng: Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũnghttps://phaply.net.vn/giai-phap-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-thu-hoi-tai-san-trong-cac-vu-an-tham-nhung-a253752.html, truy cập ngày 4-11-2021.

(3) Tạ Hiển: Vì sao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp?, https://vtv.vn/chinh-tri/vi-sao-ti-le-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-con-thap-20211025121416323.htm, truy cập ngày 3-11/--2021.

(4), (5) Nam Kiên, Văn Thư: "TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC: Thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao, bởi chưa chú trọng cơ chế phòng ngừa và thiếu chặt chẽ trong các biện pháp tố tụng", https://phaply.net.vn/ts-tran-van-do-nguyen-pho-chanh-an-tandtc-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-hieu-qua-chua-cao-boi-chua-chu-trong-co-che-phong-ngua-va-thieu-chat-che-trong-cac-bien-phap-chong-tham-nhung-a248300.html, truy cập ngày 3-11-2021.

(6) Bùi Thị Thu Huyền: Thu hồi tài sản tham nhũng: Thực trạng và những vấn đề đặt rahttps://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202108/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-thuc-trang-va-nhung-van-de-dat-ra-310008/, truy cập ngày 4-11-2021.

(8) Đặng Văn Cường: Cần có những giải pháp đồng bộ để thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả caohttps://lsvn.vn/can-co-nhung-giai-phap-dong-bo-de-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-dat-hieu-qua-cao1629567415.html, truy cập ngày 5-11-2021.

THS ÂU THỊ TÂM MINH

Viện Nhà nước và Pháp luật 

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

  • Tags: