Người về từ trận đánh tàu Maddox

Kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống Đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam: Nhân dân ta tôn vinh, Tổ quốc ta ghi công những người con yêu quý, quả cảm đã quên mình chiến đấu vì độc lập tự do, giải phóng đất nước...

Nhân dân ta tôn vinh, Tổ quốc ta ghi công những người con yêu quý, quả cảm đã quên mình chiến đấu vì độc lập tự do, giải phóng đất nước. Thuyền trưởng tàu HQ339 Nguyễn Văn Giản là một trong những người con như vậy.

LTS: Cách đây 57 năm, ngày 2 và 5-8-1964, Hải quân nhân dân Việt Nam lần đầu tiên ra quân đối đầu với hải quân và không quân Mỹ, đã chiến đấu mưu trí và dũng cảm, đánh đuổi tàu khu trục Maddox ra khỏi vùng biển Việt Nam, bắn rơi 8 máy bay trên vùng biển, vùng trời miền Bắc, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ. Chiến thắng trận đầu ấy cũng là sự khởi đầu của bản hùng ca oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam, ghi mốc son lịch sử vào truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Nhân kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, Báo Nhà báo & Công luận xin trân trọng giới thiệu bài báo “Người về từ trận đánh tàu Maddox” của Nhà báo, Phó Chủ tịch thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi đăng trên Báo Hànộimới mới năm 2014. Bài báo ghi lại cuộc tái ngộ sau 20 năm đầy xúc động của nhà báo Hồ Quang Lợi và cựu chiến binh Nguyễn Văn Giản – người đã tham gia vào trận đánh tàu Maddox hơn nửa thế kỷ trước. Với “Người về từ trận đánh tàu Maddox”, độc giả sẽ có cơ hội hiểu thêm về một nhân chứng lịch sử cũng như về một chiến công đã đi vào huyền thoại của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Cuộc tái ngộ sau 20 năm

Con đường vào nhà bác Nguyễn Văn Giản - người đánh tàu Maddox 50 năm trước - đã thay đổi rất nhiều. Tôi cố hình dung lại khung cảnh ngày trước, cách đây đúng 20 năm khi lần đầu tiên vợ chồng tôi vào thăm nhà bác Giản. Hôm đó, trên con đường đất mịn, có hàng rào râm bụt hoa đỏ, lá xanh mướt, trong nắng chiều lộng gió biển Đồ Sơn, anh Khắc Tuế, nguyên Trưởng đoàn văn công quân đội, nắm tay tôi chỉ: "Làng mình kìa. Mình vừa gặp người bạn chiến đấu từ thời trai trẻ. Nhà báo có biết đó là ai không? Người đã từng đánh nhau với tàu Maddox đấy".

Nhà báo Hồ Quang Lợi và cựu chiến binh Nguyễn Văn Giản - người đánh tàu Maddox 57 năm trước.

Một thoáng ngạc nhiên đến sững sờ. Anh đấy ư? Nước da đen sạm nắng gió, mái tóc điểm bạc, người hao gầy, chiến tranh thật kỳ lạ! Nó tạo ra những tình huống đặc biệt, tôi luyện, nhào nặn con người, có khi biến những con người rất bình thường thành những người phi thường.

Còn bây giờ, con đường đất năm nào nay đã đổ bê tông, hàng rào râm bụt cũng không còn. Mà gia cảnh nhà bác Giản cũng đã khác trước nhiều. Năm đó, vợ tôi đang mang thai cháu Thủy Tiên. Hôm nay, Thủy Tiên đã là cô gái tròn 20 tuổi, cùng bố mẹ và bác Khắc Tuế về xã Hợp Đức, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng thăm bác Giản. Chúng tôi bước vào căn nhà mái bằng. Bác Giản đây ư? Con người hoạt bát, lạc quan, tràn đầy sinh lực mà tôi gặp 20 năm trước đâu rồi? Trước mắt tôi là một cụ già, run lẩy bẩy, thấy tôi vào, cố đứng lên nhưng không thể. Nhận ra tôi, bác choàng tay ôm chặt, rồi khóc nức nở. Đôi vai gầy rung lên bần bật. Nỗi xúc động dâng trào. Nước mắt tôi trào ra. Cháu Thủy Tiên cũng khóc. Bác Giản bị đột quỵ nặng từ mấy năm nay, phải ngồi xe lăn. Không nói được thành lời, nhưng bằng những âm thanh nặng nhọc và ngắt quãng cùng bàn tay ra hiệu, tôi hiểu bác rất xúc động gặp lại chúng tôi.

Tàu Maddox! Trận đánh đó không giống bất cứ trận đụng đầu nào khác trong lịch sử chiến tranh. Đó là lần xung trận đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam rất non trẻ, mà lại với một đối thủ có tiềm lực hải quân mạnh nhất thế giới. Hẳn mọi người đã biết rõ vụ tàu Maddox là một màn kịch được đối phương bố trí sẵn để lấy cớ phát động cuộc chiến tranh nhằm hủy diệt miền Bắc Việt Nam.

Đúng nửa thế kỷ đã qua rồi. Con người của sự kiện ấy - một sự kiện có nhiều nét phiêu kỳ dường như là huyền thoại - đang hiển hiện trước mắt tôi. Cách đây 50 năm, Nguyễn Văn Giản là một trung úy, thuyền trưởng tàu HQ339, con tàu đã đi vào lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam. Nhập ngũ năm 1951, anh đã chiến đấu hàng trăm trận trong kháng chiến chống Pháp, bị thương 4 lần, chuyển về công tác ở Quân chủng Hải quân từ năm 1960. Chàng trung úy đẹp trai, quả cảm đó bây giờ đã 80 tuổi, đang chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo trong những ngày cuối đời.

Trận đánh lịch sử

50 năm trước, ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh phá hoại hiện về mồn một trong tôi. Ngày đó, tôi còn là một cậu bé học sinh phổ thông làng Quỳnh. Ngày 5/8/1964, cả làng tôi đang yên giấc ban trưa, thì bỗng có những tiếng động như sấm rền xé ngang bầu trời. Rồi những chiếc máy bay phản lực đầu tiên xuất hiện. Giống hệt như động làng, hết thảy mọi người chạy ùa ra đồng, nằm ép xuống các luống khoai, lấy dây khoai phủ kín lên người. Ngày đó, ít người quê tôi biết rõ thực chất vụ tàu Maddox diễn ra cách không xa bờ biển Quỳnh Lưu quê mình.

Lần đầu gặp nhau 20 năm trước, trong câu chuyện thân tình, anh Giản kể cho tôi nghe hai trận đánh đầu tiên dũng cảm vô song của Hải quân ta trong vịnh Bắc bộ.

Đêm 1/8/1964, tàu HQ339 của anh Giản cùng hai tàu khác là HQ336, HQ333 được lệnh khẩn cấp hành quân từ căn cứ Vạn Hoa vào vùng biển miền Trung, nơi có tàu địch đang trắng trợn xâm phạm lãnh hải của Tổ quốc.

Mờ sáng 2/8, các tàu của ta tới Lạch Trường. 8 giờ sáng, sở chỉ huy Lạch Trường cho biết là tàu địch đã xuất hiện. Ba tàu ta lập tức di chuyển từ Lạch Trường ra Hòn Mê. Vừa ra khỏi Lạch Trường, tàu ta thấy một chiếc tàu lớn lừng lững chạy từ phía nam tới, cứ ngỡ đó là tàu buôn nước ngoài. Mãi tới 12 giờ trưa, cấp trên báo cho biết đó chính là tàu Maddox. Chiếc tàu khu trục này dài hơn 100m, rộng 15m, được trang bị tên lửa hải đối hải, hải đối không, hải đối đất, được 5 máy bay yểm hộ. Trong lúc đó, các tàu hải quân của ta chỉ dài 20m, được trang bị 2 quả ngư lôi nặng hơn một tấn và phải phóng từ khoảng cách dưới 500m.

Theo cách đánh bài bản, thông thường, các tàu ta phải có không quân, pháo mặt đất, các tàu khác yểm hộ. Ba tàu của ta đang lướt tới thì 9 khẩu pháo lớn trên tàu Maddox đồng loạt phát hỏa. Các tàu ta luồn lách tránh đạn địch. Tàu HQ339 đột ngột rẽ sang trái rồi nhằm sườn tàu Maddox lao tới. Cách tàu Maddox gần 200m, tàu HQ339 phóng một lúc 2 quả ngư lôi. Tiếp đó, ở mạn phải, hai tàu HQ336, HQ333 cũng phóng 4 quả ngư lôi. Tàu Maddox hốt hoảng chạy ra xa, và ngay sau đó, một đàn máy bay phản lực lao tới điên cuồng tấn công 3 mục tiêu nhỏ nhoi đơn độc trên biển.

Trận đánh không cân sức giữa chúng tôi với hải quân và không quân Mỹ diễn ra từ trưa đến chiều. Hôm sau, đài phương Tây đưa tin hôm đó ta bắn rơi một máy bay, bắn bị thương 2 chiếc. Tàu HQ339 bị trúng đạn 20 ly của máy bay địch. Trước đó, nó đã bị hàng trăm vết thương do pháo từ tàu Maddox.

