Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đã phanh phui ra rất nhiều vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng.
Qua đó đã khởi tố nhiều người có chức vụ. Đáng lưu ý các cơ quan tố tụng đã chứng minh trong một số vụ án xuất hiện tình trạng thông đồng móc ngoặc của một số cán bộ thoái hóa biến chất trong khu vực công và khu vực tư, có hành vi “đưa – nhận hối lộ” , “bảo kê” của cán bộ đối với tội phạm, … gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn. Thực tế này đặt ra những nhiệm vụ nặng nề mới cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thời gian tới đây.
“Bảo kê, sân sau”… hiện diện trong không ít đại án
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 3 vừa qua, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an, đã hé lộ những thông tin chi tiết về vụ đại án buôn lậu 2,7 triệu lít xăng dầu giả tại các tỉnh phía Nam.
Nhận diện một số thủ đoạn “bảo kê”, “sân sau”, đưa – nhận hối lộ qua một số đại án
Một thông tin đáng chú ý trong vụ án này mà Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, hoạt động buôn lậu xăng dầu đã diễn ra rất lâu và trên quy mô rộng, thủ đoạn hết sức tinh vi, có sự tham gia của một số cá nhân, tổ chức bảo kê…
Liên quan đến vụ án này, tính đến ngày 31-3, Cơ quan Công an đã khởi tố 52 bị can về tội buôn lậu, 1 bị can về tội nhận hối lộ. Đặc biệt, trước đó ngày 17-2, Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Văn Thụy – Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan – về tội nhận hối lộ.
Trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan, ngày 17 – 3, cơ quan điều tra đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 2 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn đối với ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic).
Những vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung (cự Chủ tịch UBND TP. Hà Nội), dư luận luôn đặt ra câu hỏi: ông Chung có sự ưu ái đặc biệt nào với doanh nghiệp thân hữu hay không?
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, quá trình điều tra mở rộng vụ án xác định ông Nguyễn Đức Chung và ông Nguyễn Trường Giang đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Watch Water – CHLB Đức qua Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Điều đáng nói là trong vụ án này, thời điểm mà Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua hàng theo kiểu độc quyền, Công ty ARKTIC chỉ mới được 9 tháng tuổi và chưa có kinh nghiệm gì về xử lý ô nhiễm. Công ty A Arktic do Ông Đào Xuân Tấn và ông Nguyễn Đức Hạnh (con trai ông Chung) thành lập vào tháng11-2015, địa chỉ số 12 Đặng Tiến Đông, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội (địa chỉ nhà riêng ông Nguyễn Đức Chung) trước khi được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Trường Giang và bà Nguyễn Thị Bích Hằng tháng 7-2016. Điều này khiến dư luận không khỏi đặt ra những câu hỏi: ông Chung có sự ưu ái đặc biệt nào với doanh nghiệp thân hữu hay không?
Hay, một vụ án khác cũng liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung – vụ án Nhật Cường Mobile, đâu đó chúng ta cũng thấy bóng dáng của bảo kê, sân sau. Bởi, với một công ty non trẻ như Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (mới chính thức hoạt động từ năm 2016) thì không thể đủ tầm vóc, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ như các đại gia Bkav hay FPT… để được tham gia vào các dự án công nghệ của thủ đô, thậm chí “nguy cơ” trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển vĩ mô của Thủ đô với hàng loạt dự án công nghệ lớn của thành phố Hà Nội: từ cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến đến phần mềm hộ chiếu online, và đặc biệt nhất là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp… Dư luận đặt dấu hỏi, ai đã bảo kê cho Nhật Cường để doanh nghiệp non trẻ này qua mặt hàng loạt đại gia công nghệ để trúng thầu những dự án lớn?
Liên quan đến vụ án này, cơ quan công an đã khởi tố hàng loạt cán bộ TP Hà Nội như: Nguyễn Văn Tứ (chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, cựu giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội), bà Phạm Thị Thu Hường (chánh Văn phòng Sở KH&ĐT), Ông Nguyễn Tiến Học (cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT), bà Phạm Thị Kim Tuyến (trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT)… về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi nói đến sự câu kết, móc nối, tiếp tay, bảo kê… để trục lợi không thể không kể đến những vụ án nâng khống thiết bị y tế ở CDC Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai…
Thực ra câu chuyện “bảo kê, sân sau” không phải bây giờ mới có. Bởi, quá khứ chúng ta đã từng chứng kiến nhiều vụ án cho thấy có sự móc nối, tiếp tay, bảo kê… của các quan chức từ địa phương đến chung ương như: vụ Phan Văn Anh Vũ, vụ đất vàng 8-12 Lê Duẩn, vụ AVG, vụ đánh bạc nghìn tỷ của Phạm Sào Nam… Tuy nhiên tới nay thì tình trạng này có thể nói là ở mức nghiêm trọng, thậm chí là rất nghiêm trọng.
Đưa – Nhận hối lộ…ngày càng tinh vi
Đi liền với “bảo kê, sân sau” là tình trạng tham nhũng, hối lộ…, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm sai lệch hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền. Nguy hiểm hơn, ở khu vực tư (khu vực ngoài nhà nước) tham nhũng, hối lộ… đang dần giết chết sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, khiến cho kinh tế tư nhân đúng nghĩa không còn cơ hội cạnh tranh sòng phẳng.
Báo động hơn, những hành vi hối lộ ngày càng biến hoá một cánh tinh vi và khó lường. Nếu như trước đây, hành vi Đưa – Nhận hối lộ của các đối tượng thường chỉ đơn thuần là sự trao đổi trực tiếp giữa kẻ đưa người nhận, thì nay thủ đoạn rất tinh vi, mang tính chuyên sâu nghiệp vụ, qua nhiều trung gian, hình thức đa đạng hơn rất nhiều… khiến cho công tác điều tra, truy vết tội phạm này vốn đã khó càng thêm khó.
Đưa – Nhận hối lộ ngày càng biến hoá một cánh tinh vi khó lường… khiến cho công tác điều tra, truy vết tội phạm này vốn đã khó càng thêm khó. ( 2 công chức Hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn bị khởi tố và bắt tạm giam liên quan đến vụ buôn lậu thuốc bắc)
Điển hình như trong vụ án buôn lậu xăng dầu, theo Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, việc đưa hối lộ với thủ đoạn rất tinh vi, mang tính khá chuyên sâu nghiệp vụ, thậm chí hối lộ nhưng không gặp trực tiếp, mà quy định với nhau như là một điểm hộp thư chết và giao tiền bí mật. Một người đưa một cục tiền hằng tháng đến và một người khác đến nhận. Hoặc đưa những tài khoản thông nhau, ví dụ cho người này lập các tài khoản, ở bên cạnh gửi tiền là có tài khoản rút tiền ra, thủ đoạn rất tinh vi.
Hay, trong vụ án “buôn lậu; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn, và một số tỉnh thành, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an xác định đã có một số dấu hiệu hình sự của tội “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” của nhiều cán bộ, công chức ngành hải quan, quản lý thị trường và công an tại nhiều tỉnh, thành phố.
Trong vụ án này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ hành vi buôn lậu của 19 bị can và hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của 2 bị can, nguyên là lãnh đạo, cán bộ Chi cục hải quan cửa khẩu Chi Ma là Chu Bá Toàn, Chi cục phó; và Hoàng Thanh Sơn, cán bộ.
Đáng chú ý, Lâm Đình Hưng – Giám đốc Công ty NHH xuất nhập khẩu Hà Bắc và đồng phạm khai đã chung chi cho nhiều cán bộ trong quá trình khai báo hải quan, vận chuyển đưa đi tiêu thụ. Cụ thể, khi mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã đưa từ 1-2 triệu đồng cho cán bộ hải quan để làm thủ tục nhập cảnh; chung chi 2 triệu đồng/chuyến xe cho cán bộ của Trạm kiểm dịch thực vật Chi Ma.
Ngoài ra, Hưng còn khai để được tạo thuận lợi trong quá trình vận chuyển hàng hóa là thuốc bắc xếp lẫn với hoa quả khô vào sâu nội địa, Hưng và đồng phạm đã tiếp tục gặp gỡ đưa tiền cho các bộ công an, quản lý thị trường tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.
Đáng lưu ý, kết quả trích xuất dữ liệu máy tính của Lâm Đình Hưng và điện thoại một số đồng phạm thể hiện từ ngày 25-3 đến 30-11-2019, các bị can này đã đưa cho ông Chu Bá Toàn tổng số tiền 1,5 tỉ đồng. Ngày 30-7-2019 Hưng đưa cho Toàn và ông Hoàng Văn Quân, khi đó là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, 300 triệu đồng
Những ngày bị can nhận tiền đều trùng khớp với ngày phát sinh cuộc gọi giữa bị can với Hưng và Quang. Tuy nhiên, bị can Chu Bá Toàn không thừa nhận và không có không có chứng cứ khác để chứng minh nội dung trên, nên chưa đủ căn cứ xác định Chu Bá Toàn đã nhận hối lộ.
Bên cạnh đó, tài liệu thu thập được từ máy tính xách tay của Lâm Đình Hưng thể hiện từ ngày 24-1 – 8-11-2019, Hưng đã đưa cho ông Hoàng Văn Quân, khi đó là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, số tiền hơn 1,2 tỉ.
Trong đó, 500 triệu đồng được ghi nội dung “đưa sếp quân chung nhau mua đất Lạng Sơn” và số tiền 300 triệu ghi nội dung “chi anh Toàn + anh Quân tháng 7 dương”.
Ông Quân khai có nhận 500 triệu từ Hưng để chung nhau mua đất tại Lạng Sơn, ngoài ra còn nhận 1 tỉ do Hưng gửi vào tài khoản của vợ ông. Số tiền trên ông Quân đã dùng 1,25 tỉ đồng để mua đất của 5 hộ dân tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Toàn bộ giấy đặt cọc đều ghi tên người mua là vợ ông Quân. Số tiền còn lại 250 triệu đồng, ông Quân vẫn đang quản lý.
Đối với những số tiền khác theo ghi chép tại máy tính của trùm buôn lậu thì ông Quân không thừa nhận. Hiện nay, ông Hoàng Văn Quân có đơn nộp lại số tiền đã nhận của bị can Lâm Đình Hưng để chung nhau mua đất.
Theo kết luận điều tra, lời khai của các bị can Lâm Đình Hưng cũng như tài liệu điều tra liên quan đến việc đưa nhận tiền chỉ là một chiều, ngoài ra không thu thập được tài liệu nào khác để xác định việc này. Trong khi đó, những người liên quan đến việc nhận tiều đều phủ nhận. Do thời hạn điều tra đã hết và để đảm bảo thận trọng, khách quan, không bỏ lọt tội phạm, C03 đã quyết định tách tài liệu có dấu hiệu tội đưa, nhận hối lộ để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đây, Ttrong vụ án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ của Phan Sào Nam và cá đồng phạm, trong quá trình bị điều tra bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã cho tướng Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; chi cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; chi cho tướng Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát.
Khai với cơ quan điều tra, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu… nhưng không nhận tiền. Do đó, cơ quan điều tra chỉ khẳng định việc Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, chưa có căn cứ làm rõ việc tướng Vĩnh, tướng Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương…
Thay lời kết
Qua một số vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng đã bị khởi tố vừa qua, chúng ta có thể thấy rõ sự móc nối của một số cán bộ thoái hóa biến chất giữa hai khu vực trong và ngoài nhà nước tạo thành chu trình khép kín, lợi dụng các khe hở của cơ chế, chính sách để hoạt động phạm tội.
Nguy hiểm hơn, đi liền với sự móc nối, tiếp tay, bảo kê, sân sau là tình trạng tham nhũng, hối lộ… đang ngày ngày giết chết sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, khiến cho kinh tế tư nhân đúng nghĩa không còn cơ hội cạnh tranh sòng phẳng.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế. Thực tế này đặt ra những nhiệm vụ nặng nề mới cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thời gian tới đây.