Người hùng thầm lặng trong tuyến đầu chống dịch

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam với diễn biến phức tạp khó lường, Đông Anh trở thành điểm nóng của cả nước về số ca lây nhiễm COVID-19. Chính trong hoàn cảnh khó khăn ấy, sự hoạt động có hiệu quả của TTYT huyện Đông Anh đã trở thành một điểm sán

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam với diễn biến phức tạp khó lường, Đông Anh trở thành điểm nóng của cả nước về số ca lây nhiễm COVID-19. Chính trong hoàn cảnh khó khăn ấy, sự hoạt động có hiệu quả của TTYT huyện Đông Anh đã trở thành một điểm sáng của cả nước về hiệu quả công tác kiểm soát dịch bệnh. Trong vai trò là giám đốc của TTYT huyện Đông Anh, bác sĩ Nguyễn Tiến Cương đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một người thủ lĩnh dám nghĩ dám làm.

Một cuộc đời - Một nhân cách - Một tấm lòng tỏa rạng với nghề

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cương sinh ra và lớn lên tại xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội. Đây là một vùng đất có truyền thống yêu nước và hiếu học lâu đời của huyện Đông Anh. Bác sĩ Cương trải qua nhiều vị trí công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long. Đến năm 2008, bác sĩ được bổ nhiệm là Giám đốc TTYT huyện Đông Anh.  Suốt quá trình học tập và làm việc, bằng cả trái tim, lòng nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ, tính đến nay, bác sĩ Cương đã có gần 40 năm công tác trong ngành y.

Tận tâm với nghề, tư duy dám nghĩ dám làm của bác sĩ Nguyễn Tiến Cương đã thực sự tạo ra điểm khác biệt trong cung cách quản lý và lãnh đạo TTYT huyện Đông Anh. Dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Cương đã góp một phần quan trọng trong việc đề xuất và đưa ra những giải pháp kịp thời trong trận chiến chống dịch COVID-19.

Với những tâm huyết và những hiệu quả trong công tác phòng dịch, bác sĩ Nguyễn Tiến Cương vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bằng khen của Thủ tướng vừa là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và tâm huyết của bác sĩ Cương nói riêng, và tập thể TTYT Đông Anh nói chung, đồng thời vừa là động lực thôi thúc y bác sĩ trên khắp cả nước mạnh dạn đưa ra những sáng kiến hay, việc làm tốt góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân của huyện Đông Anh vì có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 (BS Nguyễn Tiến Cương phía bên tay trái).

"Người hùng" với mái tóc điểm trắng trong trận tuyến chống dịch

Dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn thành phố, bác sĩ Nguyễn Tiến Cương, Giám đốc TTYT huyện Đông Anh lúc này đã chuẩn bị bước sang độ tuổi 60. Trong quan niệm của nhiều người vẫn nghĩ đó là độ tuổi an nhàn, thảnh thơi, chờ quyết định về hưu, nhưng với những người đã từng tiếp xúc với bác sĩ Cương trong suốt đợt dịch thì đó là một quan điểm sai lầm. Với bác sĩ Cương dù còn một ngày làm nghề vẫn phải xứng đáng với 2 chữ ngành y. Bác sĩ Cương trong mỗi buổi họp vẫn hay tâm sự với các nhân viên những điều tâm huyết: “Hãy xứng đáng với câu nói Lương y phải như từ mẫu mà Bác Hồ đã căn dặn”. Đó chính là điều đã làm nên một lãnh đạo vừa say mê với chuyên môn vừa hết sức gần gũi với nhân viên, bệnh nhân. Cả 3 đợt dịch là 3 đợt người bác sĩ với mái tóc trắng ấy cặm cụi ngồi đọc tài liệu, phân tích kỹ tài liệu, cập nhật hướng dẫn, phác đồ mới nhất, xử lý một loạt các công văn, kế hoạch gửi về, nhanh chóng chỉ đạo kịp thời đối phó khoanh vùng dập dịch. Đó là khoảng thời gian bác sĩ Cương cũng như anh em y tế lấy trung tâm làm nhà.

Chính tấm gương của bác sĩ Cương đã trở thành động lực giúp anh chị em cán bộ nhân viên của trung tâm vượt qua đợt dịch mà không có ngày nghỉ. Chính những cử chỉ ân cần và gần gũi ấy của bác sĩ Cương đã giúp những thế hệ trẻ mới vào trung tâm như tôi có thêm tình yêu với nghề hơn nữa. Nghề y là nghề của sự hi sinh và dấn thân vì cộng đồng, và đồng chí Nguyễn Tiến Cương chính là một tấm gương như vậy.

Trực tiếp chỉ đạo đội ngũ cán bộ y tế Trung tâm không quản ngày đêm với một áp lực cao và cường độ liên tục nhiều ngày nhiều tháng, nhưng chưa một lần bác sĩ Cương nặng lời với bất cứ nhân viên nào. Luôn giữ một phong thái điềm đạm, suy nghĩ thấu đáo, vì ông biết trong những tình huống căng thẳng như thế này, anh em trong ngành đã quá đỗi vất vả hi sinh, bản thân là nhà lãnh đạo không thể mất bình tĩnh, mà luôn phải tích cực, lan tỏa sức mạnh, thấu hiểu cho anh em. Hơn thế, ông luôn căn dặn phải chủ động trong mọi tình huống khó khăn nhất trong công tác phòng chống dịch. Để không bị động trước những diễn biến phức tạp của tình hình, ông luôn đề ra những kịch bản ứng phó với dịch bệnh. Và ông luôn coi đây là mấu chốt của cuộc chiến. Để chuẩn bị cho những kịch bản khó khăn nhất, phức tạp nhất đòi hỏi một sự bám sát cao độ tình hình thực tế và khả năng hoạch địch phán đoán diễn tiến của dịch bệnh.

Ngay từ khi chính thức có những văn bản về dịch, bằng tính nhạy bén trong chuyên môn làm dịch nhiều năm, ông nhận định đây là một dịch bệnh có tính chất nguy hiểm cao. Do đó, bác sĩ Cương đã lên kế hoạch chi tiết tỉ mỉ cho từng bộ phận trong từng đợt dịch. Khi Đông Anh có ca F0 đầu tiên, với phương hướng chỉ đạo nhanh quyết liệt truy vết đối tượng, khoanh vùng dập dịch, gần như ngay lập tức kịch bản của ông đã được kích hoạt và thể hiện sự phù hợp đối với thực tiễn diễn ra của dịch bệnh.

Một người thủ lĩnh kiên cường, một người bác sĩ tận tụy giữa tâm dịch

Là một người lãnh đạo nhưng đồng thời là bác sĩ trực tiếp tham gia chống dịch, đồng chí Nguyễn Tiến Cương luôn nhận trách nhiệm đi đầu với tinh thần gương mẫu. Tại các điểm nóng tâm dịch như ổ dịch Z153, ổ dịch Việt Hùng, ông không quản ngại ngay lập tức trong đêm xuống ổ dịch, chỉ đạo trực tiếp việc điều tra dịch tễ, công tác xét nghiệm, xử lý môi trường, cách ly theo dõi sức khỏe. Từ trên cơ sở nắm vững tình hình thực tiễn, ông đề ra phương hướng chỉ đạo cho từng bộ phận. Bởi, chống dịch là cả một hệ thống nên không chỉ phụ thuộc vào những người chuyên trách về dịch, mà với phương hướng chỉ đạo tất cả mọi người, mọi chuyên khoa phụ trách đều phải hiểu về dịch và làm được. Với vốn hiểu biết và kinh nghiệm sâu rộng về thực tiễn, ông đứng giảng hàng giờ, giải quyết tất cả các khúc mắc cho toàn thể khối trung tâm, phối hợp khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, khoa Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh tại trung tâm, cầm tay chỉ việc cho anh em tuyến xã. Những lúc như vậy là những lúc ông sống hết mình nhất với niềm tin và tình yêu nghề truyền đạt lại những kinh nghiệm quý báu đã được chắt lọc qua nhiều năm công tác trong nghề. Do nắm vững phương hướng chỉ đạo và thực tiễn tình hình nên mặc dù với quân số ít ỏi, hiện tại TTYT huyện Đông Anh vẫn luôn kiểm soát tốt trong mỗi đợt dịch.