Trên tàu, 9 chiến sĩ hy sinh và bị thương, chỉ 2 người còn sức chiến đấu, trong đó có anh Giản. Có những lúc, máy bay địch sà xuống quá thấp, súng lớn hết đạn, người thuyền trưởng đã phải rút súng ngắn bắn máy bay. Để che mắt địch, trung úy Giản ra lệnh nổ 4 thùng khói mù, cho rút chốt 60 quả lựu đạn để sẵn sàng đánh "giáp lá cà" với tàu địch. Và cũng chính vì 4 thùng khói mù đó mà hai tàu bạn tưởng HQ339 đã bốc cháy và chìm.

Chỉ còn lại một mình đơn độc trên biển, lại bị hỏng máy và mất phương hướng, số phận của HQ339 vô cùng mong manh. Anh Giản cùng bí thư chi bộ Đinh Xuân Tòng động viên các chiến sĩ bị thương cố sức chữa máy. May sao họ chữa được máy trước lúc mặt trời lặn và tàu cứ nhằm hướng tây mà tiến với hy vọng phía đó là đất liền. Và rồi đất liền hiện ra trước mắt, nhưng không biết đây là ta hay địch, miền Bắc hay miền Nam. Anh Giản ra lệnh phát tín hiệu hỏi: "Anh là ai?". Trên đất liền cũng hỏi lại: "Anh là ai?". "Tôi là Nguyễn Văn Giản, thuyền trưởng HQ339 vừa chiến đấu trở về".

Tàu HQ339 quyết định trả lời. "Các anh chờ, chúng tôi sẽ cho thuyền ra đón", đất liền đáp.

Trận đánh ngày 2/8 là một trang sử vô cùng oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam. Báo chí phương Tây bình luận đây là một trận đánh có một không hai trên biển.

Trở về căn cứ, một hôm anh Giản được mời lên Hà Nội. Ở đó, người thuyền trưởng HQ339 dũng cảm được Bác Hồ mời ăn cơm, được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Anh không sao quên được giây phút sung sướng khi được mời ngồi trên lễ đài kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1964, bên cạnh Chủ tịch Đảng Cộng sản Venezuela. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp giới thiệu anh với vị khách quốc tế, ông đã xúc động ôm hôn và tặng anh Giản tấm huân chương "Tổ quốc hay là chết".

Trận chiến gần đảo Long Châu

"Trong chiến tranh, không phải mọi trận đánh đều kết thúc theo ý muốn của ta", hôm đó, giọng anh Giản trở nên trầm ngâm. Trận đánh trên biển 1/7/1966 cách đảo Long Châu 6 hải lý là một trận đánh như vậy.

Hôm đó, được tin tàu chiến địch tiến sâu vào vùng biển ta, ba tàu HQ339, HQ336, HQ333 được lệnh xuất kích. Vừa trông thấy tàu ta, 4 tàu khu trục của địch tiến vào, lùi ra, rập rình cố kéo ta ra xa bờ. Một lúc sau, chúng mất hút. Đúng lúc này, hàng tốp máy bay địch lao tới vây đánh 3 tàu của ta.

Trận chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt và không cân sức. Ba tàu của ta đánh trả rất dũng cảm, nhưng rồi một tàu bị trúng bom vỡ tan, 2 tàu còn lại bị thủng, chìm dần. Riêng tàu 339 bị nước ngập chỉ còn 20cm. Hàng đàn cá mập ngửi thấy mùi máu lao tới vây quanh. Đúng lúc đó, 4 tàu khu trục địch quay lại cùng với máy bay trực thăng. Các chiến sĩ ta đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Anh Giản và 19 chiến sĩ còn sống (trong số 50 người) rơi vào tay địch. Chúng đưa về giam ở trại Hòa Cầm, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Có lẽ vì kiêng nể tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ ta, nên bọn địch không đánh đập, tra tấn gì. Chúng chỉ tìm mọi cách để mua chuộc dụ dỗ các chiến sĩ ta từ bỏ lý tưởng chiến đấu của mình để hợp tác với chúng.

Trong tù anh Giản vẫn tìm cách tổ chức sinh hoạt chi bộ, động viên nhắc nhở nhau phải luôn luôn cảnh giác để không mắc bẫy địch. Đầu tháng 10/1968, để đổi lấy giặc lái, địch trao trả các chiến sĩ ta. Chúng phóng thích làm 3 đợt, anh Giản được trao trả ở đợt cuối cùng.

Những kỷ niệm thời chiến tranh một lần nữa lại làm anh xúc động.

Bình thường và phi thường

Tôi còn nhớ 20 năm trước, hôm đó, chúng tôi đang chuyện trò thì chị Phương, vợ anh Giản, đi làm về. Tuy mái tóc đã đốm bạc, nhưng trên khuôn mặt chị vẫn còn những nét hoa xưa. Chị là cán bộ phụ nữ từ thời chống Pháp, nay về hưu cùng anh Giản làm thêm ruộng khoán.

Chị tâm sự: "Những ngày thắc thỏm lo âu nhất của đời tôi là những ngày anh Giản rơi vào vòng tay địch, bị chúng đưa đi giam cầm ở đâu không rõ. Thú thực với anh, có lúc tôi không dám tin rằng vợ chồng tôi còn được gặp nhau. Bây giờ, được sống với nhau, nhưng nào đã hết lo toan. Bốn đứa con thì hai đứa bị tâm thần, đời sống còn nhiều khó khăn lắm, năm nào cũng thiếu ăn vài ba tháng. Chính vì thế, vợ chồng tôi vẫn phải cày cấy thêm để đỡ đần cho chúng nó".

Nghe vợ nói vậy, anh Giản chạy ra vườn hái một túi hồng xiêm đầy vào mời chúng tôi. Anh nói: "Vài năm trước, có một nhà sử học Mỹ muốn gặp tôi để tìm hiểu thêm những trận đụng đầu đầu tiên giữa hải quân ta và hải quân Mỹ. Tôi nghĩ, có thể sau chiến tranh, các học giả Mỹ muốn dựng lại bức tranh chân thực hơn về những sự kiện trong vịnh Bắc bộ tháng 8/1964. Đó là công việc của họ, còn tôi về hưu từ năm 1981, tham gia 2 khóa Đảng ủy ở địa phương, ngày ngày còn phải ra đồng".

Chiều hôm đó, vợ chồng anh Giản tiễn tôi ra tận ngõ, nắm tay tôi rất chặt. Bước đi trên đường làng Hợp Đức, tôi miên man nghĩ về những con người quả cảm làm nên những sự tích phi thường trong chiến tranh. Nay những con người đó lại trở về với cuộc sống bình dị và họ lại sống như muôn vàn những người bình thường khác. Chiến tranh là vậy và cuộc sống là vậy! Không ai có thể làm mãi một người phi thường. Và biết làm những điều bình thường trong đời thường lại là điều đáng ngưỡng mộ ở những con người đã làm nên những sự tích phi thường.

Bác Giản bỗng giật nhẹ áo tôi, nói nhưng tiếng đứt quãng và giơ tay ra hiệu muốn một điều gì đó. Mọi người nhìn nhau. Chị Phương chạy đến mở tủ và lấy ra bộ quân phục hải quân, quân hàm đại úy, Huân chương Chiến công. Bác Giản gật đầu. Tôi giúp bác mặc lại bộ quân phục gần gũi, thân thương của cuộc đời chiến trận, nét mặt bác vui hẳn lên.

Tôi nhớ, 20 năm trước, anh chị tiếp tôi trong một ngôi nhà cấp 4, hôm nay nếu tiện, xin chị đưa tôi sang đó - tôi vừa ngỏ lời thì chị Phương nắm tay dẫn tôi đi ngay. Vẫn là căn nhà xưa, nhưng bây giờ đã xuống cấp nhiều, có phần lạnh lẽo. Cả hai đứa con bị tật nguyền của anh chị cũng đã qua đời. Trong ngăn kính chiếc tủ chè bình dị mà ta vẫn thấy ở bất cứ một gia đình nông thôn miền Bắc nào vẫn còn chiếc huân chương "Tổ quốc hay là chết" do nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Venezuela tặng anh Giản ngày 2/9/1964. Trên bức tường đối diện là hai tấm Huân chương Chiến công, trong đó, có một tấm hạng Nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sau trận đánh ngày 2/9/1964.

Chiều 4/8/2014 vừa rồi, anh Khắc Tuế chạy sang gặp tôi. Anh vui vẻ thông báo: "Hôm trước, ông Nguyễn Ngọc Tương, Chuẩn đô đốc, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân, rồi sau đó lãnh đạo địa phương đã đến thăm bác Giản rồi". Lòng tôi càng thấy vui hơn khi sáng 5/8, đọc Báo Hànộimới thì được biết, trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 50 năm Hải quân nhân dân Việt Nam chiến thắng trận đầu, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát lại những trường hợp đã lập chiến công trong chiến thắng trận đầu nhưng chưa được khen thưởng xứng đáng, báo cáo về Quân ủy Trung ương.

Tôi và anh Khắc Tuế thỉnh thoảng gặp nhau, bao giờ câu đầu tiên cũng là: "Bác Giản thế nào rồi?". Quả thật, sức khỏe người anh hùng của trận đánh tàu Maddox 50 năm trước nay đã rất yếu.

Nhân dân ta tôn vinh, Tổ quốc ta ghi công những người con yêu quý, quả cảm đã quên mình chiến đấu vì độc lập tự do, giải phóng đất nước. Thuyền trưởng tàu HQ339 Nguyễn Văn Giản là một trong những người con như vậy.

  • Tags: