Tín dụng đen và những biến tướng của nó đã và đang gây ra những hệ lụy khôn lường trong xã hội. Qua công tác xét xử tội phạm liên quan đến tín dụng đen thời gian qua chúng tôi nhận thấy những biểu hiện và thủ đoạn của hoạt động này để các cơ quan chức năng và người dân nâng cao cảnh giác.
Nhận diện tín dụng đen
Đối với nhiều người, “tín dụng đen” đơn giản chỉ là cho vay nặng lãi, tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, hoạt động “tín dụng đen” không chỉ đơn giản như vậy. Về mặt pháp lý thì chưa có khái niệm thế nào là “tín dụng đen” nhưng có thể hiểu đó là hoạt động cho vay vốn bất hợp pháp, không phù hợp với các quy định của pháp luật. Có thể dễ dàng nhận thấy các biểu hiện và hình thức của hoạt động “tín dụng đen”.
Về thủ tục cho vay: Thủ tục vay và cho vay rất đơn giản, có thể có tài sản thế chấp, có thể không cần tài sản thế chấp; việc vay và cho vay dựa trên sự tin tưởng nhau hoặc ràng buộc bằng các “quy tắc ngầm” của các đối tượng giang hồ ngoài xã hội. Thực tế xét xử cho thấy, đối tượng đi vay tiền thường sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ, bằng cấp của cá nhân… để cầm cố, thế chấp vay tiền. Cá biệt có trường hợp còn câu kết với các đối tượng ngoài xã hội hoặc trên mạng Internet dùng công nghệ in màu để làm giả thẻ Đảng, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ bổ nhiệm chức vụ; làm giả các hợp đồng hoặc trộm cắp tài sản của người khác… để cầm cố, thế chấp nhằm vay tiền tín dụng đen.
Về hoạt động thì không phải người đi vay chỉ vay tiền các đối tượng ngoài xã hội mà cá biệt hoạt động tín dụng đen lại được thực hiện ở ngay trong nội bộ một số cơ quan, đơn vị, nhà trường…
Về lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay vượt mức lãi suất theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “ Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” thì: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền 200 triệu đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất thì: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (tức là 1,66%/tháng), trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất nêu trên (tức là 10%/năm; tương đương 0,83%/tháng) tại thời điểm trả nợ.
Với thực tế hiện nay, các chủ nợ nhỏ thường cho vay lãi 2.000 đồng/triệu/ ngày, tức là lãi suất 60.000 đồng/triệu/tháng (lãi 6%/ tháng); nếu lãi 3.000 đồng/triệu/ngày (lãi suất 9%/tháng); nếu lãi 4.000 đồng/triệu/ngày (lãi suất 12%/tháng). Đặc biệt, hoạt động cho vay trực tuyến (vay online) trên một số website, ứng dụng di động (app) có thể lên đến hàng trăm phần trăm trên một năm.
Như vậy, đối chiếu các quy định của pháp luật thì người nào cho vay với lãi suất: 05 lần x 1,66% tháng = 8,3%/ tháng trở lên và có thu lợi bất chính là có thể bị xử lý hình sự về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 BLHS 2015.
Về hình thức cho vay: Hoạt động cho vay hiện nay đã được các chủ nợ biến tướng bằng việc: Các hợp đồng, giao dịch vay tiền thường được soạn thảo và ký nhận với nội dung giả tạo để che dấu mức lãi suất bất hợp pháp và tạo điều kiện cho chủ nợ dễ dàng khống chế con nợ để thu được nợ đồng thời cũng là ràng buộc pháp lý để khi con nợ không trả được thì chủ nợ có thể đề nghị cơ quan pháp luật xử lý bằng hình sự với con nợ.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các hoạt động cho vay trực tuyến (vay online) đang phát triển rầm rộ qua các ứng dụng di động (app) hay các website với nhiều quảng cáo về thủ tục vay đơn giản, lãi suất vay luôn dưới 20%/năm, tức là dưới mức bị liệt là cho vay nặng lãi. Đến khi vay rồi thì hàng loạt các chi phí phát sinh đổ lên người vay dẫn tới mức lãi suất khủng khiếp. Đã có trường hợp, tin vào lời quảng cáo vay tiền 0% lãi suất, 0% phí tư vấn, giải ngân nhanh dưới 30 phút… nên người vay đã truy cập và điền đầy đủ các thông tin vào một website vay trực tuyến để vay 02 triệu đồng trong vòng 20 ngày. Hồ sơ vay nhanh chóng được duyệt qua ít phút. Sau khi người vay cung cấp ảnh chụp thẻ căn cước công dân và truy cập đường link dẫn đến trang facebook cá nhân thì tài khoản báo có 1.400.000 đồng; số tiền 600.000 đồng còn lại được bên cho vay giải thích là phí quản lý vay, phí hồ sơ, tiền lãi và nhiều khoản chi phí khác. Như vậy, với mỗi ngày vay tiền qua wibesite này, người vay đã mất phí 30.000 đồng/ngày; so với mức thực vay được là 1.400.000 đồng thì người vay đang phải chịu lãi suất lên đến 64%/tháng.
Nhiều thủ đoạn phức tạp
Qua một số vụ án vừa bị lực lượng Công an triệt phá gần đây cho thấy lãi suất vay có trường hợp còn lên đến cả nghìn % như qua ứng dụng “Vaytocdo”, người vay lần đầu chỉ được vay 1.700.000 đồng, nhưng thực tế nhận về chỉ là 1.428.000 đồng, công ty sẽ thu 272.000 đồng tiền phí dịch vụ. Trong 08 ngày, người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 đồng tiền lãi trong 08 ngày), nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.
Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1.500.000 đồng, nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 900.000 đồng, số còn lại là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 07 ngày. Sau 07 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1.500.000 đồng, nếu trả chậm 01 ngày sẽ bị phạt từ 2% đến 5%/ngày. Như vậy, với hình thức cho vay trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm
Ngoài ra, còn vô vàn các dịch vụ cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao khác như “Vayvay”, “Samsetvay”, “IDong”; “VDong; “One Click Money”; “DoctorDong”; “Scash”; “ATM Online”; “Online VĐồng”… đang hàng ngày hàng giờ “giăng bẫy” trên không gian mạng.
Đáng chú ý là trên thực tế, nhiều website hay app cho vay trực tuyến đang hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). Theo Ngân hàng Nhà nước “bản chất của vay ngang hàng, vay online là dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Mục đích loại hình cho vay này thường tập trung vào cho vay mua nhà, ô tô; tái cho vay thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho vay khởi nghiệp… Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa có quy định quản lý đối với mô hình này; do đó không ít cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi đang núp bóng P2P Lending để cho vay với lãi suất cắt cổ, kéo theo cách thức đòi nợ cũng mang đậm tính chất xã hội đen” [1]
Trong công tác xét xử thời gian gần đây nổi lên hiện tượng giao dịch mua bán tài sản nhằm che dấu giao dịch vay tài sản thông qua các hợp đồng giả tạo. Theo TS Đặng Thị Thơm- Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thì “Giao dịch giả tạo là giao dịch mà ý chí được biểu đạt ra ngoài khác với ý chí đích thực và có tồn tại sự khác biệt giữa kết quả thực tế đã thực hiện giao dịch so với mục đích của giao dịch dân sự được xác lập. Thực tiễn công tác đã cho thấy, các giao dịch dân sự về vay tài sản phát triển nhưng ngoài việc phải chịu lãi suất cao thì người đi vay thường phải ký kết với người cho vay giao dịch mua bán tài sản (giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc mua bán nhà) với giá chuyển nhượng (mua, bán) thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế”[2].
Những biểu hiện thường thấy
Qua xét xử một số vụ án cho thấy một số biểu hiện thường thấy khi chủ nợ cho vay là:
Thứ nhất, cho vay bất chấp mục đích vay của người vay là gì; không hạn chế thời gian vay vì lãi được tính theo ngày; có thể trả lãi 10 ngày/lần hoặc 01 tháng/lần hoặc theo thỏa thuận; tiền lãi kỳ đầu được khấu trừ ngay vào lần vay đầu tiên.
Hai là, không cần giữ tài sản thế chấp khi vay nhưng chủ nợ thường sẽ ghi trong hợp đồng vay nội dung: Quá thời hạn trả nợ nếu bên vay không trả được nợ thì bên cho vay có quyền thu hồi nhà, đất, tài sản của bên vay.
Ba là, không ghi mức lãi vay và mục đích vay đều được ghi thể hiện ở một số nội dung bình thường và chung chung như: để giải quyết công việc gia đình, để lấy tiền ăn học cho con; để chữa bệnh, để làm ăn, để đáo nợ, để xin việc…Các khoản vay được tách nhỏ (10, 20, 30… triệu đồng) ở các thời điểm khác nhau; mỗi lần vay, bên cho vay chỉ lập 01 giấy cho vay do bên cho vay giữ. Quá trình trả nợ, do lãi suất lớn nên người vay không trả được lãi thì các chủ nợ bắt đầu có các hoạt động biến tướng tinh vi hơn là:
– Trực tiếp hoặc dùng số đối tượng “xã hội đen”; tổ chức đòi nợ chuyên nghiệp cho người đe dọa; đánh đập hoặc tuy không đánh đập nhưng cho những đối tượng xăm trổ hung hãn mang theo băng rôn đòi nợ đến nhà riêng, nhà bố mẹ anh em, cơ quan, đơn vị của người vay tiền để gây áp lực trả nợ…
– Tiến hành gọi (hoặc bắt) người vay đến một địa điểm, đe dọa, khống chế đồng thời chủ nợ đưa ra một hợp đồng trong đó chủ nợ đã khoanh tổng nợ (gồm gốc, lãi) đến thời điểm đó. Sau đó, dưới sự chứng kiến của những người đã được chủ nợ hợp đồng trước; con nợ sẽ phải ghi, ký và điểm chỉ vào hợp đồng trong đó xác định con nợ đã nhận (có thể là 2-3 lần) một số lượng tiền của chủ nợ để chạy việc cho con, em, cháu chủ nợ vào biên chế một cơ quan nào đó; để xin chuyển vùng cho ai đó; để chạy chính sách cho một đối tượng nào đó hoặc vô vàn lý do “hợp lý” khác… Số lượng tiền con nợ nhận các lần là trùng khớp với số lượng gốc và lãi mà bên cho vay đã cho bên vay vay. Các giấy ghi từng lần vay tiền trước đó do chủ nợ giữ lúc này sẽ được hủy bỏ. Đáng chú ý là các hợp đồng này đều được bên thứ ba có trình độ pháp luật tư vấn giúp các đối tượng cho vay nên cơ bản đều đúng thể thức và nội dung của pháp luật; do đó nếu có tranh chấp ra Tòa án thì Tòa án cũng không thể tuyên hợp đồng vô hiệu được. Do không có tiền trả nợ, lo sợ bị cơ quan, đơn vị hoặc gia đình biết, sợ bị đánh đập, khủng bố tinh thần… nên các con nợ đều ký vào các hợp đồng này bất chấp lý do được các chủ nợ nêu lên là gì. Đến giai đoạn này sự việc thường diễn ra theo hai hướng là:
Nếu con nợ vay mượn người thân, bạn bè, bán nhà cửa tài sản để trả nợ thì: (1) Chủ nợ sẽ nhận nợ và xóa hết các giấy tờ đã lập trước đó; (2) Chủ nợ trì hoãn việc trả nợ của con nợ bằng các lý do đang đi vắng xa nhà, đang đi nước ngoài… để con nợ không tìm được chủ nợ để trả nợ nhằm kéo dài thời gian vay nợ để chủ nợ bòn rút hết tài sản của con nợ (các biểu hiện này vừa qua được báo chí nêu nhiều và diễn ra ở khu vực miền Trung Tây nguyên và các tỉnh phía Nam).
Nếu con nợ không trả được nợ và chủ nợ nhận thấy con nợ là cán bộ, công chức, là quân nhân… đang có vị trí công tác tốt thì chủ nợ làm đơn tố cáo người vay nợ đã lợi dụng vay tiền để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của bên cho vay. Các hợp đồng được lập trước đó giữa chủ nợ và con nợ về việc con nợ nhận tiền của chủ nợ để xin việc, làm ăn, đáo nợ… sẽ được con nợ phô tô gửi kèm để chứng minh. Đến giai đoạn này, người vay tiền có thể sẽ bán nhà, tài sản để trả nợ cho con nợ và sẽ bị cơ quan, đơn vị xử lý kỷ luật.
Thực tế thời gian qua cho thấy: Phần lớn người đi vay khi không có khả năng thanh toán gốc và lãi đều bỏ trốn khỏi địa phương để trốn nợ. Khi đó, các chủ nợ bắt đầu gửi đơn đến cơ quan điều tra để tố cáo người vay tiền lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi cơ quan điều tra tiến hành giám định các hợp đồng vay tiền thì chữ ký, điểm chỉ đều đúng là của người đi vay tiền. Lúc này, từ sự việc cho vay tiền bất hợp pháp ban đầu đã bị chuyển hóa thành vụ án hình sự và cơ quan tiến hành tố tụng rất khó khăn trong việc chứng minh để vạch trần thủ đoạn của đối tượng cho vay lãi. Cá biệt có một số người vay tiền khi bị chủ nợ ép buộc trả nợ nhiều lần, sợ cơ quan, đơn vị và gia đình biết nên đã tự tử để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Ngoài ra, trong thời gian qua ở một số cơ quan, đơn vị còn xảy ra hiện tượng thủ trưởng cơ quan, đơn vị tùy tiện ký tín chấp cho cán bộ, nhân viên cấp dưới vay tiền tại các tổ chức tín dụng nhưng sau khi vay không có khả năng thanh toán (nguyên nhân có thể là do người vay sử dụng tiền vay sai mục đích vay, dùng tiền vay được cho vay lại với lãi suất cao hơn hoặc sử dụng tiền vay được vào các mục đích bất hợp pháp khác) dẫn đến khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị. Có trường hợp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị do không kiểm tra nên đã ký khống hợp đồng vay cho cả các đối tượng không phải cán bộ, nhân viên của cơ quan mình nên dẫn đến nhiều trường hợp ngân hàng cho vay nhưng không thu hồi được tiền…
Do đó, để phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với những hoạt động của “tín dụng đen” trong đời sống và xã hội; cùng với việc các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng… đồng thời cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho các hoạt động cho vay, thế chấp, cầm cố tài sản… thì mỗi người dân cũng cần phải tỉnh táo trước khi quyết định tham gia vào các dịch vụ vay, mượn, huy động tiền trái quy định của pháp luật để tránh những hệ lụy tiêu cực xảy ra./.
Thượng tá LÊ TRUNG DŨNG (Phó Chánh án Tòa án quân sự Quân khu 2)
[1] https://dientungaynay.vn/tai-chinh-fintech/vay-online-hinh-thuc-tin-dung-den-tra-hinh-va-nhung-hau-qua-kho-luong
[2] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/giao-dich-mua-ban-tai-san-nham-che-giau-giao-dich-vay-tai-san