Sau mỗi đợt dịch, ông chủ động tổ chức họp rút kinh nghiệm đánh giá tình hình và tìm ra giải pháp để khắc phục vướng mắc. Bằng chứng càng rõ hơn khi bùng lên đợt dịch thứ 4, xảy ra vào ngày 29/4/2021 tại khu Trung, thôn Lỗ Giao xã Việt Hùng, với sự biến chủng của virus và lịch sử đi lại phức tạp của F0 gây khó khăn cho việc truy vết. Và càng khó khăn hơn nữa khi ngày 5/5 tiếp tục bùng lên ổ dịch ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nằm trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Với kinh nghiệm đã rút ra từ những đợt trước, ông tham mưu với Huyện ủy và Ban chỉ đạo huyện về công tác phòng chống dịch bệnh. Một mô hình mới xuất hiện lần đầu tiên trên cả nước. Mô hình chống dịch “3 lớp” cụ thể: lớp 1 là siết chặt cách ly những gia đình F1, toàn bộ F2 và người đi đến ở vùng dịch. Ở vòng này, phân công lực lượng thường trực 24/24h. Lớp 2 là lập chốt kiểm soát sinh hoạt nội bộ tại các ngõ, xóm. Lớp 3 là khoanh vùng vòng ngoài đối với tất cả các thôn, làng, tổ dân phố với 1.611 chốt.

Với mô hình trên, huyện Đông Anh đã “khóa cứng” nguồn lây của dịch bệnh, song không ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Sự hiệu quả ở mô hình này góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh mà vẫn đảm bảo sự phát triển kinh tế. Với những đóng góp chống dịch từ thực tiễn và kinh nghiệm đã áp dụng trong thời gian vừa qua, kết quả thêm một lần nữa dịch đã được kiểm soát. Chiều ngày 16/5/2021, tập thể trung tâm và cá nhân đồng chí Nguyễn Tiến Cương đã vinh dự được khen tặng bằng khen của Thủ tướng chính phủ.

Là một người lãnh đạo quyết liệt trong công việc, nhưng với đồng nghiệp luôn là sự bao dung, đầy tình nghĩa. Tôi nhớ những ngày làm việc liên tục, các kíp thay phiên nhau ăn rồi làm, ông luôn túc trực tại trung tâm, vừa chỉ đạo các tình huống dịch vừa đôn đốc hậu cần chuẩn bị những bữa ăn đêm đảm bảo cho anh em nhân viên trong trung tâm. Mặc dù là lãnh đạo, nhưng ông không quản các công việc nhỏ để hỗ trợ thêm nhân viên, cùng đợi anh em xong việc, có khi đến 23-24h xong mới về, chưa kể những hôm phải ngủ lại ở cơ quan. Sự chu đáo cho nhân viên, chỉ đạo sắp xếp nhân lực phù hợp, thay phiên nhau làm để không bị mất sức trong khi làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn người.

Đau đáu một tâm nguyện khi cuộc chiến chống dịch vẫn nóng từng ngày

Ông luôn nói rằng: “Đến thời điểm này, không phải mình chọn nghề mà là nghề đã chọn mình theo con đường này, âu cũng là một cái nghiệp của tôi”. Vâng, chính cái nghiệp ấy đã khiến một con người dành cả cuộc đời mình hết lòng vì người bệnh. Đó là điều mà bác giám đốc vẫn hay thường căn dặn những y bác sĩ trẻ chúng tôi.

Trong khi tình hình dịch bệnh tại Đông Anh đã và đang được kiểm soát tốt, thì đâu đó trên khắp lãnh thổ Việt Nam các tỉnh thành vẫn tới tấp những con số báo hiệu đầy lo âu về tình hình dịch bệnh mới. Do đó, tôi vẫn thấy đôi mắt đó trũng sâu đen xạm lại vì triền miên thiếu ngủ, vì lo nghĩ cho những kịch bản và dự phòng dịch bệnh trong thời gian sắp tới. Có lẽ chỉ khi kết thúc dịch bệnh COVID-19 mới thực sự có thể có một giấc ngủ trọn vẹn! 

  • Tags: