PLQL - Hiện nay, giá thịt lợn hơi trong nước đang tăng cao ở mức khoảng 90 nghìn đồng/kg, trong khi giá thịt lợn tại các nước Cam-pu-chia, Lào rẻ hơn nhiều. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng đã dùng mọi “chiêu trò” để thu gom, nhập lậu lợn không rõ nguồn gốc với số lượng lớn về Việt Nam bán kiếm lời.
Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú (Hà Giang) phối hợp lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng vận chuyển lợn trái phép. Ảnh: DUY TÙNG
Vừa qua, tại đường tỉnh 819, thuộc khu vực ấp Bàu Mua, xã Thạnh Hưng (thị xã Kiến Tường, Long An), lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ xe tải BKS 62C-099.46 do lái xe Trần Lâm Hải Đ. (huyện Tân Trụ, Long An) và xe tải BKS 68H-5489 do lái xe Nguyễn Minh T. (huyện Cần Đước, Long An) điều khiển, vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc từ khu vực biên giới vào nội địa. Qua kiểm tra, trên hai xe tải có 104 con lợn, tổng trọng lượng hơn 10,5 tấn, trong đó có năm con lợn đã chết và nhiều con khác có dấu hiệu mất sức. Toàn bộ số lợn, cùng các phương tiện đã được lực lượng chức năng lập biên bản, xử lý theo quy định… Trước đó, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (An Giang) phối hợp lực lượng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương và Công an thị xã Tân Châu (An Giang) tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu trên sông Tiền và phát hiện một thuyền máy di chuyển từ bên kia biên giới vào Việt Nam có nhiều nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng lại để kiểm tra. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện không chấp hành và tăng tốc bỏ chạy, buộc lực lượng liên ngành phải tổ chức truy đuổi. Khi thuyền máy chạy cách bến phà Vĩnh Xương - Thường Phước khoảng 250 m về phía hạ lưu thì người lái thuyền máy vội vàng dừng sát bờ sông và nhanh chóng tẩu thoát. Kiểm tra phương tiện, các cán bộ tổ công tác phát hiện có 22 con lợn với tổng trọng lượng khoảng hơn hai tấn, trị giá khoảng 190 triệu đồng. Toàn bộ số lợn này không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch động vật, cho nên tổ công tác đã làm các thủ tục xử lý, tiêu hủy theo quy định.
Tại xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) liên tiếp phát hiện, bắt giữ ba vụ vận chuyển gần tám tấn lợn trái phép từ bên kia biên giới về Việt Nam. Cụ thể, khoảng 8 giờ 20 phút ngày 14-3, lái xe Nguyễn Quý T. (SN 1986) và Lò Văn Th. (SN 1994) cùng trú tại xã Yên Sơn (Yên Châu, Sơn La), điều khiển xe ô-tô BKS 99C-147.99 chở 30 con lợn với trọng lượng hơn hai tấn. Khoảng 10 giờ 15 phút, Nguyễn Việt D. (SN 1987), trú tại xã Yên Sơn (Yên Châu, Sơn La) và Trần Trọng D. (SN 1992), trú tại xã Quảng Lưu (Quảng Xương, Thanh Hóa) điều khiển xe ô-tô BKS 26C-036.91 chở 34 con lợn, trọng lượng hơn 2,4 tấn. Hồi 12 giờ 35 phút, Lường Văn N. (SN 1991) và Lò Văn Đ. (SN 1990) cùng trú tại xã Yên Sơn (Yên Châu, Sơn La) điều khiển xe ô-tô BKS 37A-0208 chở 33 con lợn trọng lượng hơn 2,2 tấn. Bước đầu, những người này khai nhận do giá lợn trong nước tăng cao cho nên sang bên kia biên giới thu mua lợn đem về bán kiếm lời.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân của tình trạng thịt lợn tăng giá cao là do nhiều người chăn nuôi vẫn có tâm lý e dè, sợ dịch tả lợn châu Phi sẽ bùng phát trở lại, cho nên không dám tái đàn, tăng đàn lợn; ảnh hưởng của dịch Covid-19; nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân tăng cao. Một số cơ sở chăn nuôi lợn giống hạn chế số lượng bán ra đã khiến giá lợn giống tăng cao. Ngoài ra, giá thịt lợn thương phẩm cũng được các tiểu thương nhập qua nhiều khâu trung gian trước khi bán lại cho người tiêu dùng, cho nên giá thành cao hơn… Lợi dụng giá thịt lợn trong nước tăng cao, trong khi giá thịt lợn tại các nước bạn Cam-pu-chia, Lào lại rẻ hơn, nhiều người đã thu gom, vận chuyển trái phép với số lượng lớn lợn về Việt Nam bán kiếm lời. Theo anh Nguyễn Văn H. ở tỉnh An Giang chuyên vận chuyển lợn thuê ở khu vực biên giới: “Nếu vận chuyển thành công mỗi con lợn từ bên kia biên giới về trong nước và bán trót lọt thì chủ hàng cũng kiếm lời được 1,5 triệu đến 2 triệu đồng…”. Để thực hiện hành vi buôn lậu lợn, các đối tượng thường tập kết hàng phía bên kia biên giới dọc các tuyến sông lớn như sông Tiền, sông Hậu hoặc các đường mòn, lối mở tại các tỉnh giáp biên rồi đợi đêm tối thì thuê những người như anh H. dùng thuyền, ghe gỗ, ô-tô tải, xe máy… chạy với tốc độ cao để vận chuyển lợn vào sâu nội địa tiêu thụ. Sau khi lợn được nhập lậu trót lọt qua biên giới, đồng thời để hợp thức hóa số lợn nhập lậu, nhiều đối tượng còn cấu kết với những người dân khu vực biên giới có trang trại lợn để tiêu thụ giúp...
Trao đổi với Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La chúng tôi được biết, việc mua bán, vận chuyển lợn trái phép đã và đang gây mất an ninh - trật tự khu vực biên giới; không bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước. Bởi hầu hết số lợn nhập lậu thường được các đối tượng thu gom ở bên kia biên giới từ nhiều nguồn khác nhau và không được kiểm dịch chặt chẽ; tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Để ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lợn từ bên kia biên giới về Việt Nam, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để người dân khu vực biên giới hiểu và không vận chuyển thuê; không nuôi nhốt lợn tạm thời giúp các đối tượng buôn lậu lợn. Chủ động phối hợp các lực lượng chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc; phòng, chống nguy cơ lây lan các dịch bệnh từ lợn nhập lậu. Tích cực vận động nhân dân ở khu vực biên giới không kinh doanh, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn nhập lậu...